Bài Giáo lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 20.01.2016: Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta đã nghe đoạn Kinh Thánh mà năm nay, nó đang hướng dẫn những suy tư trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu, từ ngày 18 tới ngày 25 tháng Giêng, tức tuần này. Đoạn văn trích từ thư thứ nhất của Thánh Phê-rô này đã được chọn lựa bởi một nhóm đại kết đến từ Lát-vi-a. Nhóm này được ủy nhiệm bởi Hội Đồng Đại Kết của các Giáo hội và bởi Hội Đồng Giáo Hoàng phụ trách việc thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu.

Ở ngay giữa thánh đường của Giáo hội Luther tại Riga có một chiếc bồn đựng nước Rửa Tội. Chiếc bồn này có nguồn gốc từ hồi thế kỷ XII, khi Thánh Meinhard đến truyền giáo tại Lát-vi-a. Chiếc bồn bằng đá ấy là một dấu chỉ giầu ý nghĩa đối với nền tảng chung mà tất cả các Ki-tô hữu tại Lát-vi-a, bao gồm cả người Công giáo, Luther và Chính thống, đều nhìn nhận đối với Đức Tin của mình. Nền tảng ấy chính là Bí Tích Thánh Tẩy. Công Đồng Vatican II đã tuyên bố rằng: „Bí Tích Thánh Tẩy hình thành nên một giao ước Bí Tích của sự hiệp nhất giữa tất cả những ai đã được tái sinh nhờ vào Bí Tích này“ (Unitatis redintegratio, 22). Bức thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông Đồ đã hướng về thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, và ám chỉ cho thấy Bí Tích Thánh Tẩy như là Ân Sủng và sứ mạng. Trong tuần cầu nguyện này, ngay cả chúng ta cũng được mời gọi hãy tái khám phá ra tất cả những gì mà chúng thực sự là gia tài chung, hầu chúng ta có thể vượt thắng mọi mối bất hòa của mình.

Sở hữu Bí Tích Thánh Tẩy như là nền tảng chung, trước hết có nghĩa rằng, tất cả chúng ta đều là những tội nhân, và tất cả đều cần tới ơn cứu độ, cần tới ơn cứu thoát khỏi sự ác. Đó là khía cạnh tiêu cực mà thư thứ nhất của Thánh Phê-rô đã mô tả với hình ảnh có tính biểu tượng của „miền u tối“: „Thiên Chúa đã gọi anh em ra khỏi miền u tối để bước vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền của Ngài“ (1 Pr 2,9). Đó chính là sự kinh nghiệm về cái chết mà Chúa Ki-tô đã thủ đắc được cho mình và được diễn tả trong Bí Tích Thánh Tẩy nhờ vào việc bị nhấn chìm trong nước, và rồi sau đó lại trồi lên khỏi mặt nước. Và hình ảnh trồi lên này chính là hình ảnh biểu trưng cho sự Phục Sinh để sống một cuộc sống mới trong Chúa Ki-tô. Khi chúng ta nói về Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta tuyên xưng rằng, tất cả chúng ta, dù là người Công giáo hay Thệ phản, dù là người Chính thống hay Tin lành, tất cả đều được gọi ra khỏi bóng tối mà nó làm cho con người trở nên vô tâm và mù lòa, để đi đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng hoàn toàn là Lòng Thương Xót. Thật tiếc rằng, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về sự ích kỷ, về sự chia rẽ, về sự hà khắc và về sự khinh thường. Việc hồi tưởng lại Bí Tích Thanh Tẩy của chúng ta có nghĩa là, chúng ta tái tìm thấy nguồn cội của Lòng Thương Xót, tức nguồn cội của niềm hy vọng chung của chúng ta, vì không ai bị loại khỏi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Việc tham dự vào hồng ân này hình thành nên một mối liên kết không thể tách rời đối với tất cả các Ki-tô hữu: nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy, tất cả chúng ta đều có thể nhìn nhau như là những người anh chị em thực sự của nhau. Chúng ta thực sự là dân thánh của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta vẫn chưa được hiệp nhất hoàn toàn vì tội lỗi của chúng ta. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, mà nó hoạt động trong Bí Tích Thánh Tẩy, mạnh mẽ hơn cả mọi mối bất hòa của chúng ta. Trong mức độ mà chúng ta đón nhận hồng ân Thương Xót, chúng ta sẽ càng ngày càng trở nên dân của Thiên Chúa, cũng như sẽ có khả năng công bố cho tất cả mọi người biết về những công trình kỳ diệu của Ngài, bằng cách là chúng ta xuất phát từ một chứng tá đơn thành và huynh đệ của sự hiệp nhất. Mọi Ki-tô hữu chúng ta đều có thể công bố sức mạnh của Tin Mừng cho tất cả mọi người bằng cách là chúng ta cố gắng và nỗ lực để cùng nhau thực hiện những công việc của Lòng Thương Xót đối với cả thân xác lẫn linh hồn. Đó là một chứng tá cụ thể của sự hiệp nhất giữa tất cả các Ki-tô hữu: Thệ phản, Chính thống và Công giáo.

Tóm lại, thưa anh chị em thân mến, các Ki-tô hữu chúng ta, tất cả các Ki-tô hữu đều đã lãnh nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhờ vào hồng ân Bí Tích Thanh Tẩy, và tất cả đều đã được đón nhận vào trong dân của Ngài. Tất cả chúng ta, dù là người Công giáo hay Chính thống, Thệ phản hay Tin lành, tất cả chúng ta đều hình thành nên một chức tư tế vương đế và một dân thánh. Điều đó có nghĩa là, chúng ta có một sứ vụ chung: tiếp tục chuyển giao Lòng Thương Xót mà chúng ta đã lãnh nhận, cho những người khác, bắt đầu là cho những người nghèo túng nhất cũng như cho những người thường bị bỏ rơi nhất. Trong tuần cầu nguyện này, chúng ta hãy cầu xin để cho tất cả các môn đệ của Chúa Ki-tô, tức tất cả chúng ta, đều thấy được con đường để cộng tác, cũng như để quảng bá Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trên toàn thế giới.

 

Hội Trường Phao-lô VI, thứ Tư ngày 20 tháng 01 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội