Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Tạ Ơn về việc tấn phong các Tân Hồng Y tại Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 15.02.2015

 

Anh chị em thân mến,

 

có một người phong hủi đã đến gặp Chúa Giê-su và thưa với Người rằng: „Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!“ Từ sự cảm thông, Chúa Giê-su đã động lòng thương. Ngài đã giơ tay ra, đụng vào anh ta và nói với anh: „Tôi muốn, anh sạch đi!“ (xc. Mc 1,40-41). Đó là sự chạnh lòng thương của Chúa Giê-su. Sự chạnh lòng thương ấy đã làm cho Ngài quan tâm tới bất kỳ con người khổ đau nào! Phải chăng Chúa Giê-su đã chú ý tới việc gìn giữ sức khỏe của mình? – Không! Ngài để cho mình bị lôi vào trong sự khổ đau và vào trong nỗi khốn cùng của con người, đơn giản, vì Ngài có thể và muốn „chạnh lòng thương“, vì Ngài có một con tim không biết xấu hổ khi „chạnh lòng thương“.

 

Chúa Giê-su đã không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vằng ngoài thành“ (Mc 1,45). Điều đó có nghĩa là, Chúa Giê-su đã không chỉ chữa lành bệnh nhân phong cùi, nhưng bên cạnh đó, Ngài còn đón nhận việc bị đẩy ra bên lề của họ vào chính bản thân Ngài, mà việc bị đẩy ra bên lề ấy được chỉ thị thị bởi luật Mô-sê (xc. Lv 13,1-2.45-46). Chúa Giê-su đã không sợ hãi trước những rủi ro trong việc đón nhận nỗi đau khổ của người khác vào chính bản thân Ngài, nhưng Ngài trả giá cho họ đến cùng (xc. Is 53,4).

 

Sự chạnh lòng thương đã đưa Chúa Giê-su tới chỗ có những hành động cụ thể: tái sáp nhập những người bị đẩy ra ngoài lề vào với cuộc sống! Có ba khái niệm mang tính chìa khóa, mà Giáo hội muốn giới thiệu với chúng ta trong buổi Phụng Vụ này: sự chạnh lòng thương của Chúa Giê-su khi tận mắt chứng kiến việc người ta bị đẩy ra bên ngoài, cũng như tận mắt chứng kiến niềm khát khao của họ muốn được sáp nhập vào với cuộc sống.

 

Bị đẩy ra bên ngoài: Mô-sê đã đối xử với vấn đề của những người phong hủi dưới quan điểm của pháp luật, và đòi hỏi rằng, họ phải bị loại bỏ và bị khai trừ ra khỏi cộng đồng xã hội, cho tới bao lâu điều xấu xa vẫn còn tiếp tục, và cho tới bao lâu vẫn còn bị tuyên bố là „ô uế“ (xc. Lv 13,1-2.45-46).

 

Anh chị em cứ thử hình dung coi, biết bao nhiêu là đau khổ và biết bao nhiêu là sự hổ thẹn mà người mắc bệnh phong hủi phải đón nhận: về mặt thể lý, xã hội, tâm lý và thiêng liêng! Người ấy không chỉ là nạn nhân của bệnh tật, nhưng còn nghĩ mình là người đã mắc tội và cảm thấy mình bị phạt vì tội lỗi của mình! Người ấy đã chết trong một thân xác vẫn còn sống, giống như một người đã bị cha của mình „nhổ vào mặt“ (Ds 12,14).

 

Ngoài ra, người mắc bệnh phong cùi còn gây ra nỗi sợ hãi, sự khinh miệt và sự kinh tởm, và do đó bị ruồng rẫy bởi những người thân, bị xa tránh bởi những người khác, bị loại trừ bởi xã hội, vâng, chính xã hội xua đuổi người ấy và bắt buộc người ấy phải sống tại những nơi mà chúng cách xa những người khỏe mạnh, xã hội khai trừ người ấy. Và điều đó còn đi rất xa tới độ một người khỏe mạnh nào đó đã tiếp xúc với một người bị mắc bệnh phong cùi, thì người ấy sẽ bị phạt rất nặng, và thường thì chính người ấy cũng sẽ bỉ đối xử giống như một bệnh nhân phong cùi.

 

Mục đích của điều luật này chính là nhằm „cứu những người khỏe mạnh“, „bảo vệ những người công chính“, và bảo vệ họ trước nguy cơ bị lôi vào „vòng nguy hiểm“, bằng cách là người ta đối xử tàn nhẫn với những người bị nhiễm bệnh. Vì thế, thượng tế Cai-pha đã ra lệnh rằng, „thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt“ (Ga 11,50).

 

Sáp nhập: Chúa Giê-su đã phá hủy tận căn bất cứ tâm tính nào mà chúng nhốt kín mình lại trong nỗi sợ hãi, và tự giới hạn mình vào trong những định kiến của chính mình, và Ngài đã gây chấn động cho chúng một cách mạnh mẽ. Ngài không đề cao lề luật của Mô-sê, nhưng kiện toàn nó (xc. Mt 5,17), chẳng hạn như khi Ngài tuyên bố rằng, hệ thống hình phạt đã trở nên vô hiệu và nguy hiểm; khi Ngài giải thích rằng, việc tuân giữ ngày Sa-bát mà dẫn tới việc coi thường và lên án con người, thì không làm hài lòng Thiên Chúa, hay khi Ngài tận mắt chứng kiến người phụ nữ ngoại tình và không kết án chị ta, nhưng thậm chí, còn cứu chị ta trước sự nhiệt thành mù lòa của những kẻ đã sẵn sàng ném lên chị những hòn đá một cách không thương tiếc, vì họ nghị rằng, họ rất tuân thủ lề luật của Mô-sê (xc. Ga 8,3-11). Ngay cả trong bài giảng trên núi (xc. Mt 5), Chúa giê-su cũng đã thay đổi lương tâm con người một cách tận căn, qua việc Ngài mở ra cho nhân loại một chân trời mới và mạc khải trọn vẹn lô-gich của Thiên Chúa – đó là lô-gich của Tình Yêu, mà Tình Yêu thì không đặt nền móng trên sự sợ hãi, nhưng trên sự tự do, trên sự nhiệt thành đứng đắn và trên ý muốn cứu độ của Thiên Chúa: „Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý“ (1 Tm 2,3-4). „Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế“ (xc. Mt 12,7; Hs 6,6).

 

Chúa Giê-su – Đấng là Mô-sê mới – muốn chữa lành những người bệnh phong cùi, Ngài muốn động chạm tới họ, Ngài muốn tái hội nhập họ vào lại trong đời sống cộng đồng và xã hội, không hề có chuyện tự giới hạn trong những định kiến của chính mình, không hề có chuyện muốn làm hài lòng với tâm tính của những kẻ nắm quyền, nói chung, không hề có chuyện nghĩ ngợi về việc mình sẽ bị lây nhiễm. Chúa Giê-su trả lời ngay lập tức trước lời cầu xin khẩn khoản của người mắc bệnh phong hủi, và không hề có chuyện chần chừ hay muốn kéo dài như thường lệ nhằm điều tra tình hình, và để đắn đo về tất cả những hậu quả có thể xảy ra! Điều mà Chúa Giê-su muốn nhắm tới trước hết, chính là làm sao để có thể đến được với những người ở xa và cứu giúp họ, để chữa lành những vết thương của các bệnh nhân, cũng như để tái hội nhập tất cả mọi người vào lại trong gia đình của Thiên Chúa. Và điều đó đã đưa đến một sự phẫn nộ nào đó!

 

Trước cách phẫn nộ ấy, Chúa Giê-su đã không hề sợ hãi! Ngài không nghĩ tới những kẻ khép kín, mà đối với họ, thậm chí sự chữa lành lại chính là một điều gây phẫn nộ, họ cảm thấy bực bội về sự cởi mở ấy, cảm thấy bực bội trước mỗi bước đi mà nó không phù hợp với khuôn mẫu tinh thần và trí tuệ của họ, bực bội với bất cứ sự âu yếm hay sự trìu mến nào mà chúng không tương thích với những thói quen suy nghĩ và sự trong sạch theo nghi thức của họ. Chúa Giê-su muốn hội nhập những người bị đẩy ra bên lề cuộc sống, và muốn cứu giúp tất cả những ai đang ở trong tình trạng bên ngoài xã hội (xc. Ga 10).

 

Đó là hai lối lý luận của triết học và của Đức Tin: sợ hãi trước việc bị đánh mất ơn cứu độ, và mong muốn cứu độ những người bị hư mất. Ngay cả trong thời đại hôm nay, đôi khi cũng xảy ra chuyện chúng ta ở ngay trong ngã ba đường của cả hai lối lý luận trên: lý luận theo giáo điều lề luật, có nghĩa là rơi vào trong sự nguy hiểm thông qua việc xa cách con người bị lây nhiễm, và lối lý luận của Thiên Chúa, Đấng ôm con người vào lòng và đón nhận họ với lòng nhân hậu của Ngài, tái hội nhập họ vào lại cuộc sống, và biến sự dữ thành điều tốt lành, biến sự kết án thành ơn cứu độ, và biến việc loại trừ thành việc nhìn nhận.

 

Cả hai lối lý luận này đều đã đi qua toàn bộ lịch sử của Giáo hội: loại trừ và tái hội nhập. Khi Thánh Phao-lô thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao là mang việc loan báo Tin Mừng tới tận cùng bờ cõi trái đất (xc. Mt 28,19; Cv 1,8), Ngài đã gây ra sự phẫn nộ, và đã vấp phải một sự chống đối mạnh mẽ cũng như một thái độ thù địch to lớn, trước hết là từ những kẻ đòi hỏi một sự tuân phục vô điều kiện đối với lề luật Mô-sê, ngay cả đối với những người ngoại giáo trở lại. Chính Thánh Phê-rô cũng đã bị chỉ trích một cách gay gắt bởi cộng đoàn khi Ngài bước vào nhà của một người thủ lĩnh dân ngoại, tức nhà ông Cor-nê-li-ô (xc. Cv 10).

 

Con đường của Giáo hội kể từ thời Công Đồng Giê-ru-sa-lem, vẫn luôn là con đường của Chúa Giê-su: Con đường nhân hậu và hội nhập. Điều đó không có nghĩa là coi thường sự nguy hiểm, hay để cho những con sói dữ xâm nhập vào đoàn chiên, nhưng là đón nhận người con hoang đàng, phân định và can đảm chữa lành những vết thương tội lỗi, xắn tay áo lên, và không ở lỳ trong đó, quan sát một cách tích cực sự đau khổ của thế giới. Con đường của Giáo hội chính là con đường không kết án đời đời bất cứ con người nào, đổ tràn lòng nhân hậu của Thiên Chúa lên hết thảy mọi con người mà họ cầu xin Giáo hội với trọn tấm lòng. Con đường của Giáo hội thực sự là con đường đi ra khỏi hàng rào riêng, để lên đường tìm đến những nơi xa xôi, trong những khu vực bên lề kiếp hiện sinh; đó là con đường đảm nhận một cách hoàn toàn lối lý luận của Thiên Chúa, và đi theo vị Thầy, Đấng đã từng nói: „Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn“ (Lc 5,31-32).

 

Trong khi Chúa Giê-su chữa lành người bị phong cùi, Ngài không gây ra sự thiệt hại cho người khỏe mạnh, hơn nữa, Ngài còn giải phóng họ khỏi nỗi sợ hãi; Ngài không đưa người ấy ra khỏi mối nguy hiểm, nhưng gửi đến cho họ một người anh em; Ngài không khinh thường lề luật, nhưng Ngài kính trọng con người, mà Thiên Chúa đã trao ban lề luật cho họ. Trong thực tế, Chúa Giê-su đã giải phóng những người khỏe mạnh khỏi cơn cám dỗ của „người anh cả“ (xc. Lc 15,11-32), cũng như khỏi gánh nặng của sự ghen tương và sự càu nhàu của những kẻ làm công, tức những kẻ „đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt“ (xc. Mt 20,1-16).

 

Từ đó dẫn tới chuyện: Tình Yêu không thể chung chung, thờ ơ lãnh đạm, hâm hâm dở dở hay chẳng nghiêng về bên nào! Tình Yêu thiêu đốt, gây phấn chấn, mạo hiểm và bao gồm! Vì Tình Yêu đích thực luôn luôn là nhưng không, vô điều kiện và tự do đáp lại (xc. 1Cor 13). Tình Yêu sẽ sáng tạo khi nó dẫn tới chuyện tìm ra ngôn ngữ thích hợp, để đón nhận mối tương quan với tất cả những người bị coi là không thể chữa lành và không thể đụng chạm tới. Sự đụng chạm chính là một ngôn ngữ giao tiếp thực sự, và chính ngôn ngữ dễ xúc động ấy đã mang đến sự chữa lành cho những bệnh nhân phong cùi. Chúng ta có thể thực hiện và tạo điều kiện cho biết bao nhiêu là sự chữa lành nếu chúng ta học biết ngôn ngữ ấy! Người trước kia là bệnh nhân phong hủi giờ đây trở thành người loan báo Tình Yêu Thiên Chúa. Tin Mừng tường thuật lại rằng: „Nhưng vừa ra khỏi đó, anh ta đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi!“ (Mc 1,45).

 

Anh em tân Hồng Y thân mến, đó là lô-gich của Chúa Giê-su, đó là con đường của Giáo hội: không chỉ đón nhận và hội nhập những người mà họ đến gõ cửa chúng ta, với sự can đảm tương ứng với Tin Mừng, nhưng còn lên đường để kiếm tìm những con người đang đứng đàng xa mà không hề có sự định kiến hay sợ hãi, và bày tỏ cho họ sự nhưng không của điều mà chính chúng ta đã đón nhận cách nhưng không. „Ai nói rằng mình ở lại trong Chúa Ki-tô, người ấy cũng phải đi trên con đường mà Ngài đã đi“ (1 Ga 2,5). Sự sẵn sàng một cách không e dè trong sự phục vụ người khác chính là dấu hiệu nhận dạng của chúng ta, chính là danh hiệu duy nhất của chúng ta!

 

Trong buổi cử hành Phụng Vụ này, một buổi Phụng Vụ bày tỏ sự hiệp nhất của chúng ta xung quanh bàn thờ Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu xin Đức Maria bầu cử cho chúng ta, Mẹ là Mẹ của Giáo hội, chính Mẹ cũng đã phải gánh chịu việc bị loại trừ chỉ vì những điều vu khống, cũng như đã từng là người sống lưu vong (xc. Mt 2,12-23). Xin Mẹ giúp chúng ta đạt tới được ơn trở thành người phục vụ trong sự tín trung. Xin Mẹ dậy chúng ta, hầu cho chúng ta không hề hãi sợ trước việc đón nhận những người bị loại trừ, với sự trìu mến; không sợ hãi trước sự ân cần và sự cảm thông. Xin Mẹ trang hoàng chúng ta bằng sự kiên nhẫn, khi chúng ta đồng hành với bất cứ người nào trên con đường của họ, không kiếm tìm những hiệu quả của một sự thành công thế tục. Xin Mẹ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giê-su, và xin Mẹ làm cho chúng con tiến nhanh về phía trước giống như Ngài.

 

Anh em thân mến, với cái nhìn lên Chúa Giê-su và lên Mẹ Maria của chúng ta, tôi kêu mời anh em, hãy phục vụ Giáo hội đến độ các Ki-tô hữu – được khích lệ qua gương lành của chúng ta – không rơi vào cơn cám dỗ, chỉ muốn ở gần bên Chúa Giê-su nhưng không muốn ở gần bên những người bị loại trừ, và sống thu mình lại trong một nhóm không có chi để làm với một Giáo hội tính đích thực. Tôi kêu mời anh em hãy phục vụ Chúa Ki-tô bị đóng đinh trong bất cứ con người nào mà họ bị đẩy ra bên lề cuộc sống, với bất cứ lý do gì; hãy ngắm nhìn Thiên Chúa trong những con người bị khai trừ, Ngài đang đói, đang khát và đang trần truồng; Thiên Chúa, Đấng cũng đang hiện diện trong những con người đã đánh mất Đức Tin của mình, hay trong những người đã từ bỏ việc sống Đức Tin của mình;  Thiên Chúa, Đấng đang bị giam trong các trại tù, đang mắc bệnh, đang không có công ăn việc làm, đang bị bách hại; Thiên Chúa, Đấng đang bị mắc hủi nơi thân xác hay trong tâm hồn, Đấng đang bị phân biệt đối xử! Chúng ta sẽ không khám phá ra Thiên Chúa nếu chúng ta không thực sự đón nhận những người bị đẩy ra bên lề! Chúng ta hãy luôn nhớ tới Thánh Phan-xi-cô, Ngài đã không hãi sợ trong việc ôm vào lòng những bệnh nhân phong cùi, cũng như đã không sợ hãi trong việc tiếp đón những người mà họ đang phải khổ đau dưới bất cứ hình thức nào của sự loại trừ. Trong thực tế, phẩm giá của Đức Tin chúng ta được biểu lộ và được chứng minh trong việc loan báo Tin Mừng cho những người bị đẩy ra bên lề!

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội