Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư 02.01.2019: Kinh Lạy Cha (III)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp và một năm mới đầy phúc lành!

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý của mình về Kinh Lạy Cha, được soi sáng bởi mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta vừa mới cử hành. Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu đặt bản văn „Kinh Lạy Cha“ vào một vị trí có tính chiến lược, cụ thể là giữa Bài Giảng Trên Núi (xc. Mt 6,9-13). Chúng ta hãy quan sát cảnh này thêm một lần nữa: Chúa Giê-su đi lên một ngọn núi sát bờ hồ và ngồi xuống đó; chung quanh Ngài là nhóm môn đệ thân tín nhất, và bên ngoài nhóm đó là một đám đông quần chúng vô danh.

Đám đông đa sắc màu ấy chính là những người đầu tiên đón nhận „Kinh Lạy Cha“. Đoạn này, như đã nói, có một ý nghĩa rất quan trọng; vì trong bài huấn giáo rất dài ấy, tức bài huấn giáo được đặt tên là „Bài Giảng Trên Núi“ (xc. Mt 5,1-7,27), những khía cạnh có tính nền tảng của sứ điệp Chúa Giê-su đã được cô đọng lại. Khúc dạo đầu có thể được coi như một cuộc khiêu vũ có tính trang hoàng cho một lễ hội: Các Mối Phúc. Với lời phúc thay, Chúa Giê-su đã trao vương miện cho một loạt những phạm trù của con người, mà những phạm trù ấy không được coi trọng vào thời của Ngài – kể cả thời đại ngày nay của chúng ta nữa. Phúc thay những ai nghèo túng, những ai hiền lành, những ai có Lòng Thương Xót, và những ai có con tim trong sạch. Đó là cuộc cách mạng của Tin Mừng. Nơi đâu có Tin Mừng, nơi đó có cuộc cách mạng. Tin Mừng làm cho chúng ta không được an thái, nhưng thôi thúc chúng ta. Tin Mừng có tính cách mạng.

Tất cả những ai có khả năng yêu thương, tác tạo hòa bình, nhưng vào thời của Chúa Giê-su, họ thường phải đứng bên rìa lịch sử, đều là những kiến trúc sư của Triều Đại Thiên Chúa. Điều đó cho thấy Chúa Giê-su như muốn nói rằng: Hãy tới đây – hỡi những kẻ đã mang mầu nhiệm Thiên Chúa trong lòng, vì Ngài đã mạc khải quyền năm của Ngài trong Tình Yêu và trong sự tha thứ! Từ cổng vào đó, tức chiếc cổng làm đảo lộn mọi giá trị của lịch sử, sự mới mẻ của Tin Mừng sẽ xuất hiện. Lề Luật không nên bị bãi bỏ, nhưng cần một sự giải thích mới mà cách giải thích ấy quay trở về với ý nghĩa nguyên thủy. Nếu người nào đó có một con tim tốt lành, tức con tim được chuẩn bị sẵn để yêu thương, thì rồi người ấy sẽ hiểu rằng, bất cứ Lời nào của Thiên Chúa cũng đều phải được sống đến cùng trong sự cương quyết của nó. Tình Yêu không có ranh giới: Người ta có thể yêu thương người bạn đời của mình, bạn hữu của mình, và thậm chí yêu thương cả kẻ thù của mình vì một viễn tượng hoàn toàn mới. Chúa Giê-su nói: „Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương“ (Mt 5,44-45).

Đó là mầu nhiệm to lớn mà nó là nền tảng căn bản của toàn thể Bài Giảng Trên Núi: Anh em hãy trở nên con cái của Cha anh em trên trời. Người hời hợt thì cho rằng, chương Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu này là một diễn từ về luân lý, có vẻ như chúng dẫn tới trước mắt một khoa luân lý, mà khoa luân lý đó có một đòi hỏi cao đến độ có vẻ như không thể áp dụng được trong thực tế; nhưng thay vào đó, chúng ta khám phá ra rằng, trước tiên, chúng là một diễn từ có tính Thần Học. Người Ki-tô hữu không phải là một người nào đó cố gắng để trở nên tốt hơn những người khác: người ấy biết rằng, mình là một tội nhân giống như mọi người. Người Ki-tô hữu đơn thuần chỉ là một con người kiên tâm đứng trước bụi gai bốc cháy, trước sự mạc khải của Thiên Chúa, Đấng không mang bí mật của một danh xưng không thể diễn tả, nhưng Ngài xin con cái mình hãy gọi Ngài là „Cha“, để cho mình được canh tân nhờ quyền năng của Ngài cũng như để cho ánh hào quang phát xuất từ sự tốt lành của Ngài được phản chiếu cho thế giới này, tức thế giới đang rất khát khao sự tốt lành cũng như đang sống trong sự mong chờ những tin vui.

Vì thế, Chúa Giê-su đã đưa ra lời „Kinh Lạy Cha“. Ngài làm điều đó trong khi Ngài giữ khoảng cách với hai nhóm cùng thời với Ngài. Đặc biệt là nhóm những kẻ giả hình: „Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy“ (Mt 6,5). Có những người luôn sẵn sàng đọc to những lời nguyện vô thần, tức không có Thiên Chúa, và họ làm điều đó để được mọi người khâm phục. Và chúng ta vẫn thường thấy những Skandal nơi những hạng người đó như thế nào, họ đi vào nhà thờ và lưu lại cả ngày ở đó, hay đi đến nhà thờ mỗi ngày, nhưng lại sống trong sự thù hận người khác hay nói xấu người khác.

Đó là gương mù! Sống như thế, tốt nhất là đừng bước vào nhà thờ nữa thì hơn, bởi bạn đang sống như thể một người vô thần vậy. Nhưng nếu bạn bước vào nhà thờ thì bạn hãy sống như một em bé hay như một người anh em, và hãy làm chứng thực sự chứ đừng phản chứng. Trái lại, lời cầu nguyện Ki-tô giáo không có bất cứ nhân chứng đáng tin nào khác ngoài lương tâm mình, nơi người ta thực hiện một cuộc đối thoại liên tục và sâu lắng với Thiên Chúa Cha: „Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo!“ (Mt 6,6). Ngoài ra, Chúa Giê-su còn giữ khoảng cách với lời cầu nguyện của dân ngoại: „Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời“ (Mt 6,7). Ở đây có lẽ Chúa Giê-su ám chỉ tới „captatio benevolentiae – lòng tốt để xứng đáng được hưởng“ mà nó là điều kiện cần thiết đối với những lời cầu nguyện trong thời cổ đại: Thần Thánh phải được xoa dịu bằng bất cứ cách nào thông qua một loạt dài những lời ca tụng, kể cả những lời cầu nguyện. Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh tượng trên núi Các-men khi Ngôn Sứ Ê-li-a thách thức các tư tế của thần Ba-al. Họ đã kêu gào, nhảy múa, và yêu cầu nhiều điều để được vị thần của mình lắng nghe.

Dân ngoại nghĩ rằng, người ta cầu nguyện bằng cách nói không ngừng, nói, nói và nói. Và Cha cũng nghĩ tới nhiều Ki-tô hữu, mà họ cho rằng, cầu nguyện có nghĩa là – Cha xin lỗi – „nói với Thiên Chúa như một con vẹt“. Không! Người ta cầu nguyện từ tấm lòng, từ trong ra ngoài. Nhưng anh – Chúa Giê-su nói – khi cầu nguyện, hãy hướng về Thiên Chúa như một người con hướng về Cha mình, người Cha ấy biết nó đang cần gì, và sẽ ban cho nó cả những gì nó không dám xin (xc. Mt 6,8). Đó có thể là một lời cầu nguyện trong âm thầm, Kinh „Lạy Cha“: Căn bản mà nói, chỉ cần đặt mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa, nhớ tới Tình Yêu của Cha, thế là đủ và cũng đủ để được lắng nghe. Thật là tuyệt vời khi nghĩ rằng, Thiên Chúa của chúng ta không cần lễ vật để nhận được lòng từ tâm của Ngài! Ngài không cần gì, Thiên Chúa của chúng ta: Trong cầu nguyện, Ngài chỉ đòi chúng ta một điều là, luôn luôn giữ mối tương quan với Ngài để luôn khám phá ra rằng, chúng ta là những người con được Ngài yêu thương. Và Ngài rất yêu chúng ta.

 

Tòa Thánh Vatican

Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 02 tháng 01 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019