Trong Đại Dịch, Đức Giáo Hoàng Cầu Nguyện Cho Các Gia Đình Đóng Cửa Ở Nhà, Phê Bình Bạo Lực Gia Đình

Toàn văn bài giảng

[Bản dịch làm việc của ZENIT's Virginia Forrester] - ngày 4-5-2020 tại nhà nguyện thánh Marta

Khi Phê-rô lên Jerusalem, các tín hữu đã chỉ trích ông (Công vụ11: 1- 1). Họ chỉ trích ông vì ông đã vào nhà của những người đàn ông không cắt bao quy đầu và ăn cùng với họ, những kẻ ngoại đạo. Không thể làm điều này; đó là một tội lỗi. Sự tinh tuyền của Lề Luật không cho phép điều này. Tuy nhiên, Phê-rô đã làm điều đó bởi vì chính Thánh Thần đưa ông đến đó. Trong Giáo hội luôn luôn có - và có rất nhiều trong Giáo hội sơ khai - tinh thần này “chúng tôi là những người công chính, những người khác là tội nhân” vì sự việc thì không rõ ràng . Cái kiểu nói “chúng tôi và những người khác” này, “chúng tôi và những người khác”, tạo ra sự chia rẽ. “Thực vậy, chúng tôi có vị thế ngay thẳng trước Thiên Chúa”. Thay vào đó, có “những người khác”, thậm chí người ta còn nói rằng: “họ là những người đã bị lên án”. Và đây là một căn bệnh của Giáo hội, một căn bệnh sinh ra từ các ý thức hệ hoặc của các đảng phái tôn giáo. Vào thời Chúa Giêsu có ít nhất bốn đảng phái tôn giáo: phái Pha-ri-siêu, phái Sa-đu-sê-ô, phái Zealot[1] và pháii Essenes[2], và mỗi phái giải thích Lề Luật theo “ý tưởng” họ có. Và loại ý tưởng này là một loại trường phái “ngoại luật” khi nó trở thành một lối suy nghĩ trần tục, cảm nhận trần tục, làm cho chính mình thành người giải thích Lề Luật. Người ta cũng chỉ trích Chúa Giê-su vào nhà của những người thu thuế - theo họ, là những người tội lỗi - và ăn với họ, với những người tội lỗi, vì sự tinh tuyền của Lề Luật không cho phép điều này; và họ đã không rửa tay trước bữa trưa. . .  kiểu chỉ trích này luôn luôn gây ra sự chia rẽ: đây là điều quan trọng, mà tôi muốn nhấn mạnh. 

Có những ý tưởng, vị trí gây ra chia rẽ, đến mức sự chia rẽ đó còn quan trọng hơn cả sự thống nhất. Ý tưởng của tôi quan trọng hơn việc Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng tôi. Có một Hồng y Danh dự, đang sống ở đây tại Vatican, một Mục tử tốt lành, và ngài nói với các tín hữu của mình: Này, anh chị em có biết rằng Giáo hội giống như một dòng sông không? Một số người thích ở phía bên này hơn và những người khác thích ở phía bên kia hơn, nhưng điều quan trọng là tất cả đều ở bên trong dòng sông. Đây là sự hiệp nhất của Giáo hội - không có ai ở bên ngoài, tất cả ở bên trong. Cùng với nét riêng biệt: điều này không chia rẽ, nó không phải là ý thức hệ, nó là hợp pháp. Nhưng tại sao Giáo hội lại có chiều rộng này? Đó là bởi vì Chúa muốn nó như vậy.

Trong Tin Mừng, Chúa nói với chúng ta: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Gioan 10:16). Chúa nói: “ta có chiên ở khắp mọi nơi và ta là mục tử của tất cả”. Cái “tất cả” này nơi Đức Giê-su rất quan trọng. Chúng ta nghĩ về dụ ngôn tiệc cưới (Mát-thêu 22: 1-10), khi khách không đến: kẻ thì bởi vì anh ta đã mua một mảnh ruộng, kẻ khác thì bởi vì anh ta kết hôn. . . mỗi người đưa ra lý do của mình để không tham dự. Và nhà vua nổi giận và nói: “Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. (câu 9) - tất cả, lớn lao và nhỏ bé, giàu và nghèo, thiện và ác - tất cả. Cái “tất cả” này là. . . tầm nhìn của Thiên Chúa, người đến vì tất cả mọi người và chết cho tất cả mọi người. “Nhưng phải chăng Ngài cũng chết cho kẻ khốn nạn đã khiến tôi không thể sống nổi sao?” Ngài cũng chết cho hắn. “Cho tên ăn cướp đó sao?” Ngài chết cho hắn, cho tất cả mọi người. Và cũng cho những người không tin vào Ngài hoặc thuộc các tôn giáo khác: Ngài đã chết cho tất cả. Điều này không có nghĩa là người ta phải gia nhập đạo: không phải thế. Nhưng Ngài đã chết cho tất cả; Ngài đã công chính hóa tất cả. Có một người phụ nữ ở đây ở Roma, một người phụ nữ tốt lành, một giáo sư, giáo sư [Maria Grazia] Mara, khi cô gặp khó khăn về nhiều mặt, và khi có những bữa tiệc, cô nói: “Chúa Kitô đã chết vì tất cả mọi người: Chúng ta hãy tiến lên!” Cô ấy có năng lực xây dựng. Chúng ta chỉ có một Đấng Cứu chuộc, chỉ có một sự hiệp nhất: Chúa Kitô đã chết cho tất cả. Thay vào đó là sự cám dỗ. . . ngay cả Phao-lô cũng phải chịu đựng điều đó: Tôi vì Phao-lô, tôi vì Apollo, tôi vì điều này, tôi vì điều kia. . . “Và chúng ta nghĩ về chính chúng ta, năm mươi năm trước, sau Công đồng: sự chia rẽ mà Giáo hội phải chịu”. “Tôi là người của phái này, tôi nghĩ thế này, bạn nghĩ thế khác ...” Vâng, nghĩ như vậy là đúng, nhưng trong sự hiệp nhất của Giáo hội, dưới quyền Chúa Giêsu, là Mục Tử.

Hai điều: các Tông đồ chỉ trích Phê-rô, bởi vì ông đã vào nhà của những người ngoại đạo, và Chúa Giêsu nói: “Ta là mục tử của tất cả mọi người”. Ta là mục tử của tất cả. Và Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Gioan10:16). Đó là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người, bởi vì tất cả mọi người nam và nữ, tất cả chúng ta chỉ có một Mục tử: là Chúa Giêsu.

Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tâm lý chia rẽ đó, khỏi sự ly gián và giúp chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu, điều tuyệt vời này của Chúa Giêsu, trong Ngài, tất cả chúng ta đều là anh em và Ngài là Mục Tử của tất cả mọi người. Hôm nay, xin cho từ này: “tất cả, tất cả”, cùng đi với chúng ta suốt ngày.

Đức Giáo Hoàng mời gọi Rước lễ thiêng liêng với lời kinh này:

Lạy Chúa Giê-su của con, con phủ phục dưới chân Chúa, và con xin dâng cho Chúa cõi lòng ăn năn thống hối của con, khiêm hạ trong hư vô và trong sự Hiện diện Thánh thiện của Chúa. Con tôn thờ Chúa trong Bí tích Tình yêu Chúa, Bí tích Thánh Thể khôn tả. Con mong muốn rước Chúa vào nơi ở nghèo nàn mà trái tim con dành cho Chúa. Đang khi chờ đợi hạnh phúc được rước Chúa thật, con muốn rước Chúa cách thiêng liêng. Lạy Chúa, xin Chúa đến với con, để con đến được với Chúa. Xin tình yêu Chúa đốt cháy toàn thể con người con trong sự sống và trong sự chết. Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu mến Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh lễ với giờ Chầu và Ban phép lành Thánh Thể. Trước khi rời Nhà nguyện, Thánh ca ngợi khen Đức Maria trong Mùa Phục sinh Regina Caeli (Lạy Nữ vương Thiên đàng) được cất lên.

https://zenit.org

Phê-rô Phạm Văn Trung dịch.



[1] (ND: người cuồng tín; người quá khích. Người Zealot là một phong trào chính trị trong Đền thờ Do Thái giáo thế kỷ thứ hai TCN, tìm cách kích động người dân tỉnh Giu-đêa nổi dậy chống lại La Mã và trục xuất Đế quốc khỏi Thánh địa bằng vũ lực).

[2] (ND: một giáo phái Do Thái tu khổ hạnh sống cách biệt xã hội, tin nơi định mệnh và linh hồn bất tử và nhấn mạnh chế độ độc thân và những tư tưởng thần bí và cùng các thiên sứ tham gia vào sự thờ phượng).


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020