TRUYỀN GIÁO

& NỀN TẢNG KINH THÁNH CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

 

LỜI MỞ ĐẦU

Từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô 2, cách riêng từ những thập niên cuối thế kỷ 20, người Ki-tô hữu, kể cả Ki-tô hữu giáo dân, không ngừng nhắc đến hai từ Truyền Giáo, hay cụm từ đồng nghĩa Loan Báo Tin Mừng. Thật vậy, nhờ được giảng dạy về các văn kiện của Công đồng, người giáo dân hôm nay biết rằng bản chất của Hội Thánh là truyền giáo. Rồi nhờ được làm quen với Kinh Thánh, người giáo dân cũng không còn xa lạ với câu nói nổi tiếng của Thánh Phao-lô trong thư thứ nhất Cô-rinh-tô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng.” (1Cr 9, 16)

Nhưng phải hiểu thế nào về Truyền Giáo? Chúng ta biết rằng, vì bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, nên không phải đợi đến hạ bán thế kỷ 20 Hội Thánh mới thực hiện công việc mở mang Nước Chúa bằng việc rao giảng Phúc âm cho lương dân. Trái lại, mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo(Mc 16, 15) đã được Hội Thánh nghiêm chỉnh thi hành trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Bởi đó mới có những vị thánh truyền giáo nổi tiếng như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e, hay những vị giáo hoàng truyền giáo như Đức Pi-ô XI.

Nhưng chắc chắn ngày nay quan niệm truyền giáo, hay đúng hơn, phương thức truyền giáo không còn giống như ngày xưa. Vì ngày xưa, sứ mạng đó hầu như chỉ dành cho các linh mục tu sĩ, các vị đó được sai đi đến với lương dân và “làm cho người ta trở lại” bằng việc rao giảng với “những dấu lạ kèm theo(Mc 16, 20). Còn ngày nay, “truyền giáo được hiểu là ơn gọi do Thiên Chúa ban để quí chuộng và chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhận thức tôn giáo của mình... với những người và những cộng đồng thuộc các truyền thống văn hoá, xã hội và tôn giáo khác... Khái niệm truyền giáo như thế là một khái niệm hai chiều: đức tin được chia sẻ chứ không áp đặt, và nhà truyền giáo sẽ được hướng dẫn và trở nên phong phú nhờ việc khám phá ra ơn cứu độ của Thiên Chúa đã hoạt động nơi những người và những nền văn hoá mà họ được sai đến... Tin Mừng đến với người ta nơi con người và sứ điệp của nhà truyền giáo như là một lời mời gọi tự do và tôn trọng. Người mang Tin Mừng phải ý thức rằng mình không phải là người sở hữu tất cả chân lý, nhưng là người mang một quà tặng cứu rỗi của Thiên Chúa mà người không-ky-tô-giáo cũng đã được cảm nghiệm bằng cách này hay cách khác rồi.” (Donald Senior và Carroll Stuhmueller. C.P. Nền tảng kinh thánh của sứ vụ truyền giáo Phần Nhập đề, tr.3)

Nếu Truyền Giáo được hiểu như thế thì sứ vụ truyền giáo không còn là độc quyền của một thành phần nào trong Dân Chúa mà là trách nhiệm và vinh dự của tất cả mọi Ki-tô hữu. Trong Thông điệp đầu tiên của ngài mang tựa đề “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã viết: “Bản chất của Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí-tích, phục vụ bác ái.” (số 25a) Tuy chủ đích của Thông điệp không nhắm trực tiếp đến việc Truyền Giáo, nhưng ta thấy rõ lời nói của Đức Giáo Hoàng hàm chứa một phương thức hoạt động truyền giáo là thực hiện bác ái, vì ngài viết tiếp: “Ai hoạt động bác ái nhân danh Hội Thánh, không bao giờ tìm cách áp đặt lên kẻ khác niềm tin của Hội thánh. Người đó phải biết rằng tình yêu trong sự thuần khiết và vô tư là chứng cứ tốt nhất về Thiên Chúa... Trách nhiệm của các tổ chức bác ái của Hội Thánh là củng cố ý thức này nơi các đại diện của mình, để họ trở thành chứng nhân của Đức Ki-tô qua hành động cũng như lời nói, sự thinh lặng và mẫu gương của họ.” (số 31c)

Cũng trong chiều hướng này, Thư Mục Vụ của HĐGMVN, được công bố ngày 08.9.2006 tại Huế, với tựa đề “Sống Đạo Hôm Nay”, có đoạn viết: “... sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Ki-tô hữu trong xã hội sẽ trở thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng...” (số 4)

***

Trên đây chúng ta nói đến sứ mạng truyền giáo chính xác là lệnh truyền, là lời mời gọi được Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, gửi đến cho mọi Ki-tô hữu và phương thức thực hiện sứ mạng đó sao cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta cũng đã trích dẫn câu Tin Mừng theo thánh Mác-cô để cụ thể hoá lời mời gọi của Đức Giê-su.

Nhưng có phải gốc rễ của sứ mạng đó chỉ được tìm thấy ở trong các sách Tin Mừng, hay còn nằm ở đâu sâu hơn trong toàn bộ các sách Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước? Loạt bài sau đây, tóm lược tài liệu nghiên cứu đồ sộ của hai tác giả mà danh tánh và tác phẩm đã được nêu ở phần trên. Các vị này đã vắn tắt nói đến mục đích của công trình nghiên cứu của họ như sau: “Chúng tôi muốn truy tìm những truyền thống và những động năng đã hình thành ý thức của Ít-ra-en về định mệnh của nó trong tương quan với các Dân Ngoại, và cuối cùng những truyền thống và động năng ấy đã đưa người Ki-tô hữu tới việc rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại.” (Sđd phần Nhập đề, tr.4)

Cũng như các tác giả của tài liệu nghiên cứu giá trị này, chúng tôi hy vọng công việc tóm lược và giới thiệu của chúng tôi “khơi dậy được lòng kính trọng và biết ơn đối với những con người anh hùng, nam cũng như nữ, đã từng dâng hiến cuộc đời họ một cách quảng đại để chứng thực rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương và công bằng và là Thiên Chúa của mọi người.” (Sđd phần Nhập đề, tr.5)

Để có một cái nhìn bao quát công trình nghiên cứu về Nền Tảng Kinh Thánh Của Sứ Vụ Truyền Giáo (Sđd), xin trình bày sau đây Mục Lục Các Nội Dung Chính của tài liệu mà chúng tôi mạo muội tóm lược để giới thiệu với những ai thao thức hoạt động cho sự nghiệp Loan Báo Tin Mừng.

 


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo