Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 22.03.2015: „Tin Mừng cho phép chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su, lắng nghe và học biết về Ngài!

 

*Trước khi đọc Kinh truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến!

 

Vào Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay, tác giả Tin Mừng theo Thánh Gio-an hướng sự quan tâm của chúng ta tới một chi tiết kỳ lạ: Một số người Hy-lạp theo đạo Do-thái đã đến Giê-ru-sa-lem nhân dịp Đại Lễ Vượt Qua, họ đã nói với Tông Đồ Phi-líp-phê những lời sau đây: „Chúng tôi muốn được gặp Đức Giê-su“ (Ga 12,21). Thành Thánh, nơi Chúa Giê-su đi vào lần cuối, đang tràn ngập những con người. Những con người bé mọn và đơn thành cũng hiện diện trong số những người ấy, họ đang chuẩn bị một cuộc đón tiếp long trọng để đón tiếp vị Ngôn Sứ đến từ Nazareth mà họ nhận ra trong Ngài như là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Các vị Thượng Tế và các nhà lãnh đạo tối cao của dân cũng có mặt ở đó, họ nhìn Chúa Giê-su như là một kẻ lạc giáo và đầy nguy hiểm, và do đó muốn thủ tiêu Ngài; bên cạnh đó, một số người, chẳng hạn như những người „Hy-lạp“ lại tỏ ra tò mò về Ngài, và muốn có được kinh nghiệm hơn nữa về Ngài như là một con người cũng như muốn có được kinh nghiệm về nhũng công việc được Ngài thực hiện. Hành động cuối cùng của Ngài – phục sinh cho La-gia-rô – đã tạo ra một cơn chấn động lớn.

Chúng tôi muốn được gặp Đức Giê-su“: Những lời này cũng như nhiều lời khác trong Tin Mừng, vượt lên trên câu chuyện thực tế và liên can tới một cái gì đó phổ quát hơn, một sự khao khát tồn tại trong tất cả mọi thời đại và trong mọi nền văn hóa, một sự khao khát sống động trong những con tim của rất nhiều người mà thực ra họ đã nghe về Chúa Giê-su, nhưng chưa bao giờ được gặp gỡ Ngài: „Tôi khao khát được gặp Chúa Giê-su“; được cảm nhận như thế trong con tim của rất nhiều người.

Trực tiếp và đầy tính Ngôn Sứ, Chúa Giê-su đã trả lời cho niềm khát khao được gặp Ngài với một lời tiên báo, mà lời tiên báo ấy đã mạc khải căn tính đích thực của Ngài cũng như chỉ ra một con đường dẫn tới sự hiểu biết thực sự về Ngài: „Đã đến giờ Con Người được tôn vinh“ (Ga 12,23). Giờ Thập Giá đã đến, giờ chiến thắng Sa-tan, chiến thắng chúa tể sự ác, giờ chiến thắng chung cuộc của Tình Yêu nhân từ của Thiên Chúa đã đến. Chúa Ki-tô đã giải thích rằng, Ngài sẽ „được giương cao lên khỏi mặt đất“ (Ga 12,32). Sự diễn tả này hàm chứa hai ý nghĩa: Một mặt, „được giương cao“ ám chỉ tới cuộc hành hình trên Thập Giá, mặt khác, nó ám chỉ tới việc Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh trong cuộc Phục Sinh để lôi kéo tất cả đến cùng Ngài, và giao hòa con người với Thiên Chúa cũng như giao hòa con người với nhau. Giờ Thập Giá, tức giờ đen tối nhất trong lịch sử, lại chính là nguồn mạch ơn cứu độ đối với bất cứ ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

Trong đoạn văn sau đó, qua lời tiên báo về ngày Đại Lễ Phục Sinh sẽ đến một cách trực tiếp vào lúc đó, Chúa Giê-su đã sử dụng tới một hình ảnh đơn giản nhưng cũng đầy ấn tượng: hình ảnh „hạt lúa mì“ được gieo vào lòng đất, chết đi và sinh hạt (Ga 12,24). Trong hình ảnh này, chúng ta nhìn thấy một khía cạnh tiếp theo của Thập Giá Chúa Giê-su: Sự sinh hoa kết trái. Thập Giá của Chúa Giê-su chính là sự phong nhiêu. Như vậy, cái chết của Chúa Giê-su là một nguồn mạch bất tận của sự sống mới, vì nó mang sức mạnh canh tân của Tình Yêu Thiên Chúa trong chính mình. Được dìm vào trong Tình Yêu này thông qua Bí Tích Thanh Tẩy, các Ki-tô hữu có thể trở nên „những hạt lúa mì“ và sinh hoa kết trái dồi dào, nếu họ dám liều mất cuộc sống của riêng mình vì Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân như Chúa Giê-su (Ga 12,25).

Vì thế, chúng ta có thể trao cho mỗi người mà họ đang „muốn gặp gỡ Chúa Giê-su“, những người đang trên đường kiếm tìm tôn nhan Thiên Chúa, những người đã đón nhận một Giáo Lý trong thời tuổi trẻ, nhưng có lẽ sau đó đã không đào sâu thêm nữa, hay cũng có thể đã đánh mất Đức Tin, những người đã chưa bao giờ gặp gỡ một cách cá nhân riêng tư với Chúa Giê-su, ba điều sau: Tin Mừng, Thập Giá, và chứng tá khó nghèo nhưng chân thành của Đức Tin chúng ta. Tin Mừng làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su, lắng nghe Ngài và học biết về Ngài. Thập Giá là dấu chỉ về Tình Yêu của Chúa Giê-su, Đấng đã trao hiến chính bản thân Ngài cho chúng ta. Và sau đó là Đức Tin, mà Đức Tin ấy phản chiếu trong những cử chỉ đơn sơ của lòng nhân từ huynh đệ, nhưng trước hết, trong sự thống nhất nơi cuộc sống giữa điều mà chúng ta nói với điều chúng ta làm, giữa Đức Tin của chúng ta với cuộc sống của chúng ta, giữa những lời của chúng ta với những hành động của chúng ta: Tin Mừng, Thập Giá và Chứng Tá. Ước chi Mẹ Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta để chúng ta trở thành những người mang trong mình ba điều vừa nêu.

 

*Sau khi đọc Kinh truyền Tin:

 

Anh chị em thân mến!

Mặc dầu thời tiết xấu nhưng anh chị em vẫn hiện diện rất đông tại đây, và điều này khiến Cha rất vui. Anh chị em cũng như những người tham gia giải chạy Marathon đã thể hiện một lòng can đảm lớn. Cha xin kính chào anh chị em với tất cả mối thiện cảm. Ngày hôm qua Cha đã thực hiện một chuyến viếng thăm mục vụ tại Neapel, và Cha muốn cám ơn tất cả mọi cư dân Neapel về sự đón tiếp nồng hậu của họ dành cho Cha. Anh chị em đã làm rất tốt, xin cám ơn thật nhiều!

Hôm nay chúng ta cử hành ngày Quốc Tế Bảo Vệ Nguồn Nước do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Nước là một yếu tố căn bản của sự sống, và tương lai của nhân loại tùy thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ cũng như chia sẻ nguồn nước. Vì thế, Cha khích lệ cộng đồng quốc tế hãy chú ý tới điều rằng, nước phải được bảo vệ trong hình thức thích hợp tại hành tinh của chúng ta, và không ai bị loại trừ khỏi việc sử dụng điều thiện hảo chung này, hay bị phân biệt đối xử trong việc này. Cùng với Thánh Phan-xi-cô Assisi, chúng ta hãy nói: „Lạy Thiên Chúa của con, Chúa thật đáng ca ngợi thông qua chị nước, hoàn toàn hữu dụng và khiêm nhượng, hoàn toàn quý giá và trinh trong“ (Bài ca ánh mặt trời).

Cha xin kính chào tất cả mọi người hành hương đang có mặt nơi đây, đặc biệt là ca đoàn của nhạc viện Orihuela (Tây-ban-nha), các bạn trẻ đến từ trường Saint-Jean de Passy (Paris, Pháp), các tín hữu đến từ Hungari và các nhóm âm nhạc của bang Tessin (Thụy-sĩ). Lời chào của Cha cũng xin gửi đến các Tu Sĩ Phan-xi-cô Tại Thế (Cremona, Ý), gửi đến tổ chức UNITALSI của Lombardei, gửi tới nhóm mang dấu chỉ của Đức Giám Mục Tử Đạo Oscar Romero, người sắp được tôn phong Á Thánh; đồng thời, Cha cũng xin kính chào các tín hữu đến từ Fiumicino, các em xưng tội rước lễ lần đầu đến từ Sambuceto, các bạn trẻ đến từ Ravenna, My-lan và Frorenz. Các em này vừa mới lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cách nay chưa lâu, cũng như sẽ lãnh nhận Bí Tích này trong thời gian sắp tới.

Giờ đây chúng ta hãy lập lại một cử chỉ mà nó đã được chúng ta thực hiện trong năm ngoái: Theo một truyền thống cổ kính của Giáo hội, trong Mùa Chay, những ai đang chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đều sẽ được phát cho một cuốn Tin Mừng; Trong ý nghĩa đó, ngày hôm nay Cha sẽ tặng cho tất cả những ai đang hiện diện tại quảng trường Thánh Phê-rô đây một cuốn Tin Mừng có bìa mềm. Cuốn Tin Mừng này sẽ được phát miễn phí cho anh chị em bởi một số người đang sống tại Rô-ma nhưng không có nơi cư trú ổn định. Trong việc phân phát này chúng ta cũng sẽ nhận ra một cử chỉ rất đẹp mà Chúa Giê-su rất thích: Những người thiếu thốn nhất chính là những người trao tặng Lời Chúa. Anh chị em hãy nhận lấy cuốn Tin Mừng này và hãy luôn mang nó bên cạnh anh chị em để có thể thường xuyên mở nó ra và đọc. Anh chị em hãy đặt nó trong túi xách của mình và mang theo nó mỗi ngày, cũng như hãy thường xuyên đọc một đoạn trong đó. Lời Chúa là ánh sáng soi đường chúng ta đi! Sẽ rất tốt cho anh chị em nếu như anh chị em nghĩ tới điều đó!

Cha xin kính chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt đẹp. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé! Chúc anh chị em một bữa trưa đầy phúc lành, và xin hẹn gặp lại anh chị em.

 

Vatican ngày 22 tháng 03 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội