Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18.03.2015: GIA ĐÌNH – Mục 8. CON CÁI (*)

Anh chị em thân mến!

(*) Sau khi giới thiệu về những nhân vật khác nhau trong đời sống gia đình – người Mẹ, người Cha, người Con, Anh Chị Em và Ông Bà – giờ đây Cha muốn khóa lại loạt bài Giáo Lý đầu tiên này bằng một sự chiêm ngưỡng về những em bé. Bài Giáo Lý này sẽ đi theo hai chặng: hôm nay Cha sẽ dừng lại để suy tư về đại hồng ân con cái đối với nhân loại, - trong thực tế, con cái chính là một quà tặng lớn lao đối với nhân loại, nhưng đồng thời chúng cũng là những quà tặng bị loại trừ, vì người ta không cho phép chúng được nhìn thấy ánh sáng thế giới – lát nữa Cha sẽ đưa ra những suy tư về một số những vết thương mà tiếc rằng chúng bị gây ra trong thời niên thiếu. Ở đây, Cha nghĩ tới rất nhiều những em nhỏ mà Cha đã gặp trong chuyến viếng thăm gần đây của Cha tới châu Á: Chúng có một cuộc sống sung mãn và đầy nhiệt huyết; nhưng mặt khác, Cha lại nhận thấy rằng, có rất nhiều em nhỏ trên thế giới này đang phải sống trong những điều kiện không tương xứng… Trong thực tế, người ta có thể đánh giá cách đối xử với trẻ nhỏ không chỉ trong mối liên hệ mang tính luân lý nhưng cũng còn cả trong mối liên hệ mang tính xã hội nữa, liệu một cộng đồng có được tự do không hay lại đang phải phụ thuộc vào những lợi ích có tính quốc tế?

Trước hết, các em nhỏ nhắc nhớ chúng ta rằng, trong những năm đầu đời của mình, chúng ta lệ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc cũng như vào thiện ý của người khác. Con Thiên Chúa cũng đã trải qua những giai đoạn ấy. Từ năm này qua năm khác, chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm ấy mỗi khi mùa Giáng Sinh đến. Hang đá chính là biểu tượng đơn giản và trực tiếp nhất của thực tại này. Lạ lùng thay, Thiên Chúa đã không cảm thấy khó khăn khi hạ mình xuống để hiểu về trẻ nhỏ, và cũng đã không đem đến cho các em nhỏ những khó khăn nào trong việc hiểu về Thiên Chúa. Không hề tình cờ khi trong Tin Mừng có một số thuật ngữ rất đẹp và hết sức diễn cảm của Chúa Giê-su để nói về „những con người bé mọn“. Cụm từ „những con người bé mọn“ nhắm vào tất cả những ai đang còn phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác; đặc biệt là các em nhỏ. Chẳng hạn như khi Chúa Giê-su nói những lời sau đây: „Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn“ (Mt 11,25). Cũng vậy, khi Ngài nói: „Anh em hãy coi chừng, chớ khinh thường một ai trong những kẻ bé mọn này! Quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời“ (Mt 18,10).

Vì thế, trẻ nhỏ chính là một sự giầu sang đối với nhân loại và cũng đối với cả Giáo hội nữa, vì chúng làm cho chúng ta không ngừng nghĩ tới những điều kiện cần thiết để bước vào Nước Thiên Chúa. Điều này hàm chứa trong việc, chúng ta không tự coi mình là đủ cho chính mình, nhưng chúng ta cần tới ơn trợ giúp, tình yêu và ơn tha thứ. Tất cả chúng ta đều cần tới ơn trợ giúp, đều cần tới Tình Yêu và đều cần tới ơn tha thứ!

Các em nhỏ nhắc nhớ chúng ta về một vẻ đẹp nào đó khác: chúng nhắc cho chúng ta nhớ rằng, chúng ta vẫn luôn là những em nhỏ. Ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành hay đã già, và thậm chí đã là những người cha người mẹ, đã sở hữu một vị thế có trách nhiệm, nhưng bất chấp những điều ấy, chúng ta vẫn mang căn tính của một đứa trẻ. Tất cả chúng ta đều là những em bé. Và điều này luôn luôn là hậu quả của sự kiện, chúng ta đã không tự trao sự sống cho chính mình, nhưng chúng ta đã đón nhận nó. Hồng ân sự sống chính là ân sủng đầu tiên mà chúng ta đã lãnh nhận. Đôi khi chúng ta lại có nguy cơ quên bẵng đi mất thực tế ấy trong cuộc sống chúng ta, thậm chí chúng ta còn ước ao muốn tự kiểm soát cuộc hiện sinh của mình. Nhưng trong thực tế, chúng ta lại đang bị lệ thuộc một cách triệt để. Và cũng trong thực tế, có một lý do khiến chúng ta rất vui qua việc cảm nhận thấy rằng, trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống, trong bất cứ tình huống nào, trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào thì chúng cũng vẫn cứ là những em nhỏ. Điều này là một sứ điệp quan trọng nhất của các em nhỏ gửi đến cho chúng ta thông qua sự hiện diện của chúng: chỉ thông qua sự hiện diện của mình, các em nhỏ nhắc nhớ chúng ta rằng, tất cả chúng ta và từng người một trong chúng ta đều là những em nhỏ.

Nhưng cũng có nhiều hồng ân, nhiều sự phong phú mà các em nhỏ trao tặng cho con người. Ở đây, Cha chỉ muốn nhắc tới một số những hồng ân và sự phong phú đó.

Các em nhỏ mang đến cách thức của mình để chiêm ngưỡng thực tại từ cái nhìn đầy tin tưởng và tinh tuyền.

Một em bé quyết định tín thác một cách hồn nhiên vào cha mẹ của em; em quyết định tín thác một cách hồn nhiên vào Thiên Chúa, vào Chúa Giê-su và vào Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời, cái nhìn nội tâm của em rất tinh tuyền và chưa bị ảnh hưởng bởi những điều xấu, bởi sự giả dối và bởi những „sự đóng vảy cứng“ của cuộc sống, mà sự đóng vảy cứng ấy dẫn tới một sự làm chai cứng con tim. Chúng ta biết rằng, ngay cả trẻ em cũng mắc tội tổ tông, cũng biểu lộ những đặc tính ích kỷ. Tuy nhiên, một sự trong trắng lớn lao cũng như một sự đơn giản nội tâm lại đang được bảo quản trong chúng. Dĩ nhiên, trẻ em không phải là những nhà đối ngoại: chúng nói những gì mà chúng cảm thấy, những gì mà chúng nhìn thấy một cách thẳng thắn. Và thường thì chúng hay đưa cha mẹ mình vào trong những tình huống khó xử khi chúng nói trước mặt người khác: „Con không thích cái đó; nó tệ quá!“. Trẻ em nói một cách đơn giản về những gì mà chúng thấy, chúng không phải là những người giả dối, và chúng chưa nghiên cứu về khoa giấu giếm, điều mà thật tiếc rằng những người trưởng thành chúng ta đã chiếm làm của riêng.

Xa hơn nữa, trẻ em mang một khả năng trong sự đơn giản nội tại của chúng qua việc đón nhận sự trìu mến về cho chính mình, cũng như cho đi sự trìu mến đó. Sự trỉu mến hàm chứa trong việc có một con tim „bằng thịt“ chứ không phải „bằng đá“, như chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh (xc. Ez 36,26). Sự trìu mến cũng là thi phẩm: để „cảm nhận“ về những điều và những biến cố xảy ra, và không đối xử với chúng như những đối tượng được sử dụng vì tính hữu dụng của chúng.

Ngoài ra, trẻ em còn có thể cười và khóc. Thỉnh thoảng chúng cười khi người ta ẵm chúng trong tay; những đứa trẻ khác thấy chiếc áo choàng trắng của Cha và nghĩ rằng Cha là một bác sĩ đến để tiêm chủng ngừa cho chúng, và khóc … nhưng điều ấy diễn ra một cách hồn nhiên! Trẻ em là như thế: chúng cười rồi lại khóc; hai hành vi này thường bị „ức chế“ trong những người lớn chúng ta, chúng ta không còn khả năng thực hiện những hành vi như thế được nữa… Thường thì nụ cười của chúng ta sẽ trở thành một nụ cười mạnh mẽ, một cái gì đó cứng đờ; một nụ cười không sống động, một nụ cười giả tạo, một nụ cười của một diễn viên hề. Trẻ em cười và khóc một cách hồn nhiên. Nó luôn luôn phụ thuộc vào con tim, nhưng con tim của chúng ta lại thường bị ức chế và đánh mất khả năng cười và khóc này. Như vậy, trẻ em có thể dậy chúng ta cười và khóc. Nhưng chính chúng ta phải tự hỏi: Tôi có cười một cách hồn nhiên không, với sự sống động, với Tình Yêu, hay nụ cười của tôi lại giả tạo? Tôi có còn khóc được không hay tôi đã đánh mất khả năng khóc rồi? Đó là hai câu hỏi rất nhân bản mà trẻ em dậy chúng ta.

Từ tất cả những lý do đó, Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ của Ngài „hãy trở nên những trẻ nhỏ“, vì „chỉ những người giống như chúng mới được vào Nước Trời“ (xc. Mt 18,3; Mc 10,14).

Anh chị em thân mến, trẻ em mang đến cho chúng ta sự sống, niềm vui, niềm hy vọng và cả sự lo lắng nữa. Nhưng đó là cuộc sống. Chắc chắn chúng cũng phát tán những nỗi lo lắng và đôi khi là những vấn đề lớn; nhưng một cộng đồng với những nỗi lo lắng này và những vấn đề này vẫn tốt hơn là một cộng đồng sầu muộn và thê lương do bị đánh mất trẻ em! Và khi chúng ta thấy rằng, tỷ lệ sinh sản của một cộng đồng chỉ đạt tới được một phần trăm thôi, thì chúng ta có thể mô tả cộng đồng ấy như là một cộng đồng sầu muộn và thê lương, vì cộng đồng ấy thiếu trẻ em.

Vatican ngày 18 tháng 03 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội