Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Chiều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại Thành, Nhân Dịp Khai Mạc Tuần Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất, 18.01.2019

 

Anh chị em thân mến, hôm nay bắt đầu Tuần Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất các Ki-tô hữu, tuần này mời gọi tất cả chúng ta, hãy cầu xin Thiên Chúa ban đại hồng ân hiệp nhất ấy. Sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu chính là hoa trái của ân sủng Thiên Chúa, và chúng ta phải sẵn sàng đón nhận ân sủng ấy với một con tim rộng mở và ngoan ngùy. Chiều nay, Cha cảm thấy vui mừng đặc biệt vì được cầu nguyện chung cùng với các đại diện của các Giáo hội khác đang sinh sống tại Rô-ma. Tôi xin kính chào quý vị với lời chào nồng thắm và huynh đệ. Tiếp theo, tôi xin kính chào phái đoàn Đại Kết đến từ Phần-lan, các sinh viên học viện Ecumenical Insitute of Bossey đang viếng thăm Rô-ma để làm quen với Giáo hội Công giáo cách sâu xa hơn, và các bạn trẻ của các Giáo hội Chính thống đang học tập tại đây dưới sự hỗ trợ của Ủy Ban phụ trách sự cộng tác trong lãnh vực văn hóa với các Giáo hội Chính thống được bổ sung vào với Hội Đồng thúc đẩy sự hiệp nhất các Ki-tô hữu.

Sách Đệ Nhị Luật đã phác thảo một hình ảnh về Dân tộc Israel khi Dân này cắm trại trên bình nguyên Mô-áb, ngay trước khi tiến vào vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa cho họ. Ở đây, với tư cách là người Cha đầy chu đáo cũng như với tư cách là người lãnh đạo Dân do Thiên Chúa chỉ định, Mô-sê đã lập lại Lề Luật, ông đã dậy dỗ và nhắc cho Dân nhớ rằng, họ nên sống trong sự trung tín và công chính, khi đã định cự tại vùng đất hứa.

Bài Đọc mà chúng ta vừa nghe đã đưa ra những chỉ dẫn mà theo đó ba ngày Lễ chính trong năm cần phải được cử hành như thế nào: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều. Mỗi Đại Lễ này đều nhắc nhớ Dân Israel phải sống trong niềm biết ơn đối với những ân lộc mà họ đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều nên tham dự vào việc cử hành Đại Lễ đó. Không ai được phép bị loại trừ: „Anh em hãy liên hoan trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi ở trong các thành của anh em, với ngoại kiều và cô nhi quả phụ sống giữa anh em“ (Đnl 16,11).

Vào mỗi ngày Đại Lễ, người ta phải thực hiện một cuộc hành hương để đi tới „những nơi mà Đức Chúa sẽ chọn cho Danh Người ngự“ (Đnl 16,2). Ở đó, các tín hữu Israel phải bước tới trước nhan Đức Chúa. Mặc dù bất cứ người Israel nào cũng đều từng là nô lệ tại Ai-cập và không được sở hữu bất cứ một tài sản nào, thì họ cũng không nên „đi tay không để đến trình diện Đức Chúa“ (Đnl 16,16), và lễ phẩm mà mỗi người tiến dâng, cần phải tương xứng với những phúc lành mà họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và rồi tất cả sẽ đều được tham dự vào với sự giầu có của đất nước, cũng như đều được nếm trải sự tốt lành của Thiên Chúa.

Chúng ta đừng nên ngạc nhiên khi bản văn Kinh Thánh nói về công việc của các thẩm phán sau khi nói về việc cử hành ba ngày Lễ chính. Bản thân những ngày Đại Lễ đó chính là sự nhắc nhớ cho dân chúng phải sống công chính: Những ngày Lễ đó nhắc người ta nhớ tới sự bình đẳng căn bản của tất cả mọi thành viên, mà mọi thành viên ấy đều lệ thuộc vào Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa với cùng một cách thế như nhau, và mời gọi mỗi người hãy chia sẽ với người khác những ân lộc mà mình đã lãnh nhận. Việc tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa vào các ngày Lễ trong suốt năm, xuất hiện đồng thới với thái độ tôn trọng và đối xử công bằng với tha nhân, đặc biệt khi họ là những người yếu kém và đang gặp cảnh khốn cùng.

Trong lúc chọn khẩu hiệu cho Tuần Cầu Nguyện này, các Ki-tô hữu tại In-đô-nê-xi-a đã quyết định để cho mình được gây hứng bởi những lời sau đây của sách Đệ Nhị Luật: „Anh em hãy theo đuổi sự công chính, và chỉ sự công chính mà thôi!“ (Đnl 16,20). Họ đã khá lo lắng, bởi sự phát triển kinh tế tại quốc gia mình đang bị thống trị bởi cách nghĩ cạnh tranh, nó đã bỏ mặc nhiều người trong cảnh nghèo túng, trong khi lại cho phép một ít người trở nên rất giầu bằng cách lợi dụng công sức của người khác. Sự hòa điệu trong một xã hội, mà trong đó những con người thuộc các chủng tộc, ngôn ngữ và các tôn giáo khác nhau cùng sống trong tinh thần trách nhiệm đối với nhau, đang bị đặt vào tình thế nguy hiểm.

Nhưng điều đó không chỉ được áp dụng cho người In-đô-nê-xi-a – người ta bắt gặp những trạng huống như thế trên khắp thế giới. Nếu xã hội không còn đặt nền tảng căn bản trên nguyên tắc liên đới và lợi ích chung nữa, thì chúng ta sẽ phải chứng kiến Skandal sau đây: nhiều người sẽ phải sống trong cảnh nghèo túng cùng cực sát ngay bên cạnh những căn nhà chọc trời, những khách sạn sang trọng và những trung tâm mua sắm xa xỉ, biểu tượng cho sự giầu sang không thể tin nổi. Chúng ta đã lãng quên sự khôn ngoan của Lề Luật Mô-sê, mà cụ thể là, một xã hội sẽ nứt rạn nếu như sự giầu có không được sẻ chia.

Trong bức thư của mình gửi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô đã sử dụng cùng một luận lý trên các cộng đoàn Ki-tô giáo: Ai có Đức Tin vững mạnh thì phải nâng đỡ những người yếu đuối. Nếu chúng ta „sống cho chính mình“ (Rm 15,1) thì đó không phải là cung cách của người Ki-tô hữu. Chúng ta phải noi gương Chúa Ki-tô cũng như phải cố gắng giúp đỡ những ai yếu kém. Tình liên đới và trách nhiệm chung chính là những Giới Luật mà chúng phải là nền tảng căn bản cho gia đình Ki-tô hữu.

Với tư cách là Dân thánh của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải luôn luôn sẵn sàng bước vào trong vương quốc mà Thiên Chúa đã hứa ban. Nhưng vì chúng ta bị chia tách, nên chúng ta phải nhớ tới lời mời gọi trở nên công chính mà Thiên Chúa hướng tới chúng ta. Ngay cả trong giữa các Ki-tô hữu cũng đang có nguy cơ lô-gích thống trị mà dân Israel ngày xưa cũng như người In-đô-nê-xi-a ngày nay đã và đang phải trải qua, cụ thể là chúng ta đang lãng quên những người yếu kém và những người khổ đau trong lúc ra sức thu vén thêm nhiều của cải hơn nữa. Chúng ta có thể dễ dàng quên đi mất sự bình đẳng căn bản: căn bản mà nói, tất cả chúng ta đều là nô lệ của tội lỗi; Thiên Chúa đã cứu thoát chúng ta nhờ Phép Rửa và gọi chúng ta là con cái của Ngài. Người ta có thể dễ dàng tin rằng, hồng ân thiêng liêng được ban cho chúng ta chính là tài sản riêng của chúng ta, là một cái gì đó thuộc về chúng ta và chúng ta có quyền trên nó. Ngoài ra, cũng rất dễ có chuyện những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta lại khiến chúng ta trở nên mù lòa đối với những hồng ân mà Ngài đã ban cho các Ki-tô hữu khác. Thật là một trọng tội nếu miệt thị hoặc coi thường những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho những anh chị em khác, hay nghĩ rằng, những hồng ân ấy ít được Thiên Chúa coi trọng hơn trong một cách thế nào đó. Nếu chúng ta đề cao cách nghĩ đó, chúng ta sẽ làm cho những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận trở thành nguồn cơn của sự kênh kiệu, của sự bất công và của sự chia rẽ. Nếu thế thì chúng ta sẽ có thể bước vào trong vương quốc mà Thiên Chúa đã hứa ban như thế nào đây?

Việc phụng sự Thiên Chúa mà nó tương thích với vương quốc ấy, việc phụng sự Thiên Chúa mà đức công chính đòi hỏi, chính là một Đại Lễ bao gồm tất cả, một ngày Đại Lễ mà trong đó những hồng ân được đón nhận sẽ được sẵn sàng sẻ chia cho mọi người. Để thực hiện bước đi đầu tiên trên con đường tiến về vùng đất hứa ấy – tiến về sự hiệp nhất của chúng ta – thì chúng ta phải nhìn nhận trước mọi người trong sự khiêm tốn rằng, những hồng ân đã được lãnh nhận không phải thuộc về chúng ta vì chúng ta có quyền, nhưng vì chúng được ủy thác cho chúng ta với tư cách là tặng phẩm. Chúng được ban cho chúng ta để chúng ta chia sẻ chúng với người khác. Thứ đến, chúng ta phải nhận ra giá trị của ân sủng mà chúng được ban cho những cộng đoàn Ki-tô giáo khác. Và rồi chúng ta sẽ cảm thấy muốn được tham dự vào với những hồng ân của người khác. Một Dân Ki-tô giáo biết để cho mình được canh tân cũng như được phong phú hóa bởi sự trao đổi ân sủng ấy, sẽ trở thành một Dân có thể tiếp tục đi trên con đường tiến tới sự hiệp nhất với bước đi chắc chắn và đầy tin tưởng.

 

Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành

Chiều thứ Sáu ngày 18 tháng Giêng năm 2019

Kinh Chiều khai mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Sự Hiệp Nhất

của các Ki-tô hữu

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019