Bài 9:

NỀN TẢNG TRUYỀN GIÁO TRONG TÂN ƯỚC

Kết luận chung

***

1.Tổng hợp các dữ kiện Kinh Thánh.

a. Cựu Ước

Mặc dầu Ít-ra-en luôn luôn muốn bảo tồn bản sắc của mình như là dân tuyển chọn của Thiên Chúa, nhưng ở những thời điểm huy hoàng nhất của nó, It-ra-en nhận ra những dấu hiệu khác về tình liên đới sâu xa với các dân tộc không được chọn và với năng động của lịch sử thế tục bên ngoài lịch sử giao ước của nó.

Trong thời các tổ phụ, quan hệ của Ít-ra-en với các dân ngoại bang tương đối thân thiện. Nhưng sự thay đổi các hoàn cảnh chính trị đã làm phai lạt sự thân thiện này. Cảnh nô lệ ở Ai-cập, các cuộc lưu đày, đã tạo ra một mối ác cảm sâu sắc đối với các nước ngoài. Sau lưu đày, nhiều trào lưu khác nhau đã xuất hiện. Trào lưu ở Giê-ru-sa-lem (x. các ngôn sứ Gio-en và Ét-ra) có cái nhìn nghi kỵ đối với người ngoài, còn truyền thống khải huyền thì ấp ủ niềm tin về một cuộc phán xét trong tương lai chống lại kẻ thù của It-ra-en. Riêng I-sai-a thì lại khoan dung nói về cuộc sum họp cánh chung của mọi dân tộc tại Xi-on.

Việc nhìn lại lịch sử của Ít-ra-en trong Cựu Ước cho thấy một chuyển động biện chứng giữa các lực hướng tâm và ly tâm: giữa thái độ trốn tránh thế tục và tiếp nhận thế tục, giữa sự quan tâm bảo tồn bản sắc của mình và sự tương tác có trách nhiệm với môi trường, giữa thân phận dân tuyển chọn của Thiên Chúa và ý thức khiêm tốn về tình liên đới với toàn thể gia đình nhân loại.

Vì vậy, trong Cựu Ước, ta thấy một số yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với việc truyền giáo: quyền chủ tể hoàn vũ của Thiên Chúa trên mọi dân tộc và mọi lịch sử, sự tương tác mạnh giữa cộng đồng Ít-ra-en với văn hóa và các biến cố thế tục, và sự dọi phóng tới lịch sử tương lai trong đó các dân tộc sẽ hợp thành một dân tuyển chọn duy nhất cùng với It-ra-en để tung hô Thiên Chúa. Tuy nhiên, tinh thần truyền giáo này vẫn còn mang một viễn tượng vị chủng: Dân Ngoại có thể đến với It-ra-en, trở thành Ít-ra-en và nhờ đó được chia sẻ địa vị ưu đã của It-ra-en, chứ It-ra-en không được kêu gọi để đến với các dân tộc.

b. Tân Ước

Qua những hoạt động trừ quỉ và chữa lành do Đức Giê-su thực hiện, dân chúng đã tôn vinh Người là ngôn sứ: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta...” (Lc 7, 16). Nhưng những hoạt động đó cũng là dấu chỉ sinh động về lòng thương xót của Thiên Chúa. Việc Đức Giê-su cắt nghĩa Lề Luật và việc Người vượt qua các ranh giới mà người đương thời đặt ra, để đến với những người bị xã hội ruồng bỏ, như người phung hủi hay người thu thuế... cho thấy Đức Giê-su đã thực thi một vai trò ngôn sứ, tiếp nối động năng mà chúng ta đã được thấy trong Cựu Ước. Điều đó có tầm quan trọng quyết định cho ý thức truyền giáo trong Tân Ước. Kinh nghiệm trực tiếp của Đức Giê-su về Thiên Chúa như một vị Thiên Chúa có quyền năng phổ quát và có tình thương tuyệt đối, đã khiến Người thách thức óc địa phương hẹp hòi của người đương thời. Mặc dầu sứ vụ của Đức Giê-su giới hạn chủ yếu vào đất Pa-lét-tin, nhưng các Hội Thánh thời hậu Phục Sinh đã ý thức được rằng thời đại cứu rỗi mới đã ló dạng, thời đại mà số phận của toàn thể nhân loại sẽ được quyết định. Nhờ quyền năng của Đức Ki-tô phục sinh và của Thần Khí của Người, các môn đệ được sai đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho cả thế giới.

Như thế, trong khắp Cựu Ước và Tân Ước, vấn đề truyền giáo hoàn toàn không phải là một chủ đề thứ yếu. Trong Cựu Ước, chủ đề này phải được tìm thấy trong mối biện chứng phức tạp và biến hóa giữa Ít-ra-en và Gia-vê Thiên Chúa của họ, giữa Ít-ra-en và môi trường thế tục xung quanh họ. Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, các lực ly tâm tiềm ẩn trong Kinh Thánh bắt đầu bung ra nơi thế giới ngoài Do-thái. Các sách Tân Ước biểu thị những cách thức rất đa dạng mà các tín hữu trong cộng đoàn Hội Thánh suy tư về kinh nghiệm truyền giáo của họ và mối quan hệ của họ với con người Đức Giê-su và với lịch sử của Ít-ra-en.

2. Các Nền tảng của Sứ vụ Truyền Giáo trong Kinh Thánh

a. Quyền chủ tể của Thiên Chúa và Ý muốn cứu độ loài người

Sự xác tín rằng Thiên Chúa của Ít-ra-en là chủ tể mọi dân tộc và là Thiên Chúa cứu độ là yếu tố cơ bản tuyệt đối trong Kinh Thánh.

Cả trong Cựu Ước lẫn trong Tân Ước, qua thách thức của các vị ngôn sứ cũng như qua lời giảng dạy của Đức Giê-su, niềm tin bền bỉ và sâu xa của Kinh Thánh là: Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa của mọi dân tộc và không có gì cản trở quyền năng cứu độ của Người.

b. Thiên Chúa hành động trong lịch sử loài người

Kinh Thánh cựu Ước đã cắt nghĩa các sự kiện lịch sử – những sự kiện có ảnh hưởng đến Dân tộc Ít-ra-en, như cuộc di cư khỏi đất Ai-cập, cuộc xâm nhập đất Ca-na-an và việc định cư trên đất này, sự phát triển các bộ luật, sự chuyển đổi sang chế độ quân chủ, thảm kịch lưu đày...cũng như những sự kiện thế tục của lịch sử thế giới, như cuộc xâm lăng của Át-xua, của Ba-by-lon... – như là những là những sự kiện thánh thiêng, nghĩa là những sự kiện mà trong đó và nhờ đó mà Thiên Chúa của Ít-ra-en hình thành số phận của đân Người.

Cũng có thể rút ra một chuỗi ví dụ trong Tân Ước – như cuộc điều tra dân số của Hoàng đế Au-gút-tô, cuộc tàn phá đền thờ bởi quân Rô-ma... – Dù là thuần túy thế tục, những sự kiện lịch sử này đã dược hấp thu và cắt nghĩa như là thánh thiêng và mạc khải.

Khám phá cái thánh thiêng trong cái thế tục thường có khuynh hướng xóa bỏ ranh giới giữa chúng và đem lại hậu quả quan trọng cho thần học truyền giáo. Nếu sự hiện diện của Thiên Chúa có thể được khám phá trong các sự kiện thế tục và trong lịch sử của các dân tộc bên ngoài vùng thánh thiêng hay bên ngoài ranh giới của Ít-ra-en và Hội Thánh, thì chân trời của dân Thiên Chúa phải được mở rộng.

c. Thế giới thụ tạo mạc khải về Thiên Chúa cứu độ

Trong đa số truyền thống của Kinh Thánh, vũ trụ vật chất tự nó là sự mạc khải về Thiên Chúa và được chia sẻ kế hoạch cứu độ phổ quát của Người.

Sách Sáng Thế khẳng định niềm tin cơ bản của Kinh Thánh liên quan tới thực tại vật chất. Thế giới vật chất đến từ Thiên Chúa như một cách biểu lộ tình thương cứu độ của Người đối với loài người. Bất chấp sự hiện diện tràn lan của hỗn mang và sự xâm nhập của tội lỗi và sự chết vào vườn địa đàng, thế giới vật chất tự bản chất vẫn tốt lành vì là một sản phẩm tình thương nhân hậu của Thiên Chúa đối với loài người.

Sách Khôn Ngoan khẳng định rằng Thiên Chúa là tác giả của sự sống; vì thế Người không muốn sự dữ và sự chết đe dọa thế giới thụ tạo. Các sự dữ này được gán cho quyền lực của Xa-tan và sự sa đọa của con người.

Tân Ước cũng chia sẻ với Ít-ra-en các niềm xác tín rằng thế giới vật chất là mảnh đất thử thách ơn cứu độ. Các phép lạ chữa lành và trừ quỉ của Đức Giê-su mang đến quyền năng của Thiên Chúa, không chỉ cho linh hồn con người, mà cả cho thân xác con người, cho đại dương hỗn mang, cho những bình rượu cạn và cho các bữa ăn nghèo khó. Các câu chuyện này khẳng định quyền năng cứu độ của Đức Giê-su biến đổi thế giới vật chất.

Viễn tượng Kinh Thánh về tạo dựng gợi ý rằng truyền giáo, theo nghĩa Kinh Thánh, không chỉ giới hạn vào sự sống của linh hồn con người, hay, nói theo kiểu xưa, truyền giáo là “cứu rỗi linh hồn” hay “làm cho người ta trở lại”. Truyền giáo, theo nghĩa Kinh Thánh, là cứu độ toàn diện – thân xác, tinh thần, cơ chế, thế giới, vũ trụ.

Tóm lại, một nghĩa Kinh Thánh của truyền giáo vuợt ra ngoài hoạt động thiêng liêng và lời rao giảng để bao gồm cả mối quan hệ thể chất và đời sống của con người với thế giới vật chất. Thế giới ấy vừa bộc lộ Thiên Chúa và, một cách mầu nhiệm, vừa được kêu gọi vào tiến trình cứu chuộc.

d. Kinh nghiệm tôn giáo – chất kích thích truyền giáo

Việc điểm qua Cựu Ước trên đây xác định một số thời điểm quyết định trong đó kinh nghiệm tôn giáo và vấn đề cứu độ phổ quát liên kết mật thiết với nhau. Đời sống phụng tự của Ít-ra-en giúp diễn tả kinh nghiệm của họ về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử: những hoạt động mầu nhiệm của Thiên Chúa Quan Phòng đối với Ít-ra-en qua dòng lịch sử thế tục, nhờ các cử hành phụng tự, được tỏ hiện, khiến ranh giới giữa thế tục và thánh thiêng bị xóa mờ và cho Ít-ra-en thấy được hoạt động của Thiên Chúa vượt ra ngoài các ranh giới lịch sử của chính dân tộc họ. Việc Ít-ra-en thích nghi các lễ hội và nghi tiết hiến tế từ các nền văn hóa xung quanh, chứng tỏ một sự tôn trọng đối với kinh nghiệm tôn giáo của Dân Ngoại.

Kinh nghiệm tôn giáo của Ít-ra-en không chỉ giới hạn vào các hành vi thờ phượng chính thức. Thiên Chúa có thể đánh động tâm hồn người Do-thái trong mọi lúc của cuộc đời: một cuộc bại trận hay đau khổ, niềm hân hoan của chiến thắng...Trong những tình huống như thế, Ít-ra-en đã bộc lộ tinh thần mở rộng nhất của nó. Khi sự siêu việt đáng kính sợ của Thiên Chúa Ít-ra-en được cảm thấy mãnh liệt nhất, các lãnh tụ tôn giáo có thể hướng cái nhìn của họ tới những miền xa xăm và nhìn thấy It-ra-en trong đúng viễn tượng của nó.

Trong Tân Ước, ta đã thấy sứ vụ Nước trời của Đức Giê-su có nguồn gốc từ kinh nghiệm của Người về Thiên Chúa, về một Thiên Chúa “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5, 45). Sứ vụ của Đức Giê-su, một sứ vụ phát xuất từ kinh nghiệm của Người về Thiên Chúa, đã được các sách Tin Mừng sử dụng như là khuôn mẫu cho việc truyền giáo phổ quát của Hội Thánh.

Tóm lại, trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, các cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tối cao và từ bi nhân hậu, hay nói cách khác, kinh nghiệm tôn giáo đem đến cho con người những cái nhìn sâu xa và táo bạo về sứ mạng truyền giáo phổ quát của dân Thiên Chúa.

Các chủ đề được trình bày trên đây – quyền chủ tể của Thiên Chúa, tính thánh thiêng của lịch sử, bản chất mạc khải và cứu độ của tạo dựng, và động năng của kinh nghiệm tôn giáo – là những yếu tố chính truyền tải một thần học của Kinh Thánh về Truyền Giáo.

3. Việc Truyền Giáo hôm nay

Hai ngàn năm lịch sử đã khiến cho người Ki-tô hữu có một viễn tượng khác. Lịch sử đã không cho thấy một cuộc trở lại của tất cả loài người trên trái đất. Trên thực tế, các ranh giới tôn giáo có vẻ như tương đối ổn định, với hàng triệu người đi theo những nền văn hóa bắt nguồn từ các tôn giáo không phải là Do-thái-Ki-tô giáo. Sự bừng tỉnh ý thức dân tộc và văn hóa trên khắp thế giới trong thế kỷ 20 đã khiến người Ki-tô hữu đau đớn nhận thức về mặt tối của lịch sử truyền giáo của mình. Rất nhiều trường hợp, việc bành trướng truyền giáo trong quá khứ được liên kết với chủ nghĩa đế quốc và đã dẫn đến sự tiêu diệt hay đàn áp bản sắc văn hóa của những dân tộc trở lại đạo. Cuộc canh tân Hội Thánh từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II đã làm dịu đi một số khuynh hướng đắc thắng của chúng ta và đã giúp người Ki-tô hữu nhìn nhận những điều đẹp đẽ tốt lành nơi những người “ở ngoài” truyền thống của chúng ta.

Thay vì coi các tôn giáo “ngoại đạo” như là những sự lầm lạc, nhiều Ki-tô hữu ngày nay nhìn nhận rằng, đối với hàng triệu con người, các hệ thống tín ngưỡng này cung cấp cho họ kinh nghiệm chân chính về ơn cứu độ. Thay vì loại trừ họ như là những cản trở cho chiến thắng của Tin Mừng, người Ki-tô hữu có thể phải tìm hiểu vai trò riêng của các tôn giáo khác trong lịch sử cứu rỗi toàn diện của loài người. Thay vì coi mục đích cuối cùng của việc truyền giáo là chiêu mộ và cải đạo, người Ki-tô hữu có thể cũng phải nghĩ đến một biện chứng giữa tin vui của Tin Mừng Đức Giê-su và tin vui của một câu truyện tôn giáo khác.

Một lập trường tiến bộ như thế không phải là chuyện dễ. Vấn đề không phải chỉ là thích nghi các thái độ, nhưng là tìm những giá trị tích cực trong các tôn giáo khác. Nghiên cứu của chúng ta về các nền tảng của sứ vụ truyền giáo trong Kinh Thánh có thể cung cấp cho chúng ta một số hướng dẫn về vấn đề này.

Di sản Kinh Thánh đã bắt đầu và tiếp tục chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác. Nhiều trực giác sâu xa và nhiều biểu tượng mạnh nhất đã được chia sẻ chung hay được thích nghi từ các dân tộc được coi là “ngoại giáo”. Nhiều chủ đề Kinh Thánh – như bản chất mở rộng của kinh nghiệm tôn giáo, sự mạc khải của Thiên Chúa trong tạo dựng, sự nhìn nhận khả năng của Dân Ngoại đáp ứng Tin Mừng – cho thấy có mối liên hệ tích cực với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo.

Sau hết, tinh thần dũng cảm, tìm tòi của Kinh Thánh cũng là một hướng dẫn cho sứ vụ truyền giáo hôm nay. Trong Kinh Thánh, không có gì bị loại trừ – từ cuộc xuất hành tới cuộc chinh phục của đế quốc Rô-ma, từ cuộc di cư của Áp-ra-ham đến các hành trình truyền giáo của Phao-lô, từ các thế lực thần thiêng trên trời tới các vực thẳm âm ty... mọi sự kiện lịch sử, mọi tầng của vũ trụ, và mọi con người hình thành kinh nghiệm của Ít-ra-en và của Hội Thánh sơ thời – tất cả đều là thành phần của câu truyện kinh Thánh. Tất cả được tiếp thu, xem xét, giải thích. Các tác giả Kinh Thánh không sợ những kết quả cuối cùng, bởi vì Thiên Chúa của Kinh Thánh là một Thiên Chúa không bao giờ có thể bị đe dọa hay nghèo đi bởi sự suy tư dũng cảm về kinh nghiệm con người. Chính tinh thần của Kinh Thánh khích lệ người Ki-tô hữu không sợ hãi trước các vấn đề được đặt ra bởi sự hiện diện của các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo. Thực ra, đối diện với các vấn đề như thế chính là trung thành với sứ mạng Ki-tô giáo. Suy cho cùng, chính Thiên Chúa của Kinh Thánh là Đấng sai phái các sứ giả của Người tới để mạc khải và khám phá tình yêu của Người tại những nơi ở ngoài mọi ranh giới phe phái.

Hết

 


Mục Lục
Về trang Cộng Tác Truyền Giáo