Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung ngày 29.10.2014: Tất cả chúng ta đều là những tội nhân

 

Anh chị em thân mến,

 

Trong những bài Giáo Lý trước đây, chúng ta đã tìm hiều về thực tại tinh thần của Giáo hội: Giáo hội là thân mình Chúa Ki-tô, tức thân mình được kiến tạo trong Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta liên tưởng tới Giáo hội, chúng ta vẫn thường nghĩ ngay tới các cộng đoàn của chúng ta, các Giáo xứ của chúng ta, các Giáo phận của chúng ta, cũng như nghĩ tới các cơ cấu và tổ chức mà chúng ta thường quy tụ lại với nhau trong đó, xem ra chẳng khác gì mấy so với những thành phần cũng như những nhân vật thuộc các cơ quan hay thể chế mà người ta ủng hộ hay tham gia. Ở đây là thực tại hiển nhiên của Giáo hội, tức thực tại có thể nhìn thấy một cách rõ ràng. Ở chỗ này, các vấn nạn sau đây được đặt ra cho chúng ta: Phải chăng đó là hai điều khác nhau hay là một Giáo hội duy nhất? Và giả như vẫn là một Giáo hội duy nhất, thì chúng ta có thể hiểu như thế nào về mối tương quan giữa thực tại hiển nhiên và tinh thần của Giáo hội?

 

1.Trước hết, khi chúng ta nói về thực tại hiển nhiên của Giáo hội, thì chúng ta không được phép chỉ nghĩ tới Đức Giáo Hoàng, nghĩ tới các Giám Mục, Linh Mục, các Tu Sĩ nam nữ, hay nghĩ tới những người sống đời thánh hiến. Thực tế hiển nhiên của Giáo hội cũng bao hàm tất cả những người anh chị em đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, tức những người có Đức Tin trên khắp mặt đất này, mà trên đó họ đang hy vọng và đang yêu. Nhưng chúng ta lại rất thường xuyên nghe tới câu nói sau đây: „Nhưng mà Giáo hội không làm điều này và không làm điều kia…“ – „Nhưng quý vị hãy nói cho tôi biết, Giáo hội là gì?“ – „Giáo hội gồm các Linh Mục, các Giám Mục và Đức Giáo hoàng…“ – Giáo hội là chúng ta, là tất cả chúng ta! Tất cả những ai đã được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đều là Giáo hội, Giáo hội của Chúa Giê-su. Tất cả những ai đi theo Chúa Giê-su, và nhân danh Ngài để tiến lại gần với những người cùng rốt cũng như những người đau khổ, và cố gắng gửi đến cho họ một cái gì đó của sự xoa dịu, của sự ủi an và bình an, thì đều thuộc về Giáo hội; tất cả những ai thi hành một cách tương xứng với những lề luật của Thiên Chúa, cũng đều thuộc về Giáo hội. Như thế thì chúng ta hiểu rằng, thực tại hiển nhiên của Giáo hội cũng không phải là điều có thể đo được, và cũng không thể được nhận biết trong tất cả sự tròn đầy của Giáo hội: Tất cả những điều tốt lành mà chúng đã được thực hiện thì có thể nhận biết được chúng như thế nào đây? Đó là rất nhiều những công việc của Đức Ái, sự thủy chung trong các gia đình, nhiều công việc trong lãnh vực giáo giục con cái hầu tiếp tục truyền giao Đức Tin, nhiều đau khổ của các bệnh nhân, tức những người mang đến trước mặt Thiên Chúa những đau khổ của họ… Tất cả những điều vừa kể thì thật quá đỗi lớn lao! Tất cả những phép lạ mà Chúa Ki-tô đã thực hiện thông qua tấm lòng của mỗi người chúng ta, thông qua cuộc sống của bất cứ người nào, sẽ có thể được nhận biết như thế nào đây? Anh chị em hãy suy nghĩ kỹ xem: Thực tại hiển nhiên của Giáo hội cũng đang vượt quá những kiểm soát của chúng ta, vượt quá những sức lực của chúng ta, và là một thực tại đầy huyền nhiệm, vì thực tại ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa.

 

2.Để hiểu được mối tương quan trong Giáo hội, mối tương quan giữa thực tại hiển nhiên và thực tại thiêng liêng của Giáo hội, chỉ có một con đường duy nhất, đó là sự chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô mà Giáo hội hình thành nên thân mình của Ngài, và nhờ vào thân hình này, Giáo hội được xuất hiện trong một tác động của một tình yêu khôn cùng. Như thế, sức mạnh của mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người cũng nằm trong con người của Chúa Ki-tô.

 

Chúng ta nhận ra được một bản tính nhân loại và một bản tính Thiên Chúa trong Ngài, hai bản tính ấy liên kết lại với nhau trong một ngôi vị duy nhất bằng một cách thế diệu vời và không thể chia tách. Tương tự như thế, điều này cũng có giá trị đối với Giáo hội. Trong con người của Chúa Ki-tô, bản tính nhân loại đã theo kịp bản tính Thiên Chúa một cách hoàn toàn và trọn vẹn, và phục vụ bản tính Thiên Chúa trong chức năng kiện toàn ơn cứu độ. Như vậy, trong Giáo hội, thực tại hiển nhiên của Giáo hội liên quan tới thực thực tại tinh thần. Dó đó, Giáo hội cũng là một mầu nhiệm, mà trong đó điều vô hình thì quan trọng hơn là điều có thể nhìn thấy, và chỉ có thể được nhận biết với cặp mắt Đức Tin (Lumen Gentium số 8).

 

3.Tuy nhiên, trong trường hợp của Giáo hội, chúng ta phải bận tâm tới vấn nạn sau đây: Giáo hội có thể tự giới thiệu mình như là thực tại hiển nhiên trong việc phục vụ thực tại tinh thần không?  Nhờ vào việc chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô, chúng ta tái đạt tới được một sự hiểu biết. Chúa Ki-tô chính là mẫu gương của Giáo hội, vì Giáo hội là thân thể của Ngài. Ngài là mẫu gương của mọi Ki-tô hữu, của tất cả chúng ta. Trong việc chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô, chúng ta không thể sai lầm. Tin Mừng của Thánh Lu-ca đã kể lại cho biết việc Chúa Giê-su bước vào trong Hội Đường sau khi ngài trở về quê Nazareth của Ngài, và đã đọc bản văn sau đây của sách Ngôn Sứ Isaia: „Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa“ (Lc. 4, 18-19).  Như Chúa Ki-tô đã sử dụng nhân tính của Ngài – vì Ngài cũng là một con người – để công bố kế hoạch cứu độ và chữa lành của Thiên Chúa – vì Ngài là Thiên Chúa -, điều ấy cũng phải diễn ra trong trường hợp của Giáo hội. Thông qua thực tại hiển nhiên của mình; thông qua tất cả những gì chúng ta có thể nhận biết, các Bí Tích và việc loan báo Tin Mừng của tất cả các Ki-tô hữu, ngày lại ngày, Giáo hội được kêu gọi đến gần với tất cả những ai đang phải sống trong cảnh nghèo túng, trong sự đau khổ cũng như đang bị đẩy ra bên lề xã hội, đễ miễn sao tất cả đều cảm nghiệm được cái nhìn đầy cảm thông và thương mến của Chúa Giê-su dành cho họ.

 

Anh chị em thân mến, với tư cách là Giáo hội, chúng ta vẫn thường trải qua các kinh nghiệm về sự yếu đuối cũng như những giới hạn của mình. Tất cả chúng ta đều bị liên lụy đến chuyện đó. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Không ai trong chúng ta có thể nói: „Tôi không phải là người có tội“. Nhưng nếu một ai đó trong chúng ta lại không cảm thấy mình là người tội lỗi, thì người đó hãy giơ tay lên nào. Tất cả chúng ta đều là những tội nhân. Và sự yếu đuối này, sự giới hạn này cũng như những tội lỗi này sẽ gây nên trong chúng ta một cảm giác ân hận sâu xa; trước hết, khi chúng ta gây ra gương mù gương xấu và nhận thức được rằng, chúng ta sẽ trở nên nguyên nhân dẫn tới sự phẫn nộ. Chúng ta đã thường nghe thấy từ trong các khu ổ chuột của chúng ta rằng: „Coi chừng cái ông đó nhé: Ông ta luôn đi đến nhà thờ, nhưng ông ta lại nói xấu về tất cả…“ Đó không phải là Ki-tô hữu, đó là một gương mù gương xấu: đó là một tội. Chứng tá của chúng ta chứa đựng trong việc làm cho người ta hiểu về ý nghĩa của Ki-tô giáo. Vì thế chúng ta hãy cầu xin để đừng bao giờ trở nên nguyên cớ cho sự phẫn nộ. Chúng ta hãy xin cho mình được ơn Đức Tin, để chúng ta có thể hiểu được Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trở thành một khí cụ của Ân Sủng cũng như trở nên một dấu chỉ rõ ràng về Tình Yêu của Ngài trong thực tế như thế nào, bất chấp tất cả những điều nhỏ nhoi và sự nghèo nàn của chúng ta. Thực ra, chúng ta vẫn có thể trở nên nguyên cớ cho sự phẫn nộ, và chúng ta cũng có thể trở nên một nguyên cớ dẫn đến các chứng tá, bằng cách chúng ta nói về những gì mà Chúa Giê-su muốn từ nơi chúng ta, với tất cả cuộc sống của chúng ta.

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.


Văn Kiện Giáo Hội