Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô Nhân Ngày Quốc Tế Truyền Thông Lần Thứ 51: „Đừng sợ vì có Ta ở với Con!“ (Is 43,5)

 

Nhờ vào sự phát triển kỹ thuật, việc tiếp cận các phương tiện truyền thông đã phát triển, và nhờ thế, rất nhiều người có được khả năng chia sẻ các tin tức ngay trong chốc lát, cũng như phổ biến các tin tức đó cách rộng rãi. Các tin tức đó có thể là tốt hay xấu, có thể thật hay giả. Các Tổ Phụ của chúng ta trong Đức Tin cũng đã từng nói về tinh thần con người như là một chiếc cối xay mà nó không bao giờ ngừng bị thúc bách bởi nước để chuyển động. Nhưng ai có bổn phận phải nghiền nhỏ, người ấy cũng có khả năng phân biệt được rằng, liệu điều đang được nghiền nhỏ là hạt ngũ cốc hay là mối bất hòa.

Tinh thần con người luôn luôn hành động và không thể ngừng „nghiền ngẫm“ điều mà nó tiếp nhận, nhưng chúng ta phải quyết định về việc mình sẽ sản xuất ra chất liệu nào (xc. Thánh Gio-an Cassian, thư gửi Giám Mục Leontius).

Niềm mong muốn của tôi là làm sao để Sứ Điệp này đến được với những người đang „nghiền“ các tin tức mỗi ngày, hoặc là trong nghề nghiệp, hoặc là trong các mối tương quan cá nhân, hầu giới thiệu lương thực thơm ngon cho những con người đang nuôi sống mình bởi hoa trái phát xuất từ sự truyền thông của họ. Tôi muốn kêu gọi mọi người hãy thực hiện việc truyền thông có tính xây dựng, mà nó khước từ sự thành kiến trên người khác và thúc đẩy một nền văn hóa gặp gỡ, và nhờ đó, chúng ta có thể học để nhìn xem thực tại với niềm tin tưởng có ý thức.

Tôi tin rằng, cần thiết phải đập vỡ vòng vây quỷ ma của sự sợ hãi cũng như phải ngăn chặn vòng xoắn của sự sợ sệt mà nó là hậu quả của thói xấu trong việc để cho mối quan tâm của mình hoàn toàn bị choán chỗ bởi „những tin tức xấu“ (chiến tranh, khủng bố, gương mù, và bất cứ sự tan vỡ nào của con người). Tất nhiên, vấn đề không phải là khuyến khích những thông tin sai trái, để rồi thảm kịch khổ đau bị giả điếc làm ngơ, và vì thế, không hiếm khi sa vào một chủ nghĩa sai lạc ngờ nghệch, mà chủ nghĩa ấy không để cho mình động chạm tới bởi sự bê bối của những điều ác. Trái lại, tôi mong muốn rằng, tất cả chúng ta đều sẽ vượt thắng được cảm giác bất mãn và thất vọng, mà chúng thường chỉ muốn gói chúng ta lại, hay đặt chúng ta vào trong sự thờ ơ lãnh đạm và làm phát sinh ra những nỗi sợ hãi, hay tạo ra cảm tưởng rằng, không có ranh giới nào được đặt ra cho cái ác. Ngoài ra, cơn cám dỗ gây mê lương tâm và khiến người ta trượt vào trong sự vô vọng đang ngự trị trong một hệ thống truyền thông, mà ở đó lô-gích xác định rằng, một bản tin tốt lành sẽ không bị tước đi, và vì thế, cũng hoàn toàn không là tin tức nữa, khi thảm kịch đau khổ và mầu nhiệm sự ác dễ dàng trở thành một bãi chiến trường.

Vì thế, tôi muốn giới thiệu một sự đóng góp cho việc kiếm tìm một phong cách truyền thông mà nó mở ra và sáng tạo, và nó chưa bao giờ cho phép sự ác đóng vai trò như là những diễn viên chính, nhưng chiếu ánh sáng vào trong những giải pháp có thể, và gợi hứng cho một cách thức thực hành tích cực và đầy trách nhiệm nhờ vào những con người mà những tin tức này đã đến được với họ. Tôi muốn mời gọi tất cả hãy giới thiệu cho những người nam và những người nữ của thời đại chúng ta những bản tường thuật mà chúng được khắc ghi bởi lô-gích của „Tin Mừng“.

Tin Mừng

Cuộc sống con người không phải là trình tự vô trùng của những biến cố, nhưng là một lịch sử, và thực ra là một lịch sử mà nó muốn được kể lại nhờ vào một chìa khóa giải thích, và chìa khóa ấy có thể chọn lựa và tập hợp những điều quan trọng nhất. Thực tại không có trong chính nó một ý nghĩa rõ ràng. Tất cả đều lệ thuộc vào cái nhìn mà với cái nhìn ấy, ý nghĩa được nắm bắt bởi chiếc „kính“ mà chúng ta chọn để nhìn xem thực tại: nếu chúng ta thay đổi chiếc kính, thì thực tại cũng sẽ thay đổi theo. Vậy thì chúng ta sẽ có thể bắt đầu từ đâu để nhìn thực tại bằng chiếc „kính“ chuẩn xác?

Đối với các Ki-tô hữu chúng ta, chiếc kính chuẩn xác để giải mã thực tế, chỉ có thể là bản tin tốt lành mà nó hoàn toàn bắt đầu với Tin Mừng: Sứ điệp vui mừng, tức ´Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa` (Mc 1,1)“. Tác giả Tin Mừng Mác-cô đã bắt đầu bản tường thuật của Ngài bằng những lời đó: Với việc công bố Tin Mừng, mà trọng tâm Tin Mừng là chính Chúa Giê-su, nhưng Tin Mừng còn chứa đựng nhiều điều hơn chứ không phải chỉ là những thông tin về Chúa Giê-su, đúng hơn, đó là Tin Mừng mà chính Chúa Giê-su là Tin Mừng đó. Nếu người ta đọc Tin Mừng, người ta sẽ thực sự nhận ra rằng, tựa đề của tác phẩm tương ứng với nội dung của nó – nhưng đặc biệt là, nội dung này là chính ngôi vị Chúa Giê-su!

Vì thế, bản tin tốt lành và Tin Mừng, mà Tin Mừng ấy chính là Chúa Giê-su, không được coi là tốt vì nó không có sự đau khổ trong chính nó, nhưng vì đau khổ cũng được trải qua trong một đường chân trời rộng mở, với tư cách là thành phần nguyên vẹn của Tình Yêu mà Ngài dành cho Thiên Chúa Cha cũng như dành cho nhân loại. Trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa liên đới với bất cứ tình trạng nào của con người, và Ngài mạc khải cho biết rằng, chúng ta không hề đơn côi, vì chúng ta có một người Cha, Đấng không bao giờ có thể quên được con cái của mình. „Đừng sợ vì Ta ở với con“ (Is 43,5): Đó là lời đầy an ủi của một Thiên Chúa, Đấng đã không ngừng dấn thân vào trong lịch sử của Dân Ngài. Trong người Con Một Yêu dấu của Ngài, lời hứa sau đây của Thiên Chúa – „Ta ở cùng con“ - đã đến với chúng ta, và đón nhận toàn bộ sự yếu nhược của chúng ta cho tới tận cái chết. Trong Ngài, ngay cả bóng tối và sự chết cũng trở thành nơi của sự hiệp thông với ánh sáng và sự sống. Và như thế, niềm hy vọng mà nó mở ra cho tất cả, sẽ phát triển, và thực ra, ngay tại nơi mà cuộc sống kinh qua sự cay đắng của nỗi thất bại. Đó là một niềm hy vọng không hề dối gian, vì Tình Yêu của Thiên Chúa „được đổ vào lòng chúng ta“ (Rm 5,5), và làm cho sự sống mới nhú lên từ hạt giống được gieo xuống đất. Trong ánh sáng này, từ bất cứ thảm kịch mới nào mà nó diễn ra trong lịch sử thế giới, cũng đều trở thành một sự kiện để đưa đến một tin tức tốt lành có khả năng đạt được từ khoảnh khắc mà trong đó Đức Ái đi trên con đường gần gũi và làm bốc lên ngọn lửa trong những con tim dám để cho mình được đụng chạm tới, và không để cho mình bị thị uy, cũng như làm bốc lên ngọn lửa nơi những bàn tay luôn sẵn sàng xây dựng.

Tin tưởng vào hạt giống Nước Trời

Để mang các môn đệ của mình cũng như đám đông quần chúng đến gầy với tâm tính thích hợp với Tin Mừng ấy, và trao cho họ một chiếc „kính“ chuẩn xác, mà với nó, người ta có thể đến gần với lô-gích Tình Yêu, tức Tình Yêu chết và phục sinh, Chúa Giê-su đã sử dụng các dụ ngôn. Trong những dụ ngôn đó, Triều Đại Thiên Chúa thường được so sánh với một hạt giống, mà hạt giống ấy sẽ bung sức sống của nó ra ngay khi nó được gieo vào lòng đất và chết đi (Mc 4,1-34). Sử dụng phép ẩn dụ và những hình ảnh để chỉ ra sức mạnh khiêm nhượng của Triều Đại Thiên Chúa, không có nghĩa là hạ thấp sự quan trọng hay tính cấp bách của nó. Đó là một cách thức đầy nhân hậu mà nó cho phép thính giả có được khả năng phát triển để đón nhận nó và tiếp tục trao đi chính nó. Ngoài ra, đó là con đường được ưu tiên để diễn tả phẩm giá vô hạn của mầu nhiệm phục sinh, vì đó là những hình ảnh – hơn là những đề cương – mà chúng tiếp tục trao đi vẻ đẹp nghịch lý của đời sống mới trong Chúa Ki-tô. Đó là một đời sống mới, mà qua đời sống này thái độ thù địch và thập giá sẽ không hủy hoại ơn cứu độ do Thiên Chúa ban, nhưng làm cho nó trở nên hiện thực, và qua đó, sự yếu đuối sẽ mạnh mẽ hơn mọi sức mạnh của con người, cũng như qua đó, sự thất bại có thể trở thành khúc nhạc dạo đầu cho sự kiện toàn to lớn hơn rất nhiều của tất cả mọi sự vật trong Tình Yêu. Chính vì thế, niềm hy vọng vào Nước Thiên Chúa sẽ trở nên chín muồi và được đào sâu: „Chuyện Nước Thiên Chúa  thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết.“ (Mc 4, 26-27).

Nước Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta rồi, như một hạt giống mà nó bị che giấu trước cặp mắt thiển cận, và sự phát triển của nó diễn ra trong âm thầm. Ai có cặp mắt được thanh luyện bởi Chúa Thánh Thần, người đó sẽ nhìn thấy hạt giống ấy nảy mầm, và không để mình bị lấy mất đi niềm vui của Triều Đại Thiên Chúa xuyên qua mối bất hòa đang hiện diện khắp nơi.

Viễn Tượng Thần Khí

Niềm hy vọng đặt nền móng trên những thông tin tốt lành, trên Tin Mừng là chính Chúa Giê-su. Nó cho phép chúng ta nâng cao cái nhìn và khích lệ chúng ta nhìn ngắm Ngài trong phạm trù Phụng Vụ của Đại Lễ Thăng Thiên. Có vẻ như Thiên Chúa đang xa cách chúng ta, nhưng trong thực tế, đường chân trời hy vọng đang tiếp tục mở ra. Thực tế, bất cứ người nam và người nữ nào trong Chúa Ki-tô, Đấng nâng nhân tính của chúng ta lên trời, cũng đều có sự tự do hoàn toàn, „để bước vào trong cung Thánh nhờ vào máu Đức Giê-su đã đổ ra. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người“ (Dt 10,19-20). Nhờ vào „sức mạnh của Chúa Thánh Thần“, chúng ta có thể trở thành „những chứng tá“ và trở thành những người công bố của một nhân loại mới được cứu độ, „cho tới tận cùng  bờ cõi trái đất“ (Cv 1,7-8).

Niềm tin tưởng vào hạt giống Triều Đại Thiên Chúa và lô-gích của Đại Lễ Phục Sinh cũng phải để lại dấu ấn trên cách thức truyền thông của chúng ta. Đó chính là niềm tin tưởng mà nó trao cho chúng ta khả năng để làm việc trong những hình thức truyền thông khác nhau của thời đại hôm nay, trong sự xác tín rằng, tin tức tốt lành chính là khả năng để khám phá ra Tin Mừng và làm cho Tin Mừng trở nên hữu hình, trong thực tế lịch sử của mỗi cá nhân và trong dung nhan của mỗi người.

Ai tin tưởng để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ có khả năng biện phân trong từng biến cố, điều gì diễn ra giữa Thiên Chúa và con người, và chính Ngài đã viết ra những cốt truyện của lịch sử cứu độ như thế nào trong sự bi ai của thế giới này. Sợi chỉ mà với nó, lịch sử cứu độ và niềm hy vọng được dệt nên, cũng như người thợ dệt ra nó, không phải bất cứ ai khác ngoài Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi. Niềm hy vọng chính là nhân đức khiêm nhượng nhất của tất cả mọi đức hạnh, vì nó luôn được cất giấu một cách âm thầm trong những nếp gấp cuộc sống. Nhưng nó giống như men có khả năng làm cho toàn bộ đống bột được lên men. Chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng, bằng cách là chúng ta luôn luôn tái đọc lại Sứ Điệp vui mừng, tức Tin Mừng luôn luôn được tái „diễn tả“ trong đời sống của các Thánh, của những người nam và người nữ, mà họ đã trở thành những bức Icon của Tình Yêu Thiên Chúa. Ngay trong thời đại hôm nay, Chúa Thánh Thần cũng đang gieo vào lòng chúng ta niềm khát khao Nước Trời: nhờ vào những „kênh máng“ sống động, nhờ vào những con người dám để cho mình được dẫn dắt bởi Tin Mừng giữa những thảm cảnh của nhân loại, họ giống như những ngọn hải đăng trong bóng đêm của thế giới này, họ chiếu sáng những khúc cua và mở ra những con đường mới tràn đầy tin tưởng và hy vọng.

 

Vatican ngày 24 tháng 01 năm 2017

Nhân ngày Lễ kính Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội