Diễn văn của ĐTC Phan-xi-cô trước Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO)

Kính thưa ngài chủ tịch,

kính thưa quý ông và quý bà,

Ngày hôm nay, tại Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ Hai Về Lương Thực này, tôi xin hướng về quý vị với tất cả sự kính trọng và trân quý. Tôi xin cám ơn ngài, thưa ngài chủ tịch, về cuộc tiếp đón nồng ấm và những lời nồng nhiệt mà ngài đã dành cho tôi. Tôi xin nhiệt liệt kính chào ngài tổng thư ký của FAO – giáo sư José Graziano da Silva, cũng như bà tổng thư ký của tổ chức y tế thế giới –tiến sĩ Margaret Chan; và tôi rất vui mừng về quyết định của quý vị trong việc quy tụ các đại diện của các chính phủ, của các tổ chức quốc tế, của các tổ chức xã hội dân sự, từ thế giới kinh tế nông nghiệp và từ các lãnh vực riêng, đến tham dự cuộc hội nghị này để khảo cứu những hình thức chung về việc can thiệp có thể đối với sự an toàn lương thực cũng như những thay đổi cần thiết của những chiến lược hiện tại. Sự thống nhất hoàn toàn trong những dự định và những công việc, nhưng trước hết là của tinh thần huynh đệ, có thể trở nên quan trọng nhất đối với những giải pháp thích đáng. Như quý vị đã biết, Giáo hội không ngừng nỗ lực cho tất cả những gì mà chúng có quan hệ đến sức khỏe, cả về tinh thần lẫn vật chất của con người, mà trước hết là với những người bị đẩy ra bên lề cũng như những người bị ruồng rẫy, hầu ân cần và đem đến sự kính trọng cho những con người ấy, để sự an toàn cũng như phẩm giá của họ có thể được bảo đảm.

1.Vì lịch sử của các quốc gia càng ngày càng đan quyện vào nhau, giống như các thành viên trong cùng một gia đình phụ thuộc lẫn nhau vậy. Nhưng chúng ta đang sống trong một thời đại, mà trong đó các mối quan hệ giữa các quốc gia đang phải gánh chịu những sự thiệt hại quá nhiều và qúa nhanh bởi sự nghi ngờ lẫn nhau, mà đôi khi nó biến thành một hình thức xung đột về quân sự và kinh tế, nó hủy hoại tình thân hữu giữa những người anh em, mà chính người đã bị ruồng rẫy, sẽ khước từ hay sẽ dự kiến sử dụng. Bất cứ ai không bị thiếu lương thực hằng ngày và không thiếu một công việc xứng với nhân phẩm, cũng đều biết rõ điều ấy. Đó là phạm vi của thế giới, trong đó người ta phải nhìn nhận những giới hạn của tất cả mọi kế hoạch – những ranh giới hoàn toàn được hiểu về chủ quyền của mỗi quốc gia riêng lẻ, và đặt nền móng trên những quyền lợi quốc gia, mà chúng thường bị gây ảnh hưởng bởi những nhóm nhỏ có quyền lực. Tài liệu chương trình làm việc của quý vị đã chỉ ra điều đó một cách rõ ràng nhằm vạch ra những nguyên tắc mới cũng như những hiệp ước rõ ràng, hầu nuôi dưỡng thế giới. Trong viễn tượng này, tôi hy vọng rằng, các quốc gia sẽ để cho mình được hướng dẫn bởi sự đáng tin cậy trong sự diễn tả của cái được gọi là những hiệp ước, rằng quyền có đủ lương thực chỉ có thể được bảo đảm nếu như chúng ta quan tâm tới chủ thể thực tế của nó, tức những con người đang phải chịu đựng sự đói khát và nạn thiếu lương thực.

Ngày nay người ta nói nhiều tới những quyền lợi nhưng lại quên đi những bổn phận; có lẽ chúng ta đã quan tâm quá ít tới những người đang bị đói khát. Hơn nữa, người ta phải nhận thấy rằng, cuộc chiến chống lại nạn đói khát và nạn thiếu lương thực đang bị ngăn cản bởi „quyền ưu tiên của thị trường“ và bởi „ưu thế của lợi nhuận“, mà chúng đã giản lược hóa thực phẩm thành một món hàng giống như bất cứ món hàng nào khác, mà chúng có thể bị phụ thuộc vào sự đầu cơ, thậm chí là đầu cơ tài chánh. Và trong khi người ta nói về những quyền lợi mới, thì những người đói khát vẫn đang ở đó, bên những vệ đường, và van xin quyền công dân của mình, van xin người ta lưu tâm tới hoàn cảnh của mình, van xin để nhận được lương thực lành mạnh. Người ấy xin chúng ta phẩm giá chứ không phải xin một sự bố thí.

2.Những chuẩn mực ấy không thể cứ ở lại mãi trong phạm trù lý thuyết. Con người và các dân tộc đòi hỏi rằng, công lý phải được biến thành thực tiễn; không phải chỉ có công lý mang tính pháp lý, nhưng cũng còn là công lý hợp tác và công lý phân phối. Vì thế, những kế hoạch phát triển và kế hoạch tạo công ăn việc làm của tổ chức Liên Hiệp Quốc cần phải quan tâm đến niềm mong muốn rất thường xuyên của những con người mộc mạc rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa, những quyền căn bản của cá nhân con người, và trong trường hợp của chúng ta, những quyền căn bản của những người đói khổ, cũng đều phải được tôn trọng. Nếu điều đó diễn ra, thì những can thiệp có tính nhân đạo, những chiến dịch cứu trợ khẩn cấp, những chiến dịch phát triển – phát triển một cách thực sự và toàn vẹn - cũng sẽ có hiệu quả hơn nữa, và mang đến những hoa trái được mong muốn nhất.

3.Tất nhiên, mối bận tâm tới sản phẩm, tới sự sự sẵn sàng để tiếp cận các nguồn lương thực, tới sự biến đổi khí hậu, tới việc buôn bán nông sản, phải vượt qua những quy định cũng như các biện pháp kỹ thuật; tuy nhiên, mối quan tâm trước tiên phải là chính con người, tất cả những ai đang thiếu lương thực hằng ngày và họ đã thôi không còn nghĩ tới cuộc sống và các mối quan hệ gia đình và xã hội nữa, vì họ chỉ còn chiến đấu để tồn tại. Đức Tân Hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng, trong bài diễn văn của Ngài để khai mạc cuộc hội nghị lần thứ nhất về lương thực vào năm 1992 ngay tại hội trường này, đã cảnh báo cộng đồng quốc tế trước nguy cơ „nghịch lý của sự thừa bứa“: Có đủ lương thực cho tất cả, nhưng không phải tất cả đều có thể được phép ăn, trong khi sự xa xỉ, sự hủy hoại, sự tiêu thụ quá mức và sự sử dụng lương thực thực phẩm cho những mục đích khác lại đang tồn tại ngay trước mặt tất cả chúng ta. Tiếc rằng, điều nghịch lý này vẫn còn đang là điều có tính thời sự trong thời đại hôm nay. Có một ít đề tài mà người ta đã nghe nói về chúng với quá nhiều sự giả tạo, chẳng hạn như về sự đói kém; có một ít đề tài khác lại rất nhậy cảm đối với việc bị chi phối bởi các dữ liệu, bởi các bảng thống kê, bởi các yêu cầu an ninh quốc gia, bởi sự tham nhũng hay bởi một lời phê bình nhún vai về những cuộc khủng hoảng kinh tế.

Thách đố thứ hai cần phải được giải quyết, là việc thiếu khuyết tình liên đới. Các cộng đồng của chúng ta đang trội lên bởi một chủ nghĩa cá nhân ngày càng lớn mạnh, cũng như bởi sự rạn nứt; điều đó dẫn tới sự việc rằng, những người yếu đuối nhất đã bị cướp đi một cuộc sống đầy phẩm giá, và những bất an chống lại các cơ quan sẽ xuất hiện. Nếu trong một quốc gia mà thiếu tình liên đới thì rồi toàn thể thế giới cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Trong thực tế, tình liên đới là một thái độ dẫn tới điều rằng, con người sẽ trở nên thường xuyên đi ra khỏi chính mình và đến với người khác, hầu xây dựng những mối quan hệ hỗ tương trên sự nhậy bén đối với tình huynh đệ, mà sự nhậy bén này vượt lên trên những khác biệt cũng như những giới hạn, và tình huynh đệ ấy sẽ thúc đẩy việc cùng kiếm tìm niềm hạnh phúc cộng đồng.

Trong mức độ mà con người ý thức về mình rằng, họ là người đồng trách nhiệm với kế hoạch sáng tạo, thì họ cũng sẽ thường xuyên kính trọng lẫn nhau, thay vì kình chống nhau, và qua đó gây thiệt hại cho hành tinh cũng như làm cho hành tinh này trở nên nghèo nàn hơn. Các quốc gia được trù liệu như một cộng đồng của con người và của các dân tộc, cũng được kêu gọi, cùng nhau hành động và sẵn sàng để giúp đỡ lẫn nhau thông qua những nguyên tắc và những quy định, mà chúng được tùy nghi sử dụng cho quyền lợi của các dân tộc. Một nguồn cảm hứng vô tận là quy luật tự nhiên, nó được khắc ghi trong lòng con người, và nó nói một ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được: Đức Ái, Công Lý, Hòa Bình, và các yếu tố mà chúng không bị tách rời khỏi nhau. Giống như với con người, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng được kêu gọi hãy đón nhận và chăm sóc những giá trị ấy trong tinh thần đối thoại và lắng nghe lẫn nhau. Bằng cách thức ấy, mục đích nuôi sống gia đình nhân loại sẽ có thể đạt được.

4.Bất cứ người nam, người nữ, người già hay trẻ em nào cũng đều phải có thể đặt lòng tin vào sự bảo đảm ấy trong mọi trạng huống. Việc ký tên đồng ý về những nguyên tắc và những quy định nêu trên bằng tất cả sự quan tâm chu đáo đối với niềm hạnh phúc của công dân mình, không hề có những thái độ dè dặt, cũng như để tâm đến việc vận dụng các nguyên tắc ấy, đó là bổn phận của mỗi quốc gia. Điều đó cần tới sự kiên trì và sự giúp đỡ. Cũng vậy, Giáo hội Công giáo vẫn đang nỗ lực thực hiện sự đóng góp riêng của mình trong lãnh vực đó, và Giáo hội thực hiện bằng cách chuyển giao mối quan tâm không hề đổi thay của mình đến với cuộc sống của những người nghèo trên tất cả mọi nơi của hành tinh này; cùng song song với điều ấy, sự tham gia tích cực của Tòa Thánh cũng đang chuyển động trong các tổ chức quốc tế, và với vô vàn những văn kiện cũng như những tuyên bố. Bằng cách này, cần tạo điều kiện để đồng nhất hóa cũng như thực hiện các tiêu chuẩn mà sự phát triển của một hệ thống quốc tế bền vững phải thi hành. Đó là những tiêu chuẩn mà những cột trụ chống đỡ của chúng trong mối quan hệ có tính luân lý học, chính là chân lý, tự do, công lý và liên đới; đồng thời, trong lãnh vực pháp lý, những tiêu chuẩn đó bao hàm mối tương quan giữa quyền được cung cấp lương thực và quyền sống cũng như quyền được có một cuộc sống xứng nhân phẩm, mà quyền ấy được bảo vệ bởi pháp luật – điều không luôn luôn tương ứng với toàn bộ thực tế của những người đói khổ - và trách nhiệm luân lý trong việc chia sẻ sự giầu có về kinh tế của thế giới.

Nếu người ta tin vào nguyên lý hiệp nhất của gia đình nhân loại, được đặt nền tảng trên tình phụ tử của Thiên Chúa Sáng Tạo, và tin vào tình huynh đệ giữa những con người với nhau, thì rồi không một hình thức áp lực chính trị hay kinh tế nào sử dụng sự sẵn có của lương thực, có thể được chấp nhận. Nhưng trước hết, không một hệ thống phân biệt đối xử nào, liên kết với khả năng tiếp cận thị trường lương thực – dù trong thực tế hay trong lãnh vực pháp lý – được phép trở thành kiểu mẫu đối với những hoạt động quốc tế, mà những hoạt động ấy coi việc chấm dứt sự nghèo đói là mục tiêu.

Trong khi tôi chia sẽ những suy tư này với quý vị, tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn năng, Đấng giầu lòng thương xót, chúc lành cho tất cả những ai đang đặt mình vào trong sự phục vụ những người đói khổ với bất cứ trách nhiệm nào của mình, và những người có thể chăm sóc cho họ với những cử chỉ gần gũi cụ thể. Tôi cũng cầu xin rằng, cộng đồng thế giới sẽ lắng nghe lời mời gọi của hội nghị này, cũng như sẽ đánh giá lời kêu gọi ấy như là sự biểu lộ lương tâm chung của nhân loại: hãy cho những người đói khát ăn, hầu cứu lấy sự sống trên trái đất. Xin cám ơn.

Rô-ma ngày 20 tháng 11 năm 2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist - chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội