Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô tại Đền Thờ Thánh Phê-rô trong Công Nghị tấn phong các tân Hồng Y ngày 14.02.2015

Anh em trong Hồng Y đoàn thân mến,

việc trở thành Hồng Y chắc chắn là một phẩm cách nhưng không phải là một tước vị danh dự. Danh xưng „Hồng Y“ đã nói lên điều đó rồi. Theo ngôn nữ La-tinh, danh xưng „Hồng Y“ có cùng nguồn gốc với từ „cardo“ (điểm chính, trọng tâm); như vậy, nó không phải là một cái gì đó được thêm vào, chỉ để làm cảnh, tức điều khiến người ta nghĩ tới một sự ban thưởng, nhưng là một „chiếc đi trụ“, một điểm đỡ và là tâm quay căn bản đối với đời sống cộng đồng. Anh em là „cardines“ – điểm trung tâm – và anh em được hội nhập vào trong Giáo Hội Rô-ma, mà Giáo hội ấy „lãnh đạo toàn thể cộng đoàn yêu thương“ (LM 13).

Trong Giáo hội, bất cứ sự lãnh đạo nào cũng có cội nguồn của nó trong Đức Ái, cũng đều phải được thi hành trong Đức Ái, và có Đức Ái như là cùng đích. Ngay cả trong đó, Giáo hội tại Rô-ma cũng đóng một vai trò mẫu mực: Giáo hội thực thi quyền lãnh đạo trong Đức Ái như thế nào, và như vậy, bất cứ thành phần nào trong Giáo hội cũng đều được kêu gọi thực thi quyền lãnh đạo tại địa bàn của mình trong Đức Ái.

Vì thế, tôi nghĩ rằng, „Bài Ca Đức Ái“ trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô có thể trở thành từ khóa cho buổi cử hành này và cho sứ vụ của anh em, đặc biệt là đối với những người trong anh em ngày hôm nay được đón nhận vào trong Hồng Y Đoàn. Và điều đó sẽ đem đến điều ích lợi cho chúng ta – trước tiên là cho tôi, và anh em với tôi – nếu chúng ta để cho mình được dẫn dắt bởi những lời được linh hứng của Thánh Phao-lô Tông Đồ, đặc biệt là tại điểm mà Ngài liệt kê ra những phẩm cách của Đức Ái. Ước chi Đức Maria – Mẹ của chúng ta - sẽ giúp chúng ta lắng nghe bài ca đó. Mẹ đã ban tặng cho thế giới Đấng mà chính Ngài là „đường“, mà con đường ấy vượt quá tất cả (1 Cor 12,31): Chúa Giê-su, Tình Yêu nhập thể. Đức Maria sẽ giúp chúng ta đón nhận Lời ấy và luôn luôn bước đi trên con đường ấy. Mẹ sẽ giúp chúng ta với thái độ khiêm nhượng, tinh tế và hiền mẫu của Mẹ, vì Tình Yêu – một ân sủng của Thiên Chúa – sẽ phát triển tại đó, nơi đức khiêm nhượng và sự trìu mến tồn tại.

Trước hết, thánh Phao-lô nói với chúng ta rằng, Đức Ái thì nhẫn nại và hiền từ. Trách nhiệm phục vụ Giáo hội càng lớn lên bao nhiêu thì con tim cũng càng phải rộng mở ra bấy nhiêu, phải mở rộng cõi lòng ra theo tiêu chuẩn của Chúa Ki-tô bấy nhiêu. Theo một ý nghĩa nào đó, nhẫn nại đồng nghĩa với sự thích hợp theo tinh thần Công giáo: nó có khả năng yêu thương một cách vô hạn, nhưng đồng thời cũng bước vào trong sự trung tín, và với những hành động cụ thể trên bất cứ trạng huống nào. Yêu thương những con người vĩ đại nhưng không bỏ mặc và coi thường những con người bé nhỏ: yêu mến những điều bé nhỏ trong tầm nhìn xa của những điều to lớn, vì „non coerceri a maximo, conteneri tamen a minimo divinum est – không bị giới hạn bởi những điều to lớn nhất, nhưng cũng không bị bao vây bởi những điều nhỏ nhặt nhất, điều đó thuộc về Thiên Chúa“. Hiểu biết để yêu thương với những cử chỉ tốt lành. Sự tốt lành, hay nói cách khác đi là lòng tốt, chính là mục tiêu chắc chắn và thường xuyên, luôn luôn muốn điều tốt lành, và thực tế là cho tất cả, kể cả đối với những người mà họ không có ý định mang đến điều tốt lành cho chúng ta.

Sau đó vị Tông Đồ nói: Đức Ái không ghen tương, không khoe khoang, cũng không vênh váo tự cao. Điều đó thực sự là một phép lạ của Đức Ái, vì con người chúng ta – tất cả và trong mỗi lứa tuổi – vì bản tính đã bị gây thương tổn bởi tội lỗi chúng ta, nên đều nghiêng về sự đố kị và kiêu ngạo. Và ngay cả những người mang trong mình những phẩm cách của Giáo hội, cũng không được miễn trừ trước việc chống lại cơn cám dỗ ấy. Vì thế, thưa anh em, ngay khi sức mạnh Tình Yêu Thiên Chúa, tức sức mạnh biến đổi con tim, vẫn còn có thể xuất hiện, đến nỗi có thể nói được rằng, bạn không còn phải là người đang sống nữa, mà là chính Chúa Ki-tô, Đấng đang sống trong bạn. Và Chúa Giê-su lại hoàn toàn là Tình Yêu.

Ngoài ra, Đức Ái không hề thiếu sự tế nhị, không tìm kiếm những mối lợi về cho mình. Cả hai nét đặc trưng đó chỉ ra rằng, bất cứ một người nào đó sống trong Đức Ái, sẽ không bao giờ nhìn ngắm mình như là trung tâm điểm. Ai chỉ xoay quanh chính mình, người ấy sẽ không tránh khỏi sự thiếu tế nhị, và thường không bao giờ nhận ra điều đó dù chỉ một lần, vì „sự quan tâm“ chính là khả năng để tôn trọng người khác, tôn trọng phẩm giá của họ, tôn trọng tình trạng cũng như những nhu cầu của họ. Ai ngắm nhìn mình như là trung tâm điểm, người ấy không thể tránh khỏi việc kiếm tìm những mối lợi riêng, và điều đó có vẻ như rất bình thường với người ấy, gần như là một nghĩa vụ. „Những mối lợi“ ấy cũng có thể được phủ trong những bộ quần áo quý giá, nhưng trong tiềm thức, những „mối lợi riêng“ luôn luôn ở đó. Trái lại, Đức Ái giải thoát bạn khỏi việc quy về chính bản thân mình, và đặt bạn vào trong trung tâm thực sự, mà chỉ có Chúa Ki-tô mới là trung tâm ấy. Sau đó bạn có thể thực sự trở thành con người tế nhị, tức người kính trọng niềm hạnh phúc của những người khác.

Đức Ái – Thánh Phao-lô nói – không để cho mình bị lôi cuốn vào cơn giận dữ, không mang theo sự dữ. Vị mục tử nào sống trong sự giao tiếp với con người, sẽ không thiếu những cơ hội khiến mình giận dữ. Và có lẽ chúng ta vẫn còn có nguy cơ rởi vào cơn giận dữ trong các mối tương quan giữa những người anh em chúng ta với nhau, vì trong thực tế, chúng ta ít có thể tha thứ được. Ngay trong điều đó cũng có Đức Ái – và chỉ có Đức Ái giải phóng chúng ta. Đức Ái giải phóng chúng ta khỏi nguy cơ phản ứng một cách bốc đồng, giải phóng chúng ta khỏi nguy cơ nói và hành động một cách không thích hợp; và trước hết, nó giải phóng chúng ta khỏi mối nguy hiểm chết người của cơn giận dữ âm ỉ, được nuôi dưỡng trong lòng, mà cơn giận dữ này sẽ dẫn tới việc đem theo sự ác mà bạn đã phải chịu đựng. Không! Đó là điều không thể chấp nhận được đối với một người lãnh đạo cao cấp của Giáo hội. Nói chung, nếu người ta có thể xin lỗi về một cơn giận dữ được trấn an trong khoảnh khắc và ngay lập tức, thì hoàn toàn sẽ không có mối ác cảm. Xin Chúa bảo vệ chúng ta và giải phóng chúng ta trước điều đó!

Đức Ái – Thánh Tông Đồ bổ sung – không vui trước sự bất công, nhưng vui mừng trước chân lý. Ai trong Giáo hội được kêu gọi để phục vụ trong sự quản trị, người ấy phải thủ đắc một ý thức về đức công chính được in sâu đến độ đối với họ, bất cứ một sự bất công nào cũng đều không thể chấp nhận được, cũng đều là một điều, mà đối với người ấy hay đối với Giáo hội, có thể trở thành mối lợi riêng. Và đồng thời, Đức Ái vui mừng trước chân lý - điều diễn tả một cách tuyệt vời! Người của Thiên Chúa là một con người được lôi cuốn bởi chân lý, và là người nhìn thấy chân lý một cách trọn vẹn trong Lời Chúa và trong thân thể Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su Ki-tô chính là nguồn mạch không thể tát cạn đối với niềm vui của chúng ta. Ước chi dân Chúa luôn luôn nhìn thấy trong chúng ta những người chiến sĩ kiên quyết và không do dự trong việc chống lại những bất công, và là những người phục vụ vui mừng của chân lý.

Sau cùng, Đức Ái có nghĩa là: tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Ở đây, chúng ta có một chương trình đời sống tinh thần và mục vụ trong bốn lời. Tình Yêu của Chúa Ki-tô, Tình Yêu ấy được đổ vào trong tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần, làm cho chúng ta có thể sống và trở nên những người có khả năng thứ tha luôn luôn; những người có khả năng tin tưởng một cách đầy tín thác, vì họ được chất đầy bởi Đức Tin vào Thiên Chúa; những người có khả năng phát tán niềm hy vọng một cách không ngừng, vì họ tràn đầy niềm hy vọng vào Thiên Chúa; những người chịu đựng mọi tình huống và mọi người anh em cũng như mọi người chị em, trong sự hiệp thông với Chúa Giê-su, Đấng, vì Tình Yêu, đã chịu đựng gánh nặng của tất cả mọi tội lỗi chúng ta.

Anh em thân mến, tất cả những điều đó không đến từ chúng ta, nhưng đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài gây nên tất cả những điều đó, nếu chúng ta sẵn sàng đối với tác động của Chúa Thánh Thần. Như vậy, đây là điều mà chúng ta phải trở nên: hội nhập và sẵn sàng. Chúng ta càng được hội nhập vào trong Giáo hội Rô-ma bao nhiêu, chúng ta càng phải trở nên sẵn sàng đối với Chúa Thánh Thần bấy nhiêu, để Tình Yêu đối với tất cả những gì chúng ta là và chúng ta làm, có thể thành hình và có ý nghĩa. Anh em hãy hội nhập vào trong Giáo hội, mà Giáo hội ấy có quyền lãnh đạo trong Đức Ái, và hãy sẵn sàng đối với Chúa Thánh Thần, Đấng đổ Tình Yêu Thiên Chúa vào trong tâm hồn chúng ta (xc. Rom 5,5). Amen.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội