SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 46

"Thinh lặng và Lời nói : con đường Phúc Âm hóa"

[Chúa Nhật 20/05/2012]

Anh chị em thân mến,

Gần đến Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2012, tôi ao ước chia sẻ với anh chị em một vài suy tư về một khía cạnh quan trọng nhưng đôi khi lại bị bỏ qua trong tiến trình truyền thông của con người. Đó là vấn đề tương quan giữa thinh lặng và lời nói mà ngày nay đặc biệt cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của nó. Thinh lặng và lời nói là hai thời điểm của truyền thông cần được quân bình, nối tiếp nhau và bổ túc cho nhau để đạt tới một sự đối thoại đích thực và một sự gần gũi sâu xa giữa các nhân vị. Khi lời nói và thinh lặng loại trừ nhau, thì việc truyền thông sẽ bị hỏng đi, hoặc là bởi vì nó gây  nên một sự quấy rầy nào đó, hoặc ngược lại, bởi vì nó tạo ra một bầu khí lạnh lùng; trái lại, khi chúng hài hòa bổ túc cho nhau, thì việc truyền thông đạt được giá trị và sự hòa hợp.

Thinh lặng thuộc bộ phận của truyền thông và không có nó thì không có lời nói giàu ý nghĩa nào có thể tồn tại. Trong sự thinh lặng, chúng ta lắng nghe và chúng ta biết mình rõ hơn; trong sự thinh lặng, tư tưởng nảy sinh và được đào sâu, chúng ta hiểu biết cách rõ rệt hơn những gì chúng ta muốn nói hay những gì chúng ta chờ đợi từ người khác, chúng ta chọn lựa làm thế nào bày tỏ ý kiến. Thinh lặng cho phép người khác nói, diễn tả chính mình, và cho phép chúng ta không duy chỉ bám lấy những lời nói hay những ý tưởng của chúng ta mà không có sự đối chiếu hữu ích. Từ đó mở ra một không gian lắng nghe lẫn nhau và một tương quan nhân bản sâu xa hơn trở thành khả thể. Chẳng hạn, trong sự thinh lặng, những khoảnh khắc đích thực nhất của truyền thông giữa những người thương yêu nhau được nổi bật: cử chỉ, sự diễn tả khuôn mặt, thân thể như những dấu chỉ cho thấy con người. Trong sự thinh lặng, niềm vui, những mối bận tâm, nỗi đau khổ lên tiếng nói và thực sự tìm thấy nơi nó một hình thức diễn tả đặc biệt mãnh liệt. Do đó, sự thinh lặng cho phép một sự truyền thông đòi hỏi hơn nhiều, vận dụng sự nhạy cảm và khả năng lắng nghe mà thường cho thấy thước đo và bản chất của các mối liên hệ. Ở đâu các sứ điệp và thông tin phong phú dồi dào, thì ở đó sự thinh lặng trở nên thiết yếu để biện phân những gì là quan trọng với những gì là vô bổ hay thứ yếu. Một suy tư sâu xa giúp chúng ta khám phá mối tương quan tồn tại giữa các biến cố mà thoạt nhìn dường như độc lập lẫn nhau, giúp lượng giá, phân tích các sứ điệp ; và điều đó cho phép chia sẻ các ý kiến điềm tĩnh và thích đáng, tạo sinh khí cho một sự hiểu biết được chia sẻ đích thực. Bởi thế, cần thiết tạo ra một bầu khí thuận lợi, như một thứ « hệ sinh thái » biết quân bình thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh.

Phần lớn của sự năng động truyền thông hiện nay được định hướng bởi những vấn đề đang cần những câu trả lời. Những dụng cụ tìm kiếm và những mạng xã hội là điểm xuất phát của truyền thông đối với nhiều người đang tìm những lời khuyên, những gợi ý, những thông tin hay những câu trả lời. Thời nay, Internet luôn trở thành hơn nữa nơi chốn của những câu hỏi và những câu trả lời ; vả lại, con người hiện đại thường bị dồn dập bởi những câu trả lời cho những câu hỏi mà nó đã không bao giờ đặt ra và phụ thuộc vào những nhu cầu mà nó hẳn không cảm thấy. Sự thinh lặng là quý giá để giúp cho việc biện phân cần thiết trong số nhiều lời cầu xin và nhiều câu trả lời mà chúng ta nhận được, để nhận ra và tập trung vào những câu hỏi thực sự quan trọng. Dù sao đi nữa, trong thế giới phức tạp và biến động của truyền thông, nhiều người chú ý tập trung vào những câu hỏi tối hậu của cuộc sống con người: Tôi là ai? Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng gì ? Điều quan trọng là tiếp đón những người đặt ra những câu hỏi này, bằng cách mở ra khả năng của một cuộc đối thoại sâu xa, được thực hiện bằng lời nói, bằng sự đối chiếu, nhưng còn bằng việc mời gọi suy tư và thinh lặng. Đôi khi, sự thinh lặng có thể hùng hồn nhiều hơn là một câu trả lời hấp tấp và cho phép người hỏi đi vào tận sâu thẳm của chính mình và mở ra cho con đường trả lời này mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người.

Tự sâu xa, hàng loạt những câu hỏi không ngừng này biểu lộ sự lo âu của con người luôn tìm kiếm những chân lý, nhỏ hay lớn, mang lại ý nghĩa và hy vọng cho cuộc sống. Con người không thể bằng lòng với một sự trao đổi đơn giản và bao dung những ý kiến hoài nghi và những kinh nghiệm sống : hết thảy chúng ta đều là những người tìm kiếm chân lý và chia sẻ ước muôn sâu xa này, đặc biệt vào thời đại chúng ta « khi người ta trao đổi cho nhau những thông tin, thì người ta đã chia sẻ về chính mình, cái nhìn của họ về thế giới, những hy vọng của họ, những lý tưởng của họ » (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội 2011).

Cần phải để tâm xem xét các hình thức các trang mạng, các ứng dụng và các mạng lưới xã hội mà có thể trợ giúp con người ngày nay sống những giây phút suy tư và tự vấn đích thực, nhưng cũng có thể giúp họ tìm được những không gian thinh lặng, những cơ hội cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Trong thực chất của những sứ điệp ngắn gọn này, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, người ta có thể diễn tả những tư tưởng sâu xa với điều kiện không chểnh mảng việc chăm lo vun trồng nội tâm của mình. Không ngạc nhiên gì khi, trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, sự  cô tịch và sự thinh lặng là những không gian ưu tiên để giúp con người không chỉ tìm lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý mang lại ý nghĩa cho mọi sự. Thiên Chúa của mạc khải Thánh Kinh cũng nói qua sự thinh lặng : « Như thập giá của Chúa Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói xuyên qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và với Cha là một chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. (…) Sự thinh lặng của Thiên Chúa nối dài những lời Ngài đã nói trước đó. Trong những khoảnh khắc đen tối ấy, Ngài nói qua mầu nhiệm thinh lặng của Ngài. » (Tông huấn Verbum Domini, 30/09/2010, số 21). Trong sự thinh lặng của Thập giá, sự hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa được sống cho đến chết, đã nói. Sau cái chết của Chúa Kitô, mặt đất vẫn thinh lặng và ngày Thứ Bảy Thánh, khi “Đức Vua yên giấc và Thiên Chúa làm người đã đánh thức những ai đang yên giấc từ bao đời” (xem Bài đọc Kinh Sách ngày Thứ Bảy Tuần Thánh), vang vọng tiếng nói của Thiên Chúa ngập tràn tình yêu đối với nhân loại.

Nếu Thiên Chúa cũng nói với con người trong thinh lặng, thì cũng thế con người khám phá ra trong sự thinh lặng cái khả năng nói với Thiên Chúa và về Thiên Chúa. “Chúng ta cần sự thinh lặng mà trở thành sự chiêm niệm này và làm cho chúng ta bước vào trong sự thinh lặng của Thiên Chúa để như thế đạt tới điểm mà Lời sinh ra, Lời cứu độ” (Bài giảng của Đức Bênêđíctô XVI dịp đồng tế với Ủy ban Thần học quốc tế, Nhà nguyện Redemptoris Mater, 06/10/2006). Để nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta tỏ ra luôn luôn không đủ và do đó mở ra không gian của sự chiêm niệm thinh lặng. Từ sự chiêm niệm này, trong tất cả sức mạnh bên trong của nó, nảy sinh sự cấp bách của sứ vụ, sự cần thiết cấp thiết “thông truyền những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe”, để tất cả mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (x. 1Ga 1, 3). Sự chiêm niệm thinh lặng dìm chúng ta vào trong nguồn mạch của Tình Yêu dẫn chúng ta hướng đến tha nhân của chúng ta, để cảm nhận sự đau buồn của họ và trao ban cho họ ánh sáng của Chúa Kitô, Sứ điệp sự sống của Ngài, ân huệ tình yêu trọn vẹn cứu độ của Ngài.

Tiếp đến, trong sự chiêm niệm thinh lặng còn được biểu lộ mạnh mẽ hơn nữa Lời Vĩnh Hằng này qua đó thế giới đã được tạo thành, và người ta hiểu được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện xuyên qua những lời nói và những cử chỉ của Ngài trong suốt lịch sử của nhân loại. Như Công đồng Vatican II nhắc nhở, Mạc Khải của Thiên Chúa “được thực hiện qua những hành động và những lời nói được gắn kết với nhau cách nội tại, đến nỗi những công trình, được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ, biểu lộ và xác minh giáo lý và những thực tại được giải thích bằng lời nói, và phần chúng, những lời nói tuyên xưng các công trình và soi sáng mầu nhiệm được chứa đựng ở đó” (Dei Verbum, số 2). Và kế hoạch cứu độ này đạt tới cao điểm trong con người của Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng trung gian và là sự viên mãn của Mạc Khải. Ngài đã cho chúng ta biết Khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và qua Thập giá và sự Phục sinh của Ngài, Ngài đưa chúng ta từ nô lệ tội lỗi và cái chết sang sự tự do của các con cái của Thiên Chúa. Câu hỏi căn bản về ý nghĩa của con người tìm được trong Mầu nhiệm của Chúa Kitô câu trả lời có khả năng xoa dịu sự lo lắng của tâm hồn con người. Chính từ Mầu nhiệm này mà nảy sinh sứ vụ của Giáo Hội, và chính Mầu nhiệm này thúc giục các kitô hữu trở nên những sứ giả của niềm hy vọng và của ơn cứu độ, những chứng nhân cho tình yêu thăng tiến phẩm giá con người và xây dựng công lý và hòa bình.

Thinh lặng và lời nói. Giáo dục bản thân về truyền thông ý muốn nói học biết lắng nghe, chiêm niệm, hơn là nói, và điều này đặc biệt quan trọng đối với các tác nhân của việc Phúc Âm hóa: thinh lặng và lời nói là hai yếu tố chủ yếu và là những bộ phận của hoạt động truyền thông của Giáo Hội, để canh tân việc loan báo Chúa Kitô trong thế giới hiện đại. Tôi xin phó thác tất cả công trình loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội thực hiện xuyên qua các phương tiện truyền thông xã hội, cho Đức Maria, mà sự thinh lặng của Mẹ “lắng nghe và làm cho Lời nở hoa” (Lời cầu nguyện nhân dịp gặp gỡ các bạn trẻ Ý ở Loretta, 1-2/9/2007).

Vatican, ngày 24 tháng 01 năm 2012, lễ thánh Phanxicô Salê

Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Mục tử của các mục tử

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp on by Xuân Bích Việt Nam