Sứ Điệp của Đức Thánh Cha gửi Hội Nghị Thượng Đỉnh Các Quốc Gia Mỹ Châu

 

Kính thưa ngài Juan Carlos Varela Rodriguez, tổng thống nước cộng hòa Panama,

 

Với tư cách là người khách của Hội Nghị Thượng Đỉnh các Quốc Gia Mỹ Châu lần thứ 7, tôi muốn gửi tới ngài lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi. Tôi xin chào ngài và xin kính chào các vị nguyên thủ của các quốc gia, các nhà lãnh đạo của các chính phủ, cũng như các phái đoàn tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh này. Đồng thời tôi cũng muốn bày tỏ sự gần gũi và sự khích lệ của tôi đối với một cuộc đối thoại chân thành mà nó đạt tới được sự cộng tác và sự đóng góp của mọi sức lực, hầu đưa đến việc vượt thắng những khác biệt trên con đường tiến tới phúc lợi chung. Tôi cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài ban cho quý vị thực hiện được những trách vụ nhờ vào sự cộng tác trong lãnh vực cả trên bình diện quốc tế lẫn trên bình diện địa phương, với cái nhìn về những giá trị chung, mà những trách vụ ấy sẽ phải đối diện với các vấn đề bằng tinh thần thực tế, cũng như thúc đẩy niềm hy vọng.

Tôi cảm thấy mình đang ở trong sự hòa điệu với đề tài đã được chọn cho Hội Nghị Thượng Đỉnh này: „Sự phồn thịnh và bình đẳng: thách đố trong sự cộng tác của các quốc gia Mỹ Châu“.

Tôi được thuyết phục – và tôi đã diễn tả điều đó trong bức thông điệp Evangelii Gaudium của tôi – rằng, sự bất bình đẳng, việc phân chia của cải và tài nguyên thiên nhiên một cách bất công, chính là nguồn cội của mọi cuộc xung đột và bạo lực giữa các dân tộc, vì nó giả thiết rằng, sự tiến bộ của một số người chỉ có thể trở nên hiện thực nhờ vào sự hy sinh của những người khác, và rằng, người ta phải đấu tranh chống lại người khác để có thể sống đúng với phẩm giá. Sự phồn thịnh mà nó được đạt tới bẳng cách thức ấy, chính là một sự bất công nằm ngay tại gốc rễ của nó, và là một sự xâm phạm phẩm giá con người. Có những „nhu cầu căn bản“, như đất canh tác, công ăn việc làm và nhà cửa, và có „những dịch vụ“ như y tế, giáo dục, an ninh và môi sinh, mà không người nào được phép bị ngăn cản trong việc tiếp cận với những dịch vụ ấy. Những nhu cầu ấy, mà tất cả mọi người đều chia sẻ, thật tiết rằng, từ lâu rồi vẫn chưa đáp ứng được cho tất cả mọi người. Những bất bình đẳng vẫn tiếp tục tồn tại, mà những bất bình đẳng ấy lại đang gây tổn thương cho phẩm giá con người. Thách đố to lớn của thế giới chúng ta chính là sự toàn cầu hóa tình liên đới và tình huynh đệ thay vì toàn cầu hóa nạn kỳ thị và thói thờ ơ lãnh đạm; và cho tới bao lâu vẫn còn chưa có một sự phân phối tài sản một cách công bằng, thì cho tới chừng đó, những điều tồi tệ của xã hội chúng ta vẫn chưa thể được giải quyết (xc. Evangelii Gaudium 202).

Chúng ta không thể không nhìn thấy rằng, nhiều quốc gia đã đạt tới được một sự phát triển to lớn về kinh tế trong những năm vừa qua; nhưng đồng thời cũng có nhiều quốc gia vẫn tiếp tục chịu đựng cảnh nghèo túng. Hơn nữa, tại các nước phát triển chỉ có một số rất ít ngưới được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế, đến độ sự chênh lệch giữa người nghèo và người giầu càng ngày càng thêm mở rộng… Không đủ để hy vọng rằng, những người nghèo túng có thể lượm lặt những mụn bánh mà chúng rơi xuống từ trên bàn của những người giầu có. Cần thiết phải có những biện pháp rõ ràng trong việc giúp đỡ những người thiệt thòi ở mức nặng nề nhất. Mối quan tâm phải được hướng đến họ, giống như mối quan tâm thuộc về quyền sở hữu của những người nhỏ nhất trong một gia đình. Quyền ưu tiên đối với các chính phủ nên nằm ở chỗ đó. Giáo hội đã luôn luôn ủng hộ „sự phát triển cụ thể của con người“ (Centesimus annus, 46), và chăm lo cho những nhu cầu của họ cũng như cho những khả năng phát triển của họ.

Ngoài ra, tôi muốn hướng mối quan tâm tới vấn đề di dân. Do sự bất bình đẳng quá lớn trong những khả năng giải quyết tại nhiều quốc gia khác nhau, nhiều người sẽ nhìn thấy cơ hội duy nhất của họ ở chỗ từ bỏ quê hương và gia đình mình. Vì thế, họ dễ dàng trở thành một món hàng đối với những kẻ buôn người, vì họ thường nhập cảnh vào nước khác một cách bất hợp pháp, và vì thế không có được sự tiếp cận với những quyền lợi. Trong một số trường hợp – do thiếu sự cộng tác của các chính phủ - nhiều người bị bỏ rơi trước pháp luật: Không có khả năng trong việc đòi hỏi các quyền lợi của mình. Và vì thế, họ rơi vào tay những kẻ có được lợi thế từ việc đó, hay họ cam lòng với việc đó, và trở thành nạn nhân của sự lạm dụng. Có nhiều tình trạng mà trong đó không đủ chỉ để bảo vệ và hỗ trợ những quyền lợi căn bản của con người, vì chúng là những nguyên tắc không hề có sự cảm thông và lòng nhân ái – và vì thế không có công lý.

Thậm chí, đôi khi trong một số quốc gia cũng có những sự khác biệt bê bối và đầy xúc phạm, đặc biệt là trong số những cư dân bản xứ thuộc vùng nông thôn hay tại các vùng ngoại ô của những thành phố lớn. Nếu không có một sự bảo vệ thực sự đối với những con người này nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống lại thái độ thù địch đối với người ngoại quốc và chống lại thái độ bất khoan dung, thì tính pháp lý sẽ đánh mất đi tính chính danh của nó.

Thưa ngài tổng thống, những cố gắng trong việc kiến tạo nên những chiếc cầu, kiến tạo nên sự truyền thông và các mối tương quan, sẽ không bao giờ vô ích. Hoàn cảnh địa lý của Panama, nằm trong trung tâm của Mỹ Châu, như là điểm gặp gỡ giữa Bắc và Nam, giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, thực sự là một lợi thế đối với tất cả trong việc kiến tạo nên một trật tự mới của hòa bình và công lý, cũng như thúc đẩy tình liên đới và sự cộng tác trong việc tôn trọng quyền tự chủ chính đáng của mỗi quốc gia.

Với niềm mong muốn rằng, Giáo hội cũng sẽ trở nên một khí cụ của hòa bình và của sự hòa giải giữa các dân tộc, tôi xin gửi tới ngài lời chào chân thành và nồng thắm nhất của tôi.

 

Vatican ngày mồng 10 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội