Sứ Điệp của ĐTC Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên: Tiếp cận nguồn nước đối với tất cả mọi người

Anh chị em thân mến!

Nhân Ngày Cầu Nguyện hôm nay, Cha muốn tạ ơn Thiên Chúa cách đặc biệt vì hồng ân ngôi nhà chung cũng như vì tất cả những người thành tâm thiện chí đang dấn thân cho việc bảo vệ ngôi nhà chung này. Đồng thời, Cha cũng biết ơn trước vô vàn những dự án mà chúng đã được thực hiện để thúc đẩy sự nghiên cứu cũng như thúc đẩy việc bảo vệ hệ thống sinh học, và trước những nỗ lực nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững, phát triển ngành lương thực thực phẩm có trách nhiệm, cũng như trước muôn vàn những sáng kiến khác nhau về giáo dục, tinh thần và Phụng Vụ mà các Ki-tô hữu đã liên kết trong sự chăm lo cho môi trường thiên nhiên trên toàn thế giới.

Chúng ta phải thú nhận rằng: chúng ta đã không có khả năng trong việc bảo vệ thiên nhiên một cách có trách nhiệm. Tình trạng môi trường không thể được quan sát với sự hài lòng trên bình diện toàn cầu cũng như tại nhiều địa phương khác nhau. Quả thực, đã có được sự cần thiết của một mối tương quan mới và lành mạnh giữa nhân loại và thụ tạo, cũng như có niềm xác tín rằng, chỉ có cách nhìn đích thực và toàn diện về con người mới cho phép chúng ta chăm lo cho hành tinh của mình một cách tốt hơn, hầu có lợi cho hiện tại và cho các thế hệ tương lai, vì „sẽ không có sinh thái học nếu không có một nhân chủng học thích hợp“ (Thông Điệp Laudato si’, 118). 

Nhân Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện  Cho Việc Vảo Vệ Thiên Nhiên, mà từ một ít năm nay, Giáo hội Công giáo đã cử hành chung với những anh chị em Chính thống giáo cũng như với sự tham gia  của những Giáo hội và những cộng đoàn Ki-tô giáo khác, Cha muốn hướng sự chú ý đến đề tài nước, nhưng tiếc rằng, đối với nhiều người, yếu tố rất đơn giản và đầy giá trị này lại đang rất khó có thể tiếp cận được, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể. Tuy niên, „sự tiếp cận với nguồn nước uống an toàn chính là một quyền căn bản, nền tảng và phổ quát của con người, vì nó chính là yếu tố quyết định cho sự sống còn của con người, và vì thế, là điều kiện cho việc thực thi những quyền lợi khác của con người. Thế giới này đang tự chất lên mình một khoản nợ xã hội nặng nề đối với những người nghèo mà họ đã không được tiếp cận với nguồn nước uống, vì điều đó có nghĩa là khước từ quyền được sống của họ, mà quyền ấy được neo chặt trong phẩm giá bất khả nhượng của họ“ (nt., số 30).

Nước mời gọi chúng ta suy tư về nguồn cội của mình. Thân thể con người chứa đựng phần lớn là nước; và trong lịch sử, nhiều nền văn hóa đã phát sinh từ bên cạnh những nguồn nước lớn mà chúng biểu lộ căn tính của những nền văn hóa ấy. Hình ảnh được sử dụng ở ngay đầu sách Sáng Thế đã gây ấn tượng rất mạnh, khi cuốn sách này nói rằng, từ đầu khởi nguyên, Thần Khí Sáng Tạo đã „bay là là trên mặt nước“ (xc. St 1,2).

Khi Cha nghĩ tới vai trò căn bản của Thiên Chúa trong việc sáng tạo và trong việc phát triển của con người, Cha cảm thấy bị thôi thúc phải tạ ơn Ngài vì „người chị nước“, mà người chị này rất đơn giản và hữu ích không phải cho bất cứ điều gì khác, mà là cho sự sống trên trái đất này. Chính vì thế, việc chăm lo cho những nguồn nước và những hồ nước chính là một mệnh lệnh khẩn thiết. Hơn bất cứ lúc nào hết, ngày nay người ta đang cần tới một cái nhìn vượt ra bên ngoài cái ở sát bên mình (xc. Laudato si’, 36), vượt ra bên ngoài tiêu chuẩn vị lợi „mang tính hiệu quả và năng lực sản xuất đối với lợi tức cá nhân“ (nt, số 159). Cẩn phải thúc đẩy những dự án chung và những hành động cụ thể mà chúng lưu ý rằng, bất cứ sự tư hữu hóa nào đối với tài nguyên thiên nhiên nước mà chúng khiến cho quyền được tiếp cận với nguồn nước của con người bị gây hại, cũng đều không thể chấp nhận được.

Đối với các Ki-tô hữu chúng ta, nước chính là một yếu tố căn bản trong việc tẩy rửa cũng như trong việc duy trì sự sống. Điều đó ngay lập tức khiến người ta nghĩ tới Bí Tích Thanh Tẩy, tức Bí Tích tái sinh của chúng ta. Nước được Chúa Thánh Thần thánh hóa, chính là chất thể mà qua đó, Thiên Chúa làm cho chúng ta được hồi sinh cũng như đổi mới chúng ta, nó chính là nguồn mạch sự sống được chúc phúc, tức sự sống không bao giờ chết nữa. Đối với các Ki-tô hữu thuộc các tín ngưỡng khác nhau, Bí Tích Thanh Tẩy chính là điểm xuất phát thực sự và không thể thiếu, để sống tình huynh đệ ngày càng chân thực hơn trên con đường tiến tới sự hiệp nhất hoàn toàn. Trong khi thi hành sứ vụ của mình, Chúa Giê-su đã hứa ban một thứ nước mà nó sẽ ở trong tình trạng thỏa mãn một cách vĩnh viễn cơn khát của nhân loại (xc. Ga 4,14), và đã nói tiên tri rằng: „Ai khát, hãy đến với tôi; ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!“ (Ga 7,37). Đến cùng Chúa Giê-su để uống có nghĩa là, gặp gỡ Ngài cách cá nhân với tư cách là Thiên Chúa, bằng cách là chúng ta kín múc ý nghĩa cuộc sống từ Lời Ngài. Ước chi Lời mà Ngài nói trên Thập Giá sẽ tái vang lên với tất cả sức mạnh: „Ta khát“ (Ga 19,28). Chúa Giê-su vẫn đang tiếp tục xin cho cơn khát của Ngài được thỏa mãn, Ngài khát Tình Yêu. Ngài xin chúng ta hãy cho Ngài được uống trong rất nhiều người đang khát, và sau đó Ngài nói với chúng ta: „Ta khát, các ngươi đã cho uống“ (Mt 25,35). Cho uống có nghĩa là bảo đảm cho tất cả đều có được tài nguyên nước khẩn thiết và quan trọng này trên toàn thế giới với tư cách ngôi làng toàn cầu, và không chỉ là những hành vi Bác Ái cá nhân, nhưng cũng còn là những quyết định cụ thể và sự dấn thân lâu dài.

Cha cũng muốn đụng chạm tới những vấn đề về biển và đại dương. Bổn phận của chúng ta là phải tạ ơn Đấng Tạo Hóa vì hồng ân đầy ấn tượng và tuyệt vời về nguồn nước bao la và về tất cả những gì ở trong nước (xc. St 1,20-21, Tv 146,6), và ca tụng Ngài vì Ngài đã phủ đắp trái đất bằng những đại dương như một bộ quần áo (xc. Tv 104,6). Việc hướng sự suy nghĩ của chúng ta về sự mênh mông bao la của biển cả mà chúng thường xuyên trong sự chuyển động, bằng cách nào đó, cũng diễn tả một khả năng nhớ tới Thiên Chúa, Đấng không ngừng đồng hành với các thụ tạo của Ngài, bằng cách là Ngài thúc đẩy các thụ tạo, và duy trì chúng trong sự hiện hữu (xc. Thánh Gio-an Phao-lô II, Bài Giáo Lý ngày 07.05.1986).

Ngày nay, việc duy trì và bảo vệ tài nguyên vô giá này, vừa là một trách nhiệm tất nhiên, và cũng vừa là một thách đố thực sự và đích thật: Cần phải có một sự cộng tác mạnh mẽ giữa những người thành tâm thiện chí, để tham dự vào công việc liên tục của Đấng Tạo Hóa. Thật tiếc rằng, nhiều nỗ lực đang rơi vào cõi hư không, vì thiếu những quy định và những kiểm soát hữu hiệu, đặc biệt là những gì liên quanh đến việc bảo vệ những vùng biển vượt ra bên ngoài ranh giới của các quốc gia (xc. Laudato si’, 174). Chúng ta không thể cho phép chuyện biển và đại dương bị chất đầy bởi những rác thải bằng nhựa mà chúng trôi lềnh bềnh khắp nơi. Cũng vì tình trạng khẩn thiết này mà chúng ta được kêu gọi hãy dấn thân với niềm ý thức tích cực trước các ván đề. Ở đây, chúng ta nên cầu nguyện, vì một đàng, tất cả đều tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và hãy hành động, vì đàng khác, tất cả đều tùy thuộc vào chúng ta.

Chúng ta hãy cầu nguyện để nước đừng trở nên dấu chỉ của sự chia rẽ giữa các dân tộc, nhưng trở thành dấu chỉ của sự gặp gỡ đối với cộng đồng nhân loại. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện, để những ai đang chấp nhận mọi rủi ro trong cuộc hành trình vượt biển cả để tìm kiếm một tương lai tốt hơn cho cuộc sống mình, đều được cứu thoát khỏi gian nguy. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, và xin những ai đang thực thi những chức vụ cao trong chính trị, để những vấn đề nhậy cảm nhất của thời đại chúng ta, chẳng hạn như vấn đề di dân, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề về quyền lợi chung trong việc sử dụng những tài nguyên quan trọng, đều được giải quyết một cách có trách nhiệm hoàn toàn với viễn tượng và với cái nhìn hướng về ngày mai, với sự quảng đại trong tinh thần cộng tác, đặc biệt là giữa các quốc gia đang có khả năng tốt nhất để làm chuyện đó. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang dấn thân cho hoạt động Tông Đồ biển, cho những người giúp suy tư về những vấn đề, trong đó có hệ thống sinh thái biển, cho những người đang dấn thân cho việc biên soạn và áp dụng những quy luật quốc tế trong mối liên hệ đến các đại dương, để họ biết bảo vệ những con người, những quốc gia, những di sản, những tài nguyên thiên nhiên – Cha nghĩ tới hệ động vật và hệ thực vật biển, cũng như nghĩ tới những mỏm san hô (xc. nt., 41) hay nghĩ tới lòng biển – và có thể bảo đảm một sự phát triển toàn diện với cái nhìn hướng về sự thịnh vượng chung của toàn thể gia đình nhân loại chứ không phải hướng về những mối quan tâm riêng. Chúng ta cũng hãy nhớ đến những ai đang dấn thân cho việc bảo vệ vùng biển, cho việc bảo vệ các đại dương và bảo vệ sự đa dạng hóa về sinh học biển, để họ có thể thi hành sứ mạng đó một cách hoàn toàn có trách nhiệm và chân thành.

Sau cùng, chúng ta hãy nhớ tới các thế hệ trẻ; và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho họ để họ lớn lên với niềm ý thức và trong sự kính trọng ngôi nhà chung, cũng như với ý nguyện chăm lo cho nguồn nước với tư cách là sự thiện căn bản, hầu mang đến ích lợi cho mọi người. Cha mong muốn rằng, các cộng đoàn Ki-tô giáo sẽ ngày càng góp phần cách cụ thể và nhiều hơn nữa để tất cả đều có thể nếm hưởng được nguồn tài nguyên không thể thiếu được ấy, trong sự bảo vệ đầy kính trọng hồng ân đã được đón nhận từ Đấng Sáng Tạo, và ở đây, đó là những nguồn nước, biển cả và đại dương.

 

Từ Vatican, ngày mồng 01 tháng 09 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội