Bản Tuyên Bố Chung Của ĐGH Phanxicô, ĐTP Bartholomeo I Và ĐTGM Chính Thống Hieronym Tại Lesbos – Hy Lạp

LTS: Sáng thứ Bảy, ngày 16/4/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có chuyến viếng thăm “nhuốm u buồn” (như lời Đức Giáo Hoàng đã nói với các ký giả tháp tùng trên chuyến bay) đến đảo Lesbos của Hy Lạp để gặp gỡ những người tỵ nạn tại trại Moria; là những người từ vùng Trung Đông vượt biển để đến một trong các quốc gia tại Châu Âu. Tại đây, Đức Giáo Hoàng đã gặp Đức Thượng Phụ đại kết Bartholomeo I và Đức Tổng Giám Mục Chính Thống giáo Ahtènes, Hieronym II; cả ba vị đã ký một bản Tuyên Bố chung nhấn mạnh đến vấn đề thảm kịch nhân đạo của thế giới ngày nay. Sau đây là toàn văn bản Tuyên Bố chung:

***

TUYÊN BỐ CHUNG

 

***

Chúng tôi, Giáo Hoàng Phanxicô, Thượng Phụ Đại Kết Bartholomeo và Tổng Giám Mục Athènes và toàn Hy Lạp, Hieronymos, đã gặp nhau ở đây, trên hải đảo Lesbos của Hy Lạp để tỏ bày mối âu lo sâu đậm của chúng tôi trước tình trạng bi đát của nhiều người tỵ nạn, di dân và người xin tá túc đã tới Âu Châu để chạy nạn chiến tranh, và trong nhiều trường hợp, trốn chạy những đe dọa đến sự sống còn của họ. Dư luận thế giới không thể không biết đến cuộc khủng hoảng nhân đạo vĩ đại được tạo ra bởi sự bành trướng của bạo lực và tranh chấp vũ trang, bởi sự bách hại và sự di chuyển các thiểu số tín ngưỡng và dân tộc cũng như bởi sự trục xuất các gia đình ra khỏi nhà cửa của họ, vi phạm đến nhân phẩm cũng như nhân quyền cơ bản và quyền tự do của họ.

Thảm kịch di dân và di chuyển bắt buộc đang liên quan đến hàng trệu người và cơ bản là một cuộc khủng hoảng về mặt nhân đao, đang kêu gọi một sự đáp ứng liên đới, thương cảm rộng lượng và một sự đóng góp các tài nguyên tức khắc và thực tiễn. Từ đảo Lesbos, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy can đảm đáp ứng bằng cách đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân đạo rộng lớn này và những nguyên nhân phụ thuộc của nó, bằng những sáng kiến ngoại giao, chính trị và bác ái cũng như bằng các nỗ lực hợp tác, vừa ở Trung Đông, vừa ở Âu Châu.

 Với tư cách là những người lãnh đạo các Giáo Hội của chúng tôi, chúng tôi hợp nhất trong mong ước hòa bình của chúng tôi và trong sự ân cần mong muốn một sự giải quyết các cuộc chiến tranh qua đối thoại và hòa giải. Trong lúc ghi nhận các nỗ lực đã được thể hiện để mang lại sự cứu trợ và những chăm sóc cho người tỵ nạn, di dân và những người xin tá túc, chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị hãy dùng mọi phương tiện để bảo đảm cho các cá nhân và các cộng đồng, kể cả người Kitô giáo, được sống trên quê hương của họ và được hưởng quyền căn bản là được sinh sống trong hòa bình và yên ổn.

Một sự thỏa hiệp quốc tế rộng lớn và một chương trình cứu trợ là nhu cầu cấp bách để ủng hộ quyền hợp pháp, để bảo vệ các quyền cơ bản của con ngưòi trong tình trạng nguy ngập này, để bảo vệ các thiểu số, để chống lại nạn buôn bán và nô lệ hóa con người, để loại trừ các con đường không an toàn, như các con đường vượt biển Ê-giê và Địa Trung Hải, và để phát triển những thủ tục tái định cư. Bằng cách này, chúng tôi sẽ có thể hỗ trợ các quốc gia trực tiếp tham gia để thỏa mãn những nhu cầu của biết bao anh chị em đau khổ của chúng tôi. Trên danh nghĩa riêng tư, chúng tôi biểu lộ sự liên đới của chúng tôi với dân chúng Hy Lạp, mặc dù những khó khăn kinh tế bản thân, đã rộng lòng đáp ứng cuộc khủng hoảng này.

Cùng nhau, chúng tôi long trọng kêu gọi chấm dứt chiến tranh và bạo lực tại Trung Đông, cho một nền hòa bình chính đáng và lâu bền và cho một cuộc hồi cư khả kính của những người đã bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Chúng tôi yêu cầu các cộng đoàn tôn giáo gia tăng các nỗ lực của họ để đón nhận, để cứu trợ và để bảo vệ những người tỵ nạn bất kể họ thuộc tôn giáo nào; và các cơ quan cứu trợ tôn giáo và dân sự cùng phối hợp làm việc theo sáng kiến của mình. Bởi vì, bao lâu còn nhu cầu, chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy mở rộng cửa cho di dân tạm thời tá túc, hãy cung cấp quy chế tỵ nạn cho những người có đủ điều kiện, hãy gia tăng nỗ lục trợ giúp và hoạt động với mọi người nam nữ thiện chí, nhằm mau chóng đạt đến một sự chấm dứt các cuộc chiến tranh đang diễn tiến.

 Ngày nay, Âu Châu đang đối đầu với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất kể từ sau cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần thứ II. Để đáp ứng thách đố to lớn này, chúng tôi kêu gọi tất cả các môn đệ của Đức Kitô hãy nhớ những lời Chúa Kitô đã phán, trên đó một ngày kia, chúng ta sẽ bị xét xử: “Vì, Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han… Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,35-36.40).

Về phần chúng tôi, vâng theo thánh ý Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chúng tôi cam kết mạnh mẽ và hết mình để tăng cường nỗ lực của chúng tôi nhằm cổ vũ sự hợp nhất đầy đủ của mọi Kitô hữu. Chúng tôi tái xác định niềm xác tín của chúng tôi rằng: “Nhiệm vụ của hòa giải (giữa các Kitô hữu) là tạo thuận lợi cho công bằng xã hội, trong nội bộ và giữa các dân tộc… Chúng tôi muốn cùng nhau đóng góp làm sao để các di dân, người tỵ nạn và người xin tá túc được tiếp nhận một cách xứng đáng trên đất Âu Châu này”.[1] Khi bảo vệ các nhân quyền căn bản của người tỵ nạn, người xin tá túc, người di dân, và của tất cả mọi người bị gạt ra ngoài lề xã hội chúng ta, chúng tôi nhắm hoàn thành sứ mạng phục vụ các Giáo Hội vì thế giới.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi hôm nay là nhằm để giúp mang lại lòng can đảm và niềm hy vọng cho những ai đang đi tìm nơi tỵ nạn cũng như cho tất cả những người đã đón nhận họ và giúp đỡ họ. Chúng tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế hãy coi việc bảo vệ sinh mạng con người là một ưu tiên và ủng hộ, ở mọi tầng cấp, các chính sách hội nhập đang lan rộng trên tất cả các cộng đoàn tôn giáo. Tình trạng đáng sợ của tất cả những người đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo này, kể cả nhiều anh chị em Kitô hữu chúng ta, kêu gọi lời cầu nguyện không ngừng của chúng ta.

Làm tại Hải Đảo Lesbos, Hy Lạp

Ngày 16 tháng 4 năm 2016

 

+ HIERONYMOS II

TGM Chính Thống Ahtènes

Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp

FRANCISCUS

Giám Mục Thành Rôma

Giáo Hội Công Giáo

+ BARTHOLOMAIOS

Thượng Phụ Constantinopolis

Thượng Phụ Đại Kết Đông Phương

Mạc Khải phỏng dịch từ bản tiếng pháp do Zenit phổ biến https://fr.zenit.org/articles/une-crise-dhumanite-qui-appelle-une-reponse-de-solidarite-declaration-de-lesbos/


[1] Tuyên ngôn đại kết, năm 2001.

 


Văn Kiện Giáo Hội