Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung, Trưa CN, 11.11.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Tin Mừng hôm nay (xc. Mc 12,38-44) là bài cuối cùng trong loạt bài Giáo Lý mà Chúa Giê-su đã đưa ra tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, và nhấn mạnh tới hai nhân vật đối nghịch nhau: viên Luật Sĩ và người góa phụ. Nhưng tại sao họ lại đối nghịch nhau? Thưa, viên Luật Sĩ là đại diện của những người quan trọng, giầu có và dư thừa; còn người kia – tức người phụ nữ góa bụa – lại là đại diện của những người cùng rốt, những người nghèo và những người yếu kém. Trong thực tế, lời kết án dứt khoát của Chúa Giê-su đối với những người Luật Sĩ không liên quan tới tất cả mọi cấp bậc, nhưng chỉ liên hệ đến những người luôn phô trương địa vị xã hội của mình, hay những người hãnh diện với tước vị “Rabbi”, có nghĩa là bậc thầy, hoặc những người thích được trọng vọng và được ngồi vào mâm nhất (xc. Mc 12,38-39). Tuy nhiên, vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn khi sự phô trương của họ lại liên quan đặc biệt đến vấn đề tôn giáo, vì – như Chúa Giê-su nói - họ còn “làm bộ đọc kinh lâu giờ” (Mc 12,40), vì họ lợi dụng Thiên Chúa để được công nhận là những người bảo vệ Lề Luật. Và hành vi coi mình là ưu việt và cao ngạo ấy sẽ đưa họ tới chỗ coi thường những người ít được nhắc tới, hay đang ở trong hoàn cảnh bất lợi về kinh tế, chẳng hạn như trong trường hợp của các bà góa.

Chúa Giê-su đã vạch trần bộ máy đồi bại ấy: Ngài tố cáo việc áp bức những kẻ yếu kém, mà việc áp bức ấy được thực hiện như một công cụ dựa trên nền tảng căn bản là những động cơ tôn giáo, và Ngài nói một cách rõ ràng rằng, Thiên Chúa luôn đứng về phía những con người cùng rốt. Và để neo chặt giáo huấn này vào trong tâm trí các môn đệ, Ngài đã đưa ra cho họ một mẫu gương sống động: Một góa phụ nghèo túng, địa vị xã hội của bà được coi là không đáng kể, vì bà không còn chồng nữa, tức người có thể bảo vệ quyền lợi cho bà, và vì thế dễ dàng trở thành con mồi cho các chủ nợ vô liêm sỉ, và những tên chủ nợ này lại chuyên truy bức những người yếu thế để đòi họ trả nợ. Người phụ nữ này chỉ có hai đồng xu, và đó là tất cả những gì bà sở hữu, để dâng vào kho bạc Đền Thờ, bà đã dâng cúng và cố gắng để đừng ai nhận ra việc làm của mình, hầu như bị hắt hủi. Nhưng ngay trong sự nhịn nhục ấy, bà đã thực hiện một điều có tầm quan trọng rất lớn về tôn giáo và đời sống thiêng liêng. Cử chỉ đầy hy sinh đó đã không bị lọt ra ngoài ánh mắt của Chúa Giê-su, hơn nữa, Ngài còn nhìn thấy lóe lên trong bà một sự trao hiến trọn vẹn mà Ngài muốn dậy cho các môn đệ của mình làm theo. 

Giáo huấn mà hôm nay Chúa Giê-su trao cho chúng ta sẽ giúp chúng ta tái đạt tới được điều căn bản trong cuộc sống của mình, và khuyến khích một mối tương quan cụ thể và hằng ngày đối với Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, chiếc cân của Thiên Chúa khác với chiếc cân của chúng ta. Ngài cân con người và những cử chỉ của họ theo một cách khác: Thiên Chúa không đo lường theo số lượng, nhưng theo chất lượng. Ngài khảo sát con tim và Ngài quan sát tính thuần khiết của những mục tiêu. Điều đó có nghĩa là, những gì chúng ta dâng cho Thiên Chúa trong cầu nguyện và trao cho người khác trong Đức Ái nên tránh thói duy lễ nghi và duy hình thức, cũng như tránh cho xa lô-gích tính toán, và phải trở thành một sự diễn tả về sự nhưng không, như Chúa Giê-su đã thực hiện cho chúng ta: Ngài đã cứu độ chúng ta cách nhưng không; Ngài đã không bắt chúng ta phải trả phí cho ơn cứu độ. Ngài đã cứu thoát chúng ta cách nhưng không. Và chúng ta phải thực hiện tất cả với tư cách là sự diễn tả của tính nhưng không ấy.

Vì thế, Chúa Giê-su đã chứng minh cho thấy, người góa phụ nghèo hèn và quảng đại đó chính là mẫu gương cho đời sống Ki-tô giáo, bởi mẫu gương của bà thật đáng noi theo. Chúng ta không biết tên bà là gì, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ rất muốn đi tới để chào bà. Con tim của bà: đó là điều đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ muốn phô trương bản thân mình, cũng như muốn viết một bộ sách về những cử chỉ vị tha của mình, nếu chúng ta quá muốn người khác chú ý tới mình – và xin cho phép Cha được dùng từ này – khi chúng ta trở nên như những con chim công, thì chúng ta hãy nhớ tới người phụ nữ đó. Điều đó sẽ thật có ích cho chúng ta: nó sẽ giúp chúng ta tránh được những điều không cần thiết để đi tới được điều mà nó thực sự đáng kể và vẫn khiêm nhượng.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ nghèo đã trao hiến toàn bộ bản thân mình cho Thiên Chúa, hỗ trợ chúng ta để chúng ta có được ý định, không trao cho Thiên Chúa hay trao cho những người anh chị em một điều gì đó của chúng ta, nhưng là trao hiến chính bản thân chúng ta trong sự hy sinh đầy khiêm nhượng và quảng đại.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 11 tháng 11 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018