Bài 6:

NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

Viễn tượng truyền giáo của Tin Mừng Lu-ca
và của sách Công Vụ Tông Đồ

 

“Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-xa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Xa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8)

***

 Tác phẩm của thánh Lu-ca gồm 2 quyển, Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ. Có thể đây là tác phẩm trình bày rõ ràng nhất trong toàn thể Tân Ước về sứ mạng phổ quát của Hội Thánh. Việc thánh Lu-ca liên kết câu truyện về cộng đoàn thời sơ khai (nơi sách Công Vụ) với câu truyện cuộc đời Đức Giê-su (nơi sách Tin Mừng) chứng tỏ rằng một trong những mục đích chính của ngài là cho thấy mối tương quan giữa sứ mạng của Đức Giê-su và sứ mạng của Hội Thánh.

Có nhiều khả năng Tin Mừng và Công Vụ được viết vào khoảng sau năm 80 CN và viết cho một giáo hội đa số gốc Dân Ngoại, mặc dầu cả hai sách đều bắt đầu với lời chào “Thưa ngài Thê-ô-phi-lê...” (Lc 1, 1; Cv 1,1). Không có chỗ nào cho biết người này là ai, có thật hay hư cấu. Cộng đoàn mà tác phẩm được gửi đến có vẻ đang chịu một hình thức bách hại nào đó, có lẽ là sự thù nghịch của cả người Do-thái lẫn người ngoại đạo khi cộng đoàn thi hành sứ mạng. Vì lẽ đó, thánh Lu-ca muốn chứng minh rằng sứ mạng của cộng đoàn không đi ngược lại công trình của Thiên Chúa trong lịch sử của Ít-ra-en và cũng không mâu thuẫn với tư cách công dân có trách nhiệm của đế quốc. Nhưng mục tiêu của thánh Lu-ca không phải là để tự vệ hay biện minh mà là thúc giục các tín hữu đồng đạo của ngài đi ra thế giới với cùng một tinh thần mạnh mẽ đã từng hoạt động nơi Đức Giê-su và các thế hệ đầu tiên của Hội Thánh.

1.      Mối liên kết giữa Lịch sử của Đức Giê-su (qua tường thuật của sách Tin Mừng) và Lịch sử của Hội Thánh (qua tường thuật của sách Công Vụ): chủ đề chính của thần học truyền giáo theo thánh Lu-ca

 Kết thúc của sách Tin Mừng Lu-ca, với lần hiện ra cuối cùng của Đức Giê-su, mệnh lệnh truyền giáo và lời hứa ban Thánh Thần – “Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa.” (Lc 24, 48-49) – cũng là mở đầu của sách Công Vụ – “Nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần... Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy...” (Cv 1, 8)

Các yếu tố của thần học truyền giáo của thánh Lu-ca, được thấy rõ trong hai đoạn trích trên đây, sẽ là sợi chỉ xuyên suốt sách Tin Mừng và sách Công Vụ và nối kết hai quyển sách này lại thành một. Chúng ta thử phân tích.

a/  Điều cần ghi nhận đầu tiên, đó là lời phát biểu của Đức Giê-su phục sinh nói về sứ vụ mà cộng đoàn - gồm các tông đồ và những người được các ngài rửa tội để trở thành Ki-tô hữu - sẽ thi hành chỉ sau khi Đức Giê-su trở về với Chúa Cha. Lu-ca cho thấy Đức Giê-su Na-da-rét đã không khai mở một công việc truyền giáo phổ quát hoàn chỉnh ngay từ đầu; công việc này chỉ trở nên rõ rệt trong kinh nghiệm của cộng đoàn sau biến cố phục sinh, mà cũng chỉ dần dần, thậm chí trong đau khổ và chỉ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn mới nhận thức và chấp nhận tiếng gọi ra đi “tới tận cùng trái đất”.

Thánh Lu-ca muốn đặt lịch sử của Đức Giê-su – được tường thuật trong sách Tin Mừng – làm nền móng và khuôn mẫu công việc truyền giáo của cộng đoàn – được ghi lại trong sách Công Vụ. Có những đoạn song song, được tạo nên giữa các sự kiện thuộc về cuộc đời Đức Giê-su và đời sống của cộng đoàn thời sơ khai, diễn tả chủ đích của tác giả.

b/  Thánh Lu-ca nhìn thấy sự ứng nghiệm của Kinh Thánh, không chỉ trong lịch sử của Đức Giê-su mà cả trong lịch sử của cộng đoàn – “Có lời Kinh Thánh chép...” (Lc 24, 46), “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm...”(Cv 1, 16) – Mặc dầu các lãnh đạo Ít-ra-en bác bỏ Đức Giê-su và sứ mạng của Hội Thánh, thánh Lu-ca cho thấy có sự tiếp nối với di sản Do-thái giáo.

c/  Sự phản đối, khước từ của các lãnh đạo Do-thái, cũng như cái chết thập giá của Đức Giê-su, được thánh Lu-ca coi như là một nhãn hiệu của công trình Thiên Chúa trong lịch sử. “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 26). Trong Công Vụ, thánh Lu-ca cũng sẽ vẽ ra một khuôn mẫu tương tự cho chính cộng đoàn. Thông điệp cứu độ của cộng đoàn sẽ được truyền đến với muôn dân trong đau khổ và qua đau khổ: cảnh tù đày của các tông đồ là một cơ hội để rao giảng (x. Cv 5, 40-42); cái chết của ông Tê-pha-nô có tác dụng đưa thông điệp đến Xa-ma-ri (x. Cv 8, 4-5) và với người Hy-lạp (x. Cv 11, 19-21); những lao nhọc tông đồ của ông Phao-lô sẽ làm cho hoạt động của Thánh Thần không bị cản trở (x. Cv 28, 30-31).

d/  Thông điệp mà thánh Lu-ca gửi đến cho những ai muốn theo Đức Giê-su là một lời kêu gọi sám hốimột lời hứa tha tội. Trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giê-su nói: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33) – Còn trong Công Vụ, thánh Phê-rô nhắc lại lời mời gọi của Đức Giê-su: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su để được ơn tha tội.” (Cv 2, 37-38). Sứ mạng của cộng đoàn là mang ơn cứu độ cho thế giới.

e/  Việc truyền giáo phổ quát phải bắt đầu từ Giê-ru-xa-lem và vươn ra tới tận cùng thế giới. Khác với hai thánh Mát-thêu và Mác-cô, thánh Lu-ca giới hạn toàn bộ hoạt động thời sau Phục Sinh của Đức Giê-su và các môn đệ vào Giê-ru-xa-lem (x. Lc 24, 49.52 và Cv 1, 4). Đức Giê-su, Đấng hoàn thành lời hứa của Cựu Ước, đã đi đến tột đỉnh công trình Mê-si-a của Người tại Giê-ru-xa-lem (x. Lc 13, 33), và từ Giê-ru-xa-lem cộng đoàn Ki-tô giáo xuất phát cùng với việc truyền giáo của họ.

f/ Thánh Lu-ca luôn trân trọng nguồn gốc Do-thái của Hội Thánh, nhưng ngài cũng khẳng định rằng sứ mạng phổ quát của Hội Thánh vuợt ra ngoài mọi ranh giới. Tính phổ quát này là ý muốn của Thiên Chúa: Đức Giê-su được Thánh Thần thúc đẩy khai mở sứ mạng cứu độ của Người (x. Lc 4, 14-19) và chính vị Thiên Chúa “không thiên vị” này đã đưa ông Phê-rô người Do-thái đến cùng ông Co-nê-li-ô người Dân Ngoại (x. Cv chương 10).

g/  Một khi nhận được quyền năng của Chúa Thánh Thần, các tông đồ là “những chứng nhân” của Đức Giê-su (x. Lc 24, 48-49 và Cv 1, 8).

h/  Chúa Thánh Thần là nguồn mạch nuôi dưỡng và hướng dẫn công việc truyền giáo của Hội Thánh. Sứ vụ ngôn sứ của Đức Giê-su mở đầu thời đại của Chúa Thánh Thần. Bắt đầu với sức năng động của biến cố Ngũ Tuần và cho đến hết câu truyện của sách Công Vụ, thánh Lu-ca nhất quán nối kết phạm vi truyền giáo ngày càng mở rộng của Hội Thánh với công trình của Chúa Thánh Thần.

2. Câu truyện của Đức Giê-su (trong Tin Mừng) và sứ mạng truyền giáo phổ quát

a/ Phạm vi phổ quát trong sứ vụ của Đức Giê-su

Bất chấp những giới hạn địa lý của sứ vụ Đức Giê-su, thánh Lu-ca vẫn cho thấy rõ ràng những dấu hiệu về tiềm năng phổ quát của các hoạt động của Người.

Tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giê-su chứa đựng chủ đề này: sự sinh ra của trẻ Giê-su được đối chiếu với niên hiệu của hoàng đế Au-gút-tô, của tổng trấn Qui-ri-nô (Lc 2, 1) và khởi đầu sứ vụ của Người được đặt trong tương quan với hoàng đế Ti-bê-ri-ô (Lc 3, 1), như thể thánh Lu-ca muốn cho thấy các sự kiện này sẽ tạo tiếng vang trên toàn thế giới. Rồi bài ca của ông Xi-mê-ông khi nói về hài nhi Giê-su lại làm vang lên chủ đề này: “Đó là ánh sáng soi đường cho Dân Ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Người” (Lc 2, 32). Chủ đề phổ quát lại được làm nổi bật khi thánh Lu-ca trích lời ngôn sứ của I-sai-a để dẫn vào lời giảng của Gioan: “...mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3, 6). Lời loan báo ơn cứu độ cho mọi người này được xác nhận nơi sứ vụ của Đức Giê-su vuợt qua mọi ranh giới. Lc 4, 18-19 mô tả một cách sống động lực ly tâm của sứ vụ Đức Giê-su trong cảnh Người khai mạc sứ vụ tại Na-da-rét: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Mặc dù Ngôn sứ Giê-su thực sự thi hành sứ vụ trên đất Ít-ra-en cho người Do-thái, nhưng phong cách sứ vụ của Người luôn mang tiềm năng vô giới hạn đã được loan báo ở Na-da-rét: Đức Giê-su giao tiếp và đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi (x. Lc 5, 27-32 và 15, 1-2...), thái độ thân tình với các phụ nữ, cởi mở với các viên chức ngoại bang như viên đại đội trưởng Dân Ngoại (x. Lc 7, 1-10), cảm tình với những người xứ Xa-ma-ri như hai lần Người đưa họ ra làm gương nhân đức (x. Lc 10, 30-37 và 17, 11-19); Người đến với những người phong cùi (x. Lc 5, 12-15) và tỏ ra ân cần đối với người nghèo (x. Lc 16, 19-31).

Thánh Lu-ca cho ta thấy được mối liên kết giữa chiều kích mở rộng của Đức Giê-su trong sứ vụ của Người với các cố gắng của Hội Thánh trong việc vượt qua các biên giới của mình.

b/ Sự liên tục với lịch sử của Ít-ra-en

Một trong những quan tâm của thánh Lu-ca trong hai quyển sách Tin Mừng và Công Vụ là mối quan hệ giữa Ít-ra-en và Hội Thánh.

Phần tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giê-su đặt nguồn gốc của Người trong các niềm hy vọng của Ít-ra-en, với các nhân vật là một tập thể ưu tú của Cựu Ước: Da-ca-ri-a, Ê-li-da-bét, Ma-ri-a, Giu-se, Xi-mê-ông, An-na, các mục đồng, tất cả đang sống trong niềm khao khát của dân về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả các phần khác của Tin Mừng đều mang tinh thần liên tục với quá khứ, cách riêng phần nói về gia phả của Đức Giê-su, truy về nguồn gốc của Người qua dòng họ Đá-vít ngược lên tới Áp-ra-ham, A-đam, rồi tới chính Thiên Chúa.

Ngay cả sự từ chối và cái chết của Đức Giê-su cũng được nhìn như là sự hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa. Cũng như hai thánh Mát-thêu và Mác-cô, thánh Lu-ca nhấn mạnh đặc biệt khía cạnh ngôn sứ của sứ vụ Đức Giê-su: “...hôm nay, ngày mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-xa-lem thì không được.” (Lc 13, 32-33)

Cho nên sứ vụ của Đức Giê-su là tột đỉnh công trình cứu độ của Thiên Chúa với Ít-ra-en dân Người. Nhưng với câu “...bắt đầu từ Giê-ru-xa-lem...” (Lc 24, 47) và câu “... tại Giê-ru-xa-lem... cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8), thánh Lu-ca cho thấy dòng lịch sử cứu độ chảy liên tục từ Ít-ra-en tới Đức Giê-su và tới Hội Thánh.

c/ Sứ vụ cứu độ của Đức Giê-su

Sứ vụ đó được loan báo nơi Gioan Tẩy Giả khi ông Da-ca-ri-a nói về hài nhi mới sinh: “... con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.” (Lc, 76-77) và khi thời gian đã tới, chính hài nhi này thi hành sứ vụ đó trong hoạt động dọn đường của mình: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 3, 3). Tại Na-da-rét, sứ mạng đó được chính thức khai mạc.

Từ ngữ tha tội trong Kinh Thánh cũng đồng nghĩa với giải phóng: đây là giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi, của sự dữ, của Sa-tan, như ta thấy trong trường hợp của người bại liệt (x. Lc 5, 17-20), của người phụ nữ tội lỗi trong thành (x. Lc 7, 36-49), của người đàn bà còng lưng (x. Lc 13, 10-17).

Sứ vụ cứu độ còn bao gồm cả lời kêu gọi hoán cải bằng việc sám hối ăn năn: “Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5, 32)

Đối với những người muốn trở nên môn đệ của Đức Giê-su, lời mời gọi biến đổi mang một hình thức sâu đậm hơn với nhiều đòi hỏi gay gắt hơn: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được.”(Lc 14, 33)

Sứ mạng giải phóng và biến đổi này của Đức Giê-su trong Tin Mừng là cái xác định thông điệp hoán cải và tha tội của cộng đoàn trong Công Vụ.

d/ Cộng đoàn của Đức Giê-su

 Trong sách Tin Mừng, thánh Lu-ca không cho chúng ta thấy rõ ràng việc Chúa Giê-su thành lập cộng đoàn. Nhưng những bữa tiệc trong đó ta thấy Đức Giê-su đồng bàn với các khách mời thuộc thành phần tội lỗi cũng như bữa tiệc cuối cùng Người dùng với các môn đệ đang buồn sầu...cho thấy hình ảnh cộng đoàn của những người đón nhận Tin Mừng, của cộng đoàn Hội Thánh, và cũng báo trước việc truyền giáo cho Dân Ngoại: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc dến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” (Lc 13, 29). Quyền được thu nạp vào cộng đoàn dân Thiên Chúa không được xác định bởi di sản hay địa vị của một người, nhưng chỉ bởi họ đáp ứng lời mời gọi cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.

e/ Cộng đoàn của những chứng nhân

Những ai gặp Đức Giê-su và đáp ứng lời mời gọi hoán cải của Người thì được quyền trở nên môn đệ của Người. “Đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.” (Lc 8, 15). Kiểu mẫu của người môn đệ lý tưởng trong tường thuật của thánh Lu-ca là Đức Ma-ri-a.

Khái niệm về người môn đệ chân chính này – như là chăm chú lắng nghe Lời và trung thành, kiên trì đáp ứng – luôn luôn được thánh Lu-ca dùng để mô tả nhóm người được Đức Giê-su chọn làm chứng nhân của người trong việc truyền giáo của cộng đoàn.

Nhưng trong cộng đoàn những môn đệ này, Nhóm Mười Hai (Tông Đồ) mới là nhóm chứng nhân cốt cán, chính họ sẽ tạo ra sự liên tục giữa lịch sử Đức Giê-su và lịch sử Hội Thánh, họ là cầu nối chính thức giữa Đức Giê-su và cộng đoàn.Về sự yếu đuối của họ – như việc họ tranh cãi nhau về vai vế trong Nhóm, việc họ bỏ trốn lúc Đức Giê-su bị bắt, hay việc ông Phê-rô chối Thầy mình – được thánh Lu-ca làm giảm nhẹ đi tính chất ghê tởm của nó để giữ vững chủ đề về sự kiên trì của người môn đệ. Ta hãy đọc lại những lời Đức Giê-su đã nói với họ, ngay trong bữa Tiệc Ly, khi họ mãi cãi vã nhau về việc “ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất” (Lc 22, 24). Người nói: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.” (Lc 22, 28-30). Rồi với Phê-rô là kẻ sắp chối Người, Đức Giê-su đã nói những lời đầy yêu thương và khích lệ: “Xi-mong, Xi-mong ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22, 31-32).

Để làm “chứng nhân của những điều này” (Lc 24, 48) – đó là “Đức Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, tữ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-xa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24, 46-47) – các Tông đồ của Đức Giê-su không chỉ dùng quyền năng chữa lành mà Đức Giê-su đã ban cho họ, nhưng còn bằng việc chấp nhận bị từ chối, đau khổ, và chết giống như Người. Là những lãnh đạo của cộng đoàn, họ phải bảo đảm rằng thông điệp của cộng đoàn là chân chính bằng cách liên kết sứ mạng của cộng đoàn với sứ mạng của Đức Giê-su. Họ chịu trách nhiệm và trông coi công việc truyền giáo nơi Dân Ngoại.

f/ Quyền năng của Thánh Thần

Đối với thánh Lu-ca, chính Thánh Thần đóng dấu xác nhận mối tương quan giữa ý đính cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, sứ vụ giải phóng của Đức Giê-su và việc truyền giáo toàn cầu của Hội Thánh.

Thánh Thần hiện diện trong những biến cố cuộc đời của Đức Giê-su: trong biến cố truyền tin - “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà...” (Lc 1, 35) – trong phép rửa tại sông Gio-đan – “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dạng như chim bồ câu.” (Lc 3, 22) – trong cơn cám dỗ nơi sa mạc – “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần...và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỉ cám dỗ” (Lc 4, 1-2) – trong ngày khai mạc sứ vụ tại Na-da-rét, xứ Ga-li-lê – “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê... đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường...họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi...” (Lc 4, 14.16-18).

Vào sinh thời Đức Giê-su, Thánh Thần Thiên Chúa đã bắt đầu hoàn thành lời hứa cứu chuộc đã ẩn chứa trong bài ca của Đức Ma-ri-a (x. Lc 1, 50-55) và của Da-ca-ri-a (x. Lc 1, 76-79) qua công trình của Đức Giê-su: người đau khổ được giải thoát, người nghèo khó được chăm sóc, người bị đày đọa và ruồng bỏ được đưa về nhà.

Khi công trình của Người hoàn tất, Đức Giê-su truyền cho các môn đệ “ở lại trong thành (Giê-ru-xa-lem), cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống (đó là Thánh Thần – “điều Cha Thầy đã hứa.” ) (Lc 24, 49). Và vòng tay Thiên Chúa sẽ ôm ấp toàn thể nhân loại khi cộng đoàn do Đức Giê-su lập đem thông điệp cứu độ của Người đến tận cùng trái đất, điều mà chúng ta sẽ thấy trong sách Công Vụ.

3. Sứ mạng truyền giáo phổ quát của cộng đoàn

Sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su đi đến tột đỉnh tại Giê-ru-xa-lem với cái chết, sự sống lại và việc trở về cùng Cha của Người, bây giờ sẽ tiếp tục với sự hướng dẫn của Đức Ki-tô phục sinh và quyền năng của Chúa Thánh Thần trong lịch sử của chính cộng đoàn.

Như đã nói ở phần 1 trên đây, chương mở đầu của sách Công Vụ xác nhận điều mà chương cuối của sách Tin Mừng đã nói rõ: sứ mạng cứu độ phổ quát – đã được ông Xi-mê-ông (x. Lc 2, 31-32) và Gioan Tẩy Giả (x. Lc 3, 6) loan báo, được khởi đầu bởi sứ vụ của Đức Giê-su và bây giờ được thi hành bởi Hội Thánh của Người; các tông đồ lãnh đạo Hội Thánh, Nhóm Mười Hai và Phao-lô sẽ mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

a/ Vai trò của thánh Phê-rô và của các Tông đồ

Sau khi tường thuật cuộc thăng thiên của Đức Giê-su và việc chọn ông Mát-thi-a thay thế ông Giu-đa (Cv chương 1), thánh Lu-ca đã kể lại cho chúng ta những sự việc xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần: việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ và bài giảng truyền giáo đầu tiên của thánh Phê-rô (Cv chương 2). Rồi liên tiếp trong 3 chương 2, 3 và 4, thánh Lu-ca thuật lại hoạt động truyền giáo của các Tông đồ, cách riêng của ông Phê-rô.Mặc dầu vẫn còn tập trung vào người Do-thái chứ không phải Dân Ngoại, nhưng nhấn mạnh của thánh Lu-ca về các dân Do-thái tản mác khắp nơi trong thiên hạ xác nhận rằng sự kiện cứu độ, được bắt đầu ở đây, rốt cuộc sẽ đưa Thần Khí của Thiên Chúa đến cho “hết thảy người phàm” (Cv 2, 17). Sứ vụ chữa lành của Phê-rô, Gioan và các Tông đồ khác (x. Cv 2, 43; 3, 1-10; 5, 12-26) và sự lớn mạnh kỳ diệu của cộng đoàn Giê-ru-xa-lem (x. Cv 2, 41-47; 4, 32-35; 5, 14 và 6, 7) xác nhận sự hoàn tất giai đoạn đầu của lời hứa của Chúa – cộng đoàn đã thực sự chứng kiến việc truyền giáo của Đức Giê-su phục sinh tại Giê-ru-xa-lem.

Trớ trêu thay, cuộc tử đạo của ông Tê-pha-nô và cuộc bách hại Hội Thánh sau đó (x. Cv chương 6-8) lại chính là những sự kiện giúp mở rộng công cuộc truyền giáo tới “Giu-đê và Xa-ma-ri” (Cv 8, 1b; 9, 31). Mặc dầu có sự trở lại của hai người Dân Ngoại – viên quan thái giám người Ê-ti-o-pi-a (x. Cv 8, 26-39) và viên đại đội trưởng Co-nê-li-ô người Rô-ma (x. Cv chương 10) – việc truyền giáo vẫn chưa được đẩy ra ngoài biên giới của Ít-ra-en.

Sau Giê-ru-xa-lem, được coi là giai đoạn một của việc rao giảng Tin Mừng cứu độ, và sau Giu-đê và Xa-ma-ri là giai đoạn hai, sự xuất hiện của ông Phao-lô (từ Cv 7, 58) dẫn chúng ta tới giai đoạn ba, mặc dầu phải đợi đến sau biến cố trên đường Đa-mát (x. Cv 9, 1-19a)

b/ Việc truyền giáo bên ngoài biên giới Ít-ra-en

“Vậy những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra, nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành Ăng-ti-ô-khi-a....trong nhóm có những người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến Ăng-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa....Ông Ba-na-ba trẩy đi Tác-xô tìm ông Sao-lô. Tìm được rồi, ông đưa ông Sao-lô đến Ăng-ti-ô-khi-a. Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Ăng-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu.” (Cv 11, 19-21.25-26)

Đoạn sách Công Vụ trên đây cho thấy việc truyền giáo đã khởi sự đến với những người không phải là Do-thái, tuy vẫn còn nhiều dè dặt và có tính cách tự phát. Như thế, sự nhấn mạnh của thánh Lu-ca về một viễn tượng lịch sử cứu độ “trước tiên cho người Do-thái” được thấy rõ trong cấu trúc của sách Công Vụ: vai trò trung tâm của chính các Ki-tô hữu gốc Do-thái; mọi sáng kiến quan trọng của việc truyền giáo phổ quát (kể cả hoạt động của Phao-lô giữa Dân Ngoại) phải được sự phê chuẩn của các Tông đồ, vì họ luôn là dây liên kết thẩm quyền với sứ mạng của Đức Giê-su, một sứ mạng “bắt đầu từ Giê-ru-xa-lem”.

Nhưng từ đây, cách riêng từ chương 13, sứ mạng đó như được chuyển sang cho “thế hệ thứ hai”. Thế hệ hậu-tông-đồ được giao phó nhiệm vụ mang thông điệp cứu độ của Thiên Chúa “đến tận cùng trái đất”.

c/ Thông điệp truyền giáo của sách Công Vụ

Chúng ta nhắc lại điều đã được trình bày ở trên đây (x. phần 1), đó là lệnh truyền ở đoạn 24, 44-49 trong sách Tin Mừng – “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-xa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 24, 47) – cũng được nhắc lại trong sách Công Vụ – “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-xa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Xa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8)

Như thế, thông điệp truyền giáo của sách Công Vụ cũng chính là thông điệp đã được Đức Giê-su thực hiện trong câu truyện Tin Mừng. Trong sách Công Vụ, thông điệp đó cũng mang những chủ đề đã được thánh Lu-ca nhấn mạnh trong sách Tin Mừng: phạm vi phổ quát của việc truyền giáo và dòng liên tục của nó với lịch sử Ít-ra-en.

Đức Giê-su hoàn tất sứ mạng của Người tại Giê-ru-xa-lem, thành thánh biểu tượng cho vai trò của Ít-ra-en trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được loan báo trong Kinh Thánh. Kinh Thánh được ứng nghiệm với việc cộng đoàn nhận được ơn Thánh Thần trong lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-xa-lem và bắt đầu việc truyền giáo từ trung tâm thánh này. Như các chương đầu của sách Công Vụ cho thấy, các tông đồ và Hội Thánh tại Giê-ru-xa-lem là một điểm quy chiếu thường xuyên khi công việc truyền giáo lan ra ngoài thành thánh để đền khắp miền Giu-đê, Xa-ma-ri và xa hơn nữa.Một bài tóm lược lịch sử của Ít-ra-en, với nhấn mạnh đặc biệt về các sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa và sự từ khước của Ít-ra-en, thường làm thành một phần chính trong các bài giảng của sách Công Vụ (x. Cv 22-36; 3, 12-25; 7, 2-53; 13, 16-41). Dòng liên tục với Cựu Ước xác nhận rằng hoạt truyền giáo giữa Dân Ngoại “ứng nghiệm” những gì đã chép trong “sách Luật Mô-sê, các Ngôn sứ và Thánh Vịnh” (Lc 24, 44). Bản thân Đức Giê-su là sự ứng nghiệm đầu tiên; sứ mạng phổ quát của Người, cái chết và sự sống lại vinh thắng của Người, tất cả đã tạo hình và gợi hứng cho tầm nhìn của Hội Thánh sơ khai. Bây giờ Hội Thánh, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đang thể hiện sự hoàn thành nhiệm vụ mà chính Đức Giê-su đã bắt đầu.

Các Tông đồ, rồi đến Phao-lô và các người truyền giáo đầu tiên là những người trung thành thể hiện công trình cứu độ được Đức Giê-su ủy thác khi Người nói: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-xa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,47-48; x. Cv 1,8). Chính Đức Giê-su phục sinh đã dạy các tông đồ về ý nghĩa của Nước Thiên Chúa (x. Cv 1, 3). Các bài giảng trong sách Công Vụ không ngừng nói đến sứ vụ Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su khi loan truyền lòng khoan dung nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa và nhu cầu đáp lại bằng việc cải hóa tâm hồn (x. Cv 2, 38; 3, 19; 5, 31...). Thông điệp cứu độ này cũng được loan báo trong sứ vụ chữa lành được cộng đoàn thực hiện với quyền năng của Thiên Chúa, như đã được thực hiện bởi các hoạt động của Đức Giê-su. Phép lạ nổi bật do ông Phê-rô làm khi chữa lành một người què ở cổng đền thờ (x. Cv 3, 1-10) là một bằng chứng về ơn cứu độ được thực hiện nhờ Đức Ki-tô phục sinh và bây giờ được loan báo một cách hiệu quả bởi việc truyền giáo của Hội Thánh.

Trong sách Công Vụ, thánh Lu-ca còn làm nổi bật chủ đề cộng đoàn như ngài đã làm trong sách Tin Mừng, bằng cách sử dụng ẩn dụ bữa tiệc với sự đồng bàn của Đức Giê-su. Các phần tóm lược quan trọng của sách Công Vụ – 2, 42-47 và 4, 32-35 – cho thấy rõ rằng việc thành lập cộng đoàn là một kết quả trực tiếp của ơn Chúa Thánh Thần, và vì vậy là một dấu chỉ của sự hoán cải. Các đoạn mô tả hình ảnh lý tưởng của cộng đoàn Giê-ru-xa-lem, nhấn mạnh vào sự chia sẻ của cải vật chất, là dấu chỉ của Ít-ra-en thời cánh chung. Chương 15, tuy nhấn mạnh đến vấn đề cắt bì, nhưng cũng ám chỉ phần nào bước quyết định chia sẻ đời sống cộng đoàn với những người bị coi là “ngoại bang” theo quan điểm kỳ thị của các Ki-tô hữu gốc Do-thái. Vì vậy, không phải là cường điệu khi nói rằng thái độ táo bạo của Đức Giê-su trong Tin Mừng khi ngồi đồng bàn với những người tội lỗi, đã dẫn đến những hậu quả cuối cùng là việc Hội Thánh dung nạp thế giới Dân Ngoại. Bàn tiệc cánh chung của Ít-ra-en bây giờ thực sự không chỉ gồm “những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” của các đường phố, mà còn có lời mời được gửi đến các khách mời xa lạ từ khắp bốn phương trời. (x. Cv 14, 15-24)

Kết luận

 Việc điểm qua sách Tin Mừng và sách Công Vụ cho thấy việc truyền giáo phổ quát là quan tâm hàng đầu của thánh tác giả Lu-ca. Việc mang thông điệp cứu độ từ điểm xuất phát của nó ở Ít-ra-en tới sự phát triên đầy đủ nới Dân Ngoại là nội dung chủ đạo của thần học truyền giáo của sách Tin Mừng và sách Công Vụ. Đức Giê-su, qua việc Người bị từ chối, chết và sống lại, đã hoàn tất công trình của Người bằng việc đi lên cùng Chúa Cha và gửi Thánh Thần đến. Thánh Thần được đổ xuống trên cộng đoàn sẽ đẩy cộng đoàn vượt ra ngoài ranh giới Giê-ru-xa-lem để đến tận cùng thế giới. Vì vậy, việc truyền giáo toàn cầu “ứng nghiệm” lời Kinh Thánh.

Nhưng cũng như Đức Giê-su torng Tin Mừng, sứ mạng của Hội Thánh cũng có cái giá phải trả: đó là thái độ miễn cưỡng của Hội Thánh Giê-ru-xa-lem trong việc đồng bàn với những người không cắt bì; đó cũng là cảnh bị từ chối, tù tội, bách hại mà các người truyền giáo phải chịu khi họ thực thi vai trò tông đồ của mình. Cả hai mặt tối này trong kinh nghiệm truyền giáo của Hội Thánh – một sự miễn cưỡng chấp nhận tính phổ quát và cái giá của tư cách tông đồ – đều đã được chứng minh trong lịch sử của Đức Giê-su, hình ảnh mãi mãi là khuôn mẫu chủ đạo cho ý niệm của thánh Lu-ca về người truyền giáo.

Như vậy, Tin Mừng-Công Vụ của thánh Lu-ca cung cấp một cơ sở thần học cho việc truyền giáo của cộng đoàn và một hướng dẫn khôn ngoan cho những người dấn thân làm chứng cho công việc truyền giáo ấy.

 


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo