CHUNG QUANH VẤN ĐỀ TÂN PHÚC ÂM HÓA

+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P.

Lễ bế mạc Năm thánh 2010 tại Thánh địa La Vang

 

Trong thời gian gần đây, “Tân Phúc Âm hóa” đã trở thành một đề tài quan trọng, thường xuyên được Đức Gio-an Phao-lô II đề cập đến trong các văn kiện, nhất là trong các cuộc viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu La tinh và Âu châu. Trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, “Tân Phúc Âm hóa” đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công giáo.

Nhưng tại sao cần đến “Tân Phúc Âm hóa” ? Phải chăng đây là một hành động chạy theo thời thượng hay bị ám ảnh bởi “thuyết nghìn năm”? Tông thư “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” (TNKB) cho thấy khi đưa ra chương trình “Tân Phúc Âm hóa” trong viễn tưởng thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội không chủ ý chạy theo một đề tài thời thượng, càng không bao giờ bị ám ảnh bởi “tân thiên niên thuyết, như một số người đã làm vào cuối ngàn năm thứ nhất” (TNKB,23). Nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ nhận thấy đây là một vấn đề thần học và mục vụ có chiều kích lịch sử và bén rễ rất sâu trong truyền thống của Ki-tô giáo. Những dòng sau đây sẽ cố gắng trình bày về ý nghĩa và thách đố của “Tân Phúc Âm hóa” trong viễn tưởng thiên niên kỷ thứ ba.

1. Ý NGHĨA CỦA TÂN PHÚC ÂM HÓA

Đứng trên phương diện suy tư thần học, diễn ngữ “Tân Phúc Âm hóa” (Nouvelle évangélisation, New evangelizatiom hay Nueva evangelización) khá hàm hồ và có thế tạo nên ngộ nhận như thể muốn phủ nhận những giá trị của công cuộc Phúc Âm hóa hay truyền giáo cũ. Trên thực tế có người đã vô tình đồng hóa “Tân Phúc Âm hóa” với “Tái Phúc Âm hóa”, và gián tiếp cho rằng việc rao giảng Tin Mừng trước đây có những thiếu sót cơ bản, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải “Tái Phúc Âm hóa”, nghĩa là hầu như phải xóa bàn làm lại từ đầu và tất cả.

Không ai có thể phủ nhận những giới hạn, thiếu sót và khuyết điểm của việc rao giảng Tin Mừng trong quá khứ, đặc biệt tại Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ. Nhưng bên cạnh một số “bóng đen” dày đặc và đau lòng, còn có rất nhiều ưu điểm và “ánh sáng rạng ngời” (xem TNKB, 36). Tân Phúc Âm hóa không bao giờ chủ trương khởi đi từ số không, hay chối từ những gia sản và giá trị của truyền thống.

Chính Đức Gio-an Phao-lô II đã cảnh giác chúng ta đừng lẫn lộn “Tân Phúc Âm hóa” với “Tái Phúc Âm hóa”. Chữ “tân” hay “mới” được dùng ở đây không chủ ý trình bày một “Phúc Âm mới”, khác với “Phúc Âm cũ” đã được loan truyền từ trước đến nay. Xưa cũng như nay, chỉ có một Phúc Âm hay Tin Mừng duy nhất, trường cửu và tự tại : “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời” (Dt 13,8). Tuy nhiên trong một xã hội đa dạng, phức tạp và thay đổi không ngừng như xã hội chúng ta, dĩ nhiên phương pháp và cách thế loan báo Tin Mừng phải luôn luôn cập nhật hóa, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu và yêu sách đặc biệt của thời đại. Ngỏ lời trước Hội nghị các Giám mục Mỹ châu La tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gio-an Phao-lô II xác định rõ rệt : “Việc kỷ niệm 500 năm rao giảng Tin Mừng sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu có sự dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái Phúc Âm hóa (re-evangelización), mà là tân Phúc Âm hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả” (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VI, 1 (1983), Editrice Vaticana, 1983, p.698).

Xem như vậy, cái “mới” trong diễn ngữ “Tân Phúc Âm hóa” không thuộc về bản chất và nội dung của Tin Mừng, mà ám chỉ cách thế diễn tả và khả năng lãnh hội Tin Mừng, cũng như cách sống đạo của chúng ta. Đối diện với tình trạng thụ động, thờ ơ, buông xuôi, hờ hững... với sứ vụ sống và rao truyền Tin Mừng của rất nhiều người Công giáo thời nay, yêu cầu tiên quyết là làm sao được một khí thế và nhiệt thành mới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần những tín hữu biết đào sâu đức tin, sống trung thực với lý tưởng của mình và can đảm, hăng say, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh.

Nhưng để thực hiện tốt sứ vụ đó trong một xã hội phức tạp, đa dạng và đầy biến động, ngoài lòng nhiệt thành nói trên, còn đòi hỏi phải biết sử dụng những phương pháp phù hợp. Như vậy, nói đến tân Phúc Âm hóa là nói đến việc đổi mới về phương pháp, ngõ hầu có thể loan báo Lời Chúa hữu hiệu hơn cho xã hội hôm nay. “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ (...). Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới”, (Lc 5,37-38), Đức Ki-tô không căn dặn chúng ta như thế sao ?

Cuối cùng, tân Phúc Âm hóa luôn đòi hỏi phải đổi mới về ngôn ngữ, lối diễn tả và cách thế trình bày sao cho phù hợp với tâm thức và văn hóa thời đại. Đành rằng Tin Mừng của Đức Ki-tô tự bản chất không cần một vùng đất riêng hay một thể chế chính trị hoặc xã hội nhất định nào để sống, nhưng trách nhiệm của mỗi người tín hữu là làm sao sống và diễn đạt niềm tin của mình bằng những chất liệu độc đáo và riêng biệt, rút từ môi trường sống của mình. Tân Phúc Âm hóa đòi hỏi làm sao kết hợp tốt những giá trị vĩnh cửu của Tin Mừng với những giá trị và yếu tố riêng của mỗi thời đại và mỗi văn hóa. Nếu Lời Chúa bất biến và duy nhất, những suy tư thần học, đường lối sống đạo, cách thế trình bày và chuyển đạt Tin Mừng phải luôn uyển chuyển theo điều kiện văn hóa và xã hội cụ thể của người nói cũng như của người nghe.

Nói cách khác, “Tân Phúc Âm hóa” yêu cầu làm sao thể hiện những hình thức mới trong cách thế hiểu Đạo, sống Đạo, diễn tả Đạo, tổ chức cộng đoàn, kiến tạo xã hội, v.v. Đặc biệt, nếu giáo sĩ và tu sĩ giữ vai trò chủ động trong các công cuộc rao giảng Tin Mừng trước đây, tân Phúc Âm hóa cần đặt nổi vai trò của người giáo dân. Theo Đức Gio-an Phao-lô II, “dù rằng các hình ảnh của Tin Mừng về muối, ánh sáng và men đề cập đồng đều đến tất cả các môn đệ của Đức Ki-tô, thế nhưng chúng được áp dụng một cách đặc biệt cho người giáo dân. Đây là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, vì không những diễn tả việc tham gia và hội nhập sâu xa của người giáo dân vào thực tại trần thế và cộng đồng nhân loại, mà nhất là còn nói lên điểm mới mẻ và độc đáo của chúng về ý hướng loan báo Tin Mừng cứu độ” (Tông huấn về Vai trò người giáo dân, 15).

Chủ trương canh tân, thích nghi và hội nhập nói trên thật sự đã khởi đi từ Công đồng Va-ti-ca-nô II. Có thể nói Công đồng đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử của Giáo Hội và khai mở một hướng đi mới. “Với một nội dung rất phong phú và sắc thái mới mẻ chưa từng thấy, nhiều vấn đề đã được Công đồng trình bày như thể một sự loan báo cho thời đại mới. Các nghị phụ dùng ngôn ngữ của Tin Mừng, thứ ngôn ngữ của Bài giảng trên núi và Tám mối phúc thật. Trong sứ điệp của Công đồng, Thiên Chúa được trình bày trong vương quyền tuyệt đối của Ngài trên mọi sự, nhưng đồng thời cũng đảm bảo cho sự tự quyết đích thực của các thực tại trần thế.” (TTKB, n.20).

Trong khi chăm chú lắng nghe Lời Chúa và tìm về cội nguồn của mình, Giáo Hội của Công đồng Va-ti-ca-nô II đã tái khám phá căn tính, ơn gọi và sứ mệnh cứu độ được lãnh nhận từ Đức Ki-tô.

Giáo Hội đã mạnh dạn thực hiện nhiều canh tân ở nhiều cấp độ khác nhau để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay khẳng định : “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và nỗi lo âu của con người hôm nay, cách riêng của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ, đó cũng là vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của môn đệ Đức Ki-tô. Không có gì liên quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng tín hữu Đức Ki-tô (...). Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với con người và lịch sử nhân loại” (GS, n.2).

Nhiều Thượng Hội đồng cũng như Hội đồng các Giám mục thuộc phạm vi thế giới, đại lục, miền hay quốc gia đã được triệu tập để tiếp tục đào sâu sứ vụ canh tân và thích nghi này. Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm bế mạc Công đồng Va-ti-ca-nô II, một Thượng hội đồng Giám mục đã được triệu tập với mục đích giúp Giáo Hội thích ứng hơn với sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho nhân loại của thế kỷ XX. Cố gắng của Thượng hội đồng là để trả lời cho ba câu hỏi căn bản sau đây :

- Năng lực tiềm ẩn của Tin Mừng có còn khả năng thức tỉnh lương tâm con người nữa không?

- Sức mạnh của Tin Mừng có thể biến đổi thực sự con người ngày hôm nay như thế nào và đến đâu?

- Phải dùng những phương pháp nào để việc loan báo Tin Mừng được hữu hiệu?

Tất cả những suy tư và kiếm tìm của Thượng hội đồng đã được Đức Phao-lô VI đúc kết và công bố năm 1975 qua Tông thư “Evangelii nuntiandi”. Đây là một tài liệu nền tảng của nhiều chương trình loan báo Tin Mừng trong hai thập niên vừa qua.

Đức Gio-an Phao-lô II khai triển và đẩy mạnh hơn nữa chương trình “Tân Phúc Âm hóa” này. Ngay từ những tháng đầu tiên của triều đại Giáo hoàng, ngài đã bộc lộ nỗi ưu tư, băn khoăn về sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Đặc biệt nhất, năm 1983, tại Mỹ châu La tinh ngài đã chính thức công bố chương trình “Tân Phúc Âm hóa” Mỹ châu La tinh trong viễn tượng kỷ niệm 500 truyền giáo. Sau đó vấn đề “Tân Phúc Âm hóa” cũng được đặt ra cho Âu châu, như một trả lời tích cực cho phong trào tục hóa và giải trừ Ki-tô giới.

Ít lâu sau, ngỏ lời với một cộng đoàn Công giáo tại Phi châu, Đức Gio-an Phao-lô II đã diễn tả một cách gợi hình như sau : hát giống Tin Mừng mãi mãi bất biến và trường tồn. Tuy nhiên vì hạt giống đó được gieo vào những thửa đất khác nhau tại Âu châu, Phi châu, Á châu, Mỹ châu... nên khi nó đâm chồi nẩy lộc và sinh hoa kết trái tất nhiên sẽ có những sắc thái và mùi vị khác biệt do ảnh hưởng của khí hậu và đất đai. Cuối cùng, trước viễn cảnh thiên niên kỷ thứ ba, “Tân Phúc Âm hóa” đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo Hội.

2- TÂN PHÚC ÂM HÓA LÀ GÌ ?

Nói đến “Tân Phúc Âm hóa” đương nhiên đã giả thiết một quan niệm về “Phúc Âm hóa” hay loan báo Tin Mừng. Vậy Phúc Âm hóa là gì? Theo Đức Phao-lô VI không dễ dàng đưa ra một câu trả lời cô đọng và thỏa đáng cho câu hỏi căn bản trên, nhất là khi chúng ta liên kết nó với ý nghĩa, nội dung và cách thế rao giảng Tin Mừng của Đức Ki-tô. (Cf. Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, n.7)

Theo nguyên ngữ Hy lạp, động từ “evangelizontai” có nghĩa là “loan báo tin mừng”, đặc biệt những tin vui thắng trận, hòa bình, giải thoát, hạnh phúc... cho các dân tộc. Trong bối cảnh văn hóa Hy lạp, “tin mừng” này luôn luôn là một sự kiện quan trọng, một biến cố lịch sử đã hoàn tất, đi trước việc loan báo.

Trong phạm vi Kinh Thánh, có lẽ tác giả của phần II sách I-sai-a là người đầu tiên đã sử dụng diễn ngữ “tin mừng” để loan báo cho những người Do Thái đang lưu đày tại Ba-by-lon một “tin vui” lớn lao và ý nghĩa nhất cho họ: thời gian lưu đày của họ sắp chấm dứt. Giữa cảnh lầm than, khổ nhục kèm theo khủng hoảng rất trầm trọng về niềm tin của một dân tộc bị phá sản, đây chính là một tin mừng tròn đầy, vừa thuộc phạm vi trần thế vừa có chiều kích tôn giáo (Cf. Isaia 40, 1-9 ; 52,7 ; 61,1).

Đức Giê-su Ki-tô tiếp nối và kiện toàn viễn tưởng cứu độ của Cựu Ước. Ngài khởi đầu cuộc đời công khai bằng việc loan báo Tin Mừng và nội dung của Tin Mừng này là loan báo Nước Trời đã gần kề. Tất cả những bận tâm, cố gắng, lo âu, khắc khoải của Ngài trong suốt chặng đường dương thế đều xoay quanh vấn đề làm sao thực hiện tốt sứ vụ loan báo đó. Đối diện với việc loan báo Tin Mừng về Nước Trời này, “tất cả mọi sự trở thành thứ yếu, tương đối và phụ thuộc” (Phao-lô VI, EN.,8). Cuối cùng Ngài đã hiến dâng chính cuộc đời, chết tức tưởi trên thập giá, để diễn tả một cách thật tròn đầy nghĩa yêu thương, bao dung, tha thứ và cứu độ của Tin Mừng.

Dĩ nhiên, Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô là một sứ điệp phổ quát, gởi đến hết mọi người, mọi dân tộc và văn hóa. Phủ nhận tính đại đồng này là bóp méo và xuyên tạc bản chất của nó. Tuy nhiên cái độc đáo của Đức Ki-tô là đã liên kết tài tình tính phổ quát của tình yêu Thiên Chúa với việc chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo. Theo thánh Lu-ca, khi Đức Ki-tô trở về thăm quê hương Na-gia-rét, “Người vào Hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng :

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

cho những kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả tự do cho người bị áp bức,

công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,16-19)

Đọc xong những lời trích dẫn trên của ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su cuộn sách lại và tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quý vị vừa nghe”. Hai chữ “hôm nay” này vừa nhấn mạnh đến tính hiện đại của ơn cứu độ, vừa cho thấy với sự xuất hiện của Đức Ki-tô khai mở thời hồng ân mà các ngôn sứ đã loan báo qua lịch sử. Trong con người của Đức Ki-tô và ngang qua sứ mệnh cứu độ của Ngài, “Thiên Chúa hiện diện với con người. Càng ý nghĩa hơn khi con người nói đây trước hết là những người thiếu thốn về vật chất, những người bị tước đoạt tự do, những người không được nhìn vẻ đẹp thiên nhiên, những người đau khổ trong tâm hồn hoặc nạn nhân của bất công xã hội và cuối cùng những người tội lỗi” (Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, n.2).

Trong viễn tưởng đó, Tông thư “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” có lý để đặt nổi tính chất Ki-tô học và mô hình rao giảng Tin Mừng của Đức Ki-tô. Chủ đề tổng quát của Năm Thánh là “tái khám phá Đức Ki-tô Cứu độ và rao giảng Tin Mừng, đặc biệt qui chiếu về chương 4 của Tin Mừng theo thánh Lu-ca, trong đó được nối kết chặt chẽ chủ đề Đức Ki-tô được sai đi loan báo Tin Mừng với chủ đề Năm Hồng ân” (TTKB, n.40).

Cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng và coi đó như lẽ sống của mình. Tuy nhiên những ai tinh ý sẽ nhận ra là đã có một “chuyển biến” về nội dung. Thật vậy, nếu đối với Đức Ki-tô loan báo Tin Mừng có ý nghĩa loan báo Nước Trời, cộng đoàn Ki-tô hữu nguyên thủy lại nhấn mạnh đến biến cố Đức Ki-tô bị đóng đinh và Phục sinh. Sự khác biệt này hàm chứa một ý nghĩa Ki-tô học sâu xa. Kể từ biến cố Phục sinh, Nước Trời đã được các Ki-tô hữu tiên khởi quan niệm như thể hiện và cô đọng nơi Đức Ki-tô Phục sinh. Kể từ đây, lý tưởng, kiểu mẫu và hy vọng cuối cùng của người Ki-tô hữu chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Do đó, loan báo Tin Mừng đồng nghĩa với việc loan báo Đức Ki-tô bị đóng đinh và Phục sinh.

Bài giảng đầu tiên của thánh Phê-rô cho dân chúng Do Thái trong lễ Hiện Xuống (Cv 2,14-41) là một thí dụ điển hình nhất của mô hình loan báo Tin Mừng này. Thánh Phê-rô, cùng với mười một Tông đồ, lớn tiếng tố cáo hành động sai lầm của người Do Thái đương thời (“Đức Giê-su Na-gia-rét, là người được Thiên Chúa phái đến với anh em (...). Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi”), đồng thời loan báo một Tin Mừng (“nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”). Hậu quả trực tiếp của việc loan báo này là một chất vấn luân lý căn bản, đòi hỏi người nghe phải tự đặt vấn đề (“Chúng tôi phải làm gì?”). Câu trả lời của Phê-rô thật rõ rệt và triệt để : “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô”.

Xem như vậy, rao giảng Tin Mừng hay Phúc Âm hóa luôn luôn bao hàm ba yếu tố căn bản: can đảm tố giác những sai lầm, loan báo sứ điệp cứu độ và đòi hỏi phải thực sự sám hối, thay đổi thái độ, nếp sống, lối suy tư, cách thế hành động và chính con người cũ.

Tông hiến “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” đã đặc biệt đề cập đến nhu cầu sám hối cá nhân và tập thể dựa trên mầu nhiệm và sứ vụ của Giáo Hội. Theo Tông hiến, “mặc dù thánh thiện nhờ sáp nhập với Đức Ki-tô, Giáo Hội không ngừng sám hối. Giáo Hội luôn thừa nhận, trước Thiên Chúa và trước nhân loại, những con cái tội lỗi của mình (...). Giáo Hội không thể bước qua ngưỡng của thiên niên kỷ mới mà không khuyến khích con cái mình tự thanh luyện trong sám hối về những lỗi lầm, những bất trung, những chia rẽ, những trì trệ” (TTNB, 33).

Trong việc kiểm điểm những sai lầm ở quá khứ, có một điểm mà các Ki-tô hữu phải sám hối đặc biệt, “đó là việc sử dụng những phương pháp bất khoan dung và thậm chí dùng bạo lực để phục vụ chân lý” (TNKB,35). Đối riêng với cuộc sống của người Ki-tô hữu, “phải nói thêm rằng hầu như khắp nơi người ta đã mất đi khuynh hướng thăng hoa cuộc sống con người và bị mất phương hướng trong cuộc sống chân lý, ngay cả trong những gì liên hệ đến giá trị căn bản của việc tôn trọng sự sống và gia đình. Một trắc nghiệm được đặt ra cho con cái của Giáo Hội : “đến mức độ nào họ đã bị ảnh hưởng của bầu không khí thế tục hóa và tương đối hóa về luân lý?” (TNKB, 36).

3. NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA TÂN PHÚC ÂM HÓA

Một trong những ý nghĩa sâu xa và nguyên thủy của “Năm hồng ân” là việc thực hiện lý tưởng huynh đệ đại đồng, tái lập bình đẳng, chấm dứt những bất công xã hội và tình trạng áp bức giữa người với người (cf. TTNB, 12-13). Trong bối cảnh kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của Đức Giê-su Ki-tô, dĩ nhiên năm hồng ân này sẽ mang một ý nghĩa và thách đố đặc biệt. Trong phạm vi giới hạn của bài này, chỉ xin ghi lại vài thách đố chính.

a) Thách đố thứ nhất là vấn đề hợp nhất. Việc chia rẽ giữa những người cùng chung một niềm tin nơi Đức Ki-tô là một trong những “vết đen” đau buồn nhất của thiên niên kỷ sắp kết thúc, một hành động hoàn toàn đi ngược với ý muốn của chính Đức Ki-tô và trở thành gương xấu cho thế giới. Do đó hiệp nhất là thách đố hàng đầu của tân Phúc Âm hóa. Tông thư công nhận rằng từ sau Công đồng đã có nhiều sáng kiến đại kết được thực hiện với nhiều độ lượng và quyết tâm. Hiện tại Uỷ ban của Tòa Thánh về Hiệp nhất Ki-tô hữu đã trở thành một trong những trung tâm chính để thúc đẩy tiến trình dẫn đến hiệp nhất viên mãn. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn phải khắc phục và chướng ngại phải vượt qua. Vì vậy, “đứng trước hoàng hôn của thiên niên kỷ thứ hai, chúng ta cần tự vấn lương tâm và đưa ra những sáng kiến hợp nhất hữu hiệu, ngõ hầu có thể trình diện trong dịp đại lễ này, nếu chưa hoàn toàn hiệp nhất, ít ra đã tiến gần đến chỗ vượt qua những chia rẽ của thiên niên kỷ thứ hai” (TTNB, 34).

b) Thách đố thứ hai là sứ vụ loan báo Tin Mừng cho người nghèo (Mt 11, ; Lc 7,22). Theo Tông thư, nếu Đức Ki-tô đã ưu tiên loan báo Tin Mừng cho những người nghèo hèn và cùng khổ, tân Phúc Âm hóa hôm nay “không thể không đặt nổi lựa chọn ưu tiên của Giáo Hội đối với những người nghèo và những người bị loại trừ. Người ta phải nói rằng, trong một thế giới bị đánh dấu bởi biết bao xung đột và bất bình đẳng không thể chấp nhận được về xã hội và kinh tế như trong thế giới của chúng ta, việc dấn thân phục vụ công lý và hòa bình là một khía cạnh đặc biệt của việc chuẩn bị và cử hành Năm Thánh” (TTNB, 51).

Với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba và việc hoàn cầu hóa kinh tế, tổng sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của nhân loại tăng trưởng như chưa từng thấy, nhưng đồng thời hố cách biệt giữa giàu nghèo lại sâu rộng hơn bao giờ hết. Đối diện với thực trạng trên, tân Phúc Âm hóa không thể chỉ giới hạn ở việc chuyển đạt một số chân lý, mà còn phải biểu lộ hành động liên đới và sám hối thực sự, có khả năng chia sẻ và “giúp đỡ các nước bị khai trừ hay ở bên lề được hội nhập vào dòng phát triển kinh tế và nhân bản” (Gio-an Phao-lô II, Centesimus annus, n.58).

Trong viễn cảnh đó thật rất ý nghĩa khi Tông thư nhắc lại một truyền thống đầy ý nghĩa của Thánh kinh, theo đó năm “Hồng ân” được thành lập với mục đích san bằng mọi bất công xã hội và xóa bỏ mọi nợ nần (Lv 25,8-28), để chính thức kêu gọi “các Ki-tô hữu nói lên tiếng nói của những người nghèo trên thế giới, bằng cách đề nghị Năm Thánh là thời gian thuận lợi để nghĩ đến việc giảm bớt quan trọng, nếu chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, món nợ quốc tế đang đè nặng trên vận mệnh của nhiều quốc gia” (TTNB, 51).

c) Tân Phúc Âm hóa cũng đòi hỏi hiểu biết những biến đổi về xã hội của thế giới hôm nay, đồng thời ý thức rõ những thách đố mà khoa học kỹ thuật đang đặt ra cho việc rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra “Năm Thánh cũng tạo cơ hội để suy nghĩ về những thách đố khác của thời đại chẳng hạn như những khó khăn trong việc đối thoại giữa các nền văn hóa khác nhau, những vấn đề liên quan tới quyền lợi của phụ nữ, việc thăng tiến gia đình và hôn nhân” (Ibidem).

Theo Tông thư, “người Ki-tô hữu được mời gọi chuẩn bị đón năm Đại xá đầu thiên niên kỷ thứ ba bằng cách làm sống lại niềm hy vọng vào thắng lợi cuối cùng của Nước Thiên Chúa, bằng cách chuẩn bị mỗi ngày trong cuộc sống nội tâm, trong cộng đoàn Ki-tô hữu của mình, trong môi trường xã hội mình đang sống, cũng như trong lịch sử thế giới. Vả lại, chúng ta cũng cần phải đề cao và đào sâu các dấu chỉ hy vọng thấy được ở cuối thế kỷ này, mặc dù bóng tối thường làm khuất lấp mắt chúng ta” (TTNB, 46). Do đó việc nghiên cứu học thuyết xã hội của Giáo Hội là một nhu cầu cần thiết và là dụng cụ của tân Phúc Âm hóa.

d) Cuối cùng, một thách đố đặc biệt cho riêng Giáo Hội Á châu, “nơi đang được đặt ra một cách mãnh liệt vấn đề gặp gỡ giữa Ki-tô giáo với các nền văn hóa và với các tôn giáo địa phương rất kỳ cựu (...), bởi vì cơ cấu các tôn giáo lớn như Phật giáo và Ấn giáo được trình bày như hàm chứa rõ rệt tính cứu độ”. Tại Ấn Độ chẳng hạn, một vài khuynh hướng thần học đang đặt lại vai trò của Đức Ki-tô trong chương trình cứu độ. Chính vì vậy nhu cầu cấp bách của tân Phúc Âm hóa là “khẩn cấp triệu tập một Công nghị nhân dịp Năm Thánh để làm sáng tỏ và đào sâu đạo lý về Đức Ki-tô Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian, trong khi phân biệt rõ Ngài với những vị sáng lập các tôn giáo lớn khác, mặc dù gặp thấy trong đó những yếu tố của chân lý mà Giáo Hội phải tôn trọng” (TTNB, n.38).

4. TRĂN TRỞ VÀ ƯỚC MƠ

Nếu một trong những điểm độc đáo của Ki-tô giáo là Nhập thể và nhập thế, đi vào lòng đời và làm người với mọi người, như mọi người, ở mọi thời mọi nơi, thì có lẽ phải thành thật nhìn nhận rằng công cuộc loan báo Tin Mừng trước đây tại Á châu chưa thành công bao nhiêu trong việc hội nhập. Về mặt cơ cấu, Ki-tô giáo được địa phương hóa với việc thành lập hàng giáo phẩm bản xứ, một số cơ sở tôn giáo được kiến trúc theo kiểu Á đông và còn có thêm một số người bản xứ được phong thánh. Nhưng về văn hóa, vẫn chưa có một nền thần học có khả năng suy tư và diễn đạt niềm tin với những chất liệu và tâm tình của người Á đông. Tin Mừng vẫn chưa thực sự “nhập thể” vào văn hóa Á châu.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang ở vào một giao điểm lịch sử đặc biệt với những thách đố mới mẻ. Những cơn lốc và bước ngoặt lịch sử đang biến vùng Đông Nam Á thành “điểm nóng” của thế giới hôm nay, với một thực tế thật bề bộn và ngổn ngang, nhưng đầy ấp hứa hẹn. Cả một vùng đất rộng lớn đang được nhào nặn, căng kéo, lôi ghì dưới sức ép của truyền thống và những tác động gay gắt của tiến trình hiện đại hóa theo mô hình Tây phương.

Một số người cho rằng quá trình hiện đại hóa do “Tây phương Ki-tô giáo” đem đến đã bén rễ thành công tại Đông Nam Á. Người Á đông hôm nay, dù ý thức hay không, đã bổ sung vào thế giới quan và nhân sinh quan của mình những quan niệm mới mẻ về khoa học kỹ thuật, cách tổ chức xã hội, mô hình sản xuất, lối sống..., nghĩa là ngầm thừa nhận văn hóa và mô hình “Tây phương” như một trong những mẫu mực của cuộc sống. Xét về phương diện phát triển kinh tế thì Á châu Thái bình dương hiện nay là vùng năng động nhất và đã thành công trong việc áp dụng kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên xét về phương diện đưa ra một “mô hình văn hóa” có giá trị như một lối sống toàn cầu thì các nước Á châu, kể cả Nhật, vẫn chưa thành công. Cho đến nay, chỉ mới xuất cảng những hàng hóa tiêu dùng được chế theo mô hình kỹ thuật Tây phương, chứ chưa đưa ra một “lối sống toàn cầu” sản xuất tại Nhật Bản hay tại Trung Hoa. Có lẽ để trả lời cho những thách đố lớn lao đó, Nhật Bản đã quyết định tăng 50% số ngân khoản dành cho việc nghiên cứu về phát triển.

Cái cũ - cái mới, tâm và trí, Đông và Tây, khuynh hướng trực giác hay khuynh hướng khoa học, hoài vọng quá khứ hay lạnh lùng nhìn thẳng tương lai... đang tranh giành nhau để khẳng định vai trò chủ động ở Đông Nam Á. Một cơn sốt vỡ da đang diễn ra, với nhiều lo âu và hứa hẹn. Xem ra xu hướng hiện đại hóa theo mô hình Tây phương đang thắng thế và đầy xác tín.

Nhưng nói đến khoa học kỹ thuật Tây phương là phải nói đến nguồn gốc Ki-tô giáo của nó. Thật vậy, khoa học kỹ thuật chỉ có thể khai sinh và phát triển nhờ quan niệm phi huyền thoại hóa của Ki-tô giáo: chỉ có Thiên Chúa là thần duy nhất, còn tất cả mọi sự chỉ là tạo vật. Dĩ nhiên con người cũng chỉ là tạo vật, nhưng là một tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và được trao phó nhiệm vụ quản trị, điều khiển và chế ngự thiên nhiên. Tuy nhiên hoa hồng nào mà chẳng có gai. Với thời gian chủ trương phi huyền thoại hóa đã đưa nhiều người Tây phương đến chỗ phủ nhận chính cỗi nguồn của mình, trần tục hóa cuộc sống, tàn phá thiên nhiên và có hiểm họa tự tiêu diệt.

Đây là một cơ hội tốt để Giáo Hội Công giáo tại Á châu, từ vị thế đặc biệt của mình, đóng góp cho dân tộc trong cố gắng tìm kiếm và chọn lựa một con đường phát triển phù hợp với những giá trị tinh thần và văn hóa. Làm sao đáp ứng được những đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn chuyển mình này? làm sao tiếp thu cái ưu điểm của khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường nhưng tránh được mặt xấu, tiêu cực và sa đọa trong nếp sống Tây phương? Làm sao khai mở cho nhân loại một con đường mới, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và kỹ thuật với chiều sâu tâm linh và truyền thống văn hóa.

Nhiều nơi trong Giáo Hội kỷ niệm Năm 2000. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy có lẽ hình như chỉ bận tâm đến những chuyện nội bộ cục diện, như việc tổ chức hành hương hay đi rước; hoặc đang muốn làm sống lại những cái cũ, đã bị chôn vùi từ lâu, mà lãng quên những thách đố lớn lao có chiều kích lịch sử thuộc phạm vi văn hóa, hội nhập, phát triển... Tôi sợ rằng lại một lần nữa Ki-tô giáo bỏ mất cơ hội ngàn vàng và rồi mai sau lại một lần nữa sẽ phải ân hận!

daminhvn.net Thứ ba, 22 Tháng 2 2011 06:50 Tài Liệu