Sứ Điệp ngày Chúa Nhật Hàng Hải năm 2018 - Bộ Thăng Tiến Phát Triển Con Người Toàn Diện

(hdgmvietnam.com) 09/07/2018

Nhân dịp chúng ta sắp tổ chức ngày Chúa Nhật Hàng Hải, chúng ta được mời gọi nhớ đến 1,2 triệu thủy thủ với những niềm tin khác nhau thuộc mọi quốc gia. Họ bị buộc phải sống trong những không gian chật hẹp trên tàu thuyền, xa cách gia đình và những người thân, đồng thời không thể tham dự những sự kiện quan trọng nhất của gia đình mình như sinh nhật, lễ tốt nghiệp của con cái v.v.... Họ cũng không thể có mặt trong những giây phút khó khăn và thử thách như ốm đau bệnh tật và khi có người thân trong gia đình qua đời.

Các thủy thủ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Họ giúp vận chuyển 90% lượng hàng hóa mà chúng ta sử dụng hằng ngày, từ nơi này đến nơi khác trên thế giới. Vì thế, hôm nay trong khi cầu nguyện cho họ, dù họ đang ở đâu, chúng ta cũng hãy bày tỏ lòng biết ơn về công việc vất vả đầy hy sinh của họ.

Sau đây là một số những thử thách mà những người sống trên biển phải đối diện hàng ngày:

Thủy thủ không được phép lên bờ và người trên bờ không được phép xuống tàu thăm thủy thủ

Với sự cơ giới hóa và sự tự động hóa, thời gian chuyển hàng ở cảng bị cắt giảm đến mức tối thiểu, nên các thủy thủ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Hơn thế nữa, đang khi Bộ luật Quốc tế về An ninh Tàu và Bến cảng (ISPS) đem lại những cải tiến về mặt an ninh hàng hải thì nó lại đặc biệt gây ra thử thách lớn cho các thủy thủ. Ở nhiều bến cảng, việc xin giấy phép lên bờ của thủy thủ đoàn ngày càng thêm khó khăn vì chính sách của các công ty tuyển dụng hoặc vì những quy định hạn chế và phân biệt đối xử do các chính quyền sở tại áp đặt. Nhưng không phải chỉ có thế. Nhiều vị tuyên úy và khách đến thăm các thủy thủ trên tàu thuyền cũng bị từ chối vào trong cảng hay bị ngăn không cho lên tàu thuyền để đem những phúc lợi vật chất và tâm linh cho các thủy thủ khi họ cập cảng sau nhiều tuần lênh đênh trên biển.

Chúng tôi lấy làm tiếc về những sự việc ấy, vốn đi ngược lại tinh thần của Khoản 4.4 trong Công ước Lao động Hàng hải (MLC) [1] có hiệu lực từ ngày 20 tháng Tám năm 2013. Công ước này có mục đích là cải thiện cuộc sống của các thủy thủ, theo đó không được từ chối quyền tự do lên bờ của thủy thủ đoàn và quyền được xuống tàu của các vị tuyên úy và khách đến thăm.

Bạo lực trên biển và cướp biển

Mặc dù tình hình đã được cải thiện so với những năm trước đây, chúng tôi vẫn muốn kêu gọi mọi người hãy cảnh giác hơn với bạo lực trên biển mà cụ thể là nạn cướp biển. Nguyên nhân chính của nạn cướp biển bao giờ cũng gắn với những bất ổn chính trị và thường có liên quan đến ngành đánh cá. Việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không được khai báo và không đúng quy định đã làm cạn kiệt nguồn hải sản tự nhiên của các quốc gia ở ven biển, gây ra tình trạng nghèo khổ cùng cực trên đất liền, tạo điều kiện cho những kẻ vô lương tâm biến những ngư dân đang tuyệt vọng và không có việc làm trở thành những kẻ cướp biển.

Chúng tôi yêu cầu chính phủ các nước và các chủ tàu phải sắp đặt mọi cơ cấu cần thiết để bảo vệ cuộc sống của những người sống trên biển và để giảm bớt chi phí kinh tế.

Các tàu thuyền và các thủy thủ bị bỏ rơi

Bỏ rơi các tàu thuyền và các thủy thủ không phải là một vấn đề mới trong ngành hàng hải. Một bài báo cho biết [2], từ năm 2012 đến năm 2017, có hơn 1.300 thủy thủ bị bỏ rơi nơi các bến cảng nước ngoài ở rất xa nhà, vì những nguyên nhân khác nhau. Họ thường không được trả lương, không có cái ăn, và không có nhiên liệu dự trữ cho tàu thuyền của mình. Khi ấy, họ phải rất vất vả để kiếm sống, để có tiền, để được nhập cư, và còn nhiều vấn đề khác, nếu không được một tổ chức từ thiện nào giúp đỡ.

Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả các vị tuyên úy và các thiện nguyện viên của các trung tâm Stella Maris (Sao Biển), từ Malta cho đến Nam Phi, từ Vương Quốc Anh cho đến Hoa Kỳ, đã và đang giúp đỡ hàng tháng trời về vật chất và tinh thần, về tâm lý và pháp lý cho nhiều thủy thủ đoàn của các tàu thuyền bị bỏ rơi.

Chúng tôi kêu gọi thực thi đầy đủ những điểm tu chính của Công ước Hàng hải năm 2006, phải có một hệ thống an ninh tài chính để các chủ tàu thuyền có thể bồi thường cho các thủy thủ và gia đình của họ trong trường hợp bị bỏ rơi [3].

Những tác động môi trường biển

Trong thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Vì thế, trong những năm tới, cần cấp bách khai triển các chính sách để giảm thiểu quyết liệt việc thải cacbon đioxit và các loại khí ô nhiễm cao khác, chẳng hạn thay thế dùng các nhiên liệu hóa thạch và phát triển những nguồn năng lượng có thể tái tạo”( số 26).

Cũng như mọi phương tiện vận chuyển dùng nhiên liệu hóa thạch khác, các tàu thuyền thải ra khí cacbon đioxit, góp phần khá lớn vào sự thay đổi khí hậu toàn cầu và tạo ra sự axit hóa. Ngoài việc thải ra cacbon đioxit, các tàu thuyền còn thải ra những chất ô nhiễm khác làm gia tăng thêm vấn đề.

Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực do Tổ Chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO) thực hiện nhằm ngăn ngừa và làm giảm đáng kể nạn ô nhiễm biển do nhựa gây ra trong lĩnh vực hàng hải và giảm bớt khí thải từ tàu thuyền dẫn đến hiệu ứng nhà kính, cũng như áp dụng những quy định khác buộc sử dụng các chất đốt sạch hơn ở biển.

Cuối cùng, xin Đức Mẹ diễm phúc, là Ngôi Sao Biển, lấy lòng hiền mẫu mà che chở những người sống trên biển và dìu dắt họ vượt qua những nguy hiểm ngoài biển khơi về đến bến bình an.

Ngày 8 tháng Bảy năm 2018

Hồng y  Peter Turkson,

Chủ tịch

Nguồn: UB Mục vụ Di dân

--------------------------------

[1] Các nước thành viên đã ký Công uớc Lao động Hàng hải phải bảo đảm rằng các phúc lợi tại các bờ biển, nếu có, thì có thể dễ dàng hưởng dùng. Các thành viên cũng phải thúc đẩy gia tăng các phúc lợi như đã được liệt kê trong Công ước, tại các bến cảng đã được xác định, để các thuỷ thủ trên các con tàu neo tại bến cảng của mình có thể được hưởng các phúc lợi và dịch vụ ấy.

[2] https://worldmaritimenews.com/archives/227230/interview-over-1300-seafarers-abandoned-in-five-years/

[3] Các tu chính cho Bộ Luật Thi hành Quy định 2.5 – Cải tiến MLC, 2006 (và các phụ lục)

 


Văn Kiện Giáo Hội