Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư 12.12.2018: Kinh Lạy Cha (II)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Giờ đây chúng ta sẽ tiếp tục loạt bài Giáo Lý về „Kinh Lạy Cha“ mà chúng ta đã bắt đầu từ tuần trước. Chúa Giê-su đã đặt trên môi miệng các môn đệ của Ngài một lời cầu nguyện vắn gọn nhưng táo bạo và bao gồm bảy lời cầu xin – đó là một con số không hề có chút tình cờ nào trong Kinh Thánh; nó cho thấy sự viên mãn. Cha bảo nó táo bạo, là vì có lẽ không một ai trong chúng ta – kể cả một trong những Thần Học Gia nổi tiếng nhất – dám cầu nguyện với Thiên Chúa bằng cách thức như thế. Vì vậy, Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ của Ngài đến gần Thiên Chúa hơn và dâng lên Ngài một ít lời nguyện với tất cả niềm tín thác: trước tiên, trong mối liên hệ đến Ngài và sau đó trong mối liên hệ đến chúng ta. Trong „Kinh Lạy Cha“ không có những lời lưu ý.

Chúa Giê-su đã không dậy những công thức để làm cho mình „trở nên đáng thương“ đối với Thiên Chúa, đúng hơn, Ngài mời gọi hãy tháo bỏ những rào cản của sự ngượng ngùng và sự sợ hãi trong lúc cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ngài không nói rằng, người ta nên hướng về Thiên Chúa và mô tả Ngài như là „Đấng Quyền Năng“ hay „Đấng Tối Cao“, hoặc „Lạy Chúa, Chúa ở quá xa chúng con, con là kẻ rất tội nghiệp“. Không, Ngài không bảo như thế, nhưng đơn giản là hãy thưa „ Cha ơi“, trong tất cả mọi sự đơn giản, như những đứa con hướng về cha mình. Và lời „Cha ơi“ ấy diễn tả sự tin tưởng và niềm tín thác con thảo.

Kinh Lạy Cha“ có gốc rễ sâu xa của nó từ trong thực tế cụ thể của con người. Chẳng hạn như nó cho phép chúng ta cầu xin để có được lương thực, lương thực hằng ngày: đó là một lời cầu rất mộc mạc nhưng cũng rất căn bản, nó nói lên rằng, Đức Tin không phải là „sự trang điểm“, cũng chẳng phải là vấn đề bị phân tách khỏi cuộc sống mà nó sẽ chỉ được sử dụng tới, nếu như mọi nhu cầu khác đều đã được thỏa mãn rồi. Đúng hơn, sự cầu nguyện sẽ bắt đầu với chính cuộc sống. Lời Kinh mà Chúa Giê-su dậy chúng ta, không bắt đầu trong cuộc sống con người sau khi sự thiếu thốn được thỏa mãn: đúng hơn, nó làm tổ khắp nơi, ở bất cứ nơi đâu có con người hiện diện, bất cứ người nào đó đang đói khát, khóc than, chiến đấu, đau khổ và tự hỏi: Tại sao? Trong một ý nghĩa nào đó, lời cầu nguyện trước tiên của chúng ta chính là tiếng khóc mà nó đồng hành với hơi thở đầu tiên. Kiếp sống chúng ta được công bố trong tiếng khóc của một em bé vừa mới chào đời: cơn đói khát thường xuyên của chúng ta, cuộc kiếm tìm hạnh phúc của chúng ta.

Chúa Giê-su không muốn dập tắt nhân tính trong lời cầu nguyện của Ngài, Ngài không muốn làm cho nó bị gây mê. Ngài không muốn chúng ta rút lại những câu hỏi và những lời nguyện xin, cũng không muốn chúng ta học để chịu đựng tất cả. Nhưng đúng hơn, Ngài muốn tất cả mọi nỗi khổ đau và mọi nỗi bất an đều được dâng lên trời, cũng như trở thành một cuộc đối thoại. Việc có Đức Tin mà như một người nào đó đã nói, chính là thói quen kêu cứu. Tất cả chúng ta đều nên trở thành những người giống như ông Bác-ti-mê trong Tin Mừng (xc. Mc 10,46-52). Chúng ta hãy nhớ tới đoạn Tin Mừng đó: Bác-ti-mê con ông Ti-mê – một người khiếm thị ngồi khất thực trước cửa thành Giê-ri-cô. Xung quanh ông có quá nhiều những loại người thường xuyên bắt ông phải im miệng: „Đừng gây ồn ào nữa! Chúa đang đi qua. Hãy giữ thinh lặng! Đừng quấy rối! Thầy đang có nhiều việc để làm; đừng quấy rầy Ngài. Cậu thật là buồn cười nếu cứ gào lên như thế. Xin đừng phá rối nữa!“ Nhưng anh đã không nghe theo lời khuyên đó: Với sự bền gan thánh thiện, anh đã quyết tâm để cuối cùng thì tình trạng khốn quẫn của anh cũng có thể bắt gặp được Chúa Giê-su. Và vì thế, anh còn gào to hơn! Và đoàn người có học vấn đã đáp lại: „Xin đừng hét nữa, Ngài là một bậc Thầy! Cậu đang tạo ra một ấn tượng xấu!“ Nhưng anh vẫn gào, vì anh muốn thấy, vì anh muốn được cứu: „Lạy Chúa Giê-su, xin dủ lòng xót thương con!“ (Mc 10,47). Chúa Giê-su đã ban lại thị lực cho anh, và Ngài nói với anh: „Lòng tin của con đã cứu chữa con“ (Mc 10,52), và như thế, Ngài có ý muốn giải thích rằng, tính quyết định đối với việc anh được chữa lành chính là lời cầu xin, mà lời cầu xin được thốt lên cùng với Đức Tin thì mạnh mẽ hơn „sự giận dữ“ của những con người muốn bắt anh phải im miệng. Lời cầu nguyện không chỉ xuất hiện trước ơn cứu chữa, nhưng một cách nào đó, đã chứa đựng nó rồi, vì nó sẽ giải phóng những ai không còn tin rằng sẽ có một lối thoát để bước ra khỏi những hoàn cảnh không thể chịu đựng được, cũng như khỏi sự nghi nan.

Chắc chắn các tín hữu cũng cảm thấy có nhu cầu phải ngợi khen Thiên Chúa. Các Tin Mừng đã tường thuật lại cho chúng ta một lời ngợi khen mà nó phát xuất từ con tim của Chúa Giê-su, hoàn toàn ngỡ ngàng và đầy lòng biết ơn đối với Thiên Chúa Cha (xc. Mt 11,25-27). Thậm chí các Ki-tô hữu tiên khởi còn thấy cần phải bổ sung vào bản văn „Kinh Lạy Cha“ một câu Tụng Ca nữa: „Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời“ (Didaché, 8,2).

Nhưng không một ai trong chúng ta được dừng lại để tiếp nhận phương pháp mà trong quá khứ, một người nào đó đã đề ra. Theo họ, một lời cầu xin chính là một hình thức yếu kém của Đức Tin, trong khi lời cầu nguyện đích thực phải là một lời tụng ca thuần túy mà nó kiếm tìm Thiên Chúa nhưng không hề chất theo một lời cầu xin nào đó. Không, điều đó không đúng. Nguyện xin là một việc làm đúng đắn, nó là điều tất nhiên, là một hành vi của Đức Tin vào Thiên Chúa, Đấng là Cha, Đấng tốt lành, Đấng Toàn Năng. Đó là một hành vi Đức Tin, tôi tin rằng, mình bé nhỏ, tội lỗi và thiếu thốn. Vì thế, cầu nguyện là việc cầu xin một điều gì đó, rất đẹp đẽ và cao quý. Thiên Chúa là Cha, Đấng có sự đồng cảm vô bến bờ đối với chúng ta, và muốn con cái Ngài nói chuyện với Ngài mà đừng sợ hãi, bằng cách là họ hãy gọi Ngài một cách trực tiếp là „ Cha ơi “. Và Ngài muốn rằng, khi những đứa con của Ngài rơi vào hoàn cảnh khốn khó, thì chúng hãy nói: „Lạy Chúa, Chúa đã thực hiện điều gì cho con vậy?“ Vì thế, chúng ta có thể kể cho Ngài nghe tất cả mọi chuyện, kể cả những chuyện mà chúng bị bóp méo hay hoàn toàn khó hiểu trong cuộc sống chúng ta. Và Ngài đã hứa với chúng ta rằng, Ngài sẽ luôn luôn ở bên chúng ta cho tới Ngày cuối cùng mà chúng ta sẽ trải qua trên trần gian này. Chúng ta hãy cầu nguyện bằng kinh „Lạy Cha“, bằng cách là chúng ta bắt đầu như thế, hoàn toàn đơn giản: „Cha ơi“ hay „Bố ơi“. Ngài sẽ hiểu cũng như sẽ rất yêu thương chúng ta.

 

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 12 tháng 12 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019