QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC HỒNG Y JOSEPH RATZINGER

VỀ TÂN PHÚC ÂM HÓA

ĐHY. Joseph Cardinal Ratzinger

Gửi cho anh chị em Giáo lý viên và những thầy giảng.

Năm thánh về Giáo lý viên, 12 /12/ 2000

Đức Giêsu đã nói ngay khi khởi đầu cuộc đời công khai của Người: Tôi phải đến để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (xc. Lc 4:18). Sự nghèo nàn sâu thẳm nhất là mất khả năng vui tươi; và, sự tẻ nhạt của cuộc sống được xem như lố bịch và mâu thuẫn. Mất khả năng vui tươi tức là có thể gây ra tình trạng không thể yêu, dẫn đến ghen tương, và hám lợi – tất cả những khiếm khuyết này đều phá hủy đời sống mỗi cá nhân cũng như toàn thể thế giới.

I. Cấu trúc và phương pháp tân Phúc Âm hóa

1. Cấu trúc

Giáo Hội không ngừng loan báo Tin Mừng cũng như chưa bao giờ để cho sứ vụ này bị gián đoạn. Và rồi, việc làm này cũng đã sinh hoa kết trái: nó mang lại ánh sáng và niềm vui, trao cho nhiều người con đường sống; mang lại cho nhiều cuộc đời bị lãng quên ánh sáng và sự ấm áp tỏa ra từ việc loan báo Tin Mừng không ngơi nghỉ.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy sự phát triển không ngừng của việc bài Kitô giáo và mai một những giá trị nhân bản một cách đáng lo ngại. Đó chính là lý do tại sao chúng ta phải tìm kiếm một cách thức mới bên cạnh việc loan báo Tin Mừng thường xuyên nhằm  tìm cách nói cho thế  giới này, một thế giới không thể nghe thấy Tin Mừng theo kiểu loan báo cổ điển. Bởi biết rằng, Tin Mừng dành cho mọi người chứ không của riêng ai. Nhưng một cám dỗ thường trực là chúng ta luôn nôn nóng, muốn nhìn thấy thành công rực rỡ ngay tức khắc, bằng cách cố tìm cho được một số lượng lớn những người tin. Nhưng đây không phải là đường lối của Thiên Chúa. Đối với vương quốc Thiên Chúa cũng như công cuộc rao giảng Tin Mừng thì dụ ngôn hạt cải luôn luôn có giá trị (Mc 4,31-14).

Tân Phúc Âm hóa là không bao giờ thỏa mãn với hiện trạng rằng, từ hạt cải bé nhỏ, một cây vĩ đại của Giáo Hội Hoàn vũ sẽ lớn lên; đừng bao giờ nghĩ rằng chim chóc đủ loại có thể tìm nơi trú ẩn trên những cành cây và như thế đã là thỏa mãn. Nhưng đúng ra phải luôn ghi nhớ rằng, với tất cả sự bé nhỏ của hạt giống, hãy để cho Thiên Chúa quyết định khi nào và làm thế nào để nó được tăng trưởng (Mc 4:26-29).

Tân Phúc Âm hóa phải là phó mình cho dụ ngôn hạt cải và đừng quá tự phụ đến độ cho rằng nó sẽ lập tức biến thành cây lớn. Chúng ta hoặc là đang sống quá an toàn trên những cây đại thụ sẵn có hoặc quá nôn nóng muốn có một cây to hơn, khỏe hơn – nhưng thay vì vậy, chúng ta phải chấp nhận rằng, mầu nhiệm Giáo Hội vừa là một cây lớn nhưng đồng thời cũng là một hạt mầm nhỏ. Lịch sử cứu độ, luôn luôn là Thứ Sáu Tuần Thánh và đồng thời cũng là Chúa Nhật Phục Sinh…

2. Phương pháp

Phương thức mới bắt nguồn từ công cuộc tân Phúc Âm hóa này. Dĩ nhiên, chúng ta phải sử dụng những phương pháp hiện đại để người khác có thể nghe thấy chúng ta một cách hợp lý. Chúng ta không muốn gia tăng quyền lực và mở rộng cơ cấu, nhưng chúng ta ước ao được phục vụ vì thiện ích của nhân loại để dọn chỗ cho Đấng là Sự Sống. Đây là điều kiện căn bản cho việc dấn thân vì Tin Mừng.

Dấu chỉ Người Con hiệp thông với Cha đã dẫn chúng ta tới mầu nhiệm Ba Ngôi, vào trong tình yêu bất diệt, chỉ ra lối sống của người rao giảng Tin Mừng đích thực: không chỉ tìm cách để nói nhưng là định hình cách sống, sống trong sự lắng nghe và trao tặng Lời của Cha. Rao giảng về Đức Kitô, loan báo Nước Thiên Chúa là lắng nghe lời của Người trong lời của Giáo Hội.

Cha Don Didimo, cha sở xứ Bassano miền Grappa, viết một câu rất hay: “Đức Giêsu rao giảng ban ngày, còn ban đêm Người cầu nguyện.” Đức Giêsu đón nhận các tông đồ từ Thiên Chúa. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta không thể tự mình quy tụ mọi người, nhưng là nhận được họ từ Thiên Chúa và vì Thiên Chúa. Tất cả mọi phương cách sẽ chẳng là gì nếu không đặt nền trên việc cầu nguyện. Tất cả mọi lời loan báo phải được thấm đẫm bởi đời sống cầu nguyện mãnh liệt.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Trọn cuộc đời Đức Giêsu là hành trình tiến về thập giá, tiến lên Giêrusalem. Đức Giêsu đã không cứu độ thế giới bằng những lời có cánh nhưng bằng chính sự khổ nạn và cái chết của Người. Cuộc khổ nạn mang lại cho Lời của Người sức mạnh.

Lời được gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh bông hạt, đó là điều căn bản cho Tân Phúc Âm hóa. Chúng ta hãy nhìn lại cuộc đời rao giảng Tin Mừng của thánh Phaolô. Thành công nơi sứ vụ của ngài không phải nhờ vào tài hùng biện hay khả năng mục vụ khôn khéo. Nhưng những hoa trái đó gắn liền với những đau khổ, trong sự liên đới với cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x 1Cr 2,1-5; 2Cr 11,30; Gl 4,12-14).

Qua bao thế kỷ, lời của Tertulianô vẫn còn nguyên giá trị: “Máu của các anh hùng tử đạo là hạt giống”. Vào nước trời phải dùng sức mạnh (Mt 11,12; Lc 16,16), nhưng sức mạnh của Thiên Chúa thì đang chịu đau khổ, đó là thập giá. Chúng ta không thể trao tặng sự sống cho người khác nếu như không từ bỏ cuộc sống riêng của mình.

Chúng ta hãy nhớ đến lời của Đấng Cứu Thế: “Ai mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

II. Những nội dung thiết yếu cho việc Tân Phúc Âm hóa

1. Hoán cải

Trước hết chúng ta cần lưu ý là, Cựu Ước và Tân Ước không thể tách rời nhau. Nội dung nền tảng của Cựu Ước được tóm gọn trong sứ điệp của Gioan Tẩy Giả. Hãy sám hối! Chính Đức Giêsu cũng lấy lại thông điệp này và rao giảng rằng: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Trong tiếng Hylạp, từ hoán cải có nghĩa là: nghĩ lại! để chất vấn chính cuộc sống của mình; để Thiên Chúa bước vào trong những chuẩn mực của đời sống chúng ta, để không chủ quan phán xét nếu như chỉ dựa trên những quan điểm hiện tại. Hay nói cách khác, hoán cải nghĩa là: không sống hùa theo đám đông, ai làm sao ta làm vậy, không bằng lòng với những việc làm mờ ám xấu xa, nhưng là bắt đầu cuộc sống của mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa.

Tất cả những điều này không chỉ nhắm đến luân lý. Giản lược Kitô giáo vào chuyện luân lý không thôi thì vô tình đánh mất bản chất sứ điệp của Đức Giêsu: ân huệ của tình bằng hữu, của việc kết hợp với Đức Giêsu và qua đó kết hợp với Thiên Chúa. Hoán cải mang nghĩa chính xác là: đi ra khỏi sự tự mãn để khám phá ra và chấp nhận sự nghèo nàn của chúng ta, sự thiếu thốn của người khác và của Đấng khác, sự tha thứ, tình huynh đệ và ơn tha thứ của Người.

Khi ra giảng việc hoán cải, chúng ta phải tạo ra được đời sống cộng đoàn mới, một không gian cho lối sống mới.

2. Nước Thiên Chúa

Khi rao giảng hoán cải thì hàm ý việc rao giảng về Nước Thiên Chúa như điều kiện nền tảng. Quy Thiên Chúa là sứ điệp nền tảng của Đức Giêsu và cũng phải là trọng tâm việc Tân Phúc Âm hóa của chúng ta. Từ then chốt trong sứ điệp của Đức Kitô là: Nước Thiên Chúa. Nhưng Nước Thiên Chúa không phải là một vật hay một cơ cấu chính trị xã hội, cũng chẳng phải là địa đàng trần gian (Utopia). Nước Thiên Chúa chính là Thiên Chúa, là Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong thế giới, trong cuộc đời của tôi từng phút từng giờ.

Vấn nạn của thời đại chúng ta là: “sự khủng hoảng về Thiên Chúa”, sự vắng bóng của Thiên Chúa được trá hình dưới lớp vỏ đạo đức rỗng tuếch. Thần học phải quay trở lại với việc luận bàn về Thiên Chúa cách đúng đắn: nói với Chúa và nói về Chúa.

Thần học gia J.B. Metz đã đúng khi nói: Thiên Chúa là sự cần thiết duy nhất của con người. Vì thế, khi loan báo Tin Mừng, trước hết phải rao giảng về một Thiên Chúa đích thực: Đấng Sáng Tạo – Cứu Chuộc – Phán Xét (Giáo lý HTCG).

Rao giảng về Thiên Chúa không chỉ bằng lời, nhưng là dẫn vào tương quan với Người: dạy cho người ta biết cầu nguyện; cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung và cầu nguyện trong phụng vụ. Việc nói với Chúa và nói về Chúa phải luôn đi đôi với nhau.

Phụng vụ không phải là chuyện bịa đặt, nhưng là hoa trái của những cảm nghiệm đức tin qua bao thế hệ. Thừa tác viên không phải là trọng tâm của mọi cử hành phụng vụ, không đứng trước mọi người để nói về bản thân mình, nhưng là mặc lấy Đức Kitô. Thế nên, không phải tài năng nhưng là chính đức tin của thừa tác viên mới là quan trọng. Đức tin ấy làm cho Đức Kitô được trổi vượt: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30).

3. Đức Giêsu Kitô

Chỉ trong Đức Giêsu và qua Đức Giêsu thì vấn đề Thiên Chúa mới được triển khai và nắm bắt cụ thể: Đức Giêsu là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngày nay, cám dỗ lớn nhất là giản lược Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, thành một Đức Giêsu đơn thuần của lịch sử: chỉ là một con người tinh tuyền. Nhưng “Đức Giêsu của lịch sử” chỉ là giả tạo, là hình ảnh của tác giả tạo ra, hơn là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,4; Cl 1,15).

Ở đây, chúng ta cần lưu ý đến hai khía cạnh.

Trước hết là việc theo Đức Kitô – Đức Kitô tự hiến chính mình làm con đường cho cuộc đời chúng ta. Bước theo Đức Kitô không phải là bắt chước Đức Kitô mà là nên một với Người, nhằm đạt tới sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chỉ có một con đường duy nhất là kết hợp với Đức Kitô, được đón nhận trong đời sống bí tích. Theo Đức Kitô không phải chỉ là vấn đề luân lý nhưng là một chủ đề “mầu nhiệm”, một hành động thánh thiêng trọn vẹn và là lời đáp trả của chúng ta.

Theo Đức Kitô, chúng ta tìm ra trọng tâm của Kitô học: Mầu nhiệm Phục sinh – thập giá và phục sinh. Thập giá thuộc về mầu nhiệm thánh – đó là cách diễn tả tình yêu cho đến chết. Theo Đức Kitô là thông dự vào thập giá, kết hợp chính mình với tình yêu của Người, biến đổi đời sống của chúng ta thành con người mới, được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Ai bỏ qua thập giá, là bỏ qua bản chất của Kitô giáo (1 Cr.2,2).

4. Sự sống đời đời

Yếu tố trọng tâm sau cùng của Tân Phúc Âm hóa là sự sống đời đời. Ngày nay, chúng ta phải công bố niềm tin của chúng ta với nhiệt tâm mới trong cuộc sống hằng ngày. Loan báo nước Thiên Chúa là loan báo sự hiện diện của Người, một Thiên Chúa biết chúng ta, lắng nghe chúng ta và bước vào lịch sử để thi hành công bình. Thiên Chúa là nguồn mạch sự công bình và chỉ mình Người mới thực hiện trọn vẹn điều đó. Còn chúng ta chỉ có thể khá hơn nếu sống dưới ánh mắt của Chúa và nói với thế giới về chân lý và công bình.

Đức Giêsu trên thập giá đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Chính Chúa, trong cuộc khổ nạn của Người Con, đã trở nên người bào chữa cho chúng ta là những kẻ tội lỗi; nhờ đó, cũng mang lại niềm hy vọng cho những tội nhân có lòng ăn năn hối cải.

“Thiên Chúa còn cao cả hơn cõi lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1 Ga 3,20). Sự thiện hảo của Thiên Chúa thì vô cùng, nhưng chúng ta không nên giản lược sự thiện hảo này thành ra chỉ còn là lòng trắc ẩn ủy mị, không chân lý. Chỉ có tin vào sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa, và khi đói khát sự công bình (Mt.5,6), chúng ta mới mở lòng mình ra, mở rộng cuộc đời mình ra với ân sủng của Thiên Chúa.

Thật sai lầm khi cho rằng tin vào cuộc sống đời đời làm cho cuộc sống trần gian này ra vô nghĩa. Nhưng ngược lại, chỉ khi mà chiều kích của đời sống chúng ta là vô tận, thì cuộc sống của chúng ta trên trần thế này mới tuyệt vời và vô giá. Thiên Chúa không phải là đối thủ nhưng là Đấng bảo đảm tuyệt vời cho sự sống của chúng ta. Như thế, chúng ta trở lại điểm xuất phát đó là chính Thiên Chúa.

Nếu xem xét cách rốt ráo thì sứ điệp Kitô giáo của chúng ta chưa nói về tất cả mọi sự. Trên thực tế, sứ điệp Kitô giáo rất đơn giản: chúng ta nói về Thiên Chúa và con người, và bằng cách này chúng ta nói về tất cả mọi sự.

Hoàng Vinh, O.P (trích dịch)

daminhvn.net Thứ năm, 24 Tháng 2 2011 06:40 Tài Liệu