SỨ ĐIỆP CỦA ÐỨC THÁNH CHA GIOAN-PHAOLÔ II

GỬI NHỮNG NGƯỜI TRẺ TRÊN THẾ GIỚI

NHÂN NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI NĂM 2004

 

"Chúng tôi muốn được gặp Đức Giê-su" (Ga 12,21)

 

Các bạn trẻ thân mến !

1. Năm 2004 này là giai đoạn cuối cùng trước đại hội tại Cologne, nơi sẽ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XX vào năm 2005. Cha mời gọi các con hãy tăng tốc hành trình chuẩn bị thiêng liêng của các con bằng cách suy gẫm về chủ đề mà cha đã chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XIX này : "Chúng tôi muốn được gặp Đức Giê-su !" (Ga 12,21).

     Ðó là lời thỉnh cầu mà vài người “Hy-lạp” một ngày kia đã ngỏ với các Tông Đồ. Họ muốn biết Đức Giê-su là ai. Không phải chỉ đơn thuần tiếp xúc để xem coi Đức Giê-su là người ra sao. Ðược thôi thúc bởi tính hiếu kỳ mãnh liệt và bởi linh cảm rằng họ đã gặp được lời giải đáp cho những câu hỏi sâu xa nhất của mình, họ muốn biết Đức Giê-su thực sự là ai và Người từ đâu đến.

2. Các bạn trẻ thân mến, cha mời gọi cả các con nữa, hãy theo gương những người "Hy-lạp" này, được thúc đẩy bởi ước muốn được "gặp Đức Giê-su", đã đến ngỏ lời với Phi-líp-phê. Ước gì sự tìm kiếm của các con không chỉ đơn thuần được thúc đẩy bởi tính hiếu tri, mặc dù tình hiếu tri đó tự nó đã có một giá trị nào đó rồi, nhưng được khích lệ trên hết bởi thôi thúc nội tâm muốn gặp câu trả lời cho thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời các con. Như chàng thanh niên giàu có trong Phúc Âm, các con cũng đi tìm Đức Giê-su, để hỏi Người : "Con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" (Mc 10,17). Thánh sử Mác-cô tả rõ là Đức Giê-su đưa mắt nhìn chàng thanh niên và đem lòng yêu mến. Các con cũng hãy nghĩ đến câu truyện khác trong đó Đức Giê-su nói với Na-tha-na-en : "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, thì Thầy đã nhìn thấy anh dưới gốc cây vả” ; với lời này, Chúa làm phát sinh nơi tâm hồn của Na-tha-na-en, đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối (x. Ga 1,47), một lời tuyên xưng đức tin tuyệt đẹp : "Thưa Thầy, Thầy chính là Con Thiên Chúa !" (Ga 1,49). Những ai đến với Đức Giê-su với tâm hồn không thành kiến đều có thể đạt đến đức tin khá dễ dàng vì Đức Giê-su đã nhìn thấy và yêu mến người đó trước. Khía cạnh cao cả nhất của phẩm giá con người chính là ơn gọi hiệp thông với Thiên Chúa trong sự trao đổi những cái nhìn sâu xa có sức biến đổi cuộc đời. Ðể có thể gặp Đức Giê-su, trước hết ta cần để cho Người đưa mắt nhìn ta !

     Ước muốn được gặp Đức Giê-su nằm sâu trong tâm hồn của mọi người nam nữ. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy để cho Đức Giê-su nhìn vào đôi mắt của mình, để phát sinh trong các con ước muốn nhìn thấy Ánh Sáng, ước muốn cảm nghiệm Sự Thật rạng ngời. Dù ta có ý thức hay không, Thiên Chúa đã tạo dựng ta bởi vì Ngài yêu ta và để cho ta có thể yêu lại Ngài. Ðó là lý do của nỗi nhớ nhung Thiên Chúa khôn nguôi trong tâm hồn con người : "Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Chúa. Xin Ngài đừng ẩn mặt !" (Tv 27,8-9). Thánh Nhan đó – ta biết –, đã được Thiên Chúa mạc khải cho ta trong Đức Giê-su Ki-tô.

3. Các bạn trẻ thân mến, chẳng phải các con muốn chiêm ngắm vẻ đẹp của Thánh Nhan đó sao ? Ðây là câu hỏi mà cha đặt ra cho các con trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2004 này. Các con đừng vội trả lời. Trước hết, hãy tạo một sự thinh lặng nội tâm. Hãy để phát sinh từ tâm hồn ước muốn nồng cháy muốn gặp Thiên Chúa này, một ước muốn đôi khi bị bóp nghẹt bởi những tiếng ồn ào của thế gian và bởi những quyến rũ của các thú vui. Hãy để cho ước muốn đó được phát triển và các con sẽ có được kinh nghiệm kỳ diệu về việc gặp gỡ Đức Giê-su. Ki-tô-giáo không phải chỉ là một giáo thuyết ; đó là một cuộc gặp gỡ trong đức tin với Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử qua việc nhập thể của Đức Giê-su.

     Bằng mọi cách, hãy cố làm cho cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra, và hãy nhìn về Đức Giê-su, Ðấng say mê tìm kiếm các con. Hãy tìm kiếm Người với đôi mắt thể xác qua những biến cố cuộc đời và nơi gương mặt của tha nhân ; nhưng cũng hãy tìm kiếm Người với đôi mắt linh hồn qua lời cầu nguyện và việc suy niệm Lời Chúa, bởi vì "việc chiêm ngắm dung nhan Đức Ki-tô không thể nào không được gợi hứng bởi tất cả những gì Kinh Thánh nói với ta về Người" (Tông huấn Bước vào ngàn năm mới, số 17).

4. Gặp gỡ Đức Giê-su, chiêm ngắm Thánh Nhan Người, là một ước muốn khôn nguôi, nhưng là một ước muốn mà con người chẳng may lại có thể làm méo mó đi. Ðây là điều đã xảy ra do tội lỗi, bởi vì bản chất của tội là việc quay mặt khỏi Ðấng Tạo Hóa, để hướng nhìn về tạo vật.

     Những người "Hy-lạp" kia đi tìm sự thật có lẽ sẽ không thể đến với Đức Ki-tô, nếu ước muốn của họ, phát sinh từ một hành vi tự do và tự nguyện, đã không được thể hiện bằng một quyết định rõ rệt : "Chúng tôi muốn được gặp Đức Giê-su". Thực sự có tự do nghĩa là có can đảm chọn Ðấng mà vì Người ta đã được tạo dựng và biết chấp nhận quyền làm Chúa của Người trên cuộc đời của ta. Tận thâm tâm, các con cảm nhận được điều nầy : mọi của cải trên trần gian, mọi thành công nghề nghiệp, cả tình yêu mà các con mơ ước, tất cả mọi điều này không bao giờ có thể thỏa mãn những ước muốn thâm sâu nhất của các con. Chỉ có mỗi cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su mới có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống các con : "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, cho nên tâm hồn con luôn khắc khoải xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa" (Thánh Augustinô, Tự thú, quyển 1, chương 1). Đừng phân tâm, đi lạc khỏi cuộc tìm kiếm này. Hãy kiên trì vì cuộc tìm kiếm này có quan hệ đến sự thành toàn bản thân và niềm vui của các con.

5. Các bạn trẻ thân mến, nếu các con học khám phá Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể, thì các con cũng sẽ biết khám phá ra Người trong những anh chị em của các con, đặc biệt nơi những người nghèo túng nhất. Bí Tích Thánh Thể, được lĩnh nhận với tình yêu mến và được tôn thờ với lòng sốt sắng, sẽ trở nên trường học về tự do và bác ái, để thực hiện điều răn yêu thương. Đức Giê-su ngỏ lời với ta bằng ngôn ngữ kỳ diệu của việc dâng hiến bản thân và yêu thương cho đến mức độ hy sinh chính mạng sống mình. Đó có phải là điều dễ dàng không ? Các con biết rõ là không ! Quên mình không phải là dễ, nhưng việc quên mình đưa ta ra khỏi thứ tình yêu chiếm hữu và chỉ lo nghĩ cho bản thân, để mở rộng con người của ta đón nhận niềm vui của một tình yêu tự hiến. Trường học Thánh Thể về tự do và bác ái này dạy ta biết vượt thắng những xúc cảm nông nổi để đâm rễ sâu vào những gì là chân thật và tốt lành ; nó giải thoát ta ra khỏi sự đóng kín bản thân để sẵn sàng mở lòng ra đón nhận tha nhân. Nó dạy ta biết đi từ tình yêu cảm xúc đến tình yêu hiệu năng. Bởi vì yêu thương không phải chỉ là một tình cảm ; nó là một hành vi của ý chí, không ngừng đặt lợi ích của tha nhân trước lợi ích của bản thân : "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

     Chính với tự do nội tâm và tình bác ái nồng nhiệt đó mà Đức Giê-su dạy ta tìm thấy Người nơi tha nhân, nhất là nơi dung mạo bị biến dạng của người nghèo. Chân Phước Têrêsa thành Calcutta thường thích trao tặng "danh thiếp" của mình trên đó có viết những dòng chữ : "Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện ; hoa trái của cầu nguyện là đức tin ; hoa trái của đức tin là tình yêu ; hoa trái của tình yêu là phục vụ ; hoa trái của phục vụ là bình an". Ðó là con đường gặp gỡ Đức Giê-su. Hãy ra đi gặp mọi nỗi khổ đau của con người với sức hăng hái của lòng quảng đại của các con và với tình yêu mà Thiên Chúa đổ xuống trong tâm hồn các con nhờ Chúa Thánh Thần : "Quả thật, Thầy nói với anh em : mỗi lần anh em làm những điều nầy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em làm cho Thầy" (Mt 25,40). Thế giới có nhu cầu khẩn thiết về một dấu chỉ lớn có tính cách tiên tri của tình bác ái huynh đệ ! Thật vậy, chỉ “nói” về Đức Giê-su mà thôi thì không đủ. Ta cần phải làm cho tha nhân, một cách nào đó, "nhìn thấy" Người qua chứng tá hùng hồn của chính cuộc sống của ta (x. Tông thư Bước vào ngàn năm mới, số 16).

     Đừng quên tìm kiếm Đức Ki-tô và nhận ra sự hiện diện của Người trong Giáo Hội. Giáo Hội giống như sự nối tiếp hành động cứu rỗi của Người trong thời gian và không gian. Chính trong Giáo Hội và qua Giáo Hội mà ngày hôm nay Đức Giê-su tiếp tục trở nên hữu hình và làm cho con người được gặp thấy Người. Trong giáo xứ của các con, trong những phong trào và cộng đoàn của các con, hãy tiếp nhận lẫn nhau để xây dựng sự hiệp thông giữa các con. Đó là dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Giáo Hội, mặc dù dấu chỉ ấy thường bị tội lỗi của con người làm mờ đi.

6. Vậy, các con đừng ngạc nhiên khi gặp Thánh Giá trên đường các con đi. Đức Giê-su đã chẳng nói cho các môn đệ của Người rằng nếu hạt giống rơi xuống đất mà không thối đi thì không thể sinh nhiều hoa trái đó sao (x. Ga 12, 23-26) ? Bằng cách đó Người chỉ cho thấy cuộc đời của Người, hy sinh cho đến chết, sẽ trổ sinh hoa trái. Các con biết điều này : sau sự phục sinh của Đức Ki-tô, cái chết không bao giờ có thể có tiếng nói cuối cùng nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Nếu Đức Giê-su đã chấp nhận chịu chết trên thập giá, để làm cho thập giá trở nên nguồn mạch sự sống và dấu chỉ của tình yêu, thì Người làm điều đó không phải vì sự yếu đuối, cũng không phải vì Người yêu thích sự đau khổ. Người làm thế để mang lại ơn cứu rỗi cho ta và để cho ta từ nay được tham dự vào sự sống thần linh của Người.

     Đây chính là sự thật mà cha đã muốn nhắc lại cho các người trẻ trên thế giới khi cha trao cho họ cây Thánh Giá lớn bằng gỗ vào cuối Năm Thánh Cứu Ðộ 1984. Từ đó cho đến nay, Thánh Giá đã đi qua nhiều nước trong sự chuẩn bị cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Hàng trăm ngàn người trẻ đã cầu nguyện chung quanh Thánh Giá này. Bằng cách đặt dưới chân Thánh Giá những gánh nặng họ phải vác lấy, họ khám phá mình được Thiên Chúa yêu thương. Nhiều người trẻ đã gặp được sức mạnh để thay đổi đời sống.

     Năm nay, vào dịp kỷ niệm 20 năm sự kiện đó, Thánh Giá sẽ được đón tiếp long trọng tại Berlin. Từ đó Thánh Giá được rước đi khắp nước Ðức, để rồi sang năm sẽ đến Cologne. Hôm nay, cha muốn lặp lại với các con những lời cha đã nói lúc đó : "Các bạn trẻ thân mến, cha trao cho các con Thánh Giá của Đức Ki-tô ! Hãy mang Thánh Giá đi khắp thế giới như là dấu chỉ tình yêu của Đức Giê-su đối với nhân loại và hãy loan báo cho mọi người rằng chỉ có trong sự chết và sự sống lại của Đức Ki-tô, ta mới có thể tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu rỗi".

7. Những người đương thời của các con kỳ vọng các con sẽ trở thành những chứng nhân cho Ðấng mà các con đã gặp, Ðấng ban sự sống cho các con. Trong cuộc sống hàng ngày, hãy trở thành những chứng nhân trung kiên về một tình yêu mạnh hơn sự chết. Các con hãy chấp nhận thách đố này ! Hãy đem tài năng và sự hăng say của tuổi trẻ phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Hãy là những người bạn nhiệt thành của Đức Giê-su trình bày về Chúa cho những ai ao ước được gặp Người, nhất là những kẻ sống xa Người nhất. Phi-líp-phê và An-rê đã hướng dẫn những người "Hy lạp" đến gặp Đức Giê-su : Thiên Chúa dùng tình bạn để hướng dẫn các tâm hồn đến với nguồn mạch của tình yêu thần linh. Hãy cảm nhận mình có trách nhiệm rao giảng Phúc Âm cho những người bạn và mọi người đương thời của các con.

     Suốt đời mình, Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a đã không ngừng chiêm ngắm dung nhan Đức Ki-tô. Xin Mẹ luôn gìn giữ các con dưới cái nhìn của Con Mẹ (x. Tông thư Kinh Mân Côi, số 10) và phù hộ cho các con trong việc chuẩn bị Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne. Cha mời gọi các con ngay từ bây giờ, hãy hướng về ngày này với sự hăng say đầy tinh thần trách nhiệm và tích cực. Ðức Trinh Nữ Na-da-rét, người Mẹ lân mẫn và kiên nhẫn, sẽ đào luyện trong các con một tâm hồn chiêm niệm, và sẽ dạy cho các con biết chăm chú nhìn vào Đức Giê-su, ngõ hầu, trong thế giới đang qua đi này, các con sẽ là những ngôn sứ về một thế giới bất diệt.

     Cha thân ái ban cho các con phép lành đặc biệt sẽ đồng hành với các con trên con đường các con đi.

     Vatican, ngày 22 tháng 2 năm 2004

GIO-AN PHAO-LÔ II

 

(Đan Quang Tâm dịch)


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội