Bài 7:

NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

Thần học truyền giáo của thánh Gioan

 

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Gioan 20, 21)

***

Thánh Gioan Tông đồ là tác giả của 5 trong 27 “sách” Tân Ước: sách Tin Mừng, 3 Thư và sách Khải Huyền. Nhưng nếu ta muốn tìm nền tảng của sứ vụ truyền giáo thì có lẽ ta chỉ tìm được trong sách Tin Mừng của ngài mà thôi. Ngoài sách Khải Huyền mà toàn bộ nội dung đều nói về cuộc chiến “một mất một còn” giữa Thiên Chúa và ma quỷ vào thời cánh chung, các Thư của thánh Gioan cách chung có mục đích bảo vệ Tin Mừng khỏi điều mà tác giả coi là những lối giải thích không bảo đảm.

***

1. Ki-tô học của Tin Mừng Gioan

Đức Giê-su, theo Tin Mừng Gioan, được cắt nghĩa như là Mô-sê, như một người đã nhìn thấy Thiên Chúa và mạc khải về Thiên Chúa (x. Xh 3, 1-15), thay vì chỉ đơn giản như một Đấng Mê-si-a thuộc dòng tộc Đa-vít: Đức Giê-su là Ngôi Lời, là “Con Người”, đã đến trần gian để mạc khải về Chúa Cha (x. Gioan 1, 1-18).

Ki-tô học này mang tính phổ quát, là yếu tố nồng cốt để hiểu thần học truyền giáo của thánh Gioan. Cốt lõi của Ki-tô học này là lời khẳng định rằng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng mạc khải độc nhất vô nhị về Thiên Chúa hằng sống (x. Gioan 1, 18).

Thánh Gioan đã mở đầu Tin Mừng bằng một Lời Tựa (Gioan 1, 1-18), đặt ra viễn tượng chủ đạo cho phần còn lại của Tin Mừng. Đây là một bài ca Ngôi Lời; nó diễn tả xuất xứ, mục đích và các chiều kích hoàn vũ của sứ mạng của Đức Giê-su phát xuất từ Cha.

Người là Ngôi Lời vốn ở với Thiên Chúa từ nguyên thủy, và vì thế gắn bó với Thiên Chúa mật thiết đến nỗi Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa (x. Gioan 1, 1). Ngôi Lời bắt đầu xâm nhập vào cảnh giới loài người. Nhờ Người và trong Người, mọi loài được dựng nên và tìm được “sự sống” và “ánh sáng” trong Người (x. Gioan 1. 3-5). Ngôi Lời xâm nhập cả vào “thế gian”, sân khấu lịch sử của loài người và cũng được dựng nên trong Người và nhờ Người, và những ai trong thế gian này chấp nhận Người thì đều tìm được thân phận đích thực của mình trong Người (x. Gioan 1, 10-13). Sau cùng, ngôi Lời này cũng cư ngụ thực sự trong cảnh giới loài người vì đã trở thành “người phàm” và sống giữa loài người (Gioan 1, 14).

Như vậy, ngay từ đầu, bức tranh của Gioan mang chiều kích phổ quát và hoàn vũ. Mặc dù tiêu điểm có tính đặc thù và lịch sử – Đức Giê-su trần thế được loan báo bởi Gioan Tẩy giả và cộng đoàn của các tín hữu Ki-tô – nhưng tất cả các đề tài đều có tính phổ quát: nguồn gốc và ý nghĩa của tạo dựng, sự đạt tới đời sống đích thực, cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Đây là yếu tố chung của mọi hệ thống tôn giáo.

Trong Tin Mừng Gioan, tước hiệu “Con Người” mà Đức Giê-su dùng để chỉ về mình, nói lên nguồn gốc bí ẩn của Đức Giê-su, việc Người xuống thế gian để mạc khải Thiên Chúa, và việc hoàn tất sứ mạng mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho thế gian khi Con Người được giương cao trên thập giá.

Một điều lý thú khác trong Ki-tô học mạc khải của thánh Gioan là cụm từ “Tôi là”: Đức Giê-su trong Tin Mừng Gioan dùng tên gọi của Thiên Chúa đã được mạc khải cho Mô-sê (x. Xh 3, 13-15) để nói về chính mình: “Tôi là bánh trường sinh(Gioan 6, 35), “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống(Gioan 6, 51), “Tôi là ánh sáng thế gian(Gioan 8, 12; 9, 5)... Bằng việc nối kết tên gọi của Thiên Chúa với các vị ngữ “bánh”, “ánh sáng”..., thánh Gioan ngụ ý rằng nơi Đức Giê-su, sự hiện diện của Thiên Chúa và cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của loài người gặp nhau, vì sứ mạng của Đức Giê-su là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.

Vì Ki-tô học của Gioan mang tích chất truyền giáo nội tại – nghĩa là mạc khải Thiên Chúa cho thế giới – nên ngài cũng dùng danh hiệu “Đấng được sai đến” để chỉ về Đức Giê-su (x. Gioan 6, 38-39.44). Vì Thiên Chúa là Đấng “sai” Đức Giê-su đi làm sứ mạng cứu độ thế gian, nên những ai chấp nhận và tin vào Con của Thiên Chúa thì đến được với Thiên Chúa.

Ta thấy Gioan vẽ lại toàn thể lịch sử của Đức Giê-su như là một sứ mạng hoàn vũ. Truyền thống Nhất Lãm sử dụng biểu tượng Do-thái với các ẩn dụ “Nước Thiên Chúa” hay “Triều đại Thiên Chúa” để nói về sứ mạng của Đức Giê-su. Nhưng thánh Gioan đã loại bỏ các ranh giới lịch sử và dân tộc; bây giờ đấu trường không còn giới hạn vào Ít-ra-en nữa: Đức Giê-su của thánh Gioan xuất phát từ Thiên Chúa và bước vào toàn thể thế giới, vào “vũ trụ”. Sứ mạng của Người không chỉ là hoàn thành niềm hy vọng của It-ra-en về triều đại Thiên Chúa, nhưng là mạc khải cho toàn thể loài người khuôn mặt của Thiên Chúa mà chưa ai từng thấy bao giờ (x. Gioan 1, 18). Như thế, thật chí lý để tung hô Người trên bình diện phổ quát này là “Đấng Cứu độ trần gian (x. Gioan 4, 42), là “ánh sáng thế gian(x. Gioan 8, 12), là “Đấng xóa bỏ tội trần gian(x. Gioan 1, 29), là “bánh... để cho thế gian được sống(x. Gioan 6, 51).

Mặc dầu thánh Gioan vẫn giữ lại sợi dây liên kết với lịch sử trần thế của Đức Giê-su khi tường thuật cuộc đời của Người giới hạn vào vùng Giu-đê, Ga-li-lê... nhưng ngài vẫn luôn luôn mô tả một cách nhất quán ý nghĩa con người và sứ mạng của Đức Giê-su trên bình diện phổ quát.

2. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong thần học truyền giáo của thánh Gioan

Tin Mừng Gioan dành cho Chúa Thánh Thần một vai trò quan trọng trong đời sống cộng đoàn, và cũng như trong Phao-lô và Lu-ca, Chúa Thánh Thần là nhân tố quyết định cho việc truyền giáo.

Thần học về Thánh Thần của thánh Gioan được thấy trong bài diễn từ cuối cùng của Đức Giê-su ở các chương 14-16, ở đó tác giả sử dụng thuật ngữ “Đấng Bảo Trợ” và tập trung vào vai trò của Thánh Thần trong cộng đoàn. Tự bản chất của nó, bài diễn từ này tập trung vào đời sống cộng đoàn vào thời kỳ sau Phục Sinh. Diễn từ này là một “lời từ biệt”, nói về việc sắp sửa ra đi của Đức Giê-su và các hậu quả của sự ra đi này đối với đời sống của cộng đoàn trên thế gian. Thuật ngữ “Đấng Bảo trợ” có thể có những nghĩa rộng như là “người biện hộ”, “người trung gian”, “người an ủi” hay “người khích lệ”. Dựa trên ý nghĩa của từ này trong các chương 14-16, chúng ta thấy rằng khi Đức Giê-su đi rồi, thì Đấng Bảo Trợ sẽ duy trì cùng một mối quan hệ ban sự sống mà các môn đệ đã được hưởng khi Người đang còn thi hành sứ vụ ở trần gian. Thánh Thần do Chúa Cha sai đến sẽ làm cho cộng đoàn những gì mà Đức Giê-su đã làm cho các môn đệ của Người. Như thế, Đấng Bảo Trợ sẽ “” với cộng đoàn (x. Gioan 14, 16), “dạy bảo(x. Gioan 14, 26), “hướng dẫn”, mạc khải ý của Chúa Cha cho cộng đoàn (x. Gioan 16, 13) và cùng với cộng đoàn đi vào cuộc đối đầu với thế gian (x. Gioan 16, 8-11).

Nhưng còn hơn thế nữa, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở giữa cộng đoàn sau Phục Sinh trở nên vô cùng phong phú khiến tình trạng của cộng đoàn còn tốt hơn tình trạng của chính các môn đệ của Đức Giê-su. Trong lần hiện ra đầu tiên của Đức Giê-su phục sinh (x. Gioan chương 20), việc Người sai các môn đệ (“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” – Gioan 20, 21) ngay lập tức được chuẩn nhận bằng sự tuôn đổ Thần Khí trên các ông (“Nói xong, Người thổi hơi trên các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” – Gioan 20, 22). Thánh Thần-Bảo Trợ làm cho Đức Giê-su hiện diện hơn, dễ hiểu hơn, tạo sự biến đổi hơn.

3. Cộng đoàn và việc truyền giáo

Các môn đệ của Đức Giê-su và Hội Thánh – hay cộng đoàn – được Người thiết lập, được sai vào giữa thế gian như chính Đức Giê-su được Chúa Cha sai vào thế gian.

Ngay trong Lời Tựa (Gioan 1, 1-18), chúng ta đã thấy chủ đề này: Ngôi Lời đi vào “thế gian”, để làm “sự sống” và “ánh sáng” cho loài người, ban cho họ quyền làm “con Thiên Chúa”, làm cho họ biết Thiên Chúa.

Nhiều đoạn văn nồng cốt trong Tin Mừng Gioan nói lên sứ mạng của Đức Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai đến trong thế gian. Như đoạn Gioan 3, 16-17: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.” Hay như đoạn Gioan 6, 38-40: “... tôi từ trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Các đoạn văn trên đây là những đoạn văn tối quan trọng để hiểu Đức Giê-su “được sai đi” như thế nào, hay nói cách khác, để xác định sứ mạng của cộng đoàn có nền tảng và khuôn mẫu là sứ mạng nào.

Nhưng thế gian, nơi mà Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến, và cũng là nơi mà cộng đoàn được sai đến do chính Đức Giê-su phục sinh, bị đánh gia tiêu cực trong Tin Mừng Gioan – “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối (thế gian), và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Gioan 1, 5); “Người (Ngôi Lời) ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Gioan 1, 10). Đó là vì thế gian trong Tin Mừng Gioan là một ẩn dụ về chính nhân loại; nó là đấu trường trong đó diễn ra đời sống con người và các mối tương tác. Con người được tự do chấp nhận hay từ chối Lời; họ có thể mở ra với ánh sáng hay thích bị che phủ bởi bóng tối (x. Gioan 3, 19-20). Tuy nhiên, sự đánh giá tích cực hay tiêu cực về thế gian trong Tin Mừng Gioan không xuất phát từ một suy tư siêu hình của thánh nhân về sự tốt lành hay sự xấu xa nội tại trong trật tự của thụ tạo. Thánh Gioan nói theo cách hiện sinh, hay đúng hơn, ngài dựa trên hậu quả của việc truyền giáo của cộng đoàn. Cũng như sứ mạng của Đức Giê-su đã có những kết quả hỗn hợp - một số người tìm được sự sống nơi Người, trong khi một số khác từ chối Người, thậm chí tiêu diệt Người – thì việc truyền giáo của Hội Thánh, ban đầu cho Ít-ra-en, rồi sau cho Dân Ngoại, cũng có kinh nghiệm cay đắng của sự từ chối và xa lánh.

Từ nhận định trên đây về thế gian, chúng ta hiểu được chân dung người môn đệ theo Tin Mừng Gioan. Thay vì “được gọi” như trong các Tin Mừng Nhất Lãm, các môn đệ trong Tin Mừng Gioan được thu hút bởi lực hấp dẫn của Đức Giê-su và dần dần họ đào sâu hiểu biết về Người. Họ phải có một đức tin mạnh mẽ và sâu xa vào Đức Giê-su và vào Lời của Người. Một đức tin kém mãnh liệt và kém sâu xa thì không đủ: chúng ta hãy nhớ lại việc một số môn đệ đã bỏ đi vì Đức Giê-su tuyên bố Người là “bánh từ trời.” (Gioan 6, 34-35.48-58.66-69). Nhưng một niềm tin như thế vẫn chưa phải là chiều kích duy nhất của đời sống người môn đệ theo Tin Mừng Gioan. Hợp với toàn thể Tân Ước, thánh Gioan thấy được tình yêu và phục vụ là những dấu chỉ của niềm tin đích thực. Người môn đệ mà thực sự tin Đức Giê-su, là bạn nghĩa thiết của Đức Giê-su và ở trong Người, thì được chia sẻ chính chất lượng của sự kết hợp Cha và Con (x. Gioan 15, 10; 17, 21.23.26). Vì vậy các môn đệ cũng phải tỏ lộ lòng mến đối với nhau (x. Gioan 13, 12-15.34-35; 15, 12-17). Đức tin và đức mến là nền tảng đời sống Ki-tô giáo, nó xác định bản chất của môn đệ là những người đi theo Đức Giê-su.

Sau cùng, người môn đệ hay cộng đoàn Hội Thánh không được quên lời cảnh báo của Đức Giê-su về sự thù nghịch của thế gian. Theo gương sứ mạng của Đức Giê-su và được Đấng Bảo Trợ tăng sức, người môn đệ không được để cho thế gian quyến rũ. Thế gian ghét họ (x. Gioan 17, 14) bởi vì các môn đệ không thuộc về thế gian là kẻ thù nghịch với Lời. Nhưng môn đệ vẫn phải ở lại trong thế gian (x. Gioan 17, 15) vì họ chia sẻ sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su (x. Gioan 17, 18-21).

Tóm lại, chủ đề sai đi trong Tin Mừng Gioan gồm bốn sứ mạng: Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai đi để “làm chứng về ánh sáng” (x. Gioan 1, 6-9); Đức Giê-su được Chúa Cha sai đi để làm chúng về Cha và làm công việc của Cha (x. Gioan 4, 34); Đấng Bảo Trợ được cả Chua Cha và Chúa Con sai đi để làm chứng về Đức Giê-su; và sau cùng các môn đệ được Đức Giê-su sai đi để làm như Người đã làm. Tất cả bốn sứ mạng đều xoay quanh Đức Giê-su nhưng không chấm dứt ở nơi Đức Giê-su mà còn liên quan đến một sự tìm kiếm sâu xa hơn, đó là khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng không được sai đi, vì Người chính là nguồn gốc và mục tiêu của mọi chứng tá của Tin Mừng.

***

Kết luận

Tuy có những điểm khác biệt, nhưng Tin Mừng Gioan vẫn chứa một viễn tượng phổ quát và một hướng truyền giáo như các Tin Mừng khác.

Tin Mừng thứ tư có tính phổ quát vì nó đồng hành với loài người trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Niềm khao khát sự thật, sự sống, đường đi, ánh sáng, là một trong rất nhiều biểu tượng của Tin Mừng thực sự giàu ý nghĩa trong việc diễn tả cuộc tìm kiếm phổ quát của con người về Đấng siêu việt.

Hướng đi của Tin Mừng thứ tư là truyền giáo vì lời cuối cùng của nó với cộng đoàn cho rằng các môn đệ đích thực của Đức Giê-su là những người được sai đi như chính Người đã được sai đi để đến với thế giới, để đem sự sống cho thế giới. Mặc dù ngôn ngữ của thánh Gioan mang tính nhị nguyên khi nói về vực thẳm ngăn cách giữa tin và không tin, giữa thế gian mở ra với ánh sáng hay thích chấp nhận bóng tối, và mặc dầu có lời cảnh báo cho cộng đoàn phải cảnh giác trước những giá trị sai lạc của thế gian, nhưng Tin Mừng Gioan không kêu gọi rút lui khỏi thế gian, trái lại kêu gọi dấn thân vào thế gian.

Đã có nhà nghiên cứu đánh gía cộng đoàn của thánh Gioan như là “phe phái” và Tin Mừng Gioan là một tài liệu “nội bộ” được viết cho các tín hữu chứ không phải cho người ngoài. Nếu hiểu theo nghĩa ấy thì chẳng có sách Tin Mừng nào là “truyền giáo” cả. Chúng ta không có sách Tân Ước nào dược viết ra để thuyết phục những người không tin. Ngược lại Tin Mừng được viết ra như là một bản tuyên ngôn, một phát biểu đức tin cho một cộng đoàn tín hữu. Thánh Gioan viết Tin Mừng nhằm làm sinh động đức tin của các tín hữu của ngài vào Đức Giê-su (x. Gioan 20, 31). Tuy vậy, thánh sử đã diễn tả các lời khuyên của ngài bằng những phạm trù và ngôn ngữ có tiềm năng vượt qua hố ngăn cách giữa cộng đoàn của ngài và thế gian.

Còn về 3 Thư của thánh Gioan – chúng có diễn tả cùng tinh thần truyền giáo như Tin Mừng Gioan hay không - thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Có nhà nghiên cứu phát biểu rằng: “Tin Mừng Gioan phản ánh mối giao tiếp của cộng đoàn với người ngoài, còn các thư quan tâm tới người trong cộng đoàn”. Điều chúng ta có thể kết luận được là, giống như một số sách khác của Tân Ước, các Thư Gioan cung cấp cho chúng ta rất ít dữ kiện liên quan đến vấn đề truyền giáo. Ki-tô học của các Thư này vẫn giữ chiều kích phổ quát, nhưng các vấn đề mà chúng phải đối diện là các vấn đề nội bộ của Hội Thánh.

Vì vậy, đối với thần học truyền giáo của thánh Gioan, chúng ta phải căn cứ vào sách Tin Mừng, ở đó chúng ta được cung cấp một nhãn giới đầy đủ về thông điệp Ki-tô giáo và ơn gọi của cộng đoàn đi loan báo Tin Mừng cho thế giới.


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo