Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi gặp gỡ liên tôn tại Ground Zero, New York, Hoa Kỳ, tối ngày 25.09.2015

 

Các bạn thân mến,

 

Nhiều cảm giác khác nhau đang trào dâng trong tôi khi tôi đang đứng tại Ground Zero này, nơi tính mạng của hàng ngàn người đã bị lấy đi trong một hành vi hủy hoại vô nghĩa. Sự tang thương đã trở nên cụ thể và rõ rệt ngay tại đây. Nước mà chúng ta đang nhìn thấy nó chảy trong những ngôi mộ trống, nhắc chúng ta nhớ tới tất cả những người sống đã thiệt mạng vì những kẻ nghĩ rằng, hủy hoại và đạp đổ chính là con đường duy nhất để giải quyết các xung đột. Đó là tiếng kêu không lời của những người đã phải bỏ mạng vì một tâm tính chỉ biết tới bạo lực, hận thù và báo oán – của một tâm tính chỉ có thể gây nên sự buồn phiền, đau khổ, đổ vỡ và nước mắt.

Dòng nước đang chảy cũng là một biểu tượng cho những giọt nước mắt của chúng ta. Đó là những giọt nước mắt về rất nhiều những điều hủy hoại và diệt vong trong quá khứ và hiện tại. Đây chính là nơi mà tại đó chúng ta đã phải tuôn lệ và bật khóc vì một cảm giác bất lực trong việc đối thoại để giải quyết sự bất công và sự giết chóc khi tận mắt chứng kiến những đổ vỡ, cũng như những cuộc xung đột. Tại đây, chúng ta than khóc trước việc đánh mất sự sống của những người vô tội một cách bất công và vô nghĩa, vì không có khả năng để tìm ra những giải pháp mà chúng tôn trọng niềm hạnh phúc chung. Dòng nước đang chảy này nhắc chúng ta nhớ tới những giọt lệ của ngày hôm qua, nhưng cũng nhắc chúng ta nhớ tới tất cả những giọt lệ mà chúng vẫn còn đang tuôn trào ngay cả trong ngày hôm nay.

Cách đây một ít phút, tôi đã gặp gỡ một số gia đình của những người đã bỏ mạng trong khi thực hiện sứ mạng cứu hộ đầu tiên của mình. Trong cuộc gặp gỡ với họ, tôi lại tái nhìn thấy ít nhất một lần rằng, những hành vi hủy hoại không bao giờ không liên lụy tới con người, không bao giờ chỉ mang tính lý thuyết hay chỉ liên quan tới vật chất. Họ luôn luôn có một khuôn mặt, một lịch sử cụ thể và một danh xưng. Trong những thành viên của những gia đình ấy, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của sự đau khổ, và đó là một sự đau khổ vẫn đang còn tiếp tục động chạm tới chúng ta, vẫn đang còn tiếp tục kêu thấu tới trời.

Đồng thời, các thành viên của những gia đình ấy đã chỉ ra cho tôi thấy một khuôn mặt khác của cuộc tấn công này, khuôn mặt khác của sự tang thương nơi họ: sức mạnh của Tình Yêu và của sự tưởng nhớ. Đó là sự tưởng nhớ mà nó không để lại trong chúng ta sự trống rỗng, không làm cho chúng ta quên mất thực tại. Xung quanh „những dấu chân“ của những ngọn tháp, danh tính của rất nhiều người thân đã được khắc ghi. Chúng ta có thể nhìn thấy những danh tính ấy, chúng ta có thể đụng chạm tới chúng, và chúng ta có thể bảo vệ chúng trước việc bị lãng quên mãi mãi.

Tại đây, trong giữa những đau khổ và tang thương, sự tốt lành đến độ anh hùng mà nhiều người có khả năng đạt tới, cũng đã trở nên rõ ràng và có thể cảm nhận được đối với chúng ta như là bất cứ kho tàng sức mạnh nào đang được giấu kín mà chúng ta có thể sống từ chúng. Trong chiều sâu của sự đau khổ và bất hạnh, họ cũng chứng tỏ sự cao độ của lòng quảng đại và sự phục vụ. Đôi tay được trải ra và cuộc sống được hiến trao. Trong một thủ phủ mà xem ra có vẻ như rất lạnh nhạt, vô hồn và cô độc, họ đã thể hiện một tình liên đới vĩ đại, mà tình liên đới đó bắt nguồn từ sự hỗ trợ lẫn nhau, từ Tình Yêu và từ sự tự trao hiến bản thân. Không ai trong họ đã bận tâm tới màu da, tới quốc tịch, tới các khu phố, tới tôn giáo hay tới chính trị. Tất cả đều là một vấn nạn của tình liên đới, của sự khẩn cấp ngay tức khắc, và của tình huynh đệ. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ là, trở nên những người anh em và chị em của nhau. Những nhân viên cứu hỏa của thành phố New York đã trèo lên hai cây tháp cùng bị đâm sập mà không hề để ý tới sự an ninh của riêng mình. Nhiều người đã phải bỏ mạng; nhưng sự hy sinh của họ đã tạo điều kiện cho vô vàn người khác được cứu sống.

Nơi chết chóc cũng đã trở thành một địa điểm của sự sống, trở thành một địa điểm để cứu mạng sống, trở thành một bài ca chiến thắng của sự sống trên những vị tiên tri hủy hoại và chết chóc; bài ca chiến thắng của sự tốt lành trên sự ác; bài ca chiến thắng của sự hòa giải và hiệp nhất trên hận thù và chia rẽ.

Đó là một nguồn mạch của niềm hy vọng to lớn rằng, tại chính địa điểm đau buồn và tưởng nhớ này, tôi có thể cùng gặp gỡ với quý vị lãnh đạo mà họ là đại diện của nhiều truyền thống tôn giáo đang làm phong phú cho cuộc sống của thành phố to lớn này. Tôi tin tưởng rằng, sự hiện chung của chúng ta tại đây sẽ trở thành một chỉ dấu đầy mạnh mẽ cho niềm mong ước chung của chúng ta là trở thành một sức mạnh đối với sự hòa giải, hòa bình và công lý ngay tại cộng đồng này và trên toàn thế giới. Bất chấp những khác biệt cũng như những cách nghĩ khác nhau của mình, chúng ta cũng vẫn có thể sống trong một thế giới hòa bình. Bằng cách là chúng ta chống lại bất cứ sự cố gắng nào muốn hình thành nên một sự đồng dạng cứng nhắc, chúng ta có thể và phải hình thành nên một sự hiệp nhất được đặt nền móng trên sự khác biệt của mình về ngôn ngữ, văn hóa, và tôn giáo, và cất cao giọng nói để chống lại tất cả những gì có thể gây trở ngại cho sự hiệp nhất đó. Chúng ta cùng được kêu gọi nói tiếng „KHÔNG“ đối với bất cứ cố gắng nào muốn bắt buộc phải đi theo sự đồng dạng, nhưng trái lại, nói tiếng „CÓ“ đối với một sự khác biệt được chấp nhận và được hòa giải.

Nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra nếu tất cả chúng ta cùng loại bỏ mọi cảm giác hận thù, cảm giác báo oán và cảm giác cay cú ra khỏi tâm hồn chúng ta. Chúng ta biết rằng, điều đó chỉ trở nên có thể với tư cách là một ân ban từ trời. Ở đây, bên đài tưởng niệm này, tôi muốn xin với tất cả quý vị một điều rằng, chúng ta sẽ cùng – từng người và từng cá nhân, theo cách thức riêng của mình – dành ra một khoảnh khắc để thinh lặng và cầu nguyện. Xin quý vị cho phép chúng tôi cầu xin ơn từ trời giúp chúng ta biết dấn thân cho những công việc của hòa bình, cho hòa bình trong các căn nhà của chúng ta, trong các gia đình, các trường học và trong các cộng đồng của chúng ta; hòa bình cho tất cả những nơi mà xem ra chiến tranh không bao giờ kết thúc tại đó; hòa bình cho những khuôn mặt chưa hề kinh qua bất cứ điều gì khác ngoài sự khổ đau; hòa bình khắp nơi trên thế giới này, tức thế giới mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta như là một ngôi nhà của chung tất cả, và như là một ngôi nhà cho tất cả. Tắt một điều là: HÒA BÌNH.

Với cách thức này, cuộc sống của những người thân chúng ta sẽ không trở thành một cuộc sống bị lãng quên trong một ngày nào đó. Thay vào đó, họ sẽ luôn luôn hiện diện nếu như chúng ta cố gắng để không trở thành những nhà tiên tri hủy hoại, nhưng trở nên những vị Ngôn Sứ của sự kiến tạo, Ngôn Sứ của sự hòa giải và Ngôn Sứ của hòa bình.

 

Ground Zero, New York, Hoa Kỳ, tối ngày 25 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội