Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Phụng Vụ Thống Hối „24 Giờ  Cho Chúa“, Tại Đền Thờ Thánh Phê-rô, 29.03.2019

 

Chỉ còn lại có hai: Kẻ đáng thương và Đấng Xót Thương“ (In Joh 33,5). Thánh Augustinô đã viết như thế về đoạn kết của bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Những kẻ đã đến để ném đá người phụ nữ hay để kết án Chúa Giê-su chiếu theo Lề Luật, đều đã bỏ đi. Họ đã bỏ đi, và không có những mối quan tâm khác. Trái lại, Chúa Giê-su vẫn ở đó. Ngài vẫn ở đó, vì điều còn ở lại là điều vô cùng quý báu trong mắt Ngài: một phụ nữ, một con người. Đối với Ngài, tội nhân quan trọng hơn tội lỗi. Tôi, bạn, và mỗi người trong chúng ta đều quan trọng trong con tim của Thiên Chúa: chúng ta quan trọng hơn là những lầm lỗi, những quy luật, những bản án và những đổ vỡ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin ơn có được một cái nhìn giống với cái nhìn của Chúa Giê-su; chúng ta hãy cầu xin cho có được một cái nhìn mang tính Ki-tô giáo về cuộc sống, mà với cái nhìn đó cũng như với trọn tình mến, chúng ta sẽ nhìn tội nhân trước khi nhìn vào tội lỗi của họ, nhìn những người mắc lỗi trước khi nhìn vào những lỗi lầm, nhìn con người trước khi nhìn vào những câu chuyện.

Chỉ còn lại có hai: Kẻ đáng thương và Đấng Xót Thương“. Đối với Chúa Giê-su, người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, không có ý nghĩa như một điều Luật, nhưng là một hoàn cảnh cụ thể, mà người ta nên đặt mình vào đó. Vì thế, Ngài lưu lại đó với người phụ nữ và đã thinh lặng hầu như luôn luôn. Và trong lúc ấy Ngài đã thực hiện tới hai lần một cử chỉ đầy bí nhiệm: Ngài dùng ngón tay để viết lên mặt đất (Ga 8,6.8). Chúng ta không biết Ngài viết gì, và có lẽ đó không phải là điều quan trọng nhất: Thực ra, mối quan tâm của Tin Mừng được dành cho thực tế rằng, Chúa Giê-su đã viết. Điều này gợi nhớ tới biến cố Si-nai khi Thiên Chúa dùng ngón tay của Ngài để viết ra những bản Luật (xc. Xh 31,18), giống hệt như điều mà Chúa Giê-su đang thực hiện lúc này. Thông qua các Ngôn Sứ, Thiên Chúa đã hứa rằng, Ngài sẽ không còn viết trên các phiến đá nữa, nhưng viết trực tiếp vào con tim (xc. Gr 31,33), trên phiến thịt con tim chúng ta (xc. 2Cor 3,3). Với Chúa Giê-su, Lòng Thương Xót trở thành xác phàm, thì thời điểm đã đến để viết vào con tim nhân loại, để trao cho sự đáng thương của con người một niềm hy vọng chắc chắn: không phải ban hành những bộ luật rất ư là bên ngoài nữa, mà qua những bộ Luật đó, Thiên Chúa và con người thường luôn ở cách xa nhau, nhưng ban hành một bộ Luật của Thần Khí, bởi bộ Luật này sẽ bước vào con tim và giải phóng nó. Và điều đó đã diễn ra với người phụ nữ đã gặp gỡ Chúa Giê-su và đang bắt đầu một cuộc sống mới. Và bà đã ra đi để không phạm tội nữa (xc. Ga 8,11). Nhờ vào quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự ác mà chúng ta vẫn mang trong mình, khỏi những tội lỗi mà Lề Luật có thể ngăn cản, nhưng không thể loại trừ.

Nhưng sự ác rất mạnh, nó có khả năng quyến rũ: nó lôi kéo và mê hoặc. Những cố gắng riêng của chúng ta không đủ để gỡ mình ra khỏi đó, nhưng cần tới một Tình Yêu lớn hơn. Nếu không có Thiên Chúa, người ta sẽ không thể chiến thắng sự ác: Chỉ có Tình Yêu của Ngài mới có thể tân trang bên trong, chỉ có sự trìu mến của Ngài được đổ vào trong con tim mới có thể làm cho chúng ta được giải phóng. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi sự ác, thì chúng ta phải tạo không gian cho Thiên Chúa, Đấng tha thứ và chữa lành. Và Ngài thực hiện điều đó cách đặc biệt thông qua Bí Tích mà chút nữa đây chúng ta sẽ cử hành. Bí Tích Cáo Giải chính là sự vượt qua từ sự đáng thương để đến với Lòng Xót Thương, Bí Tích ấy chính là Lề Luật của Thiên Chúa được khắc ghi trong con tim. Mỗi lần chúng ta đọc bản Luật đó, chúng ta đều thấy rằng, chúng ta vô cùng quý báu trong cặp mắt của Thiên Chúa, Ngài là Cha, và Ngài yêu thương chúng ta còn hơn cả chính chúng ta yêu thương bản thân mình nữa.

Chỉ còn lại có hai: kẻ đáng thương và Đấng Xót Thương“. Chỉ có như thế. Chúng ta thường cảm thấy cô đơn và đánh mất sợi chỉ xuyên suốt cuộc sống như thế nào. Chúng ta vẫn thường không biết mình nên tái bắt đầu như thế nào, vì chúng ta bị trấn áp bởi nỗi khó nhọc trước việc đón nhận chính bản thân chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu từ trước, nhưng chúng ta không biết từ đâu. Người Ki-tô hữu được sinh ra với ơn tha thứ mà họ đã lãnh nhận trong Bí Tích Thanh Tẩy. Và họ luôn luôn được tái sinh từ đó: từ ơn tha thứ đầy ngỡ ngàng của Thiên Chúa, từ Lòng Xót Thương của Ngài, mà Lòng Xót Thương ấy sẽ chữa trị chúng ta. Chỉ khi nào đón nhận ơn tha thứ ấy, chúng ta mới có thể tái được củng cố để lên đường sau khi đã nếm trải niềm vui trước việc được Thiên Chúa Cha yêu thương cách trọn hảo. Chỉ nhờ vào ơn tha thứ của Thiên Chúa thì những điều mới mẻ mới thực sự diễn ra trong chúng ta. Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa câu mà hôm nay Thiên Chúa đã nói với chúng ta thông qua Ngôn Sứ Isaia: “Này Ta sắp làm một việc mới” (Is 43,19). Ơn tha thứ trao tặng cho chúng ta một sự khởi đầu mới, nó biến chúng ta thành những tân thụ tạo, nó làm cho chúng ta chạm tay tới được sự sống mới. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không phải là một sự sao chụp, mà mỗi lần, khi chúng ta đến với Bí Tích Cáo Giải, nó sẽ được sao chụp ra nhiều bản giống hệt nhau. Việc lãnh nhận ơ tha thứ thông qua Linh mục chính là một trải nghiệm luôn luôn mới mẻ, nguyên sơ và có một không hai. Giống như nơi người phụ nữ trong Tin Mừng, nó dẫn chúng ta khởi đi từ cảnh cô đơn với sự đáng thương của mình, cũng như với những kẻ tố cáo mình, tới chỗ được Thiên Chúa tái đỡ nâng và khích Lệ, Ngài sẽ cho phép chúng ta được tái bắt đầu.

Chỉ còn lại hai: Kẻ đáng thương và Đấng Xót Thương”. Người ta nên làm gì để chứa đựng lòng nhân hậu trong lòng, để vượt thắng sự sợ hãi trước Tòa Cáo Giải? Vì thế chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của Ngôn Sứ Isaia: “Các ngươi không nhận ra điều đó sao?” (Is 43,19). Hãy nhận ra ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đó là điều quan trọng. Thật là tuyệt vời khi không ngừng hướng cái nhìn lên Chúa Giê-su sau khi lãnh nhận ơn giao hòa giống như người phụ nữ kia, vì Ngài vừa mới giải thoát chúng ta: không nhìn vào sự đáng thương của chúng ta nữa, nhưng nhìn lên Đấng Xót Thương. Nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh và nói với sự sửng sốt: “Đây, tội lỗi của con đã chấm dứt. Chúa đã tiếp nhận chúng về cho Chúa. Chúa đã không chỉ tay vào con, Chúa đã dang rộng đôi tay và sẽ tái tha thứ cho con.” Điều quan trọng là nhớ tới ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhớ tới sự trìu mến của Ngài, cũng như tái nếm hưởng ơn bình an và sự tự do mà chúng ta đã trải qua. Vì đó là cốt lõi của Bí Tích Giao Hòa: Không phải là những tội lỗi mà chúng ta xưng thú, nhưng là Tình Thương của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận và luôn luôn cần tới. Có thể chúng ta vẫn còn nghi nan: “Việc xưng tội chẳng có ích lợi gì, tôi vẫn tiếp tục mắc phải những tội như thế.” Nhưng Thiên Chúa hiểu thấu chúng ta, Ngài biết rằng, cuộc chiến nội tâm rất cam go, trong khi chúng ta lại yếu đuối và luôn có xu hướng sa ngã, thường tái phạm và làm điều ác. Và Ngài xin chúng ta hãy tái bắt đầu trở nên tốt lành sau mỗi lần ngã sa, cũng như hãy cầu xin Lòng Xót Thương. Vì Ngài sẽ tái nâng chúng ta đứng dậy và biến chúng ta thành những tân thụ tạo. Vậy thì chúng ta hãy tái bắt đầu với việc xưng tội, chúng ta hãy trả lại cho Bí Tích này nơi mà nó xứng đáng nhận được trong cuộc sống và trong công cuộc mục vụ.

Chỉ còn lại có hai: Kẻ đáng thương và Đấng Xót Thương”. Hôm nay chúng ta cũng sẽ nếm trải cuộc gặp gỡ có khả năng chữa trị ấy trong Tòa Cáo Giải: chúng ta với sự đáng thương và với những tội lỗi của mình; Thiên Chúa, Đấng hiểu thấu chúng ta, luôn yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi sự ác. Chúng ta hãy bước vào cuộc gặp gỡ ấy với lời cầu xin cho được ơn tái khám phá ra điều đó.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô

Chiều thứ Sáu ngày 29 tháng 03 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019