Công Cuộc Loan Báo Tin Mừng Mới

Xây dựng nền văn minh tình thương

 

Joseph Cardinal Ratzinger on the New Evangelization

 

Cuộc sống con người tự nó không thể nhận thấy được. Cuộc sống của chúng ta là một câu hỏi mở, một đề án chưa cho kết quả, vẫn được hoàn chỉnh và nhận ra. Câu hỏi cơ bản của mỗi con người là : Làm sao nó có thể nhận ra được—trở thành người? làm sao con người học được nghệ thuật sống? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc ?

 

Loan báo Tin Mừng nghĩa là chỉ cho thấy con đường đó—dậy cho biết nghệ thuật sống. Khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu nói: Ta đến để loan Tin Mừng cho người nghèo khó (Lc 4, 18); nghĩa là: Ta trả lời cho câu hỏi cơ bản của con; Ta sẽ chỉ cho con con đường sống, con đường dẫn tới hạnh phúc—hơn thế nữa: chính Ta là con đường đó.

 

Sự nghèo khó sâu thẳm nhất đó là không có niềm vui, sự ngán ngẫm cho một cuộc sống xem như ngớ ngẩn và đối nghịch. Ngày nay, cái nghèo này đang lan tràn dưới nhiều hình thức khác nhau, trong sự giàu có vật chất cũng như trong các nước nghèo. Sự mất khả năng vui vẻ hàm ý và sinh ra mất khả năng yêu thương, ghen tương, kiêu căng—mọi khiếm khuyết đều tàn phá cuộc sống cá nhân và thế giới.

 

Đó là lý do tại sao chúng ta cần một sự loan báo Tin Mừng mới—nếu nghệ thuật sống vẫn chưa được biết đến, chẳng thể làm gì được. Tuy nhiên, nghệ thuật này không phải là đối tượng của khoa học—nó chỉ có thể truyền đạt được bằng Đấng có sự sống—Đấng đó chính là Tin Mừng được nhân cách hoá.

 

I.           Cơ cấu và phương pháp trong việc loan báo Tin Mừng mới

 

1.    Cơ cấu

 

Trước khi nói tới nội dung cơ bản của việc loan báo Tin Mừng mới, tôi xin nói vài lời về cơ cấu và về phương cách đúng đắn.

Hội Thánh luôn luôn rao giảng và không bao giờ gián đoạn con đường rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội cử hành Mầu NhiệmThánh Thể mỗi ngày, ban các bí tích, công bố Lời Hằng Sống—Lời Thiên Chúa, và dấn thân cho chính nghĩa của công bình và bác ái. Và việc loan báo Tin Mừng này sinh hoa kết quả: nó mang lại ánh sáng và nguồn vui, nó cho nhiều người con đường sống ; nhiều người khác, thường thì không nhận ra, sống cái ánh sáng và hơi ấm chiếu tỏa từ việc rao giảng trường tồn này.

 

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy diễn tiến của phản Kitô hoá và sự đánh mất nhân bản cốt yếu  rất đáng lo ngại. Đa số con người ngày nay không tìm được Tin Mừng trong việc rao giảng thường xuyên này của Giáo Hội: Có nghĩa là sự trả lời có tính thuyết phục cho câu hòi: phải sống thế nào ?

 

Đây là lý do tại sao chúng ta, cùng với việc rao giảng không bị gián đoạn và vĩnh cửu, đi tìm một sự rao giảng mới, có khả năng làm cho thế giới đón nghe mà không đi vào việc rao giảng cổ xưa. Mọi người cần Tin Mừng; Tin Mừng được dành cho tất cả và không chỉ dành cho một nhóm đặc biệt nào và đó là lý do tại sao chúng ta buộc phải đi tìm những phương cách mới để mang Tin Mừng cho tất cả mọi người.

 

Thế nhưng một cám dỗ khác ẩn dấu dưới điều này—cám dỗ bất nhẫn, cám dỗ đi tìm thành công tức thời, tìm số đông. Nhưng đây không phải là đường lối của Thiên Chúa. Vì đối với Nước Thiên Chúa cũng như việc rao giảng Nước Thiên Chúa, thì khí cụ và phương tiện, dụ ngôn hạt cải luôn luôn có giá trị (Mc 4, 31-32).

 

Nước Thiên Chúa luôn luôn bắt đầu dưới dấu chỉ này. Việc loan báo Tin Mừng mới không có nghĩa: dùng những phương cách mới và tinh tế hơn để lôi cuốn đại trà tức thời nhưng lại sống xa lìa Giáo Hội. Không—đây không phải là điều việc rao giảng mới hứa hẹn. Sự rao giảng mới có nghĩa: không bao giờ hài lòng với sự việc: từ hạt cải, một cây cổ thụ của Hội Thánh hoàn vũ mọc lên; không bao giờ cho là đủ về sự kiện nhiều loại chim có thể đến tìm chỗ nơi cành cây—hơn thế nữa, nó có nghĩa là, một lần nữa và với sự nhỏ bé của hạt cải dám, phó thác hết cho Chúa về sự việc  khi nào và  thế nào hạt giống sẽ mọc lên (Mc 4,26-29).

 

Những việc lớn lao luôn khởi đầu từ một hạt nhỏ, và phong trào đại trà thì luôn luôn nhất thời. Trong viễn ảnh về quá trình tiến hoá, Teilhard de Chardin đề cập đến “white of the origines” (le blanc des origines): Cái khởi đầu của một loài mới thì luôn luôn vô hình và không thể khám phá ra bằng nghiên cứu khoa học. Các tiềm năng được dấu ẩn—chúng quá nhỏ bé. Nói các khác: Những thực tại lớn lao được khởi đầu trong sự khiêm tốn.

 

Chúng ta ta hãy để qua một bên nếu Teillard đúng trong thuyết tiến hoá của ông; quy luật về nguồn gốc vô hình không nói lên sự thật—sự thật hiện diện trong chính hành động của Thiên Chúa trong lịch sử: “Thiên Chúa không quyến luyến và chọn ngươi vì ngưới đông dân hơn hết mọi dân khác, vì ngươi ít hơn hết trong tất cả các dân. Nhưng chính là bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương ngươi.” Thiên chúa nói như vậy với dân Israel trong Cựu Ước do đó diễn tả cái nghịch lý của lịch sử Cứu Độ: chắc chắn, Thiên Chúa không tính theo số đông; quyền lực bên ngoài không phải là dấu chỉ của sự hiện diện.

 

Hầu hết các dụ ngôn của Chúa Giêsu nói đến cách thế Thiên Chúa can thiệp và vì vậy trả lời cho những lo lắng của các môn đệ, những người mong chờ loại thành công và dấu chỉ khác từ Đấng Mêssia—loại thành công Satan hứa tặng cho Chúa: Tất cả những sự này—các vương quốc trần gian—tôi sẽ dâng cho Ngài…(Mt 4,9).

 

Dĩ nhiên, vào cuối đời thánh Phaolô đã tin tưởng rằng ngài đã rao giảng Tin Mừng khắp cùng trái đất, nhưng các Kitô hữu chỉ là những cộng động nhỏ nhoi phân tán khắp mọi nơi, rất tầm thường theo tiêu chuẩn thế tục. Trong thực tế, họ là men thẩm thấu trong các bữa ăn và mang trong họ tương lai của thế giới (Mt 13, 33).

 

Châm ngôn nói rằng: “Thành công không phải là một trong các tên của Thiên Chúa.” Công việc rao giảng mới phải chịu chi phối của mầu nhiệm hạt cải không phải để phô trương, tin tưởng  vào một sự phát triển mau chóng thành một cây lớn. Chúng ta hoặc là quá sống trong sự an toàn của cây to sẵn có hoặc trong sự nôn nóng cho một cây mang nhiều sức sống và vĩ đãi hơn—thay vì đó chúng ta phải chấp nhận mầu nhiệm Giáo Hội vừa là một cây cao lớn, vừa là một hạt giống bé nhỏ. Trong lịch sử cứu độ, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và Phục Sinh luôn luôn gắn  liền với nhau…

 

2. Phương pháp

 

Phương pháp đúng đắn rút từ cơ cấu của sự rao giảng mới này. Dĩ nhiên chúng ta phải dùng đến những phương pháp hiện đại để làm cho chúng ta được nghe bằng cách thức hợp lý—hoặc tốt hơn; cách thức làm cho tiếng nói của Thiên Chúa có thể tiếp nhận và hiểu được….Chúng ta không đi tìm sự lắng nghe cho chính chúng ta—chúng ta không muốn phát huy quyền lực và sự mở mang định chế của chúng ta, nhưng chúng ta ước ao phục vụ điều tốt của con người và nhân loại, dành chỗ cho Đấng là sự sống.

 

Sự chiếm đoạt cá vị một con người được dành cho Đức Kitô vì phần rỗi con người là điều kiện cơ bản của một sự dấn thân thật sự cho Tin Mừng. Chúa Giêsu nói : “Ta đến nhân danh Cha Ta và các ngươi không tiếp nhận Ta; nếu một người nào đó đến nhân danh mình, các ngươi sẽ đón nhận nó (Ga 5,43). Dấu chứng của Phản Kitô là  người đó nhân danh mình mà nói.

 

Dấu chỉ của Chúa Con là hiệp thông với Chúa Cha. Chúa Con giới thiệu chúng ta vào sự hiệp thông của Ba Ngôi, vào chu kỳ của tình yêu bất diệt, mà các ngôi vị là “những tương quan trọn vẹn,” hành động thuần nhất của sự dâng hiến và đón nhận. Chương trình của Ba Ngôi Thiên Chúa—được nhìn thấy nơi Chúa Con, Đấng không nhân danh mình mà nói—đưa ra một mẫu sống của một nhà truyền giáo đích thực—hơn thế nữa, truyền giáo không chỉ là cách nói nhưng còn là một lối sống trong sự lắng nghe và dâng tiếng nói cho Chúa Cha. Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần: “Người không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe Người sẽ nói lại” (Ga 16,13).

 

Hình thức loan báo Tin Mừng mang tính Kitô học và Thánh Thần học này đồng thời cũng là một hình thức mang tính cánh chung: Chúa Giêsu và Thánh Thần xây dựng Giáo Hội, hiệp thông qua Giáo Hội. Việc rao giảng Đức Kitô, rao giảng Nước Trời giả thiết sự lắng nghe tiếng của Người qua tiếng nói của Giáo Hội. “Không tự mình mà nói” có nghĩa là nói nhân danh sứ mạng của Giáo Hội….

 

Nhiều kết quả thực tiễn phát xuất từ luật chiếm hữu này. Tất cả các phương pháp hợp lý và có thể chấp nhận được về mặt luân lý cần được nghiên cứu—sử dụng khả năng của truyền thông là một bổn phận. Nhưng lời nói và nghệ thuật truyền thông không thể đến được con người ở một mức độ sâu xa như Tin Mừng.

 

Cách đây một vài năm, tôi có đọc tiểu sử của một linh mục rất tốt lành trong thế kỷ chúng ta, Cha Don Didimo, cha xứ Bassano del Grappa. Trong bài viết của ngài, chúng ta có thể tìm thấy những lời vàng ngọc, hoa quả của một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Một thí dụ cho chúng ta, Don Didimo nói: “Chúa Giêsu rao giảng ban ngày, ban đêm người cầu nguyện.”

 

Với chỉ một vài lời này, ngài muốn nói: Chúa Giêsu đã  thâu nhận các môn đệ từ Thiên Chúa. Điều này luôn luôn đúng. Chúng ta không thể tự thu nạp người ta. Chúng ta nhận được họ bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Không có nền tảng cầu nguyện, mọi phương pháp sẽ trở nên rỗng không. Lời của sự loan báo phải được chìm ngập trong một đời sống cầu nguyện mãnh liệt.

 

Chúng ta phải đi thêm một bước nữa. Chúa Giêsu giảng dạy ban ngày, ban đêm Người cầu nguyện—đây không phải là tất cả. Trọn cuộc sống của Người là con đường đi tới thánh giá, tiến về Giêrusalem—như đã được chứng minh bằng một phương cách rất tuyệt đẹp của Tin Mừng thánh Luca. Chúa Giêsu không cứu chuộc con người bằng lời hay ý đẹp nhưng bằng đau khổ và cái chết của Người. Cuộc thương khó của Người là nguồn sự sống bất tận cho thế giới; cuộc thương khó của Người mang lại quyền năng cho Lời của Người.

 

Chính Chúa—nối dài và khuyếch đại dụ ngôn hạt cải—thiết lập quy luật sinh hoa kết trái bằng những lời trong dụ ngôn hạt giống phải chết đi và vùi trong lòng đất (Ga 12, 24). Cùng với mầu nhiệm của hạt cải, luật này vẫn có giá trị cho đến tận cùng trái đất và là nền tảng cho việc rao giảng Tin Mừng mới.

 

Điều này cũng rất dễ chứng minh trong lịch sử Kitô giáo. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại buổi ban đầu của công cuộc rao giảng trong cuộc đời thánh Phaolô. Sự thành công trong sứ vụ của Ngài không phải là kết quả của khoa hùng biện tuyệt vời hay sự khôn ngoan mục tử; hoa quả của ngài được liên kết với đau khổ, với sự thông hiệp trong khổ nạn với Đức Kitô (1Cr, 2,1-5….2 Cr 11,30; Gal 4,12-14).

Chúa Giêsu nói: “Sẽ không cho một dấu lạ nào ngoại trừ dấu lạ tiên tri Jona”. Phép lạ Jonah là Đức Kitô chịu đóng đinh--họ là những chứng nhân hoàn tất “những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu” (Col 1,24).  Qua mọi thời trong lịch sử, lời của Tertullian vẫn luôn luôn được chứng minh: Máu các thánh Tử Đạo là hạt giống.

 

Thánh Augustinô cũng nói tương tự bằng một cách tuyệt vời hơn, Ngài giải thích Phúc Âm thánh Gioan chương 21 về lời tiên báo cái chết của thánh Phêrô và lệnh truyền chăn dắt, cũng có nghĩa là  việc thiết lập chức vụ cai quản của Ngài, được liên kết rất mật thiết với nhau.

 

Thánh Augustinô chú giải bản văn Gioan 21, 16 bằng cách sau đây: “Hãy chăn dắt chiên của Ta,” nghĩa là phải chịu khổ vì chiên của Ta…. Người mẹ không thể nào sinh con mà không phải đau đớn. Mỗi một sự ra đời đòi hỏi sự chịu đựng, cũng chính là sự chịu đựng, và trở thành Kitô hữu là sự ra đời. Chúng ta hãy lặp lại điều này một lần nữa bằng lời của Chúa: Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh (Mt 11,12; Lc 16,16), nhưng sức mạnh của Thiên Chúa là đau khổ, là thánh giá. Chúng ta không thể cho người khác sự sống mà không phải từ bỏ chính mình.

 

Quá trình chiếm hữu được nói ở trên là hình thức cụ thể (được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau) của việc hiến dâng sự sống. Và chúng ta hãy suy nghĩ lời của Đấng Cứu Thế : “Ai mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được nó” (Mc 8,35).

 

II. Nội dung chính yếu cho việc loan báo Tin Mừng mới

 

1.      Hoán cải:

 

Đối với nội dung của việc Loan Báo Tin Mừng mới, trên hết chúng ta phải luôn ghi nhớ sự không tách biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước. Nội dung cơ bản của Cựu Ước được tóm gọn trong sứ điệp của của thánh Gioan Tẩy Giả: metanoeite—hoán cải! Không đến được với Chúa Giêsu nếu không được thanh tẩy; không thể đến được với Chúa Giêsu nếu không đáp trả lời mới gọi của vị Tiền Hô, hơn hữa, Chúa Giêsu mặc lấy sứ điệp của Gioan trong tổng hợp lời giảng dạy của Người: anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).

 

Từ hoán cải trong tiếng Hy lạp nghĩa là: nghĩ lại—chất vấn mình và lối sống chung chung; để cho Chúa đi vào tiêu chuẩn của cuộc sống mình; đừng chỉ đoán xét theo ý kiến đương thời. do đó, hoán cải có nghĩa: không sống như những người khác sống, không làm những gì họ làm, không cho là  chính đáng trong hành động gian ác, mơ hồ, không đáng tin bởi vì người khác đã làm như vậy; bắt đầu nhìn cuộc sống của mình với con mắt của Thiên Chúa, để đi tìm điều thiện, ngay cả nếu nó mang lại bất tiện; không nhắm đến việc xét đoán của đa số, của con người, nhưng nhắm đến sự công chính của Thiên Chúa—nói cách khác: đi tìm một lối sống mới, một cuộc sống mới.

 

Những điều này không ám chỉ đến  vấn đề luân lý; giảm Kitô giáo xuống bình diện luân lý sẽ đánh mất cái nhìn về tính chất cơ bản sứ điệp của Đức Kitô: ân huệ của tình bằng hữu mới, ân huệ hiệp thông với Chúa Giêsu và do đó với Thiên Chúa. Bất cứ ai trở về với Chúa Kitô không có nghĩa là sáng tạo tiêu chuẩn đạo đức cho chính mình, không nhằm tạo điều tốt cho riêng mình bằng sức mạnh của mình.

 

“Hoán cải” (metanoia) nghĩa chính xác là đối nghịch: ra khỏi cái cho mình là đủ để khám phá và chấp nhận nội tại của chúng ta—cái nội tại của người khác và của một Đấng khác, sự tha thứ của Người, tình huynh đệ. Một đời sống  không hoán cải có nghĩa là tự cho mình là đủ (tôi chẳng kém hơn người khác); hoán cải là khiêm nhường trong sự ký thác bản thân mình vào tình yêu của Đấng khác, một tình yêu trở nên thước đo và tiêu chuẩn của đời sống của tôi.

 

Ở đây chúng ta cũng phải nhập tâm khía cạnh xã hội của sự hoán cải. Chắc chắn, hoán cải phải ở bên trên tất cả các hành động cá nhân, nó là sự cá nhân hoá. Tôi tự tách mình ra khỏi công thức “sống như bao người khác” (tôi không cảm thấy đúng lý nữa với sự kiện mọi người làm những gì tôi làm) và tôi nhìn ra con người của tôi trước mặt Thiên Chúa, trách nhiệm cá nhân của tôi.

 

Nhưng việc cá nhân hoá thật thì cũng luôn luôn là sự xã hội hoá sâu sắc. Chính cái “tôi” mở ra với cái “anh” trong chính thâm sâu của nó, và do đó một cái “chúng ta” mới được ra đời. Nếu nếp sống này lan toả khắp thế giới cho thấy nguy hiểm của sự phi-cá nhân hoá, nguy hiểm của sự không sống cuộc sống của mình nhưng cuộc sống của những người khác, lối sống “chúng ta” mới của lộ trình Thiên Chúa phải dành cho được trong sự hoán cải.

 

Khi rao giảng về sư hoán cải chúng ta cũng phải cống hiến một cộng đoàn sự sống, một khoảng không gian cho lối sống mới. Chúng ta không thể chỉ rao giảng  bằng lời nói; Tin Mừng làm nên cuộc sống, làm nên những cộng đoàn thăng tiến. Một sự hoán cải thuần cá nhân thì không có sự nhất quán…

 

2. Nước Thiên Chúa

 

Việc kêu gọi hoán cải cũng mang ý nghĩa loan báo Tin Mừng—như là điều kiện cốt yếu. Thiên Chúa trung tâm là nền tảng trong sứ điệp của Chúa Giêsu và cũng phải là trọng tâm của công cuộc loan báo Tin Mừng mới.

 

Từ chủ chốt của lời rao giảng của Chúa Giêsu là: Nước Thiên Chúa. Nhưng Nước Thiên Chúa không phải là một sự vật, một cơ cấu xã hội và chính trị, một điều viễn vông. Nước Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa có nghĩa: Thiên Chúa hiện hữu. Thiên Chúa đang sống. Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong thế giới, trong cuộc sống chúng ta—trong cuộc sống tôi.

 

Thiên Chúa không phải là “nguyên nhân cứu cánh” xa vời, Thiên Chúa không phải là kiến trúc sư vĩ đại của thuyết duy thần, Đấng dựng nên guồng máy thế giới và không còn phải là một phần của nó nữa.—ngược lại: Thiên Chúa là thực tại quyết định và hiện diện nhất trong mỗi và mọi hành động của đời tôi, trong mỗi và mọi lúc của lịch sử.

 

Khi rời đại học Mũnster, trong một hội nghị, nhà thần học J.B.Metz nói một vài điều bất ngờ cho ông—Trong quá khứ Metz dạy chúng ta về thuyết nhân loại học trung tâm—sự kiện thật của Kitô giáo là bước ngoặt mang tính nhân loại học, thế tục hoá, khám phá tính trần tục của thế giới. Rồi ông ta dạy chúng ta về thần học chính trị--tính chất chính trị của đức tin; rồi “ký ức nguy hiểm”; và cuối cùng thần học thuật chuyện.

 

Sau con đường dài và khó khăn này, ngày nay ông lại nói với chúng ta: vấn đề thực của thời đại chúng ta là “Khủng hoảng của Thiên Chúa”, sự vắng bóng Thiên Chúa, cải trang bằng một sự sùng đạo trống rỗng. Thần học phải trở về với thần-học thực sự, nói về và với Thiên Chúa.

 

Metz rất đúng: chỉ một sự cần cho con người mà thôi: đó là Thiên Chúa. Mọi sự đều thay đổi, cho dù Thiên Chúa hiện hữu hay không. Chẳng may—chúng ta, Kitô hữu thường sống như không có Thiên Chúa (si Deus non daretur). Chúng ta sống theo khẩu hiệu: Thiên Chúa không hiện hữu, và nếu Người hiện hữu, Ngài không thuộc về chúng ta.

 

Vì thế, việc truyền giáo trước tiên phải nói về Chúa, rao giảng một Thiên Chúa thật: Đấng tạo Hoá—Đấng Thánh Hoá—Vị Thẩm Phán (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo).

 

Ở đây chúng ta cũng phải để ý đến khía cạnh thực hành. Thiên Chúa không chỉ được biết bằng lời nói. Người ta thực sự không biết một con người nếu họ biết người này qua trung gian. Giảng về Thiên Chúa là giới thiệu sự tương quan với Thiên Chúa: dạy cách cầu nguyện. Cầu nguyện là đức tin trong hành động. Và chỉ có kinh nghiệm sống với Thiên Chúa mới làm chứng sự hiện hữu của Người.

 

Đó là lý do tại sao các trường cầu nguyện, cộng đồng cầu nguyện rất quan trọng. Có một sự hài hoà giữa cầu nguyện riêng (“trong phòng riêng”, một mình trước Thiên Chúa), “ cầu nguyện chung ngoài phụng vụ (việc tôn sùng phổ biến) và cầu nguyện trong phụng vụ. Phải, phụng vụ  trên hết là cầu nguyện; tính chất đặc thù của cầu nguyện bao gồm công việc chính yếu  không phải là chúng ta (như trong cầu nguyện riêng và việc sùng kính chung), nhưng là chính Thiên Chúa—phụng vụ là đọc và suy niệm Lời Chúa, Thiên Chúa hành động và chúng ta đáp trả hành động của Thiên Chúa.

Nói về Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa phải luôn luôn đi đôi với nhau. Rao giảng Thiên Chúa là sự hướng dẫn đến  mối hiệp thông với Thiên Chúa trong quan hệ thân mật, được Đức Kitô thiết lập và làm sống động. Đó là lý do tại sao phụng vụ (các bí tích) không phải là chủ đề hàng thứ sau việc rao giảng Lời Chúa, nhưng là việc nhận ra tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

 

Trong khi bàn đến vấn đề này, cho phép tôi có một cái nhìn tổng quát về phụng vụ. Cách thức chúng ta cử hành phụng vụ thường quá nặng về lý trí. Phụng vụ trở thành giảng dạy, mà tiêu chuẩn của nó là: làm cho chúng ta được hiểu—thường kết quả của nó là làm cho mầu nhiệm trở thành cái gì tầm thường, lời chúng ta được phổ biến, sự lặp đi lặp lại những câu văn dường như có thể đón nghe được và làm hài lòng dân chúng.

 

Nhưng đây không phải chỉ là một sai lầm lý thuyết mà còn là một sai lầm về tâm lý và mục vụ. Phong trào bí ẩn thuyết, sự lan tràn của kỹ thuật giải trí và tự huỷ chứng minh sự thiếu sót một cái gì đó trong phụng vụ. Chính trong thế giới ngày nay của chúng ta, mà chúng ta cần sự thinh lặng,  huyền nhiệm siêu cá nhân, vẻ đẹp.

 

Phụng vụ không phải là sự can thiệp của linh mục chủ sự hay một nhóm chuyên gia; phụng vụ (nghi lễ) diễn ra theo một quá trình hữu cơ xuyên suốt hàng thế kỷ, nó mang lại hoa trái kinh nghiệm đức tin của các thế hệ.

Ngay cả khi người tham dự không hiểu từng lời, họ cũng cảm nhận được ý nghĩa sâu xa, sự hiện diện của mầu nhiệm, mà vượt xa những lời. Người chủ sự không phải là trung tâm của cử hành phụng vụ; người chủ sự không xuất hiện trước công chúng dân danh mình—người ấy không tự mình nói hoặc nói cho mình, nhưng nhân danh Đức Kitô. Khả năng cá nhân của người chủ sự không có gì hết, nhưng chỉ nhờ đức tin, nhờ đó Đức Kitô được nêu bật, “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3,30).

 

3. Đức Giêsu Kitô

 

Với sự suy niệm này, đề tài Thiên Chúa được phổ biến và  lãnh hội qua đề tài Đức Giêsu Kitô: Chỉ trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô đề tài Thiên Chúa thực sự trở nên cụ thể: Đức Kitô là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở Cùng Chúng Ta—cụ thể hoá “ta là,” lời đáp trả với Thần Thánh.

 

Ngày nay một sự cám dỗ rất lớn loại trừ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Người chỉ là  một Giêsu lịch sử, thuần tuý là một con người . Người ta không cần từ chối thiên tính của Đức Giêsu, nhưng chỉ cần sử dụng một vài phương pháp để lọc ra từ Kinh Thánh một Giêsu ở mức độ chúng ta, một Giêsu có khả năng và có thể hiểu trong khuôn khổ của nghệ thuật chép sử của chúng ta.

 

Thế nhưng”Giêsu lịch sử” này là tác phẩm, hình ảnh  tác gỉa của nó chứ không phải là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống (2Cr 4: 4tt; Col 1,15). Đức Kitô của niềm tin không phải là một  huyền thoại; Giêsu mà được gọi là Giêusu lịch sử là một hình ảnh thần thoại, do các nhà diễn giải nghĩ  ra . Hai trăm năm lịch sử của “Giêsu lịch sử” phản ảnh trung thực lịch sử của các triết lý, tư tuởng của thời đại này.

 

Với giới hạn của hội nghị này, tôi không thể đi vào nội dung của việc loan báo Đấng Cứu Thế. Tôi muốn đề cập vắn gọn hai khía cạnh quan trọng.

Trước hết là việc bước theo Đức Kitô—Đức Kitô hiến dâng chính mình như là đường của cuộc đời tôi. Theo Đức Kitô không có nghĩa là bắt chước Giêsu lịch sử. Nỗ lực này nhất thiết sẽ vô ích—không đúng niên đại lịch sử. Theo Đức Kitô có mục đích cao cả hơn: tháp nhập vào Đức Kitô, nghĩa là kết hiệp với Thiên Chúa. Lời nói như vậy hẳn rất lạ tai đối với con người thời đại. Nhưng chúng ta thực sự khát khao sự vô tận: sự tự do vô biên, hạnh phúc không biên giới.

 

Toàn bộ lịch sử những cuộc cách mạng trong suốt hai thập niên vừa qua có thể được giải thích theo cách này. Ma tuý chỉ có thể được cắt nghĩa theo cách này. Con người không thỏa mãn với những giải đáp bên dưới mức độ thần thánh hoá. Thế nhưng tất cả mọi con đường được ban tặng bởi “con rắn” (St 3,5), nghĩa là bởi sự hiểu biết tầm thường, đều thất bại. Con đường duy nhất đó là kiết hiệp với Đức Kitô, được nhận lãnh trong đời sống bí tích. Theo Đức Kitô không phải là vấn đề đạo đức, nhưng là một đề tài “huyền nhiệm”—một tổng thể hành động của Thiên Chúa và đáp trả của chúng ta.

 

Vì thế khi bàn đến đề tài bước theo, chúng ta nhận ra sự có mặt của một trọng tâm khác của Kitô học, tôi muốn nói đến Mầu Nhiệm Khổ Nạn—thập giá và sự phục sinh. Trong việc tái thiết “Giêsu lịch sử”, thường đề tài thập giá rất vô nghĩa. Với một sự giải thích tầm thường, nó trở thành một biến cố tự nó không thể tránh, không có giá trị thần học; với một sự giải thích mang tính chất cách mạng, nó trở thành cái chết anh hùng của kể phiến loạn.

 

Chân lý thì hoàn toàn khác biệt. Thánh giá thuộc về mầu nhiệm Thiên Chúa—đó là một biểu lộ tình yêu của Người cho đến cùng (Ga 13,2). Bước theo Đức Kitô là thông phần vào thập giá, tháp nhập vào tình yêu của Người, vào sự biến đổi cuộc sống của chúng ta đó là sinh ra con người mới, được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Bất cứ ai từ chối thập giá thì cũng từ chối bản chất của Kitô giáo (xem 1Cr 2,2).

 

4. Sự sống đời đời

 

Yếu tố cuối cùng của mọi công cuộc loan báo Tin Mừng đích thực là sự sống đời đời. Ngày nay chúng ta phải tuyên xưng đức tin của chúng ta với một sinh lực mới trong đời sống thường ngày. Ở đây, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh của việc rao giảng Đức Giêsu, mà ngày nay thường bị bỏ qua: Loan báo Nước Thiên Chúa là loan báo Thiên Chúa hiện diện, Thiên Chúa biết chúng ta, lắng nghe chúng ta; Thiên Chúa đi vào lịch sử để thực hiện công lý. Vì thế, việc loan báo này cũng là việc loan báo công lý, laon báo trách nhiệm của chúng ta.

 

Con người có thể không làm hoặc tránh không làm những điều họ muốn. Họ sẽ bị phán xét. Họ phải tính sổ về những việc họ làm. Sự xác tín này có giá trị cả cho người quyền thế cũng như người bé nhỏ. Nơi đâu điều này được tôn trọng, ở đó nói lên được những giới hạn của quyền lực trong thế giới. Thiên Chúa đem lại công bình, và chung cuộc chỉ mình Người có thể làm được điều đó.

 

Càng sống dưới con mắt của Thiên Chúa, chúng ta càng có thể làm điều đó tốt hơn và  đem chân lý của công lý đến cho thế giới.  Vì thế đề tài đức tin trong công lý, sức mạnh của nó trong việc đào tạo lương tâm là đề tài trọng tâm của Phúc Âm và là Tin Mừng đích thực. Nó được dành cho những con người đau khổ do bất công của thế giới và cho những ai đi tìm công lý.

 

Đây cũng là cách chúng ta có thể hiểu được sự liên hệ giữa Nước Trời và những “người nghèo”, người đau khổ và  tất cả những người được nhắc đến ở Bát Phúc trong bài giảng trên núi. Họ được che chở bới sự chắc chắn của phán xét, bởi sự xác tín rằng có công lý.

 

Đây là nội dung đích thật của đề tài về công lý, về Thiên Chúa là vị Thẩm Phán: công lý hiện hữu. Những bất công của thế giới không khải là lời nói cuối cùng của lịch sử. công lý hiện hữu. Chí những ai không muốn có công lý mới có thể phản đối chân lý này.

 

Nếu chúng ta suy xét kỹ lưỡng việc phán xét và tầm quan trọng của trách nhiệm của chúng ta đối với việc này, chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng khía cạnh khác của việc loan báo này, đó là sự cứu chuộc, mà Đức Giêsu, qua thập giá, mang lấy tội lỗi của chúng ta; Chính Thiên Chúa, trong cuộc khổ nạn của Con của Người, đã trở nên Đấng bào chữa cho chúng ta là những tội nhân, và vì vậy có thể đền bù tội lỗi cho chúng ta, niềm hy vọng cho những tội nhân biết thống hối, hy vọng được diễn tả bằng một cách rất tuyệt đẹp qua lời của thánh Gioan: Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ an lòng về những gì Người khiển trách chúng ta.

 

“Vì Thiên Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết mọi sự” (1 Ga 3, 19tt). Lòng nhân lành của Thiên Chúa thì vô biên, nhưng chúng ta không nên giảm lòng nhân lành này xuống thái độ uỷ mị màu mè không chân thật. Chỉ bởi tin vào sự công phán của Thiên Chúa, chỉ bởi đói khát công lý (Mt 5,6) chúng ta sẽ mở lòng chúng ta, cuộc sống chúng ta với lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

 

Điều này có thể nhận ra được: thật không đúng rằng: tin vào sự sống đời đời làm cho cuộc sống trần gian này thành vô nghĩa. Trái lại: chỉ khi chuẩn mực của cuộc sống chúng ta là đời đời, thì cuộc sống này của chúng ta trên dương thế là cao cả và có giá trị vô biên. Thiên Chúa không phải là đối thủ trong cuộc sống chúng ta, nhưng là người bảo đảm sự cao cả của chúng ta. Với cách này chúng ta trở lại với điểm khởi đầu là Thiên Chúa.

 

Nếu chúng ta suy xét rất cẩn thận sứ điệp Kitô giáo, chúng ta sẽ không nói đến hết thảy mọi sự. Thực ra, sứ điệp Kitô giáo rất đơn giản: Chúng ta nói về Chúa và về con người, và với cách này chúng ta nói được tất cả mọi sự.

 

Joseph Cardinal Ratzinger
Address to Catechists and Religion Teachers
Jubilee of Catechists, 12 December 2000

 

Chuyển dịch : Sr, Therese Tran, MTG-DL