Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 27.02.2019 - Kinh Lạy Cha (VIII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Có vẻ như mùa Đông đã qua đi, và vì thế chúng ta lại trở về quảng trường Thánh Phê-rô này. Xin nồng nhiệt chào mừng mọi người đến với quảng trường Thánh Phê-rô! Trên con đường của mình trong việc tái khám phá „Kinh Lạy Cha“, hôm nay chúng ta sẽ đào sâu phần đầu tiên của bảy lời cầu trong Kinh này: „Chúng con nguyện danh Cha cả sáng.“ Kinh „Lạy Cha“ hàm chứa bảy lời nguyện mà chúng dễ dàng để cho mình được phân phối trong hai nhóm. 

Trong ba lời nguyện đầu tiên, chữ „Cha“ – (ngôi thứ hai số ít) – được đặt trong trung tâm điểm; và trong bốn lời nguyện còn lại, thì đại từ „chúng con“ và những nhu cầu của con người chúng ta lại đứng trong điểm trung tâm. Trong phần đầu tiên, Chúa Giê-su làm cho chúng ta tham gia vào với những niềm mong muốn của Ngài, mà tất cả những niềm mong muốn ấy đều được dâng lên Thiên Chúa Cha : „Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời“; còn trong phần thứ hai, Chúa Giê-su bước vào trong chúng ta và biến mình thành người phát ngôn thay cho những nhu cầu của „chúng ta“: ơn có lương thực hằng ngày, ơn tha nợ, ơn trợ giúp trong cơn cám dỗ và ơn cứu thoát khỏi sự dữ.

Đó là hình thức nguyên thủy của bất cứ lời nguyện Ki-tô giáo nào – Cha không có ý nói, của bất cứ lời nguyện nhân loại nào -, mà một mặt nó luôn luôn phát sinh từ sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng mầu nhiệm, sự mỹ miều và sự tốt lành của Ngài, và mặt khác phát sinh từ lời nguyện chân thành và can đảm để xin cho được những điều mà chúng ta cần để sống cũng như để sống tốt. Như vậy, Kinh Lạy Cha sẽ dậy cho những ai cầu nguyện bằng lời Kinh này đừng lập đi lập lại những lời sáo ngữ, vì – như chính Chúa Giê-su nói – „Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin“ (Mt 6,8).

Khi chúng ta nói với Thiên Chúa, thì chúng ta đừng làm điều đó để bày tỏ cho Ngài biết điều mà chúng ta đang có trong lòng: Ngài biết rõ hơn chúng ta rất nhiều! Nếu Thiên Chúa là một mầu nhiệm đối với chúng ta, thì trong cặp mắt của Ngài, chúng ta chẳng có gì bí ẩn cả (xc. Tv 139,1-4). Thiên Chúa giống như những người mẹ, mà đối với họ, chỉ cần một cái nhìn cũng đủ để hiểu được tất cả mọi sự nơi những đứa con của mình: Liệu chúng đang hạnh phúc hay đang buồn, liệu chúng có trung thực không hay chúng đang giấu giếm điều chi đó… Như vậy, bước thứ nhất của cầu nguyện Ki-tô giáo chính là sự trao hiến bản thân chúng ta cho Thiên Chúa, cho sự quan phòng của Ngài. Điều đó như thể muốn nói rằng: „Lạy Chúa, Chúa biết tất cả, con không cần phải kể cho Chúa nghe về nỗi khổ của con. Con chỉ xin Chúa hãy ở đây, bên cạnh con: Chúa là niềm hy vọng của con.“ Thật là thú vị khi thấy rằng, trong bài giảng trên núi, ngay sau khi giới thiệu bản văn „Kinh Lạy Cha“, Chúa Giê-su đã khuyên chúng ta đừng lo lắng và cũng đừng hoảng sợ. Có vẻ như đó là một sự mâu thuẫn: Trước tiên, Ngài dậy chúng ta hãy cầu xin cho có lương thực hằng ngày, và sau đó Ngài nói: „Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?“ (Mt 6,31). Nhưng đó chỉ có vẻ là một sự mâu thuẫn mà thôi: Những lời cầu xin của các Ki-tô hữu diễn tả niềm tín thác vào Thiên Chúa Cha; và chính niềm tín thác ấy sẽ cho phép chúng ta cầu xin điều mà chúng ta đang cần, không hề sợ hãi hay bất an.

 

Vì thế chúng ta cầu xin: „Nguyện danh Cha cả sáng!“ Trong lời nguyện này – lời nguyện đầu tiên! „Nguyện danh Cha cả sáng!“ – người ta cảm nhận được toàn bộ sự thán phục của Chúa Giê-su đối với sự toàn mỹ và sự vĩ đại của Thiên Chúa Cha, cũng như niềm mong muốn rằng, tất cả đều nhận ra Ngài là Đấng mà Ngài thực sự là, và yêu mến Ngài như Ngài là. Và đồng thời, đó là lời cầu xin để Danh Ngài bừng sáng lên trong cả chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đồng chúng ta và trên toàn thế giới. Thiên Chúa là Đấng thánh hóa, Đấng biến đổi chúng ta bằng Tình Yêu của Ngài, nhưng đồng thời, với chứng tá của mình, chúng ta cũng biểu lộ sự thánh thiện của Thiên Chúa trên khắp trần gian, cũng như tưởng nhớ tới danh Thánh Ngài. Thiên Chúa là Đấng Thánh, nhưng nếu chúng ta không sống thánh thiện, nếu cuộc sống chúng ta không được thánh hóa, thì một đại mâu thuẫn sẽ sẽ phát sinh!

Sự thánh thiện của Thiên Chúa phải được phản ánh trong những hành động và trong cuộc sống chúng ta. „Tôi là người Ki-tô hữu, Thiên Chúa là Thánh, nhưng tôi làm những điều tồi tệ“: Không, chúng ta không cần phải như thế. Điều đó thậm chí còn rất tồi tệ; điều đó gây ra sự bất mãn và không giúp ích gì. Sự thánh thiện của Thiên Chúa chính là một sức mạnh mà nó có khả năng tự lan rộng, và vì thế chúng ta cầu xin Ngài mau chóng phá bỏ những rào chắn của thế giới chúng ta.

Khi Chúa Giê-su bắt đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình, thì điều đầu tiên phải gánh chịu trước những hậu quả của sứ mạng này, chính là sự ác mà nó vẫn hành hạ thế giới. Những thần ô uế la ó: „Này ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa“ (Mc 1,24). Người ta chưa bao giờ được thấy một sự thánh thiện như thế: Sự thánh thiện ấy không chăm lo cho bản thân mình, nhưng được hướng ra bên ngoài. Một sự thánh thiện – sự thánh thiện của Chúa Giê-su -, được mở rộng trong những vòng tròn đồng tâm, như khi người ta quăng một viên đá xuống một cái hồ. Ngày của sự ác đã được đếm – sự ác không tồn tại vĩnh viễn -, sự ác không thể gây thiệt hại gì cho chúng ta được nữa: Đấng đầy sức mạnh đã đến và làm chủ nhà mình (xc. Mc 3,23-27). Đấng đầy sức mạnh ấy chính là Chúa Giê-su, Ngài cũng trao ban sức mạnh cho chúng ta, để làm chủ căn nhà nội tâm của chúng ta.

Lời cầu nguyện sẽ xua trừ tất cả mọi nỗi sợ hãi. Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta, Con Thiên Chúa sẽ giơ tay ra để nâng đỡ những cánh tay của chúng ta, Chúa Thánh Thần hoạt động trong âm thầm để cứu độ thế giới. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đừng chao đảo trong sự thiếu xác tín. Nhưng chúng ta hãy có một niềm đại xác tín rằng: Thiên Chúa yêu tôi; Chúa Giê-su đã trao hiến mạng sống cho tôi! Chúa Thánh Thần ở trong tôi. Đó là niềm đại xác tín. Vậy sự ác thì sao? Nó phải sợ hãi. Và đó là điều tuyệt vời.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 27 tháng 02 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019