Bài Diễn Văn Của ĐTC Phan-xi-cô Trước Phiên Họp Của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Sala Clementina, 09.02.2017

 

Anh chị em thân mến!

Tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Tổng Trưởng về những lời mở màn của Ngài cho cuộc gặp gỡ này, và tôi xin nồng nhiệt kính chào các thành viên mới được bổ nhiệm của Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, mà trong số quý vị, cũng có cả Đức Hồng Y Tổng Trưởng, và đây là lần đầu tiên Ngài điều hành cuộc Đại Hội với tư cách là người chủ tọa. Lời chào của tôi cũng xin được hướng đến các thành viên của Quỹ Gravissimum educationis mới được thành lập cách nay chưa lâu để công bố nội dung văn kiện Công Đồng này cách tốt hơn.

Trong những ngày này, anh chị em đã suy tư về nhiều đề tài để rút ra một bản tổng kết cho công việc của Thánh Bộ trong ba năm vừa qua, cũng như để đưa ra những phương hướng cho những hoạt động tương lai.

Anh chị em đã suy tư về những phạm vi rộng lớn trong lãnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền Thánh Bộ mình, cũng như đã thảo luận với nhau về những chiều kích quan trọng khác, trong đó có việc đào tạo các giảng viên và lực lượng lãnh đạo, cũng như việc đào tạo nâng cao dành co họ vì sự cần thiết của một sự giáo dục và đào tạo toàn diện, sự đóng góp không thể thay thế của các Dòng Tu, cũng như sự hỗ trợ mà nó có thể đến từ các Giáo hội địa phương cũng như đến từ các tổ chức đang hoạt động tại các Giáo hội đó. Hầu hết công việc của anh chị em đã được dành cho những tổ chức Giáo hội và những cơ quan hàn lâm Công giáo  với cái nhìn hướng về sự cập nhật Tông Hiến Sapientia christiana, hướng tới sự thúc đẩy việc nghiên cứu Giáo luật trong mối liên quan tới việc sửa đổi tiến trình của các vụ án hôn phối, cũng như hướng tới sự hỗ trợ công cuộc mục vụ tại các đại học. Bên cạnh đó, anh chị em còn suy tư về tính hợp thời của việc biên soạn ra các nguyên tắc chỉ đạo để tăng cường niềm ý thức trách nhiệm cho tất cả những ai đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục với nhiều đòi hỏi cao.

Như Cha đã nói trong Thông Điệp Evangelii gaudium, „các đại học chính là môi trường được ưu tiên để hiện thực hóa việc tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng“ và „các trường học Công Giáo […] đang giới thiệu cho nền văn hóa một sự đóng góp đầy giá trị trong việc loan báo Tin Mừng, ngay cả tại những quốc gia và những thành phố, mà ở đó một tình trạng bất lợi đang thúc ép chúng ta phải huy động sự sáng tạo của mình để tìm ra những phương cách thích hợp“ (số 134). Từ viễn tượng loan báo Tin Mừng đó, Cha muốn chia sẽ với anh chị em một số điều mong đợi. Khi tận mắt chứng kiến chủ nghĩa cá nhân đầy nhũng nhiễu, mà chủ nghĩa đó đang làm cho nhân loại trở nên bần cùng cũng như đang làm cho nền văn hóa trở nên còi cọc, thì việc đặc biệt cần thiết trước tiên là phải làm cho việc Giáo dục trở nên nhân bản hơn nữa. Các trường học và các đại học sẽ chỉ có ý nghĩa trọn vẹn của mình trong mối liên hệ đến việc thúc đẩy nhân tính.

Tất cả những ai đang hoạt động trong lãnh vực giáo dục đào tạo cũng đều được kêu gọi hãy dấn thân cho quá trình phát triển nhân bản, với tính chuyên nghiệp của mình và với sự giầu có về tính nhân văn mà những người gánh mang nó chính là họ, để giúp đỡ những người trẻ trở thành những người xây dựng một thế giới liên đới và hòa bình. Và hơn nữa, các cơ sở giáo dục Công giáo còn có sứ mạng giới thiệu những viễn tượng mà chúng mở ra cho siêu việt. Tuyên ngôn Gravissimum educationis (Tuyên ngôn về Giáo dục Ki-tô giáo) nhắc nhớ rằng, giáo dục luôn đứng trong sự phục vụ một nền nhân bản toàn diện, và Giáo hội, với tư cách là người Mẹ và là nữ giáo viên, luôn luôn nhìn các thế hệ trẻ từ viễn tượng „giáo dục nhân vị con người trong sự tập chú vào mục tiêu cuối cùng của nó, nhưng đồng thời cũng hướng về niềm hạnh phúc chung của các cộng đồng xã hội mà các thành viên của những cộng đồng ấy chính là những con người, và con người, với tư cách là người trưởng thành, nên tham dự vào với những sứ mạng của các cộng đồng ấy“ (số 1). 

Một sự mong chờ tiếp theo là việc làm cách nào đó để văn hóa đối thoại có thể phát triển. Thế giới của chúng ta đã trở thành một ngôi làng chung với vô vàn những quá trình tương tác, mà trong đó bất cứ người nào cũng đều thuộc về gia đình nhân loại và cùng chia sẻ niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn với toàn thể gia đình các dân tộc. Đồng thời, thật tiếc rằng cũng đang có rất nhiều những hình thức bạo lực, nghèo túng, bóc lột, phân biệt, kỳ thị, loại trừ, tiếp cận hạn chế với những quyền tự do căn bản, mà những hình thức ấy đang thúc đẩy một nền văn hóa loại bỏ.

Trong bối cảnh này, các cơ sở giáo dục Công giáo được kêu gọi hãy đứng ở tuyến đầu trong việc áp dụng văn phạm của sự đối thoại, mà văn phạm ấy tạo điều kiện cũng như huấn luyện để gặp gỡ và kính trọng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Vì đối thoại sẽ có ảnh hưởng trên sự giáo dục nếu như con người gặp gỡ người khác với sự kính trọng, trân quý và chân thành lắng nghe, cũng như sẽ diễn tả tính xác thực mà không hề có chuyện che giấu hay làm yếu đi căn tính riêng của mỗi người mà nó được khắc ghi bởi Tin Mừng. Ở đây, chúng ta được khích lệ với niềm xác tín rằng, những thế hệ Ki-tô hữu trẻ được giáo dục để đối thoại sẽ rời bỏ những lớp học và những giảng đường với động cơ muốn kiến tạo nên những cây cầu và tìm thấy rất nhiều những câu trả lời mới cho những thách đố trong thời đại chúng ta. Các trường học và các đại học được kêu gọi cách đặc biệt trong việc đào tạo và dậy dỗ một phương pháp đối thoại có tính trí tuệ mà nó nhắm tới việc tìm kiếm chân lý. Thánh Thomas đã và vẫn sẽ còn là một vị Thầy của phương pháp ấy, và phương pháp đó hệ tại ở chỗ tiếp nhận người khác, tiếp nhận người bạn đối thoại cách nghiêm túc, bằng cách là người ta cố gắng hiểu những lý do, những chứng cớ của họ cho thật thấu đáo, hầu có thể trả lời cách thích hợp chứ không hời hời. Chỉ có như thế người ta mới có thể thực sự cùng nhau thực hiện các bước tiến trong sự hiểu biết chân lý.

Còn một sự mong chờ tiếp theo và cũng là sự mong chờ cuối cùng mà Cha muốn chia sẻ với anh chị em: sự đóng góp để có thể thực hiện việc giáo dục và đào tạo, cũng như để rắc gieo niềm hy vọng. Vì giáo dục có nghĩa là: cho phép phát sinh và lớn lên, nó đứng trong sự năng động của tặng phẩm sự sống. Và sự sống được sinh ra chính là nguồn mạch sục sôi nhất của niềm hy vọng: đó là một cuộc sống mà nó được định hướng để tìm kiếm chân thiện mỹ và tìm kiếm sự hiệp thông với người khác nhằm đưa tới một sự phát triển chung. Cha xác tín rằng, các bạn trẻ ngày nay đang cần tới cuộc sống ấy cách đặc biệt, tức cuộc sống kiến tạo tương lai. Vì thế, nhà giáo và nhà đào tạo đích thực được coi như là một người cha và một người mẹ, mà họ tiếp tục chuyển giao sự sống có khả năng hướng về tương lai.

 

Để được như vậy, người ta phải lắng nghe giới trẻ: „công việc của đôi tai“. Hãy lắng nghe giới trẻ! Và chúng ta sẽ thực hiện điều đó cách đặc biệt trong Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, bởi Thượng Hội Đồng này sẽ được dành riêng cho họ. Và rồi, cùng với niềm hy vọng, việc giáo dục cũng sẽ có những „đề tài“ rủi ro. Niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hời hợi, và cũng không phải là khả năng quan sát sự việc một cách tốt bụng, nhưng đúng hơn, nó hệ tại ở chỗ hiểu biết về một điều chi đó có tính rủi ro trong một cách thức đúng mực, giống hệt như việc giáo dục vậy.

Anh chị em thân mến, các trường học và các đại học Công giáo sẽ thực hiện một sự đóng góp to lớn cho sứ mạng của Giáo hội, nếu các cơ sở ấy phục vụ sự phát triển nhân bản trong sự đối thoại và trong niềm hy vọng. Cha xin cám ơn anh chị em về những công việc mà anh chị em đã và đang thực hiện hầu biến những cơ sở giáo dục trở thành những nơi và những trải nghiệm của việc loan báo Tin Mừng. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, , »Sedes Sapientiae«, Cha cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên anh chị em để Ngài làm cho sứ mạng giáo dục của anh chị em được trở nên công hiệu. Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho Cha. Và với trọn tấm lòng, Cha xin ban phép lành cho anh chị em.

Xin cám ơn anh chị em!

Sala Clementina, Vatican

Thứ Năm ngày mồng 09 tháng 02 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội