Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung, trưa CN I MV, 02.12.2018

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay là ngày khai mạc Mùa Vọng. Mùa Phụng Vụ này giúp chúng ta chuẩn bị để mừng Đại Lễ Giáng Sinh, và mời gọi chúng ta hãy hướng cặp mắt lên cao, cũng như hãy mở tâm hồn mình ra để tiếp đón Chúa Giê-su. Trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ sống sự mong chờ Đại Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta cũng còn được mời gọi hãy khơi lên niềm mong chờ vào cuộc quang lâm của Chúa Ki-tô – nếu như vào lúc tận cùng thời gian, Ngài sẽ lại đến – và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ chung cuộc với Ngài thông qua những quyết định nhất quán và can đảm. Chúng ta nghĩ đến cuộc Giáng Sinh của Chúa Giê-su, chúng ta mong chờ cuộc quang lâm của Chúa Ki-tô, cũng như mong chờ cuộc gặp gỡ cá nhân với Ngài: vào ngày mà Thiên Chúa sẽ gọi chúng ta. Trong bốn tuần lễ này, chúng ta được kêu gọi hãy bước ra khỏi cách sống yên phận và theo thói quen, và hãy bước ra bằng cách nuôi dưỡng những niềm hy vọng, bằng cách vun trồng cho những giấc mơ về một tương lai tươi đẹp. Bài Tin Mừng hôm nay (xc. Lc 21,25-28.34-36) đã đi theo hướng đó, và cảnh báo chúng ta trước việc để cho mình bị trấn áp bởi một lối sống ích kỷ hay bởi những nhịp điệu huyên náo của cuộc sống hằng ngày. Những lời của Chúa Giê-su mang tính khẩn khoản đặc biệt: „Vậy anh em phải coi chừng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em […] Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!“ (Lc 21, 34.36).

Tỉnh thức và cầu nguyện: Thời gian từ hôm nay tới Lễ Giáng Sinh phải được sống như vậy. Tỉnh thức và cầu nguyện. Sự ngái ngủ nội tâm sẽ phát sinh nếu người ta luôn luôn chuyển động xung quanh bản thân, và chui rúc mãi trong sự khép kín của cuộc sống riêng với những vấn đề, niềm vui và nỗi buồn đau của mình, nhưng lại luôn luôn chuyển động chung quanh bản thân. Và điều đó sẽ gây mệt mỏi, điều đó sẽ đưa đến sự nhàm chán, nó đóng sập cánh cửa của niềm hy vọng lại. Ở đây là gốc rễ của sự trì trệ và của sự lười biếng mà Tin Mừng đã nói tới. Mùa Vọng mời gọi chúng ta gãy cố gắng tỉnh thức và hướng cái nhìn của chúng ta ra xa bên ngoài, mở rộng trí tuệ và con tim của chúng ta ra, cũng như mở bản thân mình ra cho những nhu cầu của những người anh chị em đang khát khao một thế giới mới. Đó là niềm khát khao của rất nhiều dân tộc đang bị hành hạ bởi nạn đói khát, bởi bất công và chiến tranh; đó là niềm khát khao của những người nghèo, của những người yếu thế và của những người bị bỏ rơi. Đây chính là thời gian thích hợp để mở con tim chúng ta ra cũng như để tự đặt ra cho mình những câu hỏi, chẳng hạn như, chúng ta đang dấn thân như thế nào và cho ai trong cuộc sống này.

Thái độ thứ hai để sống tốt thời gian mong chờ Chúa đến chính là việc cầu nguyện. „Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ!“ – Tin Mừng theo Thánh Lu-ca mời gọi (Lc 21,28). Đó là việc đứng thẳng dậy để cầu nguyện, để hướng trí tuệ và con tim chúng ta về Chúa Giê-su – Đấng đang đến. Người ta sẽ đứng thẳng dậy khi người ta chờ đợi một cái gì hay một ai đó. Chúng ta mong chờ Chúa Giê-su, chúng ta muốn chờ mong Ngài trong lời cầu nguyện mà nó gắn kết rất khắng khít với sự tỉnh thức. Cầu nguyện, mong chờ Chúa Giê-su, mở bản thân mình ra cho người khác, tỉnh thức và đừng tự nhốt mình lại trong chính mình. Nhưng trong bầu khí của sự tiêu thụ, nếu chúng ta nghĩ tới Đại Lễ Giáng Sinh nhưng lại chỉ quan sát những điều tôi có thể mua để làm điều này hay điều kia, để chuẩn bị cho một ngày lễ hội đầy tính thế tục, thì rồi Chúa Giê-su sẽ đi ngang qua và chúng ta sẽ không thấy được Ngài. Chúng ta mong chờ Chúa Giê-su và chúng ta muốn mong chờ Ngài trong sự cầu nguyện mà nó liên kết rất khắng khít với sự tỉnh thức.

Nhưng đường chân trời nơi những mong chờ của chúng ta trong cầu nguyện là gì?. Trước tiên, giọng nói của các Ngôn Sứ trong Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy điều đó. Hôm nay, đó là giọng của Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a. Ông đã nói với dân chúng đang bị thử thách nặng nề trong cảnh lưu đầy và đang có nguy cơ đánh mất căn tính. Những người Ki-tô hữu chúng ta cũng là Dân Thiên Chúa, và cũng đang có nguy cơ bị tục hóa và đánh mất căn tính của mình, hơn nữa, còn biến lối sống Ki-tô giáo „thành tà giáo“. Vì thế, chúng ta cần tới Lời Chúa, mà Lời ấy được công bố cho chúng ta thông qua các Ngôn Sứ: „Này đây, khi những ngày đó đến, Ta sẽ thi hành Lời Cứu Độ mà […] Ta đã phán. Trong những ngày và trong những thời gian ấy Ta sẽ làm cho Đa-vít mọc lên một chồi công chính. Mầm chồi ấy sẽ thi hành công lý và sự chính trực trên cõi đất“ (Gr 33,14-15). Và mầm chồi công chính ấy là Chúa Giê-su. Đó là Chúa Giê-su, Đấng sẽ đến, và chúng ta đang mong chờ Ngài. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mang Chúa Giê-su đến cho chúng ta, và là người phụ nữ mong chờ và cầu nguyện, giúp chúng ta biết củng cố niềm hy vọng của mình vào những lời hứa của Chúa Giê-su, Con của Mẹ, để chúng ta có được kinh nghiệm rằng, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín xuyên qua những nỗ lực của lịch sử, và biến những lầm lỗi của con người thành cơ hội để mạc khải Lòng Thương Xót của Ngài.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật I MV

ngày mồng 02 tháng 12 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2018