Tuyên Bố chung của Liên Hiệp Luther Quốc Tế và của Ủy Ban Giáo Hoàng Thúc Đẩy Sự Hiệp Nhất Các Ki-Tô Hữu nhân dịp bế mạc năm tưởng nhớ chung Phong Trào Cải Cách, 31.10.2017

Vào ngày 31 tháng 10 năm 2017, tức ngày cuối cùng của năm tưởng nhớ Đại Kết Phong Trào Cải Cách, chúng tôi cảm thấy biết ơn một cách sâu xa trước những ân huệ thiêng liêng và Thần Học mà Phong Trào Cải Cách đã tặng ban cho chúng ta, và cùng với những người bạn Đại Kết của mình trên toàn thế giới, chúng tôi đã tưởng nhớ tới Phong Trào đó. Đồng thời, chúng tôi cũng xin mọi người tha thứ cho những thiếu sót của chúng tôi, cũng như tha thứ cho việc các nam nữ Ki-tô hữu đã làm tổn thương thân thể Chúa Ki-tô, và đã gây tổn thương cho nhau trong suốt nhiều thế kỷ vừa qua, kể từ lúc bắt đầu Phong Trào Cải Cách cho tới nay.

Với tư cách là những nam nữ của Giáo hội Công giáo và Luther, chúng tôi biết ơn cách sâu sắc đối với con đường Đại Kết mà chúng ta đã cùng đi lên trong 50 năm qua. Con đường lữ hành được gánh mang bởi những lời cầu nguyện, những buổi cử hành Phụng Vụ chung và bởi cuộc đối thoại Đại Kết của chúng ta, đã dẫn tới chỗ bãi bỏ những lời kết án, và làm cho sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau được lớn lên, cũng như dẫn tới việc làm cho những thống nhất về Thần Học có tính quyết định được nổi bật lên. Khi tận mắt chứng kiến những ơn lành thiên hình vạn trạng mà chúng ta đã được ban tặng trên con đường này, chúng tôi nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa Ba Ngôi, và ngợi khen Ngài vì lòng Nhân Hậu mà Ngài đã tặng ban cho chúng ta.

Hôm nay chúng tôi tái nhìn lại một năm với nhiều biến cố Đại Kết đáng ghi nhận, mà năm này đã bắt đầu vào ngày 31 tháng 10 năm 2016 với một buổi Phụng Vụ Đại Kết chung giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Luther tại Lund, Thụy Điển, trong sự hiện diện của nhiều người bạn Đại Kết của chúng ta. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và Đức Giám Mục Munib A. Younan – chủ tịch Liên Hiệp Luther quốc tế vào thời ấy -, đã cùng điều hành buổi Phụng Vụ đó, và trong khuôn khổ của buổi Phụng Vụ vừa nêu, hai Ngài đã cùng ký một tuyên bố chung, mà tuyên bố đó đã bày tỏ ý định tiếp tục con đường Đại Kết để hiệp nhất với nhau theo nguyện ước mà Chúa Ki-tô đã cầu xin (xc. Ga 17,21). Cũng trong ngày hôm hó, sự phục vụ chung của chúng ta cho những người đang cần tới sự giúp đỡ và tình liên đới của chúng ta cũng đã được củng cố thông qua một tuyên bố có tính định hướng của Caritas Quốc Tế, cũng như của Quốc Tế Vụ do Liên Hiệp Luther Quốc Tế phụ trách.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và chủ tịch Younan đã cùng tuyên bố rằng: „Nhiều thành viên trong các cộng đoàn chúng ta đang khao khát được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể tại cùng một Bàn Thánh như là dấu chỉ cụ thể cho sự hiệp nhất hoàn toàn. Chúng tôi trải qua nỗi khổ đau của tất cả những ai đang chia sẻ toàn bộ cuộc sống mình, nhưng lại không thể chia sẻ sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể. Chúng tôi nhìn nhận trách nhiệm mục vụ chung của mình trước việc đối diện với cơn đói khát tinh thần của nhiều người chúng ta đang mong được hiệp nhất trong Chúa Ki-tô. Chúng tôi khát mong rằng, những vết thương ấy nơi thân thể Chúa Ki-tô sẽ được chữa lành. Điều này chính là mục tiêu của những nỗ lực Đại Kết mà chúng ta đang thực hiện. Chúng tôi mong ước sao cho những nỗ lực đó được tiến về phía trước, kể cả với cách thức là, chúng tôi canh tân sự dấn thân của mình trong cuộc đối thoại Thần Học.

Một phúc lành tiếp theo mà Năm Tưởng Nhớ này đã mang tới, nằm ở chỗ, đây là lần đầu tiên, cả hai phía Công giáo và Luther đã cùng nhìn xem Phong Trào Cải Cách từ viễn tượng Đại Kết. Điều này tạo điều kiện cho một cách nhìn mới về những sự kiện của thế kỷ XVI, mà những sự kiện đó đã dẫn chúng ta tới chỗ chia rẽ. Chúng tôi ý thức rằng, thực ra, quá khứ là điều không thể thay đổi, nhưng sự ảnh hưởng của nó trên chúng ta ngày nay vẫn có thể được biến đổi thành một xung lượng nhằm làm cho sự hiệp thông lớn lên, cũng như thành một dấu chỉ của niềm hy vọng đối với thế giới, trong ý nghĩa của việc vượt thắng những chia rẽ và sự tan vỡ. Một lần nữa, vấn đề đã rất rõ ràng rằng, những điều làm cho chúng ta hiệp nhất lại với nhau thì nhiều hơn rất nhiều so với những điều làm cho chúng ta bị chia rẽ. Chúng tôi hoàn toàn vui mừng rằng, „Tuyên Bố Chung Về Thuyết Biện Hộ“, mà liên hiệp Luther Quốc Tế và Giáo hội Công giáo Rô-ma đã ký kết cách long trọng vào năm 1999, và cũng đã được ký kết bởi Hội Đồng Quốc Tế Các Giáo Hội Methodis vào năm 2006, cũng như bởi Cộng Đồng Quốc Tế của Các Giáo Hội Cải Cách ngay trong năm mừng kỷ niệm này. Hôm nay, Tuyên Bố đó lại cũng được chào đón và tiếp nhận bởi cộng đồng các Giáo hội Anh giáo trong một nghi lễ long trọng tại Westminster Abbey. Trên nền tảng căn bản đó, các cộng đoàn Ki-tô giáo chúng ta có thể xây dựng một sự hiệp thông ngày càng khắng khít hơn trong sự tâm đầu ý hợp về mặt thiêng liêng, và về chứng tá chung trong sự phục vụ Tin Mừng.

Chúng tôi nhìn nhận và đánh giá cao những buổi cầu nguyện và những buổi Phụng Vụ chung mà chúng đã và sẽ tiếp tục được cử hành bởi cả hai Giáo hội Công giáo và Luther cùng với những người bạn Đại Kết của chúng ta trong các tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới, cũng như những cuộc gặp gỡ Thần Học và những tài liệu quan trọng nhằm đưa tới sự hiểu biết mà chúng đã định hình cho năm kỷ niệm này.

Đối với tương lai, chúng tôi cam đoan, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, sẽ tiếp tục con đường chung của chúng ta để đi tới sự hiệp nhất lớn hơn, chiếu theo Thánh Ý của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, được đỡ nâng bởi lời cầu nguyện, chúng tôi muốn thẩm định về sự hiểu biết của mình về Giáo hội và về Bí Tích Thánh Thể, trong sự chăm lo cho một sự đồng tâm nhất trí có tính căn bản với mục tiêu thắng vượt những bất đồng đang tồn tại giữa chúng ta. Với niềm vui và niềm biết ơn sâu xa, chúng tôi tin tưởng rằng, „Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi chúng ta một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Chúa Ki-tô Giê-su quang lâm“ (Phil 1,6).

Rô-ma ngày 31 tháng 10 năm 2017

Ủy Ban Giáo Hoàng Thúc Đẩy Sự Hiệp Nhất Các Ki-Tô Hữu

và Liên Hiệp Luther Quốc Tế

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ