Bài 5: NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

 Thần học truyền giáo của Thánh Mát-thêu

 

Câu kết của tường thuật (Mt 28, 19) và một diễn từ chuyên về truyền giáo (Mt 10) chứng tỏ rằng vấn đề truyền giáo là vấn đề hàng đầu của thần học Mát-thêu. Trong bài sau đây, chúng ta sẽ phân tích những khía cạnh của Tin Mừng Mát-thêu trực tiếp liên quan đến chân trời phổ quát của việc loan báo Tin Mừng Ki-tô giáo.

***

1. Bối cảnh của Cộng đoàn Mát-thêu

Có vẻ như thánh Mát-thêu đã xây dựng thông điệp của ngài nhằm đáp ứng thời kỳ tiếp theo sau cuộc nổi dậy của người Do-thái vào những năm 66-73 CN, và sự biến đổi cả trong Do-thái giáo lẫn Ki-tô giáo do cuộc nỏi dậy đó. Tuy không chính xác lắm, nhưng có thể Tin Mừng Mát-thêu đã được viết vào khoảng những thập kỷ 80 và 90.

Hậu quả bi thảm của cuộc nổi dậy – việc phá hủy thành và đền thờ Giê-ru-xa-lem vào năm 70 CN – đòi hỏi một sự chuyển đổi trong cơ cấu của Do-thái giáo: tính đa dạng của thời kỳ trước năm 70 phải nhường chỗ cho một cách biểu hiện đồng nhất hơn để có thể tồn tại. Các nhóm cực đoan bị tiêu diệt hoặc trở nên què quặt; chỉ còn nhóm Biệt Phái (Pha-ri-sêu) có đủ sức mạnh tinh thần và khôn khéo chính trị để điều chỉnh sự sinh tồn của Do-thái giáo. Họ xây dựng lại Do-thái giáo dựa trên cơ sở trung thành với Lề Luật (theo cách cắt nghĩa của họ). Nhưng họ cũng coi các nhóm khác, trong đó có các Ki-tô hữu, là mối đe dọa cho sự sống còn của Do-thái giáo, nên các nhóm này bị trục xuất ra khỏi các hội đường trong một phần tư cuối của thế kỷ I. Bầu khí cộng đoàn của thánh Mát-thêu chịu ảnh hưởng nặng nề của sự mâu thuẫn giữa các Ki-tô hữu và phái Pha-ri-sêu.

Thánh Mát-thêu muốn chứng minh rằng Ki-tô giáo không phải là phản đề mà là kết quả của Do-thái giáo theo ý định của Thiên Chúa. Thánh sử còn muốn đặt các Ki-tô hữu, không phân biệt gốc Do-thái hay Dân Ngoại, vào viễn tượng của việc truyền giáo của Hội Thánh, phù hợp với kiểu mẫu cứu độ được tìm thấy trong Cựu Ước và trong lịch sử của chính Đức Giê-su. Để trung thành với di sản Do-thái giáo, thánh sử tìm cách chứng minh rằng Đức Giê-su vừa là người con lỗi lạc của Ít-ra-en vừa là người khai mở một thời đại cứu độ mới trải ra cho mọi dân tộc. Thánh sử cố gắng làm trung gian cho sự tiến triển từ một viễn tượng đặc thù sang một viễn tượng phổ quát.

2. Các yếu tố nền tảng trong thần học truyền giáo của Tin Mừng Mát-thêu

Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng thánh Mát-thêu đã sử dụng Tin Mừng Mác-cô làm nguồn chính cho tường thuật của ngài về cuộc đời Chúa Giê-su. Tuy nhiên phần lớn tư liệu này đã được ngài chỉnh sửa lại để thích nghi ý nghĩa của nó vào một viễn tượng mới và tình hình của cộng đoàn.

Trên thực tế, thánh Mát-thêu đã mở rộng phạm vi câu truyện của thánh Mác-cô. Nhờ tường thuật của ngài về thời niên thiếu (chương 1-2), thánh Mát-thêu đã đẩy nguồn gốc của Đức Giê-su một cách vững chắc ngược lên quá khứ của Ít-ra-en và tìm về ý nghĩa của Đức Giê-su từ khởi đầu đời sống nhân loại của Người. Và trong khi thánh Mác-cô kết thúc đột ngột với một lời hứa gặp lại các môn đệ tại Ga-li-lê (Mc 16, 7-8), thánh Mát-thêu đưa thêm các lần hiện ra sau phục sinh cả ở Giê-ru-xa-lem (Mt 28, 9-10) lẫn ở Ga-li-lê (Mt 28, 16-20): đoạn cuối này có tác dụng đẩy hướng tiến tới của câu truyện Đức Giê-su vào trong lịch sử của chính cộng đoàn bằng lệnh truyền giáo và lời hứa ở lại mãi với môn đệ (Mt 28, 20).

Chủ đề Nước Thiên Chúa (thánh Mat-thêu còn dùng thuật ngữ “Nước Trời” – x. Mt 3, 2) cũng được triển khai về mọi mặt như trong Tin Mừng Mác-cô, và thực tế thì nhiều hơn: chỉ có 18 lần thuật ngữ “Nước Thiên Chúa” được dùng trong Tin Mừng Mác-cô, còn trong Tin Mừng Mát-thêu, nó lại được dùng đến khoảng 50 lần. Mặc dầu hòa hợp với Mác-cô và các tác giả Tân Ước khác để cho rằng bản chất trần thế của Nước Trời có một sự ổn định tạm thời và biểu hiện viên mãn của quyền thống trị của Thiên Chúa vẫn còn trong tương lai, thánh Mát-thêu lại tin mạnh mẽ rằng Đức Giê-su Ki-tô là hiện thân của Nước Thiên Chúa và Người làm cho quyền thống trị của Thiên Chúa đến nhanh; vì vậy thánh Mát-thêu cũng có thể mô tả Nước Thiên Chúa như là một thực tại đang diễn ra: “...triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28).

Sau đây là những chiều kích đặc thù trong thần học truyền giáo của Thánh Mat-thêu.

Rõ ràng, đối với Thánh Mát-thêu, Đức Giê-su là bước ngoặt quyết định trong toàn thể lịch sử. Đức Giê-su khai mạc một thời kỳ mới của lịch sử, thời kỳ mới này không những đóng lại và là tột đỉnh của lịch sử thánh của Ít-ra-en, nhưng qua sự hiện diện của Đức Giê-su phục sinh, thời kỳ này sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế.

Theo Thánh Mát-thêu, trước khi Đức Giê-su chết và phục sinh, trật tự cũ luôn có hiệu lực: Lề Luật không bị hủy bỏ (x. Mt 5, 7) và các điều khoản nhỏ nhất cũng phải được tuân phục (x. Mt 5, 18-19). Điều này giúp cắt ngĩa phần nào việc truyền giáo hạn chế được nói đến trong Mt 10, 5-6 và Mt 15, 24: trước Đức Giê-su, hay chính xác hơn, trước khi Người chết và phục sinh, sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa chủ yếu hướng về Ít-ra-en. Nhưng sau khi thời đại mới bắt đầu, ơn Thiên Chúa được ban phát cho mọi người, và vì vậy, Tin Mừng Mát-thêu kết luận với lệnh truyền vang dội cho cộng đoàn sau Phục Sinh là hãy đi giảng dạy muôn dân (Mt 28, 19).

Vì vậy, theo thánh Mát-thêu, việc truyền giáo của Hội Thánh cho Dân Ngoại không phải là chuyện tình cờ của lịch sử mà là hậu quả của lịch sử: một hành vi thực hiện ý định của Thiên Chúa thích hợp cho thời đại cuối cùng, khi mà ranh giới cứu độ được coi là tất yếu mở ra cho mọi dân tộc. Xác tín rằng Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, ngài đã có thể vẽ lại chân dung của Người như là sự hoàn thành các niềm hy vọng của Dân Do-thái mà Kinh Thánh đã nói đến. Qua sự hoàn thành này, Đức Giê-su kết thúc thời trông đợi cũ, khai mở thời đại mới và hiện diện để thúc đẩy hoạt động truyền giáo hoàn vũ của cộng đoàn đi tới tận cùng của lịch sử và tới cuộc khải hoàn chung cuộc của Nước Trời. Quá khứ, hiện tài và tương lai được nhìn qua lăng kính ki-tô giáo của thánh Mát-thêu.

Ngay cả việc các lãnh đạo Do-thái – và cả dân chúng – đã từ chối Đức Giê-su, cũng làm nổi bật chiều kích lịch sử của công cuộc cứu độ của Người: trong mỗi trường hợp, hành vi từ chối trở thành một lực đẩy biện chứng dẫn tới một giai đoạn ban sự sống trong kế hoạch lịch sử của Thiên Chúa. Cái chết của Đức Giê-su khai sinh một cộng đoàn phục sinh; thất bại của sứ mạng cho Ít-ra-en làm phát sinh công việc truyền giáo mở ra cho Dân Ngoại. Dụ ngôn về vườn nho (x. Mt 21, 33-46) và tường thuật về việc Phi-la-tô phóng thích Ba-ra-ba và kết án tử hình Đức Giê-su (x. Mt 27, 11-26) cho thấy rất rõ thánh sử cắt nghĩa sự từ chối của người Do-thái phù hợp với viễn tượng lịch sử cứu độ của ngài như thế nào. Chính các lãnh đạo Do-thái và rốt cuộc cả dân Do-thái từ chối Đức Giê-su, nhưng cũng chính sự từ chối này đã dẫn đến công việc truyền giáo Dân Ngoại.

Sau cùng, nói đến sự từ chối thì cũng phải nói đến sự đáp trả mà, theo thánh Mát-thêu, đó còn là một tiêu chuẩn của chính ơn cứu độ. Bất kể thuộc bối cảnh xã hội hay tôn giáo nào, bất cứ ai đáp lại Tin Mừng của Đức Giê-su với đức tin và vâng phục, đều trở thành thành viên của Dân Thiên Chúa. Nhưng theo thánh Mát-thêu, một sự đáp trả thích đáng bao gồm một lòng tin chủ động vào con người Đức Giê-su và sự biến đổi cuộc đời phát xuất từ lòng tin này. Thánh Mát-thêu sử dụng nhiều kiểu diễn tả khác nhau để mô tả thái độ đáp trả bằng lòng tin và hành động này: tin, theo, hiểu, giữ trọn đức công chính, nghe và thi hành, “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” (Mt 28, 20), “thi hành ý muốn của Cha” (Mt 7, 21). Ta thấy rõ ràng thánh Mát-thêu nhấn mạnh nhiều đến hành động như là biểu thị của đức tin theo tinh thần Do-thái giáo. Tiêu chuẩn ấy trở thành yếu tố cứu độ cho những “người ở ngoài”: viên đại đội trưởng ở Ca-phác-na-um (x. Mt 8, 5-13), người đàn bà xứ Ca-na-an (x. Mt 15, 21-28), những người thu thuế và tội lỗi (x. Mt 9, 9-13;11, 18-19;21, 28-32): họ được cứu thoát vì họ được đức tin làm cho sinh động và thúc đẩy họ hành động. Theo tiêu chuẩn này, Ít-ra-en bị mất đặc quyền của mình: Nước Trời bị lấy đi khỏi những người từ chối Đức Giê-su để ban cho các dân tộc biết làm cho vườn nho sinh ra hoa trái (x. Mt 21, 33-43). Tuy thánh Mát-thêu vẫn đề cao việc tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa như là một lời đáp trả có giá trị cứu độ, nhưng hình như ngài đặt yếu tố tuyên xưng này ở vị trí thứ hai sau tiêu chuẩn hành động phù hợp với ý Thiên Chúa. Ví dụ Mt 7, 21 cho thấy rằng chỉ tuyên xưng - “Lạy Chúa, lạy Chúa!” – thì không đủ; phải “thi hành ý muốn của Cha” thì mới đủ. Và trong cảnh chung thẩm rất hấp dẫn ở đoạn 25, 31-46, những “người công chính” là những người thi hành luật yêu thương, cho dù họ không nhận ra Đức Giê-su nơi “những anh chị em bé nhỏ nhất”. Ở đây, “các dân thiên hạ” (Mt 25, 32) chịu cùng một tiêu chuẩn phán xét giống như Ít-ra-en. Dụ ngôn tiệc cưới (x. Mt 22, 1-14) cho thấy rất rõ lập trường của thánh Mát-thêu về nguồn ơn cứu độ. Phần thứ nhất của dụ ngôn ám chỉ sự từ khước của Ít-ra-en và sự dung nạp Dân Ngoại: các khách được mời (Ít-ra-en) không đáp trả và vì thế bị án phạt; do đó danh sách khách mời được mở rộng để bao gồm “mọi người” (Dân Ngoại). Nhưng lời mời dự tiệc không đủ để được cứu, dù là đối với Ít-ra-en hay đối với Dân Ngoại: tất cả được phán xét trên cùng một cơ sở là “y phục lễ cưới”, biểu tượng cho một đời sống được biến đổi – không “mặc y phục lễ cưới” (Mt 22, 11-13) lập tức bị “trói chân tay lại, quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài...”

3. Các bản văn truyền giáo trong Tin Mừng Mát-thêu

Hai đoạn 10, 1-4728, 16-20 trong Tin Mừng Mát-thêu được coi là những bản văn truyền giáo – tuy không thêm gì cơ bản cho cơ sở thần học bao quát, nhưng chúng cũng tạo cho Tin Mừng một lực đẩy năng động và giúp chúng ta xây dựng một hình ảnh về động cơ và phong cách hoạt động truyền giáo trong Hội Thánh của Mát-thêu.

* Diễn từ truyền giáo trong Mt 10, 1-17

 Diễn từ này được dẫn nhập bởi Mt 9, 36-37: “Đức Giê-su thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Chúng ta sẽ khảo sát nội dung của bài diễn từ (Mt 10, 1-47) như một cách tổng hợp thần học truyền giáo của thánh Mát-thêu.

a/ Cố gắng truyền giáo của Hội Thánh, giống như chính đời sống người ki-tô hữu, bắt nguồn từ quyền năng và lời kêu gọi của Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa quan trọng của lời dẫn nhập và đoạn mở đầu của bài diễn từ. Các môn đệ phải cầu nguyện để Thiên Chúa sai thợ gặt tới thu hoạch mùa màng. Và Đức Giê-su, đại diện của Thiên Chúa, là người kêu gọi Nhóm Mười Hai và sai họ đi làm “tông đồ” (x. Mt 10, 1-5).

b/ Phạm vi và nội dung sứ mạng của cộng đoàn, cũng giống như của Đức Giê-su, bao gồm việc loan báo Nước Thiên Chúa đến và thể hiện các hành vi quyền năng để chữa lành và giải phóng (x. Mt 10, 7-8). Trong diễn từ này, việc “dạy dỗ” không được nói đến. Có vẻ như thánh Mát-thêu muốn dành chức năng chủ chốt này cho hiệu lệnh cuối cùng ở Mt 28, 20, vì trong câu chuyện Tin Mừng, các môn đệ chưa được trình bày hết tất cả các diễn từ quan trọng của Đức Giê-su.

c/ Sứ vụ của cộng đoàn được tham dự vào công trình cánh chung của Đức Giê-su. Người truyền giáo đi đường phải mang hành trang gọn nhẹ (Mt 10, 9); thời gian trước tận thế rất vắn vỏi (Mt 10, 23). Yếu tố này phù hợp với chủ đề lịch sử của Tin Mừng Mát-thêu. Thời đại mà Đức Giê-su khai mở và chia sẻ cho Hội Thánh là thời đại cuối cùng, thời kỳ quyết định, nên cũng là thời kỳ khủng hoảng và chia rẽ (x. Mt 10, 34-39).

d/ Giống như thầy mình, người truyền giáo phải sẵn sàng đối mặt với chống đối và bách hại (x. Mt 10, 16-23).

e/ Người truyền giáo có thể cậy dựa vào sức mạnh của Thánh Thần (x. Mt 10, 19-20) và sự quan phòng của Chúa Cha là Đấng ban sự sống (x. Mt 10, 28-33). Vì vậy họ phải mạnh bạo và không khiếp sợ khi rao giảng (x. Mt 10, 26-27).

f/ Người truyền giáo được đồng hóa với Đức Giê-su. Điều này được ngụ ý trong câu “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi...” (Mt 10, 24-25).Và còn rõ hơn trong câu “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy...” (Mt 10, 40). Thánh Mát-thêu dùng sự đồng hóa này – một chủ đề quen thuộc trong Kinh Thánh Do-thái – để nhấn mạnh  sự hiện diện thường hằng của Đức Ki-tô phục sinh cả đối với những người xem ra là “những kẻ bé mọn” đi loan báo Tin Mừng.

* Mệnh lệnh cuối cùng – Mát-thêu 28, 16-20

Cũng như diễn từ truyền giáo trong Mt 10 trên đây, đoạn kết Tin Mừng Mát-thêu này là một tổng hợp toàn thể thông điệp của thánh sử.

a/ Mệnh lệnh truyền giáo được xây dựng trên nền tảng Ki-tô học đã lộ rõ trong mọi chiều kích của thần học truyền giáo của thánh Mát-thêu. Sự xuất hiện uy nghi, và lời tuyên bố của Đức Giê-su trên ngọn núi đã được Người chỉ định làm nơi hội ngộ sau khi phục sinh, nhấn mạnh quyền bính của Người là nền tảng cho sứ mạng phổ quát của cộng đoàn. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi...” (Mt 28, 18-19).

b/ Chỉ thị đầu tiên là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19): tin Đức Giê-su và biến đổi đời sống dựa trên niềm tin đó.

c/ Việc truyền giáo phải là phổ quát: đến với “muôn dân” – kể cả dân Do-thái – vì sự phán xét dựa trên cơ sở của sự đáp ứng với quà tặng ân sủng sự sống của Thiên Chúa.

d/ Rao giảng truyền giáo còn bao gồm việc thành lập cộng đoàn – hay Hội Thánh – Đây là ngụ ý của thánh Mát-thêu khi ngài sử dụng công thức rửa tội ở câu 28, 19. Quan tâm giáo hội học này phù hợp với tinh thần của Tin Mừng Mát-thêu, khi ngài nhấn mạnh vị trí của Hội Thánh như là nơi mà các giá trị Tin Mừng phải được biểu lộ: lòng thương xót, khoan dung, hòa giải (x. Mt 18, 17.20).

e/ Trách nhiệm truyền giáo của cộng đoàn tập trung vào việc giảng dạy: “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20).

f/ Lời hứa “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20) nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi Hội Thánh truyền giáo của Người để nâng đỡ Hội Thánh và tạo sức sống cho Hội Thánh cho tới ngày tận thế và tới cuộc chiến thắng hoàn toàn của Nước Thiên Chúa.

Kết luận

Diễn từ truyền giáo của chương 10 và mệnh lệnh cuối cùng ở chương 28 kết hợp lại với nhau tạo thành một tổng hợp thực sự cho thần học truyền giáo của thánh Mát-thêu. Sự mâu thuẫn giữa Hội Thánh (Ki-tô giáo) và Hội Đường (Do-thái giáo) – điều đã được nói đến ở phần 1 trên đây – cũng như giữa các Ki-tô hữu gốc Do-thái và gốc Dân Ngoại, được làm dịu lại nhờ niềm tin vào Đức Giê-su phục sinh. Cộng đoàn của những con người hòa giải ấy được kêu gọi vượt lên trên những mối mâu thuẫn của mình để đến với muôn dân đang trông đợi Tin Mừng.

***

 


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo