Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung trưa Chúa Nhật 09.11.2014: „Đức bác ái đối với tha nhân chính là sự biểu lộ của Đức Tin

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay, trong Phụng Vụ, chúng ta tưởng nhớ tới biến cố Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Lateran – Nhà Thờ Chính Tòa của Giáo Phận Rô-ma mà truyền thống vẫn gọi là „Mẹ của tất cả các Thánh Đường trên cả thành phố này lẫn cả thế giới“. Danh từ „Mẹ“ không chỉ rất liên quan đến kiến trúc của ngôi Thánh Đường, mà hơn nữa, còn liên quan tới công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng đã tự mạc khải mình trong công trình xây dựng này, và thông qua chức vụ của Giám Mục thành Rô-ma, đem đến nhiều hoa trái cho tất cả các cộng đoàn đang còn lưu lại trong sự hiệp nhất với Giáo hội.

Mỗi lần, khi chúng ta cung hiến một ngôi Thánh Đường mới, chúng ta lại được nhắc nhớ tới một chân lý nền tảng này: Đền thờ vật chất, tức đền thờ được kiến thiết bằng gạch đá, chính là một biểu tượng của một Giáo hội hữu hiệu và sống động trong lịch sử nhân loại, và như thế, bất cứ „một ngôi đền thờ sống động nào“ cũng đều ở trong Đấng - như Thánh Phê-rô Tông Đồ viết, chính Chúa Ki-tô là „viên đá sống động“ – bị vứt bỏ bởi con người, nhưng lại được tuyển chọn và tôn vinh bởi Thiên Chúa (1Pr. 2, 4-8). Trong bài Tin Mừng hôm nay, trong khi nói về đền thờ, Chúa Giê-su đã mạc khải một chân lý gây nhiều xúc động rằng, thực ra đền thờ của Thiên Chúa không chỉ là những công trình được kiến tạo nên từ những viên gạch hay viên đá, nhưng còn là chính thân thể riêng của Ngài, mà thân thể ấy bao gồm những viên đá sống động. Sức mạnh của Bí Tích Thanh Tẩy làm cho bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều trở nên thành phần của „ngôi nhà Thiên Chúa“ (xc. Cor. 3, 9), thành phần trong Giáo hội của Thiên Chúa. Tòa nhà tinh thần, tức Giáo hội với tư cách là cộng đoàn của những con người được thánh hiến trong Máu Thánh của Chúa Ki-tô và trong Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, đòi hỏi từ nơi mỗi người chúng ta một điều rằng, chúng ta phải sống trong sự tương hợp với hồng ân Đức Tin, và phải đi trên con đường chứng tá Ki-tô giáo. Không hề dễ dàng trong việc duy trì sự tương hợp này giữa Đức Tin và đời sống chứng tá, như tất cả chúng ta đều đã biết; nhưng chúng ta phải nỗ lực để thực hiện điều đó, và phải hiện thực hóa sự tương hợp ấy trong cuộc sống chúng ta. „Đó là một Ki-tô hữu!“; và thực ra không phải chỉ vì những lời nói của người được gọi là Ki-tô hữu, nhưng còn là vì những hành động của họ, và vì những cung cách mà họ cư xử trong cuộc cuộc sống hằng ngày. Tính nhất quán mà nó làm cho chúng ta được phấn chấn này, chính là một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin cùng Chúa Thánh Thần. Trong ngày được khai sinh cũng như nơi sứ vụ truyền giáo của mình trong thế giới, Giáo hội không phải là bất cứ điều gì khác ngoài việc là một cộng đoàn đã được quy tụ để công bố niềm tin của mình vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ nhân loại, và để làm chứng cho Đức Tin ấy nhờ vào Tình Yêu được sống với tha nhân. Hai điều ấy cùng thuộc về nhau! Ngay cả trong thời đại hôm nay, Giáo Hội cũng vẫn đang còn được kêu gọi để trở nên một cộng đoàn trong thế giới, mà cộng đoàn ấy được thả neo trong Chúa Ki-tô nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, và công bố Niềm Tin vào Chúa Ki-tô với sự khiêm nhượng và sự can đảm, cũng như làm chứng cho Ngài thông qua tình bác ái đối với tha nhân. Vì thế, đức bác ái đối với tha nhân chính là sự biểu lộ của Đức Tin, và Đức Tin thì lại là nền tảng và là cội nguồi của đức bác ái tha nhân.

Đại Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy tư về sự hiệp nhất của tất cả các Giáo hội, điều đó bao phủ sự hiệp nhất của cộng đoàn Ki-tô giáo, và thúc đẩy chúng ta làm việc, hầu cho toàn thể nhân loại có thể thắng vượt những rào cản của thái độ thù địch cũng như của thái độ thờ ơ lãnh đạm; kiến tạo nên những chiếc cầu nối của sự thấu hiểu cũng như của sự đối thoại, hầu làm cho toàn thể thế giới trở nên một gia đình duy nhất, trong đó mọi dân tộc đều chung sống với nhau một cách hài hòa, trong tình huynh đệ và trong sự liên đới. Giáo hội sẽ là một dấu chỉ cũng như là một sự tiên đoán của nhân loại mới ấy, nếu Giáo hội truyền rao Tin Mừng, và khuếch trương sứ điệp của niềm hy vọng cũng như của sự hòa giải đối với tất cả mọi người, và nêu gương bằng chứng tá của mình.

Chúng ta hãy cầu xin, qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta trở nên „ngôi nhà của Thiên Chúa“, trở nên đền thờ sống động của Tình Yêu Ngài, giống như Mẹ đã từng là đền thờ ấy.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến!

Cách nay đúng 25 năm, vào ngày mồng 09 tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin đã bị sập đổ, nó đã chia cắt thành phố trong một thời gian lâu dài, và đã trở thành biểu tượng cho sự chia rẽ mang tính ý thức hệ của châu Âu và của toàn thế giới. Sự sụp đổ của bức tường này đã xảy ra một cách đột nhiên, nhưng nó được tạo khả năng nhờ vào sự tham gia lâu dài và đầy nỗ lực của nhiều con người, mà họ đã đấu tranh cho việc đó, đã cầu nguyện cũng như đã chịu nhiều đau khổ; nhiều người trong số họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Một trong số những vai diễn chính của vụ này chính là Tân Hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng. Chúng ta hãy cầu nguyện, để với ơn trợ giúp của Thiên Chúa và với sự cộng tác của tất cả mọi người thiện chí, một nền văn hóa gặp gỡ sẽ càng ngày càng chiếm được nhiều không gian, mà nó có thể mang đến sự sụp đổ cho nhiều bức tường vẫn còn đang chia tách thế giới; và chúng ta hãy cầu nguyện để cho không còn xảy ra chuyện những người vô tội bị bách hại và thậm chí bị sát hại chỉ vì tín ngưỡng hay tôn giáo của mình nữa. Nơi đâu còn có những bức tường như thế, nơi đó những con tim vẫn còn bị khép kín. Chúng ta cần tới những chiếc cầu nối chứ không cần những bức tường ngăn cách!

Hôm nay tại Ý, người ta cử hành „Ngày Tạ Ơn“, mà đề tài của ngày này trong năm nay nhân cuộc hội chợ triển lãm tại Mi-lan vào năm 2015 có tiêu đề là: „Hãy nuôi dưỡng hành tinh: năng lượng cho thế giới“. Cha ủng hộ các Đức Giám Mục với lời kêu gọi của các Ngài rằng, không ai bị thiếu cơm bánh hằng ngày của họ, Thiên Chúa ban tặng điều đó cho tất cả. Cha ở gần bên thế giới nông nghiệp, và Cha khích lệ tất cả hãy sử dụng trái đất với một phương cách bền vững.

Trong chính mối liên hệ ấy, „Ngày Giáo Phận Bảo Vệ Thiên Nhiên“ đang diễn ra tại Rô-ma ngay trong ngày hôm nay, đây là một biến cố mà nó khuyến khích những lối sống đặt nền tảng trên sự tôn trọng thiên nhiên.

Cha xin kính chào tất cả mọi người hành hương đã đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau. Cha cũng xin kính chào các gia đình, các nhóm Giáo xứ và các hiệp hội trong ngày nắng đẹp hôm nay mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Một cách đặc biệt, Cha xin kính chào các vị đại diện của cộng đồng người Vê-nê-zu-ê-na tại Ý,  mà từ chỗ này Cha đang nhìn thấy những lá cờ của họ ở bên dưới kia. Bên cạnh đó, Cha cũng xin chào các bạn trẻ đến từ Vicenza (Ý), mà hôm nay họ đã lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức; xin chào các sinh viên của đại học Urbino; chào các tín hữu đến từ Pontecagnano, từ Sant´Angelo tại Formis, từ Borgonuovo và từ Pontecchio.

Trong ngày nắng đẹp hôm nay, Cha xin cầu chúc cho tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha nhé! Chúc tất cả anh chị em một bữa trưa ngon miệng, và xin hẹn gặp lại anh chị em!

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội