Bài Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô nhân dịp bế mạc Hội Nghị Quốc Tế lần thứ tư về Giáo Dục, tại đại sảnh đường Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 05.02.2015

Quý vị thân mến,

Trước hết, tôi xin cám ơn quý vị về những cố gắng và những nỗ lực mà quý vị đã thể hiện trong việc tham dự cuộc hội nghị lần thứ tư này. Tôi cũng xin cám ơn quý vị về những đóng góp mà quý vị đã đưa ra từ kinh nghiệm của mình. Một điều gì đó nằm rất sâu trong con tim của tôi, đó là việc đạt tới được sự hòa điệu, mà sự hòa điệu này không chỉ có nghĩa là việc ký kết những thỏa ước, cũng như không chỉ có nghĩa là việc đạt được một số thỏa thuận hay đạt được một phần của sự hiểu biết. Trong một cách thế nào đó, hòa điệu có nghĩa là tạo ra sự đồng cảm đối với những điều khác biệt, đón nhận những khác biệt, kính trọng trước những khác biệt ấy, hầu vận dụng cũng như cho phép những khác biệt ấy thống nhất với nhau, và không để cho chúng bị vỡ vụn.

Sứ điệp của Đại học Công Giáo LUMSA (Libera Università Maria Ss. Assunta), mà chúng ta đã nghe, nhắc lại một câu mà tôi đã từng nói một lần: „Chúng ta sẽ không canh tân được thế giới nếu chúng ta không canh tân nền giáo dục.“ Và vì thế, có một điều gì đó hoàn toàn mâu thuẫn. Tôi đã nghĩ rằng, điều mâu thuẫn ấy chỉ có tại Mỹ Châu La-tinh, hay chỉ có ở trong một số quốc gia thuộc Mỹ Châu La-tinh. Đó là điều mà tôi biết rõ nhất. Nhưng thực ra, nó cũng đang có như thế trên toàn thế giới. Đó là một công ước về giáo dục, mà công ước này lại phát sinh từ giữa gia đình, trường học, quê quán và văn hóa. Công ước ấy đang bị vỡ vụn, bị vỡ rất vụn, và không thể hàn gắn. Công ước về giáo dục bị vỡ vụn có nghĩa là, dù cộng đồng hay gia đình, kể cả những cơ quan khác nhau, đang trao phó việc giáo dục cho các nhà giáo, các giáo viên mà nói chung là họ được trả lương quá thấp, họ mang trên đôi vai của họ trách nhiệm giáo dục, và bị biến thành lời phê phán khi họ không đạt được sự thành công trong vấn đề này.

Nhưng không ai biến những cơ quan khác nhau thành những lời chỉ trích, mà chính những cơ quan ấy đã không tuân giữ công ước về giáo dục, họ đã đùn đẩy công ước ấy cho tính chuyên môn của một giáo viên. Tôi muốn bày tỏ sự nhìn nhận của tôi đối với các nhà giáo, vì họ đã từng cầm nắm củ khoai tây nóng bỏng này trong đôi bàn tay, và đã có sự can đảm để tiếp tục làm việc. Bằng một cách thế nào đó, công cuộc giáo dục đang muốn tái hiệp nhất mọi nỗ lực của tất cả mọi người cho việc đào tạo, đang muốn hồi phục nguyên trạng công ước giáo dục bằng những cách thức thống nhất, vì chỉ khi tất cả chúng ta, tức những người đang chịu trách nhiệm về sự giáo dục đối với con cái và những thế hệ trẻ của chúng ta, đều đồng tâm nhất trí với nhau, thì công cuộc giáo dục mới có thể được biến đổi. Vì thế, việc giáo dục sẽ nhắm tới văn hóa, thể thao và khoa học; và do đó, việc giáo dục cũng sẽ kiếm tìm những cây cầu và đi ra khỏi „những điều nhỏ nhoi“, để kiếm tìm những điều trên trong cự ly lớn hơn. Trong thời đại hôm nay, việc giáo dục đang hiện thực hóa mối tương tác và sự thống nhất ấy trên toàn bộ các châu lục. Nhưng công cuộc giáo dục cũng hướng tới việc vượt lên trên những điều đó hầu thống nhất về việc giáo dục dành cho cá nhân của mỗi em bé, của mỗi người trẻ cũng như của mỗi học sinh. Nó không chỉ có nghĩa là kiếm tìm các thông tin, kiếm tìm ngôn ngữ của trí tuệ. Những thứ đó không đủ. Công cuộc giáo dục muốn thống nhất ngôn ngữ của trí tuệ với ngôn ngữ của con tim và với ngôn ngữ của đôi tay.

Một con người, một em bé, một người trẻ sẽ nghĩ tới cái mà chúng cảm thấy cũng như cái mà chúng đang làm; chúng sẽ cảm thấy cái mà chúng đang nghĩ cũng như cái mà chúng đang thực hiện; chúng sẽ thực hiện cái mà chúng đang cảm thấy cũng như cái mà chúng đang nghĩ. Đó là sự hòa điệu trong chính con người, trong một học sinh, và sự thống nhất ấy đạt tới cái chung đến độ tất cả chúng ta đều đón nhận công ước về giáo dục, và trong khi thực hiện điều này, chúng ta hãy đi ra khỏi cuộc khủng hoảng của nếp sống văn minh mà chúng ta đang sống trong đó, và thực hiện từng bước những gì nếp sống văn minh đang đòi hỏi từ phía chúng ta. Mỗi quốc gia mà trong đó công cuộc giáo dục đang được thực hiện, phải kiếm tìm những yếu tố căn bản trong truyền thống của mình – trong truyền thống có liên quan đến lịch sử của mình, trong truyền thống dân gian của mình, mà những yếu tố đó đang được coi như là văn hóa và có tính nền tảng đối với quê hương. Tính phổ quát bắt nguồn từ cái mà nó đã tạo nên ý nghĩa cho những quê hương và tổ quốc ấy, chúng tạo nên sự thống nhất. Chẳng hạn như nền văn hóa của Ý không thể phủ nhận nhà thơ Dante như là thành phần cơ bản. Nền văn hóa Argentina, tức nền văn hóa mà tôi đã biết, không thể phủ nhận thi phẩm Martin Fierro như là thi phẩm có tính nền tảng của chúng tôi.

Và tôi thích hỏi, nhưng tôi sẽ không làm chuyện đó, có bao nhiêu người Argentina đang hiện diện tại đây đã nghiên cứu, đã đọc và đã suy niệm về thi phẩm Martin Fierro? Hãy trở về lại với những yếu tố căn bản của nền văn hóa mà chúng đã tạo nên ý nghĩa cũng như đã trao cho chúng ta sự thống nhất đầu tiên nơi nền văn hóa mang tính quốc gia của các dân tộc. Mỗi quốc gia hãy nhận lại những gì là riêng tư và đặc thù của mình để chia sẻ chúng với những người khác, và việc thống nhất những gì là vĩ đại nhất, có nghĩa là: giáo dục về văn hóa. Do đó, người ta phải kiếm tìm những điều căn bản cho mỗi cá nhân, chẳng hạn như y tế căn bản, khả năng vui chơi, khả năng sáng tạo trong khi vui chơi. Sách Khôn Ngoan nói rằng, Thiên Chúa vui chơi, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa vui chơi. Hãy tái khám phá ra sự vui chơi như là phương pháp giáo dục, như là sự diễn tả của giáo dục. Và rồi, công cuộc giáo dục sẽ không còn chỉ là những thông tin nữa, nó trở thành sự sáng tạo trong cuộc vui chơi.

Chiều kích vui chơi làm cho chúng ta phát triển trong sự sáng tạo, và đồng thời, phát triển trong cả lao động. Sau cùng, hãy kiếm tìm vẻ đẹp trong mỗi con người chúng ta, trong các dân tộc của chúng ta, vẻ đẹp chính là điều căn bản đối với chúng ta, với nền nghệ thuật của chúng ta, với nền âm nhạc của chúng ta, với nghệ thuật hội họa của chúng ta, với nghệ thuật điêu khắc của chúng ta và với nền văn chương của chúng ta. Đó là vẻ đẹp. Hãy giáo dục về cái đẹp, vì sự hòa điệu có nghĩa là sự đẹp đẽ, và chúng ta sẽ không thể đạt tới được sự hòa điệu của hệ thống giáo dục nếu như chúng ta không bảo vệ cái đẹp ấy.

Tôi xin cám ơn quý vị về tất cả những gì mà quý vị đã và đang thực hiện, và như quý vị đã cùng cộng tác trong thách đố này, đó là thách đố sáng tạo: sáng tạo trong mối quan hệ với công ước giáo dục – hồi phục công ước đó, vì chúng ta sẽ phục hồi nền giáo dục như thế; sáng tạo trong mối quan hệ với sự hòa điệu giữa ba cách thức diễn tả của con người: đôi tay, con tim và trí tuệ; sáng tạo trong chiều kích vui chơi của một con người, của bất cứ việc mất thời gian nào cho sức khỏe trong công việc được gắn kết với sự vui chơi; sáng tạo trong mối quan hệ với cái đẹp mà chúng ta đã gặp gỡ nó trong những nền tảng căn bản thuộc căn tính của mỗi quốc gia, và của chung tất cả. Đó là một thách đố. Ai đã phát minh ra điều ấy? Người ta không biết, nhưng nó đang hiện hữu ở đó. Phải chăng là đang có những vấn đề? – Rất nhiều, và rất nhiều điều vẫn còn phải được giải quyết trong sự tổ chức của tất cả. Chúng ta đang bị cám dỗ phải không? – Đúng vậy. Bất cứ công việc nào, khi bắt đầu, đều bị cám dỗ, bị cám dỗ bỏ cuộc, cám dỗ tham nhũng, cám dỗ đi vào những con đường lầm lạc. Vì thế, sự cộng tác và sự lưu tâm của tất cả đang rất cần thiết để cho tia lửa mà nó đã bắt đầu ấy, tiếp tục bùng lên thành một ngọn lửa, và ngọn lửa ấy sẽ giúp tái khôi phục cũng như thống nhất hóa công ước giáo dục. Tất cả những điều ấy sẽ mang đến ích lợi cho ai nếu không phải là cho các em nhỏ. Vì thế, tôi xin cám ơn quý vị về những gì mà quý vị đang thực hiện cho tương lai, vì nói về „các em nhỏ“ có nghĩa là nói về „tương lai“. Xin cám ơn tất cả quý vị.

Vatican ngày 05 tháng 02 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội