Hội nghị Quốc tế về “Loan báo Niềm Vui Phúc Âm như những người Loan báo Tin Mừng được canh tân tại Á Châu”

Ủy ban Giáo sĩ FABC (FABC-OC)

Hội Nghị Quốc Tế về

“Loan báo Niềm Vui Phúc Âm

như những người Loan báo Tin Mừng

được canh tân tại Á Châu”

“Proclaiming the Joy of the Gospel as Renewed Evangelizers in Asia

Từ  10 đến 15-11-2014

Tại Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan

 

1. Tham dự Hội Nghị Quốc Tế về “Loan báo Niềm Vui Phúc Âm như những Người Loan báo Tin Mừng được canh tân tại Á Châu” gồm 105 thành viên, có 2 Hồng Y (HY Luis Antonio Tagle, HY Telesphore Toppo), 3 Tổng Giám Mục (TGM Savio Hon Tai Fai, TGM Thomas Menamparampil, TGM Ramon Cabrera Arguelles), 17 Giám Mục (8 India, 1 Malaysia, 1 Myanmar, 2 Philippines, 2 Sri Lanka, 2 Việt Nam: ĐGM Hoàng Đức Oanh và ĐGM Tri Bửu Thiên), 83 Linh mục, và 1 giáo dân; thuộc 11 quốc gia: Bangadesh (5), India (22), Korea (2), Myanmar (4), Pakistan (1), Philippines (37), Sri Lanka (2), Taiwan (5), Thailand (5), Việt Nam (11).

2. Hội Nghị do Ủy ban Giáo sĩ FABC tổ chức tại Trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan, bắt đầu từ chiều thứ hai 10/11, kết thúc vào sáng thứ bảy 15/11/2014. Hội Nghị đã khai triển 4 chủ đề:

- Tìm hiểu Tân Phúc Âm hóa trong bối cảnh Á Châu - do Đức TGM Savio Hon Tai Fai, Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo.

- Đào tạo Linh mục trong thời đại Tân Phúc Âm hóa và dưới ánh sáng Tông Huấn Evangelii Gaudium – do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, TGM Manila.

- Những thách đố mục vụ tại các giáo xứ - Tân Phúc Âm hóa trong bối cảnh Á Châu đang biến đổi  – do Đức TGM Thomas Menamparampil, TGM Emeritus Giáo phận Guwahati, Giám quản Giáo phận Jowai.

- Đối diện với những thách đố mà các linh mục, đang chăm sóc họ đạo và đang loan báo Tin Mừng trong lãnh vực truyền thông, phải đối đầu – do Giáo sư Chainarong Montienvichianchay, Hiệu trưởng Đại học St. John, Bangkok, Thailand.

3. Đề tài 1: Tân Phúc Âm hóa là gì trong bối cảnh Á Châu? (do Đức TGM Savio Hon Tai Fai, Tổng Thư ký Bộ Truyền Giáo).

- Đức TGM Savio Hon Tai Fai đã khởi đầu bài thuyết trình bằng sự kiện: sự sống con người và cuộc sống con người luôn là một vấn đề được đề cập đến. Con người cần được sống, sống hạnh phúc, sống lành mạnh, yêu thương và phát triển. Chúa Giêsu Kitô là sự sống và là sự sống đời đời mà con người cần đến. Chúa Giêsu là sự sống tràn đầy yêu thương, tha thứ, chữa lành, hòa giải.

- Thế giới hôm nay có hơn 7 tỉ người, trong đó hơn 4,5 tỉ người chưa biết Chúa Giêsu. Vì thế Loan Báo Tin Mừng Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay là một đòi hỏi khẩn thiết. Và toàn thể GH (giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều có nhiệm vụ phải Loan báo Tin Mừng.

- Loan báo Tin Mừng là loan báo Chúa Giêsu Kitô và vun trồng Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô (plantation of the Church).  Chính GH phải loan báo và biểu lộ Chúa Giêsu cho thế giới (x. LG 1), vì bản chất của GH là “truyền giáo”.Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ thày: là chúng con yêu thương nhau”. Chính cộng đoàn của GH tràn đầy yêu thương, bác ái là lời rao giảng sống động cho con người hôm nay. Nói cách khác, loan báo Tin Mừng là loan báo “Thiên Chúa Tình yêu” được bộc lộ nơi Chúa Giêsu Kitô và nơi Giáo Hội, Nhiệm thể Chúa Kitô. Chính toàn thể Giáo Hội luôn đón nhận tình yêu của Chúa Kitô và bộc lộ tình yêu Chúa Kitô cho con người hôm nay.

- Nhìn lại lịch sử truyền giáo trong GH, đặc biệt với việc thành lập Bộ Truyền giáo năm 1622 (Congregation of Propaganda Fide), nhiều bài học có thể rút ra:  Chúa Giêsu được loan báo trong những bối cảnh văn hóa, lịch sử, địa lý khác nhau; GH được vun trồng tại địa phương đặc biệt qua việc đào tạo và thành lập hàng giáo sĩ bản địa; tách biệt ảnh hưởng chính trị (các quốc gia với chính sách thuộc địa…) khỏi việc loan báo Tin Mừng luôn là một điều khó khăn và tế nhị; những cố gắng diễn tả đức tin trong văn hóa bản địa (hội nhập văn hóa) còn được sống động một cách nào đó trong “các việc đạo đức bình dân”… Và nhất là nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần qua việc những người nghèo và bé mọn đón nhận Tin Mừng.   

- Hôm nay, việc loan báo Tin Mừng được thực hiện trong tình trạng thế giới luôn biến đổi nơi các quốc gia và các nền văn hóa. Trong tình huống mới này, cần Loan báo Tin mừng với 3 yếu tố mới: nhiệt tình mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới (hay cách biểu lộ mới). Đặc biệt “tân phúc âm hóa” cần có những nhà loan báo tin mừng mới, những thừa sai mới (new evangelizers) với 2 điểm nhấn: cần có những “đức tính tông đồ” (apostolic virtues) và cần học hỏi về văn hóa (cultural studies) của con người Á Châu hôm nay để loan báo Tin Mừng cho họ.

* Hội thảo nhóm: Từ những gợi ý của Đức TGM Savio Hon Tai Phai, buổi chiều 10 nhóm cùng nhau chia sẻ với câu hỏi “Bạn hiểu thế nào về việc Tân Phúc Âm hóa trong bối cảnh đặc thù của bạn”.

4. Đề tài 2: Đào tạo Linh mục trong thời đại Tân Phúc Âm hóa và dưới ánh sáng Tông Huấn Evangelii Gaudium (do Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, TGM Manila).

a) Khởi đầu, Đức Hồng Y Tagle đã đặt một câu hỏi cho toàn thể cử tọa: Đối với chúng ta (các nhà đào tạo), ngày hôm nay, việc đào tạo các chủng sinh tại Chủng viện và đào tạo linh mục trong Thường huấn là gì? Làm thế nào để chương trình, cấu trúc và bầu khí tại Chủng viện mang tính đào tạo? Những điểm tốt nào chúng ta có thể rút ra từ những tiến bộ về khoa học, thông tin, nghệ thuật… để áp dụng trong đào tạo?

b) Trong phần 1, ĐHY đã dựa trên Sứ điệp Cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2012 về Tân Phúc Âm hóa với câu chuyện của Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp để trình bày 5 nét quan trọng của việc đào tạo “những nhà Loan báo Tin Mừng”:

- Như Chúa Giêsu, nhà loan báo Tin Mừng phải là người lữ hành cùng đi với người dân và cùng cảm nghiệm sự mệt mỏi, khát nước với họ. Đào tạo là học liên đới với người dân, cùng đi với họ với sự cảm thông, đến và gặp họ tại “những giếng nước” của cuộc sống.

- Việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi phải đi đến mọi nơi, đặc biệt ở những nơi gặp những đối kháng, thù nghịch (hostile), như Chúa Giêsu đã đến và ở lại tại làng Sychar của người Samari. Đào tạo là tập luyện cho các chủng sinh và linh mục một thái độ “không thành kiến” (non-projudicial) và một tinh thần biết phân định tại những nơi còn gặp nhiều đối kháng.

- Như Chúa Giêsu, việc loan báo Tin Mừng được bắt đầu bằng “ngỏ lời xin điều tốt lành” (xin người phụ nữ Samari nước) nơi người khác; đào tạo đòi hỏi phải học nghệ thuật khiêm tốn lắng nghe, tìm hiểu, “cầu xin” người khác.

- Như Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari, với tình yêu và sự tôn trọng, về sự thật của cuộc đời bà và sự thật về Thiên Chúa; đào tạo đòi hỏi phải học cách nói với người khác về sự thật của họ và sự thật về Thiên Chúa trong tình yêu và sự tôn trọng.

- Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã “đào tạo và biến đổi” người phụ nữ Samari thành “nhà loan báo Tin Mừng Giêsu” cho những người trong làng. Điều cốt yếu trong đào tạo chính là giúp các chủng sinh, linh mục gặp được Chúa Giêsu, để Ngài biến đổi họ thành “những nhà loan báo Tin Mừng”.

c) Trong phần 2, ĐHY đã rút ra từ Tông huấn Niêm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) 4 điểm quan trong trong việc đào tạo “những nhà Loan báo Tin Mừng”:

- Việc loan báo Tin Mừng được thông truyền từ “người này sang người khác” (from person to person). Con người với những phẩm chất tốt đẹp là yếu tố đầu tiên để hạt giống Tin Mừng có thể nảy nở. Nhà đào tạo phải biết về con người chủng sinh đang dược đào tạo: anh này có những ưu điểm nào? Những yếu tố tích cực trong hành trình ơn gọi của anh là gì?

Đồng thời, phẩm chất của nhà đào tạo cũng vô cùng quan trọng. Các nhà đào tạo (formators) phải là những người “say mê loan báo Chúa Kitô” để có thể thông truyền “sự nhiệt tình tông đồ truyền giáo” cho các chủng sinh.

- Bài giảng lễ của linh mục phải giống như một cuộc nói chuyện thân tình của người mẹ với các con của mình về Lời Chúa trong bối cảnh thực tế của cuộc sống. Người loan báo Tin Mừng phải được huấn luyện để có khả năng lắng nghe Lời Chúa từ bối cảnh thực tế cuộc sống của người dân; để rồi giúp người dân nhận ra Lời Chúa đang nói với họ.

- Loan báo Tin Mừng luôn có tính qui tụ và không bao giờ loại bỏ ai. Người loan báo Tin Mừng phải được đào tạo để có khả năng đón nhận, qui tụ, cộng tác với mọi người, đặc biệt những người “bị quên lãng và bị loại bỏ”.

- Người loan báo Tin Mừng phải luôn cảnh tỉnh trước những cám dỗ của thế giới hôm nay, như “sự lười biếng tâm linh”, “tinh thần thế tục”… Để vượt qua được những cám dỗ này, việc gắn bó với Chúa Giêsu qua Lời Chúa và cố gắng ra khỏi chính mình, dấn thân chu toàn sứ vụ Loan báo Tin Mừng là những phương thế cụ thể.

* Hội thảo nhóm: Từ những gợi ý của ĐHY Tagle, các nhóm đã chia sẻ với câu hỏi gợi ý: “Những thực hành và những kế hoạch tốt nhất về Tân Phúc Âm hóa trong việc đào tạo linh mục là gì?”

5. Đề tài 3: Những thách đố mục vụ tại các giáo xứ - Tân Phúc Âm hóa trong bối cảnh Á Châu đang biến đổi (do Đức TGM Thomas Menamparampil).

a) Đức TGM Thomas đã đặt những thách đố mục vụ tại các giáo xứ trong bối cảnh một Á Châu đang biến đổi, với những thành phố, đô thị xuất hiện. Những cơ cấu làng xã, gia đình cùng với những nét văn hóa truyền thống đang hòa nhập vào thế giới “toàn cầu hóa”, trong đó người trẻ lúng túng như bị ném vào “biển cả của những điều bấp bênh” (the high seas of uncertainties); trong đó đời sống gia đình dễ dàng đổ bể… Giữa một thế giới đầy biến động như thế, người mục tử phải đối diện với thách đố: Làm thế nào để chính mình và giúp đoàn chiên của mình sống quân bình và hòa hòa: một bên là những tiến bộ, những thoải mái của những thành tựu khoa học và phát triển; một bên là những giá trị tôn giáo, văn hóa, truyền thống. Quân bình giữa “chủ nghĩa tục hóa” (secularism) và “chủ nghĩa bảo thủ” (fundamentalism) là một thách đố lớn, trong đó nhà loan báo Tin Mừng phải giúp những người khác: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng(1P 3,15-16). Nói cách khác, phải thích nghi với những tiến bộ, đổi mới và thay đổi mà không đánh mất chính mình không phải là điều dễ dàng.

b) Một biến đổi, gây ra xáo trộn xã hội văn hóa là hiện tượng di dân (vì chiến tranh, chính trị, kinh tế…); trong đó có sự gặp gỡ, đụng chạm giữa các cộng đồng văn hóa khác nhau. Người mục tử trong giáo xứ phải trở thành người “hòa giải”, qui tụ những cộng đồng, những nhóm văn hóa khác nhau này. Làm thế nào để có thể “chữa lành những ký ức tập thể” (healing of collective memories) là một thách đố lớn.

c) Một ảnh hưởng lớn, từ một môi trường luôn thay đổi, tác động trên cách sống của con người sống trong đó là: một não trạng phán đoán theo “chủ nghĩa tương đối”, một lối sống hưởng thụ ngay những gì có trước mắt, một phản ứng “đòi hỏi phải có lập tức”… Trong bối cảnh biến động, tương đối, chóng qua đó, con người cần đến một chân lý vĩnh cửu, một Chúa Giêsu “hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”. Dẫn con người đến gặp Chúa Giêsu qua giáo lý, qua các bí tích, qua đời sống bác ái yêu thương… là phương thế giải quyết thách đố căn bản khi đối diện với một thế giới biến đổi, chóng qua.

d) Một khía cạnh khác của phương thế căn bản “gặp gỡ”, sau gặp gỡ với Chúa Giêsu, là sự gặp gỡ giữa con người với nhau. Vị mục tử, muốn trở thành người Loan báo Tin mừng, phải tạo được những không gian để giáo dân gặp gỡ, chia sẻ, cầu nguyện và cùng làm việc với nhau; đồng thời phải giúp cộng đoàn Kitô hữu mở ra để gặp gỡ và đối thoại với thế giới, với những tôn giáo khác, với những văn hóa khác, và ngay cả đối với những người xem ra đối nghịch với mình.

* Hội thảo nhóm: Từ những gợi ý của Đức TGM Thomas, các nhóm đã chia sẻ với câu hỏi gợi ý: “Những thực hành và những kế hoạch tốt nhất về Tân Phúc Âm hóa trong cách tổ chức giáo xứ là gì?

6. Đề tài 4: Những thách đố mục vụ mà linh mục phải đối diện trong truyền thông khi chăm sóc đoàn chiên và loan báo Tin Mừng.

a) Giáo sư Chainarong đã khởi đầu bằng những thống kê cho thấy thực trạng rất nhiều người hôm nay đang sống trong “thế giới kỹ thuật số” (digital world). Hiện thế giới có hơn 7 tỉ người, trong đó 6,5 tỉ người đăng ký một thiết bị thông tin nào đó. Riêng tại Á Châu, có tới 3 tỉ người đăng ký sử dụng thiết bị thông tin di động; và số người Á Châu sử dụng Facebook chiếm 50% trên tổng số toàn thế giới. Điện thoại di động, nhất là loại smartphone, được rất nhiều người (nhất là các bạn trẻ) luôn mang theo bên mình và để cạnh bên giường ngủ. Trước thực trạng như vậy, cách đây gần 50 năm, Công đồng Vatican II, như đã nhìn thấy trước, đã ban hành Sắc lệnh về Truyền thông Xã hội. Và cách đây 2 năm, Đề nghị (proposition) số 18 của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Tân Phúc Âm hóa đã khẳng định: “Việc giáo dục bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông cách khôn ngoan và kiến tạo là phương thế quan trọng mà Giáo Hội phải sử dụng trong việc Tân Phúc Âm hóa”. Thực vậy, lệnh truyền của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi trái đất, không thể bỏ qua địa chỉ quan trọng này: “thế giới kỹ thuật số”.

b) Trước thực trạng này, thách đố mục vụ đầu tiên mà linh mục phải đối diện khi chăm sóc đoàn chiên và loan báo Tin Mừng, đó là cần phải biết và đến với “thế giới kỹ thuật số”, vì hiện đang có nhiều giáo dân và nhiều người không công giáo mỗi ngày đã sống nhiều giờ trong thế giới này. Trong Sứ điệp Ngày thế giới Truyền Thông năm nay 2014, ĐTC Phanxicô đã nói: “Nhờ internet, sứ điệp Kitô giáo có thể đi đến "tận cùng trái đất" (Cv 1,8). Mở rộng những cánh cửa nhà thờ cũng có nghĩa là mở những cánh cửa ấy cho môi trường kỹ thuật số, để cho mọi người bước vào, dù họ ở trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, và để cho Tin Mừng bước ra gặp gỡ mọi người… Chúng ta hãy mạnh dạn trở thành những công dân của thế giới kỹ thuật số. Giáo hội cần quan tâm đến và hiện diện trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người ngày nay và giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô.”.

c) Cũng trong Sứ điệp Truyền thông 2014, ĐTC Phanxicô còn khẳng định: “Chỉ lướt qua các xa lộ kỹ thuật số - hay đơn giản chỉ "nối mạng" - là không đủ: các kết nối còn cần phải đi vào gặp gỡ đích thực”. Từ dó, xuất hiện thách đố thứ hai: để gặp gỡ, trao đổi, chúng ta còn phải biết sử dụng ngôn ngữ của thế giới này, để “hiểu những ước vọng, hoài nghi và hy vọng của họ và trao tặng họ Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô”.

d) Thách đố thứ ba là biết sử dụng ngôn ngữ của Internet cách hiệu quả bởi vì, như ĐTC giải thích,“chứng tá Kitô giáo hiệu quả không phải là dùng các sứ điệp tôn giáo dội bom người khác, nhưng là mong muốn tự hiến cho tha nhân qua việc lấy sự kiên nhẫn và lòng tôn trọng tham dự vào những vấn nạn và hoài nghi của họ trên con đường kiếm tìm chân lý và ý nghĩa đời người". Chính những người trẻ trong giáo xứ sẽ giúp các linh mục sử dụng ngôn ngữ Internet, để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng đến cho các bạn trẻ khác. Xin các cha sở hãy tin tưởng các bạn trẻ và hãy nhờ họ cộng tác trong lãnh vực này.

 

7. Nhìn tổng quát, Hội Nghị lần này không có nhiều bài thuyết trình như những Hội Nghị trước đây. Nhưng thay vào đó, mỗi buổi sáng có một giờ Chầu Thánh Thể, trong đó cộng đoàn đọc Kinh Sáng, lắng nghe một đoạn Lời Chúa và một giám mục giúp suy niệm. Đây chính là giờ “thuyết trình” quan trọng nhất về Tân Phúc hóa. Chính Chúa Giêsu, vị Thừa Sai vĩ đại của Chúa Cha nói và hướng dẫn các tham dự viên làm thế nào để Loan báo Tin Mừng tại Á Châu hôm nay.

8. Ngoài ra, sau những buổi họp nhóm, Hội Nghị còn sắp xếp có giờ rảnh để gặp gỡ riêng, hoặc đi chơi chung với nhau, để qua đó, các tham dự viên còn được nghe và trao đổi những kinh nghiệm rất khác nhau về Loan báo Tin Mừng.

Pattaya, ngày 15-11-2014

Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng

 


Cong Tac Truyen Giao