Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân 2015: Sapentia cordis  - „Tôi là mắt cho kẻ mù loà, là chân cho người què quặt“ (G 29,15)

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ XXIII, ngày được thành lập bởi Thánh Gio-an Phao-lô II ngay dưới thời của Ngài, Cha hướng về tất cả anh chị em, những người đang phải mang gánh nặng bệnh tật và những người đang kết hiệp với thân xác chịu đau khổ của Chúa Ki-tô bằng nhiều cách thức khác nhau; Cha cũng hướng về những người đang làm việc cũng như các tình nguyện viên trong lãnh vực thuộc hệ thống y tế.

Đề tài của năm nay mời gọi chúng ta suy tư về một lời được trích từ sách Gióp: „Tôi là mắt cho kẻ mù loà, là chân cho người què quặt“ (29,15). Cha muốn thực hiện điều đó từ các khía cạnh của „sapientia cordis“, tức sự khôn ngoan của tâm hồn.

1.Sự khôn ngoan không phải là một kiến thức thuộc khoa lý luận trừu tượng, hay là hoa trái của một lý lẽ suy tư. Nói đúng hơn, sự khôn ngoan chính là – như Thánh Gia-cô-bê mô tả về nó trong bức thư của Ngài – „trước hết là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình“ (3,17). Như vậy, sự khôn ngoan chính là một tinh thần được gợi lên bởi Chúa Thánh Thần, và thái độ trung tâm của tinh thần này chính là nhận biết nỗi khổ đau của những người đồng loại, để nhờ đó, mở cõi lòng mình ra, cũng như nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong họ. Vì thế chúng ta hãy thực hiện theo lời cầu xin của Thánh Vịnh: „Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan“ (90,12). Chúng ta có thể tóm kết những hoa trái của Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân vào trong sapientia cordis (sự khôn ngoan của tâm hồn) này. Đó là một hồng ân của Thiên Chúa,.

2.Sự khôn ngoan của tâm hồn có nghĩa là, phục vụ người đồng loại. Trong bài diễn văn của ông Gióp, mà lời sau đây có nguồn gốc từ đó: „Tôi là mắt cho kẻ mù loà, là chân cho người què quặt“, chiều kích phục vụ đối với những người đau khổ cùng khốn trở nên sáng tỏ, sự phục vụ mà con người công chính này đã thực hiện, tức con người sở hữu một tầm ảnh hưởng nào đó và kiếm được một địa vị danh dự giữa những vị bô lão trong thành phố. Sự vĩ đại về luân lý của ông biểu lộ trong việc phục vụ người nghèo, tức người kêu xin sự giúp đỡ, và biểu lộ trong việc chăm sóc cho những trẻ mồ côi và người góa bụa (xc. 29, 12-13).

Giống như nhiều Ki-tô hữu cũng đang làm chứng trong thời đại hôm nay rằng, – không phải bằng những lời nói suông, nhưng với đời sống được bén rễ sâu trong một Đức Tin chân thành của họ -, họ là „cặp mắt cho những người mù lòa“ và là „đôi chân cho những người què quặt“! Đó là những con người mà họ đang ở gần bên những bệnh nhân, những người đang cần tới một sự chăm sóc thường xuyên, một sự giúp đỡ để tắm rửa, để thay quần áo, để ăn uống. Sự phục vụ này có thể trở nên mệt mỏi và áp lực, đặc biệt nhất là khi nó được thực hiện trong một thời gian lâu dài. Thật tương đối dễ nếu chỉ phục vụ trong một ít ngày, nhưng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu như người ta phục vụ một con người cả tháng trời, thậm chí cả năm trời, đặc biệt nhất là khi người ây không còn ở trong tình trạng để có thể nói lời cảm ơn. Thế nhưng, điều quan trọng của việc nên thánh nằm ở chỗ đó! Trong thời gian như thế, bằng một cách thức đặc biệt, người ta có thể tin tưởng vào sự gần gũi của Thiên Chúa, và người ta cũng hỗ trợ sứ mạng của Giáo hội bằng một cách thế riêng.

3.Sự khôn ngoan của tâm hồn có nghĩa là, lưu lại bên những người đồng loại. Thời gian được dùng để ở bên các bệnh nhân chính là thời gian thánh. Thời gian ấy chính là một lời ngợi ca Thiên Chúa, Đấng tạo dáng cho chúng ta theo hình ảnh của Con Một Ngài, „Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người“ (Mt 20,28). Chính Chúa Giê-su đã nói: „Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ“ (Lc 22,27).

Trong Đức Tin sống động, chúng ta hãy kêu xin cùng Chúa Thánh Thần, xin Người ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể nhận ra giá trị của sự đồng hành, thường là trong âm thầm và thinh lặng. Điều đó sẽ dẫn chúng ta tới chỗ có thời gian cho những người anh chị em ấy, họ đang cảm thấy được yêu thương hơn, được an ủi hơn vì sự gần gũi cũng như vì mối thiện cảm của chúng ta. Trái lại, thật là một sự dối trá to lớn khi nó được che đậy dưới những cách diễn tả nào đó, mà chúng nhấn mạnh đến „chất lượng cuộc sống“ một cách rất ư là ngoan cường, hầu xúi giục người ta tin rằng, một cuộc sống đang bị gây tổn thương bởi một cơn bệnh nặng thì không đáng để sống!

4.Sự khôn ngoan của tâm hồn có nghĩa là, đi ra khỏi chính mình và đi đến với người đồng loại. Thế giới của chúng ta đôi khi quên bắng đi mất giá trị đặc biệt của thời gian được trải qua trên giường bệnh, vì người ta bị xô đẩy bởi sự vội vàng, bởi sự khẩn trương của công việc, của sự sản xuất, và quên đi mất chiều kích của sự miễn phí, quên đi mất khía cạnh của việc quan tâm tới người khác cũng như đón nhận sự chăm sóc của người khác. Rốt cục, nằm ở bên dưới thái độ như thế thường là một Đức Tin nửa vời, không thành thật, Đức Tin ấy đã lãng quên một Lời của Chúa, Đấng đã nói: „Điều đó các ngươi đã làm cho chính ta“ (Mt 25,40).

Vì thế, Cha muốn nhắc nhớ một lần nữa tới „quyền ưu tiên vô điều kiện của ´việc ra khỏi chính mình và đi đến với người đồng loại` như là một trong hai giới luật chính mà chúng tạo nên nền tảng cho bất cứ một quy tắc luân lý nào, và với tư cách là chỉ dấu rõ ràng nhất mà  nhờ đó người ta có thể thẩm định lại con đường phát triển tinh thần như là câu trả lời đối với ân sủng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa“ (Thông Điệp Evanggelii gaudium, 179). Chính từ bản chất truyền giáo của Giáo hội  mà „Đức Bác Ái thực sự đối với tha nhân, cũng như sự đồng cảm mang tính hiểu biết, giúp đỡ và khích lệ, đã được phát sinh“ (sđd).

5.Sự khôn ngoan của tâm hồn có nghĩa là trở nên liên đới với những người đồng loại mà không hề có sự phê bình hay xét đoán họ. Đức Bác Ái đối với tha nhân cần tới thời gian: Thời gian để chăm sóc các bệnh nhân, và thời gian để thăm viếng họ; thời gian để lưu lại bên họ, như những người bạn của ông Gióp đã làm điều ấy: „Rồi họ ngồi xuống đất, bên cạnh ông, suốt bảy ngày đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn“ (G 2,13). Nhưng những người bạn của ông Gióp thì lại che giấu trong lòng họ một sự kết án tiêu cực về ông: họ nghĩ rằng, sự bất hạnh của ông chính là hình phạt của Thiên Chúa đối với mội tội lỗi của ông. Trái lại, Đức Bác Ái đích thực đối với tha nhân chính là một sự tham dự, một sự chia sẻ mà nó không kết án, không tự cho mình có quyền khuyên răn người khác; nó giải thoát khỏi bất cứ sự khiêm nhượng giả tạo và sai trái nào, tức sự khiêm nhượng tìm kiếm việc được nhìn nhận trong tiềm thức, và vui thú về điều tốt lành mà mình đã thực hiện được.

Kinh nghiệm của ông Gióp chỉ tìm thấy được câu trả lời đích thực của nó trong thập giá của Chúa Giê-su, trong hành động liên đới duy nhất, hoàn toàn nhưng không và hoàn toàn nhân hậu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Và câu trả lời của Tình Yêu này trước những bi kịch khổ đau của nhân loại – đặc biệt là sự đau khổ của những người vô tội – khắc ghi mãi mãi trong thân thể Chúa Ki-tô phục sinh, trong bất cứ những vết thương vinh hiển nào, những vết thương ấy chính là một điều sỉ nhục đối với Đức Tin, nhưng cũng là một chứng cứ cho Đức Tin (xc. Bài giảng trong Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Đức Gio-an XXIII và Đức Gio-an Phao-lô II, ngày 27 tháng 04 năm 2014).

Ngay cả khi bệnh tật, nỗi cô đơn và sự thiếu năng lực thắng thế trên cuộc sống tận hiến của chúng ta, kinh nghiệm về sự đau khổ có thể trở thành một địa điểm được ưu ái hơn để thực hiện các cuộc dàn xếp về ân sủng, và là một nguồn cội để giành được, cũng như để tăng cường thêm sapientia cordis. Do đó người ta có thể hiểu được lý do tại sao, vào lúc kết thúc kinh nghiệm của mình, ông Gióp đã có thể trình bày với Thiên Chúa bằng những lời sau: „Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến“ (42,5). Ngay cả những người đang bị đắm chìm trong mầu nhiệm sầu khổ và đớn đau, khi những điều sầu khổ đớn đau ấy được tiếp nhận trong Đức Tin, thì những người ấy cũng vẫn có thể trở thành một chứng nhân sống động của Đức Tin; Đức Tin ấy cho phép ngồi xuống trong chính nỗi đau khổ, mặc dù với trí tuệ của mình, con người không có khả năng hiểu thấu được nó.

6.Cha xin trao phó Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân này cho sự bao bọc chở che từ mẫu của Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận vào trong lòng mình và đã sinh ra sự khôn ngoan, Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa của chúng ta.

Ôi lạy Mẹ Maria, Ngai Tòa của Đấng Khôn Ngoan, với tư cách là Mẹ chúng con, xin Mẹ hãy bảo vệ tất cả các bệnh nhân cũng như bảo vệ tất cả những ai đang chăm sóc họ. Xin Mẹ hãy ban ơn để chúng con có thể đón nhận sự khôn ngoan đích thực của con tim và làm cho nó lớn lên bên trong chúng con, nhờ vào việc phục vụ những tha nhân đang gặp đau khổ cũng như nhờ vào kinh nghiệm riêng của chúng con về sự khổ đau.

Cha xin bổ sung lời cầu nguyện tha thiết trên cho anh chị em vào với phép lành Tông Tòa của Cha.

Vatican ngày mồng 03 tháng 12 năm 2014

nhân ngày Lễ Kính Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội