Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô gửi Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Davos

Kính gửi giáo sư Klaus Schwab,

Trước hết tôi xin cám ơn ngài về tình bằng hữu, mà qua đó Ngài đã mời tôi gửi một sứ điệp tới phiên hội nghị hằng năm của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới mà nó sẽ diễn ra vào cuối tháng Giêng này tại Đan Viện Davos với đề tài: „Làm chủ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư“. Với trọn tấm lòng, tôi xin gởi tới ngài lời cầu chúc tốt lành của tôi với cái nhìn hướng về sự phong nhiêu của cuộc hội nghị này, mà nó đã đặt ra cho mình sứ mạng thúc đẩy một trách nhiệm không ngừng đối với xã hội và môi trường, thông qua một cuộc đối thoại có tính xây dựng, dưới những lực lượng lãnh đạo đến từ các chính phủ, từ thế giới kinh tế và từ đời sống công cộng, cũng như những vị đại diện đang nổi bật từ thế giới chính trị, tài chính và văn hóa.

Sự khởi đầu của cái được gọi là „cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư“ đang được đồng hành bởi một niềm ý thức ngày càng tăng đối với sự không tránh khỏi của một sự giảm bớt cách bi ai những con số công ăn việc làm. Những khảo cứu mới đây nhất được thực hiện bởi tổ chức lao động quốc tế đã cho thấy rằng, sự thất nghiệp trong hiện tại đang liên lụy tới khoảng một trăm triệu người. Việc tài chính hóa và công nghệ hóa các hệ thống kinh tế quốc gia và quốc tế đã làm phát sinh ra những thay đổi rộng rãi trong đời sống lao động. Những cơ hội bị rút bớt đối với công việc hữu ích và có phẩm giá, trong mối liên kết với một sự hạ thấp tính an toàn xã hội, chính là nguyên nhân dẫn tới sự leo thang đáng lo ngại của sự bất công xã hội cũng như của sự nghèo túng trong nhiều quốc gia khác nhau. Chắc chắn là đang có một sự cần thiết trong việc kiến tạo nên những mô hình mới của hoạt động kinh doanh, mà những mô hình ấy thúc đẩy sự phát triển hơn nữa những công nghệ đã phát triển cao, và đồng thời cũng có khả năng sử dụng những công nghệ ấy để tạo ra công ăn việc làm đầy phẩm giá đối với tất cả mọi người, hầu tiếp nhận và củng cố các quyền xã hội một cách ngay thẳng, cũng như để bảo vệ môi trường. Con người phải xác định sự phát triển kỹ thuật mà không hề có chuyện để cho mình bị thống trị bởi chúng.

Một lần nữa, tôi xin kêu gọi tất cả quý vị: „Xin quý vị đừng quên những người nghèo!“ Đó là một thách đố chính mà nó đang nằm trước mắt quý vị với tư cách là những lực lượng lãnh đạo thế giới kinh tế. „Ai thủ đắc phương tiện để có được một cuộc sống thoải mái, người ấy không nên chỉ quan tâm tới những đặc quyền đặc lợi riêng của mình, nhưng hãy cố gắng giúp đỡ những người nghèo, hầu cho họ cũng đạt tới được những điều kiện mà chúng tương ứng với nhân phẩm của họ, đặc biệt là thông qua sự phát triển những tiềm lực nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội của họ“ (Diễn văn trước các vị đại diện của đời sống công cộng và trước ngoại giao đoàn, Bangui, ngày 29.11.2015).

Chúng ta không bao giờ được phép để cho nền văn hóa phồn thịnh làm cho chúng ta bị tê liệt, và làm cho chúng ta không còn có khả năng cảm thấy có sự đồng cảm đối với tiếng kêu đầy đớn đau của những người khác, đến độ chúng ta không còn có khả năng khóc được nữa khi tận mắt chứng kiến những thảm kịch của những người khác, cũng như không còn lưu tâm tới chuyện chăm sóc họ nữa, như thể tất cả đều không có liên hệ gì đến trách nhiệm của chúng ta, như thể chúng ta chẳng có một chút trách nhiệm nào cả (xc. Evangelii Gaudium, 54).

Khóc khi tận mắt chứng kiến những điều bi thương của người khác không chỉ có nghĩa là tham dự vào nỗi khổ đau của họ, nhưng cũng còn và trên hết, trở nên ý thức rằng, thông qua những hành vi riêng của chúng ta, sự bất công và sự phi pháp sẽ bị gây ra. „Chúng ta hãy mở cặp mắt của mình ra để nhìn xem nỗi khốn cùng của thế giới này, những vết thương của rất nhiều người anh chị em mà họ đang bị cướp đi mất phẩm giá của mình. Chúng ta hãy cảm thấy rằng mình đang bị thách thức để lắng nghe tiếng cầu cứu của họ. Ước gì đôi tay của chúng ta sẽ nắm lấy đôi tay của họ và kéo họ lại gần chúng ta, để họ có thể cảm nhận được sự ấm áp từ sự hiện diện của chúng ta, từ tình bạn và từ tình huynh đệ của chúng ta. Ước gì tiếng kêu của họ sẽ trở thành tiếng kêu của chúng ta, và ước gì chúng ta sẽ cùng nhau san cho bằng những rào chắn của sự thờ ơ lãnh đạm, mà với sự thờ ơ lãnh đạo ấy, chúng ta dễ dàng giơ bàn tay ra để che giấu sự giả hình và tính ích kỷ của chúng ta“ (Tông Sắc công bố Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót Misericordiae Vultus, 15).

Ngay sau khi chúng ta ý thức về điều gì là của chúng ta, chúng ta sẽ trở nên có nhân tính hơn trong một cách thế hoàn hảo, vì trách nhiệm đối với những người anh chị em của chúng ta chính là một thành tố chính yếu của cộng đồng nhân loại chúng ta. Xin quý vị đừng sợ hãi trước việc mở tâm trí và con tim của quý vị ra cho những người nghèo. Bằng phương cách này, quý vị sẽ có thể làm cho những khả năng về kinh tế và kỹ thuật được phát triển một cách tự do, và đồng thời khám phá ra niềm hạnh phúc của một cuộc sống sung mãn, mà nó không thể tự mình đưa ra chủ nghĩa tiêu thụ.

Khi tận mắt chứng kiến những thay đổi ngày một sâu sắc và có tác động mạnh mẽ, những nhà có trách nhiệm trên thế giới được kêu gọi hãy đảm bảo rằng, „cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư“ đang diễn ra như là kết quả của những công việc cũng như của những sáng kiến khoa học và kỹ thuật, sẽ không dẫn tới sự hủy hoại cá nhân con người, hầu thay thế con người bằng những chiếc máy vô hồn – hay để biến hành tinh chúng ta thành một khu vườn trống hoác hầu mang lại sự thích thú cho một ít người được lựa chọn.

Trái lại, giây phút hiện tại đang giới thiệu một cơ hội đầy quý giá để dẫn dắt và điều tiết quy trình hiện tại, và đồng thời, kiến tạo nên những xã hội có tính bao hàm, mà chúng đặt nền móng trên sự kính trọng đối với phẩm giá con người, trên lòng khoan dung, trên sự đồng cảm và trên Lòng Xót Thương. Ngoài ra, tôi giao phó cho quý vị việc tái tiếp nhận cuộc đối thoại để làm sao cho tương lai của hành tinh này sẽ được trình bày như là „ngôi nhà chung của chúng ta“, và tôi kính xin quý vị, hãy thực thi một nỗ lực chung hầu mang sự phát triển bền vững và tích hợp tiến về phía trước.

Tôi vẫn thường hay nói, và giờ đây tôi muốn lập lại rằng, hoạt động kinh doanh „diễn tả một ơn gọi cao quý, và được hướng đến việc gầy dựng nên sự phồn thịnh, và cải thiện thế giới cho tất cả“, đặc biệt nhất là „khi hoạt động ấy hiểu rằng, việc tạo ra công ăn việc làm chính là một thành tố tất yếu trong sứ vụ phục vụ niềm hạnh phúc chung của nó“ (Laudato si’, 129). Như thế, hoạt động ấy mang một trách nhiệm giúp đỡ để thắng vượt những cơn khủng hoảng phức tạp của xã hội và môi trường, cũng như đấu tranh chống lại sự nghèo túng. Điều đó sẽ làm cho việc cải thiện những điều kiện sống không được đảm bảo của hàng triệu người, cũng như khắc phục sự mâu thuẫn xã hội mà nó làm phát sinh muôn vàn những điều bất công, và đục khoét những giá trị nền tảng của xã hội, trong đó bao gồm sự bình đẳng, công lý và tình liên đới, trở nên có thể.

Bằng phương cách ấy, và nhờ vào phương tiện được ưu tiên của sự đối thoại, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới sẽ trở thành một chương trình hành động đối với sự bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên, cũng như đối với việc đạt được „một sự tiến bộ […] lành mạnh, nhân bản, xã hội và hoàn toàn“ (Laudato si’, 112) và ở đây cũng lưu ý một cách thỏa đáng đến những mục tiêu môi trường và sự cần thiết của những nỗ lực tối đa có thể trong việc loại trừ sự nghèo túng, như được trình bày trong chương trình hành động từ nay tới năm 2030 cho sự phát triển bền vững, cũng như trong hiệp định Paris, trong khuôn khổ của hội nghị về khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức (UNFCCC).

Thưa ngài chủ tịch, một lần nữa, với lời cầu chúc tốt đẹp cho sự thành công của hội nghị sắp diễn ra tại Davos, tôi cầu xin phúc lộc dư tràn của Thiên Chúa đổ xuống trên ngài cũng như trên tất cả các tham dự viên của Diễn Đàn và trên các gia đình của quý vị.

Vatican ngày 30 tháng 12 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội