Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi hội kiến chung sáng thứ Tư ngày 21.01.2015: Chuyến Tông Du tới Sri Lanka và Philippine

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn tường thuật lại chuyến Tông Du tới Sri Lanka và tới Philippine mà Cha đã thực hiện trong tuần vừa qua. Sau chuyến viếng thăm của Cha tới Hàn Quốc cách nay một ít tháng, Cha lại tái công du tới châu Á, một châu lục với những truyền thống văn hóa và tâm linh phong phú. Ở ngay tuyến đầu, chuyến Tông Du này chính là một cuộc gặp gỡ đầy vui mừng với các Cộng Đoàn Giáo hội mà họ đang thực hiện chứng tá của mình về Chúa Ki-tô trong những quốc gia ấy: Cha đã chứng thực cho họ về Đức Tin cũng như về công việc truyền giáo của họ. Cha sẽ luôn luôn bảo vệ trong con tim của Cha ký ức về cuộc tiếp đón nồng nhiệt mà dân chúng đã dành cho Cha trong tất cả những chặng quan trọng của chuyến công du. Cha cũng đã khích lệ sự đối thoại liên tôn trong sự phục vụ hòa bình, cũng như những cố gắng của mỗi dân tộc nhằm đưa tới sự hiệp nhất và sự phát triển xã hội, đặc biệt là trong sự cộng tác của các gia đình và giới trẻ.

Cao điểm trong chuyến công du của Cha tới Sri Lanka là việc tôn phong Hiển Thánh Cho nhà truyền giáo Joseph Vaz. Vị Linh Mục thánh thiện này đã ban các Bí Tích cho các tín hữu, thường là trong bí mật, và đã giúp đỡ tất cả mọi người đau khổ, bất kỳ họ thuộc tôn giáo hay tình trạng xã hội nào. Gương sáng thánh thiện và đức ái đối với đồng loại của Ngài cũng chính là một nguồn mạch của sự cảm hứng ngay cả đối với Giáo hội ngày nay tại Sri Lanka, trong hoạt động tông đồ của Giáo hội này về tình yêu tha nhân và về sự giáo dục. Cha đã khám phá ra Thánh Joseph Vaz như là mẫu gương đối với tất cả những Ki-tô hữu mà trong thời đại hôm nay họ cũng được kêu gọi để loan báo chân lý cứu độ của Tin Mừng trong một bối cảnh đa tôn giáo, trong sự kính trọng trước những người khác, với sự kiên định và với sự khiêm nhường.

Sri Lanka là một quốc gia có những vẻ đẹp tự nhiên mà người dân của quốc gia này đang cố gắng tái thiết sự hiệp nhất sau một cuộc nội chiến lâu dài và bi ai. Trong cuộc gặp gỡ của Cha với các vị đại diện của chính phủ, Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối thoại và của việc tôn trọng nhân phẩm, hầu tìm ra những giải pháp phù hợp đối với lợi ích chung, trong sự cùng nỗ lực.

Các tôn giáo khác nhau đã có một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Cuộc gặp gỡ của Cha với các vị đại diện của các tôn giáo đã chứng thực cho những mối tương quan tốt đẹp mà nó vẫn tồn tại sẵn giữa các cộng đồng khác biệt. Trong bối cảnh này, Cha đã khích lệ sự cộng tác đã được bắt đầu giữa các tín hữu thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau, ngay cả với mục đích nhằm giúp đỡ với dầu thơm của sự tha thứ đối với những ai vẫn còn đang phải chịu đau khổ dưới những vết thương của những năm đã qua. Đề tài tái giao hòa cũng là tư tưởng chủ đạo trong chuyến viếng thăm của Cha tới Thánh Địa Đức Mẹ Madhu, Mẹ được tôn kính giống nhau bởi cả người Tamil lẫn người Singhalese, và là điểm hành hương cũng của nhiều tín hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Bất cứ tại nơi Thánh Địa nào chúng ta cũng đều cầu nguyện với Mẹ Maria của chúng ta cho toàn thể dân tộc Sri Lanka đạt tới được hồng ân hiệp nhất và hòa bình.

Từ Sri Lanka Cha đã bay sang Philippine, nơi Giáo hội đang chuẩn bị mừng kỷ niệm năm thứ 500 ngày loan báo Tin Mừng trên quần đảo. Đây là một quốc gia Công giáo lớn nhất châu Á; dân tộc Philippine nổi tiếng với Đức Tin thẳm sâu, với lòng đạo đức bình dân và với sự hăng say nhiệt thành của họ ngay cả trong vùng đất nơi chỉ có một bộ tộc thiểu số sinh sống. Trong cuộc gặp gỡ của Cha với các vị đại diện quốc gia, cũng như trong những khoảnh khắc cầu nguyện và trong Thánh Lễ bế mạc chuyến viếng thăm, Cha đã nhấn mạnh đến sự phong nhiêu không ngừng của Tin Mừng, cũng như khả năng của Tin Mừng trong việc gây cảm hứng cho một xã hội xứng với con người, mà trong đó có chỗ cho phẩm giá của mỗi cá nhân và cho niềm hạnh phúc của dân tộc Philippine.

Mục đích chính nơi chuyến công du của Cha và nguyên nhân chính tại sao Cha đã quyết định đến thăm Philippine – đó thực sự là lý do chính – chuyến viếng thăm của Cha bên những người anh em và những người chị em của chúng ta đã phải đau khổ vì những sự tàn phá của trận cuồng bão Hải Yến, là nhằm để thể hiện sự gần gũi của Cha đối với họ. Cha đã bay tới Tacloban, đây là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại đây, Cha đã phải hết sức ngưỡng mộ Đức Tin và khả năng tái bắt đầu của cư dân bản xứ. Nhưng tiếc rằng thời tiết xấu lại lấy đi mất mạng sống của một người vô tội tại Tacloban: một nữ tình nguyện viên trẻ tên là Kristel, cô đã bị đè chết bởi một giàn giáo do cơn bão làm sập. Cha cũng đã nghĩ đến những người từ khắp nơi trên trái đất này đã phản ứng thông qua việc cứu trợ đại lượng của họ trên sự cùng quẫn của cư dân tại Tacloban. Quyền năng của Tình Yêu Thiên Chúa đã mạc khải ra trong mầu nhiệm Thập Giá, đã chứng tỏ trong tinh thần liên đới mà nhiều người đã thể hiện thông qua thái độ sẵn sàng hy sinh của họ.

Những cuộc gặp gỡ với các gia đình và giới trẻ tại Manila được coi như là những khoảnh khắc cao nhất trong chuyến công du của Cha tới Philippine. Các gia đình lành mạnh có một tầm quan trọng cơ bản đối với xã hội. Có một niềm an ủi và một niềm hy vọng là được nhìn thấy rất nhiều gia đình đang đón nhận con cái của mình như một hồng ân đến từ Thiên Chúa. Họ biết rằng, bất cứ đứa con nào cũng đều là một phúc lành. Cha đã nghe một số người nói rằng, gia đình đông con, và nói chung việc sinh nhiều con cái chính là nguyên nhân của sự đói nghèo. Điều đó đối với Cha có vẻ như là một cách nghĩ quá đỗi đơn giản hóa. Cha có thể nói, tất cả chúng ta đều có thể nói rằng, những nguyên nhân của sự đói nghèo chính là điều cần phải được dò tìm trong một hệ thống kinh tế mà nó lấy con người ra khỏi trung tâm điểm và đặt tiền bạc vào chỗ của họ. Một hệ thống kinh tế mà luôn luôn loại trừ tất cả: trẻ em, người già, giới trẻ, những người thất nghiệp … loại trừ tất cả những điều ấy, và tự tạo ra nền văn hóa vứt bỏ mà chúng ta đang sống trong nền văn háo ấy. Chúng ta có thói quen nhìn những con người được tuyển chọn. Đó là nguyên nhân chính của sự đói nghèo, không phải là gia đình đông con. Trong bài suy niệm về Thánh Giu-se, Đấng đã bảo vệ đời sống của Santo Niño, của các em bé trong quốc gia rất tôn kính Thánh Nhân, Cha đã nhắc nhớ rằng, chúng ta phải bảo vệ các gia đình, khi họ gặp các mối nguy, để họ có thể làm chứng cho vẻ đẹp của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Người ta phải bảo vệ gia đình trước những cuộc tân thuộc địa hóa mang tính ý thức hệ, mà những cuộc thuộc địa hóa ấy tấn công căn tính và sứ vụ của họ.

Đối với Cha, đó là một niềm vui khi được hiện diện cùng với giới trẻ Philippine để lắng nghe những niềm trông chờ cũng như những lắng lo của họ. Cha đã mang đến cho họ sự khích lệ của Cha đối với những cố gắng và sự dấn thân của họ cho sự canh tân xã hội, đặc biệt là trong sự phục vụ người nghèo và việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Sự chăm sóc người nghèo là một yếu tố nền tảng của cuộc sống chúng ta và là một chứng tá Ki-tô giáo. Trong chuyến viếng thăm của Cha, cha cũng đã nhấn mạnh tới điều đó. Và điều đó cũng thuộc về việc khước từ bất cứ hình thức nào của việc tham nhũng, vì sự tham nhũng sẽ cướp hết của người nghèo, và đòi hỏi một nền văn hóa ngay thẳng.

Cha tạ ơn Chúa về chuyến viếng thăm mục vụ này tại Sri Lanka và tại Philippine. Cha cầu xin Chúa luôn luôn chúc lành cho hai quốc gia này, và xin Ngài tăng cường niềm trung tín của các Ki-tô hữu đối với sứ điệp của Tin Mừng về ơn cứu độ, về ơn giao hòa và ơn hiệp thông của chúng ta với Chúa Ki-tô.

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Giờ đây Cha muốn kêu gọi anh chị em hãy cùng cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ bất an trong những ngày này tại đất nước Nigeria đáng yêu. Đó là những hành động bạo tàn chống lại các Ki-tô hữu, trẻ em và các Giáo hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn tái giao hòa và bình an để những cảm xúc tôn giáo không bao giờ trở thành cơ hội dẫn tới bạo lực, đàn áp và phá hoại. Người ta không thể nhân danh Thiên Chúa để gây chiến tranh! Cha hy vọng rằng, bầu khí tôn trọng lẫn nhau và cuộc sống chung hòa bình sẽ sớm quay trở lại trong mức độ sớm nhất bao nhiêu có thể, để đem đến niềm hạnh phúc cho tất cả. Giờ đây chúng ta hãy cầu xin với Mẹ Thiên Chúa cho những con người tại Nigeria (Kính mừng Maria…).

Vatican ngày 21 tháng 01 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội