ĐGH Phanxicô - Sứ Điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016

 

Vượt Thắng Sự Thờ Ơ và Giành Được Hoà Bình

1. Thiên Chúa không thờ ơ! Thiên Chúa quan tâm đến nhân loại! Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta! Ngay khởi đầu Năm Mới, tôi muốn chia sẻ không chỉ niềm xác tín sâu xa này mà còn cả những lời cầu chúc tốt lành chân thành của tôi cho sự thịnh vượng, bình an và sự thành toàn các niềm hy vọng của mọi người nam nữ, mọi gia đình, mọi dân tộc và quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả các Lãnh Đạo Nhà Nước và Chính Phủ và tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo. Chúng ta tiếp tục tin tưởng rằng năm 2016 sẽ cho chúng ta thấy tất cả mọi người đều kiên định và vững tin để gắn kết với nhau, ở mọi cấp độ, trong việc theo đuổi công lý và hoà bình. Hoà bình là một ơn ban của Thiên Chúa và là một thành tựu của con người. Như một quà tặng của Thiên Chúa, nó được uỷ thác cho hết mọi người nam nữ, những người được mời gọi để đạt được sự hoà bình.

Giữ vững lý do cho niềm hy vọng của chúng ta

2. Đáng buồn thay, chiến tranh và khủng bố, đi cùng với việc bắt cóc, sự bách hại sắc tộc và tôn giáo và việc lạm quyền, đã đánh dấu năm qua từ lúc khởi sự cho đến khi kết thúc. Ở nhiều nơi trên thế giới, những điều này đã trở nên quá bình thường đến nỗi tạo nên một “cuộc thế chiến thứ ba đang diễn ra từng mảnh”. Tuy nhiên, một số sự kiện trong năm giờ đây đang kết thúc thôi thúc tôi, trong việc nhìn đến năm mới, để khích lệ mọi người đừng đánh mất niềm hy vọng vào khả năng của con người có thể chiến thắng sự dữ và chiến đấu lại sự đầu hàng và sự thờ ơ. Chúng cho thấy khả năng của chúng ta trong việc thể hiện tình liên đới và vượt lên trên lợi ích bản thân, sự lãnh đạm và thờ ơ khi đối diện với các hoàn cảnh chính yếu.

Ở đây, tôi muốn đề cập đến những nỗ lực quy tụ các vị lãnh đạo thế giới tại COP21 để tìm kiếm những cách thế mới để đối diện với sự biến đổi khí hậu và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta cũng có thể nghĩ về hai sự kiện toàn cầu trước đó: Hội Nghị Thượng Đỉnh Addis Ababa cho việc gây quỷ phát triển bình ổn toàn thế giới và việc áp dụng Chương Trình Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc Năm 2030, nhằm vào việc đảm bảo một chuẩn mực sống có phẩm giá hơn cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới, đặc biệt là người nghèo, vào năm ấy.

Đối với Giáo Hội, năm 2015 là một năm đặc biệt, bởi vì nó đánh dấu kỷ niệm 50 năm của hai văn kiện của Công Đồng Vatican II vốn thể hiện rất rõ ràng cảm thức của Giáo Hội về sự liên đới với thế giới. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngay từ khởi đầu Công Đồng, đã muốn mở rộng các cánh cửa của Giáo Hội và cải thiện mối tương giao của Giáo Hội với thế giới. Hai văn kiện, Nostra Aetate  Gaudium et Spes, mang tính biểu tượng cho mối quan hệ mới của công cuộc đối thoại, tình liên đới và sự đồng hành mà Giáo Hội tìm kiếm để thức tỉnh bên trong gia đình nhân loại. Trong Tuyên Bố Nostra Aetate, Giáo Hội thể hiện sự mở ra cho việc đối thoại với các tôn giáo không phải Kitô Giáo. Trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes,dựa trên một sự nhận biết rằng “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”,[1] Giáo Hội đề nghị đi vào trong cuộc đối thoại với toàn thể gia đình nhân loại về các vấn đề của thế giới chúng ta, như là một dấu chỉ của tình liên đới, sự tôn trọng và tình cảm.[2]

Cũng theo cùng những dòng sự kiện này, cùng với Năm Thánh Lòng Thương Xót hiện tại, tôi muốn mời gọi Giáo Hộii cầu nguyện và hoạt động để mọi Kitô Hữu sẽ có một tâm hồn khiêm nhường và thương cảm, một tâm hồn biết loan báo và làm chứng cho lòng thương xót. Niềm hy vọng của tôi là tất cả chúng ta sẽ học biết “tha thứ và cho đi”, để trở nên mở ra hơn nữa “trước những người đang sống ở những vùng ngoại biên xa nhất của xã hội – những vùng ngoại biên mà tự bản thân xã hội hiện đại tạo nên”, và khước từ để không rơi vào “một tình trạng thờ ơ đáng xấu hổ hoặc lối sống đơn điệu đang ngăn chặn chúng ta khỏi việc khám phá ra điều gì là mới mẻ! Chúng ta hãy ngăn chặn tình trạng hoài nghi có tính huỷ diệt!”[3]

Có nhiều lý do tốt lành để tin vào khả năng của con người trong việc hành động cùng nhau trong tình liên đới và, trên nền tảng của sự liên đới và sự lệ thuộc vào nhau của chúng ta, để thể hiện mối bận tâm dành cho những người anh chị em tổn thương nhiều hơn và cho việc bảo vệ thiện ích chung. Thái độ trách nhiệm qua lại này được bén rễ trong ơn gọi nền tảng đối với tình huynh đệ và một đời sống chung. Phẩm giá cá nhân và các mối quan hệ giữa con người với nhau là điều tạo nên chúng ta là những con người nhân loại mà Thiên Chúa có ý tạo dựng nên theo hình ảnh và giống như Ngài. Là những thọ tạo được phú ban cho phẩm giá bất khả xâm phạm, chúng ta có liên hệ đến hết tất cả anh chị em của chúng ta, là những người mà chúng ta có trách nhiệm và hành động cùng với họ trong tình liên đới. Thiếu đi mối quan hệ này, chúng ta sẽ ít nhân bản hơn. Do đó, chúng ta thấy sự thờ ơ là mối đe doạ với gia đình nhân loại như thế nào. Khi chúng ta đang tiến gần đến một năm mới, tôi muốn mời gọi mọi người hãy quan tâm đến thực tại này, để vượt thắng sự thờ ở và giành được nền hoà bình.

Các kiểu thờ ơ

3. Rõ ràng là, sự thờ ơ không phải là điều gì đó mới mẻ; mỗi giai đoạn lịch sử đều biết đến những người khép lòng họ lại trước những nhu cầu của người khác, những người nhắm mắt họ lại trước điều gì đang diễn ra quanh họ, những người ngoảnh mặt đi né tránh việc đối diện với những vấn đề của người khác. Nhưng trong thời đại chúng ta, sự thờ ơ đã không còn thuần tuý là một vấn đề cá nhân nữa và đã mặc lấy những chiều kích rộng hơn, tạo ra một “sự toàn cầu hoá” nhất định về sự thờ ơ.

Kiểu thờ ơ đầu tiên trong xã hội loài người là sự thờ ơ đối với Thiên Chúa, điều kế đến sẽ dẫn đến sự thờ ơ người thân cận của mình và với môi trường. Đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng của chủ nghĩa nhân bản giả tạo và chủ nghĩa vật chất thực dụng đồng minh với chủ thuyết tương đối và chủ thuyết hư vô. Chúng ta đã đến lúc phải nghĩ rằng chúng ta là nguồn và là người tạo nên chính bản thân chúng ta, cuộc sống của chúng ta và xã hội của chúng ta. Chúng ta cảm thấy tự đầy đủ, chuẩn bị không chỉ để tìm kiếm một sự thay thế Thiên Chúa mà còn sống hoàn toàn không có Ngài. Kết quả là, chúng ta cảm thấy mình không nợ gì ai nhưng chính bản thân mình, và chúng ta chỉ tuyên bố các quyền lợi.[4] Chống lại sự hiểu sai lầm này về con người, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhận thấy rằng cả chính con người và sự phát triển con người đều không thể, về phía mình, trả lời câu hỏi về ý nghĩa chung cuộc của chúng ta.[5] Cũng thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho thấy rằng “không có một nền nhân loại đúng đắn vốn mở ra cho Đấng Tuyệt Đối, và ý thức về ơn gọin mang lại ý nghĩa đúng đắn cho sự sống con người”.[6]

Sự thờ ơ trước người thân cận của chúng ta tự nó thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Một số người thì được trang bị thông tin đầy đủ; họ nghe đài phát thanh, đọc báo hay coi truyền hình, nhưng họ làm thế một cách máy móc mà chẳng có phần tham gia. Họ biết một cách mơ hồ về những thảm kịch đang tác động lên nhân loại, nhưng họ không có cảm thức có liên quan hay thương cảm. Cảm thức của họ là thái độ của những người biết, nhưng để cho cái nhìn của họ, tư tưởng và hành động của họ tập trung vào chính bản thân họ. Đáng buồn thay, cần phải nói rằng sự bùng nổ thông tin ngày nay tự bản thân nó không dẫn đến một sự gia tăng mối quan tâm đến các vấn đề của người khác, điều đòi hỏi sự cởi mở và một cảm thức về tình liên đới.[7] Thực ra, sự thoả mãn thông tin có thể làm lu mờ các cảm quan của con người và đến một mức độ nào đó làm suy giảm sức nặng của vấn đề. Có những người “chỉ đơn giản hài lòng với chính họ bằng cách trách cứ người nghèo và các nước nghèo về những vấn đề của họ; vui thú với những kiến thức phổ thông không có đảm bảo của họ; họ tuyên bố rằng giải pháp là ‘một nền giáo dục’ có thể làm cho họ được thanh bình, làm cho họ bị thuần thục và vô hại. Tất cả điều này thậm chí trở nên phiền toái hơn nữa đối với những người ngoại biên dưới ánh sáng của tình trạng tham nhũng tràn lan và bén rễ sâu có ở nhiều quốc gia – trong các chính phủ của họ, các doanh nghiệp và các tổ chức – bất cứ nơi nào mà ý thức hệ chính trị của các nhà lãnh đạo của họ tồn tại”.[8]

Trong những trường hợp khác, sự thờ ơ tự thể hiện chính nó trong sự thiếu quan tâm đến điều gì đang diễn ra quanh chúng ta, đặc biệt khi nó không trực tiếp đụng chạm đến chúng ta. Một số người thích không đặt những câu hỏi hoặc tìm kiếm câu trả lời; họ sống một cuộc sống an nhàn, giả điếc trước những tiếng kêu khóc của những người đau khổ. Hầu như một cách không chú ý, chúng ta lớn lên mà không có khả năng thương cảm với người khác và với các vấn đề của họ; chúng ta không yêu thích gì chuyện quan tâm đến họ, như thể vấn đề của họ là trách nhiệm của riêng họ, và chẳng liên quan gì đến chúng ta.[9] “Khi chúng ta khoẻ mạnh và an nhàn, chúng ta quên mất người khác (một điều mà Thiên Chúa là Cha không bao giờ thực hiện): chúng ta không quan tấm đến vấn đề của họ, những nỗi khổ của họ và những bất công mà họ chịu đựng... Tâm hồn chúng ta trở nên lạnh lùng. Chừng nào tôi còn tương đối khỏe và an nhàn, thì tôi không nghĩ về những người kém may mắn”.[10]

Vì chúng ta đang cư ngụ trong cùng một ngôi nhà chung, nên chúng ta không thể làm gì ngoài việc tự hỏi chính bản thân chúng ta về tình trạng sức khoẻ của ngôi nhà, khi tôi đã thực hiện trong Laudato Si’. Ô nhiễm nguồn nước và không khí, tình trạng khai thác rừng mù quáng và việc phá huỷ môi trường thiên nhiên thường là kết quả của sự thờ ơ của con người với con người, bởi vì mọi thứ đều có liên hệ qua lại. Do đó, cũng thế, có cách thế mà chúng ta đối xử với các loại động vật, điều có tác động lên cách mà chúng ta đối xử với con người [11], và các trường hợp mà chúng ta tự do thực hiện ở nơi khác điều mà chúng ta không bao giờ dám thực hiện tại nhà.[12]

Trong những hoành cảnh này hay hoàn cảnh khác, sự thờ ơ dẫn đến sự tự hấp thụ bản thân và thiếu cam kết. Do đó nó góp phần vào sự thiếu vắng sự bình an với Thiên Chúa, với người thân cận của chúng ta và với môi trường.

Nền hoà bình bị đe doạ bởi sự thờ ơ mang tính toàn cầu

4. Sự thờ ơ đối với Thiên Chúa vượt quá tinh cầu thuần tuý riêng tư của cá nhân và các tác động của tinh cầu công chúng và xã hội. Như Đức Benedict XVI đã chỉ ra, “sự làm vinh quang Thiên Chúa và hoà bình của con người trên trái đất có liên hệ gần gũi với nhau”.[13] Thực ra, “không có sự mở ra cho sự trổi vượt, thì con người dễ dàng trở thành mồi ngon cho chủ thuyết tương đối và thấy thật khó để hành động cách công bằng và hoạt động vì hoà bình.[14] Coi khinh và khước từ Thiên Chúa, điều vốn dẫn con người đến chỗ không nhận biết một quy ước nào cao hơn chính bản thân họ và chỉ bản thân họ mà thôi, đã tạo ra tình trạng tàn bạo và bạo lực không lời nào tả được.[15]

Cả trên cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng, sự thờ ơ với người thân cận của mình, được sinh ra từ sự thờ ơ với Thiên Chúa, tìm thấy sự diễn tả trong sự không yêu thích và một sự thiếu dự phần, điều vốn chỉ giúp kéo dài các tình hình của sự bất công và tình trạng bất quân bình xã hội nghiêm trọng. Những điều này do đó có thể dẫn đến các mâu thuẫn hoặc, trong bất kì biến cố nào, đều tạo ra một bầu khí bất mãn vốn sớm hay muộn có nguy cơ bùng phát thành những hành động bạo lực và bất an.

Sự thờ ơ và sự thiếu cam kết tạo nên một sự lãng quên bổn phận trầm trọng mà qua đó mỗi người chúng ta phải làm việc theo các khả năng của mình và vai trò của chúng ta trong xã hội cho sự cổ võ thiện ích chung, và cách riêng là hoà bình, điều vốn là một trong những tài sản quý giá nhất của nhân loại.[16]

Ở cấp độ tổ chức, sự thờ ơ với người khác và với phẩm giá của họ, các quyền căn bản của họ và sự tự do của họ, khi nó là một phần của nền văn hoá được hình thành bởi việc đeo đuổi lợi nhuận và chủ nghĩa khoái lạc, có thể nuôi dưỡng và thậm chí biện minh cho các hành động và các chính sách mà cuối cùng mang lại các mối đe doạ cho hoà bình. Sự thờ ơ có thể thậm chí dẫn đến việc biện minh cho các chính sách kinh tế đáng lên án mạnh mẽ vốn tạo nên sự bất công, chia rẽ, và bạo lực nhân danh việc đảm bảo sự thịnh vượng của các cá nhân hoặc các quốc gia. Rất thường xuyên, các dự án kinh tế và chính trị nhằm đảm bảo hoặc duy trì quyền lực và sự giàu có, ngay cả với cái giá chà đạp lên các quyền và nhu cầu căn bản của người khác. Khi người ta chứng kiến sự khước từ các quyền căn bản của họ, chẳng hạn như quyền có lương thực, nước, y tế hoặc công việc, thì họ bị cám dỗ phải đoạt được chúng bằng sức mạnh.[17]

Hơn thế nữa, sự thờ ơ với môi trường thiên nhiên, bằng việc cho phép việc phá rừng, thì các thảm hoạ ô nhiễm và thiên nhiên vốn bứng rễ toàn bộ các cộng đồng khỏi hệ sinh thái của chúng và tạo nên một sự bất ổn sâu xa, mang lấy kết cục tạo nên những hình thức nghèo mới và những hoàn cảnh bất công mới, thường với các hậu quả tàn khốc cho sự an ninh và hoà bình. Có bao nhiêu cuộc chiến đã diễn ra, và có bao nhiều cuộc chiến nữa sẽ tiếp tục diễn ra, chỉ vì một sự thiếu của cải hoặc vì một cơn khát chưa thoả đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên?[18]

Từ sự thờ ơ đối với lòng thương xót: sự hoán cải tâm hồn

5. Một năm trước đây, trong Sứ Điệp của tôi cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2015, với khẩu hiệu “Không Còn Nô Lệ Nữa, Nhưng là Anh Chị Em”, tôi đã gợi lên một biểu tượng kinh thánh đầu tiên về tình anh em nhân loại, biểu tượng Cain và Aben (x. St 4:1-16). Tôi có ý lôi kéo sự chú ý đến cách mà ngay từ đầu tình anh em này đã bị bội phản như thế nào. Cain và Aben là anh em. Cả hai đều xuất thân từ cùng một cung lòng, họ bình đẳng về phẩm giá và được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa; nhưng mối quan hệ của họ là anh em đã bị phá huỷ. “Không chỉ việc Cain không thể chịu nổi Aben; mà nó giết em mình vì ghen”.[19] Tội giết anh em là một hình thức của sự phản bội, và sự khước từ của Cain để nhìn nhận Aben là em của mình trở thành một sự đoạn tuyệt đầu tiên trong các mối quan hệ huynh đệ, tình liên đới và sự tôn trọng nhau trong gia đình.

Do đó Thiên Chúa can thiệp vào để nhắc nhớ con người về trách nhiệm của mình với anh em đồng loại, như Ngài cũng đã làm thế khi A-đam và Eva, cha mẹ đầu tiên của chúng ta, đã đoạt tuyệt mối quan hệ của họ với Ngài, Đấng Tạo Hoá của họ. “ĐỨC CHÚA phán với Ca-in: ‘A-ben em ngươi đâu rồi?’ Ca-in thưa: ‘Con không biết. Con là người giữ em con hay sao?’ ĐỨC CHÚA phán: ‘Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!’” (St 4:9-10).

Cain đã nói là nó không biết điều gì đã xảy ra với em nó, rằng nó không phải là người canh giữ em nó. Nó không cảm thấy có trách nhiệm về sự sống của em nó, số phận của em nó. Nó không cảm thấy có liên hệ. Nó đã thờ ơ với em nó, bất chấp cội nguồn chúng của họ. Thật đáng buồn! Thật là một câu chuyện đáng tiếc về anh em, gia đình, về con người! Đây là biểu hiện đầu tiên của sự thờ ơ giữa anh em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa không thờ ơ. Máu của Aben đã có một giá trị lớn lao trong đôi mắt của Ngài, và Ngài đã đòi Cain phải suy xét về điều đó. Ngay tại cội nguồn của nhân loại, Thiên Chúa đã cho thấy chính Ngài cũng có liên hệ đến số phận của con người. Sau đó, khi con cái của Israen trở thành nô lệ ở Ai Cập, một lần nữa Thiên Chúa can thiệp khi nói với ông Mô-sê: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3:7-8). Chúng ta cần lưu ý đến các động từ diễn tả sự can thiệp của Thiên Chúa: Ngài thấy, nghe, biết, xuống và giải thoát. Thiên Chúa không ở lại trong sự thờ ơ. Ngài chú ý và Ngài hành động.

Cùng một cách thế, ở nơi Chúa Giêsu Con Ngài, Thiên Chúa đã xuống ở giữa chúng ta. Ngài mặc lấy xác phàm và bày tỏ tình liên đới của Ngài với nhân loại trong tất cả mọi điều trừ tội lỗi. Chúa Giêsu đã đồng hoá với chúng ta: Ngài đã trở thành “trưởng tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8:29). Ngài không chỉ bằng lòng với việc dạy dỗ đám đông, mà Ngài còn quan tâm đến phúc lợi của họ, đặc biệt khi Ngài thấy họ đói (x. Mc 6:34-44) hoặc không có việc làm (x. Mt 20:3). Ngài đã quan tâm không chỉ đối với người nam nữ, mà còn đối với cả cá biển, chim trời, thảo mộc và cây cối, tất cả mọi thứ lớn nhỏ. Ngài thấy và ôm hết tất cả mọi tạo vật. Ngài đã thực hiện hơn là chỉ nhìn; Ngài chạm vào đời sống của con người, Ngài trò chuyện với họ, giúp họ và thể hiện sự tử tế với những người đang cần giúp đỡ. Không chỉ điều này, mà Ngài còn cảm thấy rung cảm mạnh mẽ và đã khóc (x. Ga 11:33-44). Và Ngài đã hành động để chấm dứt khổ đau, sầu khổ, thống khổ và sự chết.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy biết xót thương như Cha trên trời của chúng ta (x. Lc 6:36). Trong dụ ngôn về Người Samaritanô Nhân Hậu (x. Lc 10:29-37), Ngài lên án những người không giúp người khác đang cần sự trợ giúp, những người “đi ngang qua vệ đường bên kia” (x. Lc 10:31-32). Bằng trường hợp điển hình này, Ngài đã dạy những người nghe Ngài, và các môn đệ của Ngài cách riêng, hãy dừng lại và giúp giảm bớt khổ đau của thế giới này và nỗi đau của anh chị em chúng ta, sử dụng bất cứ phương tiện nào sẵn có, bắt đầu từ thời đại của chúng ta, bất luận là chúng ta bận rộn cỡ nào. Sự thờ ơ thường tìm kiếm những lời biện minh: tuân thủ những quy tắc mang tính lễ nghi, tìm kiếm tất cả mọi thứ cần thiết phải được thực hiện, ẩn núp phía sau những công kích và định kiến vốn làm cho chúng ta xa cách.

Lòng thương xót là trái tim của Thiên Chúa. Lòng thương xót phải là trái tim của các thành viên của một đại gia đình của các con cái Ngài: một trái tim đập mạnh hơn nữa bất cứ nơi nào phẩm giá con người – như là một sự phản chiếu diện mạo của Thiên Chúa trong các tạo vật của Ngài – được thể hiện. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng yêu thương người khác – người xa lạ, người đau yếu, người tù đày, người vô gia cư, thậm chí là kẻ thù của chúng ta – là thước đo mà qua đó Thiên Chúa sẽ xét xử hành động của chúng ta. Định mệnh vĩnh cửu của chúng ta tuỳ thuộc vào điều này. Thật là không ngạc nhiên khi Tông Đồ Phaolô nói với các Kitô Hữu Rôma hãy biết vui với người vui và khóc với người khóc (x. Rm 12:15), hoặc việc Ngài khích lệ những người Cô-rin-tô hãy quyên góp như là một dấu chỉ của tình liên đới với các thành viên khổ đau của Giáo Hội (x. 1 Cr 16:2-3). Và Thánh Gioan viết: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17; x. Gc 2:15-16).

Do đó, đây là lý do vì sao “thật hoàn toàn thiết yếu đối với Giáo Hội và đối với sự đáng tin cậy của thông điệp của Giáo Hội mà chính bản thân Giáo Hội sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và các cử chỉ của Giáo Hội phải thông truyền lòng thương xót, để có thể chạm vào tâm hồn của tất cả mọi người và thôi thúc họ một lần nữa hãy tìm kiếm con đường dẫn đến với Chúa Cha. Chân lý đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Đức Kitô. Giáo Hội biến chính mình thành một tôi tớ của tình yêu này và làm trung gian cho tình yêu này đến với tất cả mọi người: một tình yêu tha thứ và thể hiện chính nó trong quà tặng là bản thân. Do đó, bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, thì lòng thương xót của Chúa Cha phải thể hiện. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, các tổ chức và các phong trào, tắt một lời, bất cứ nơi nào có người Kitô Hữu, thì mọi người phải thấy được một ốc đảo của lòng thương xót”.[20]

Do đó, chúng ta cũng được mời gọi để làm cho lòng thương cảm, tình yêu, lòng thương xót và tình liên đới thành một cách sống thực sự, một quy tắc hành xử trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta với người khác.[21] Điều này đòi hỏi một sự hoán cải tâm hồn chúng ta: ân sủng của Thiên Chúa phải biến đổi con tim sỏi đá của chúng ta thành những con tim bằng thịt (x. Ed 36:26), mở ra với người khác trong tình liên đới đúng đắn. Vì tình liên đới thì còn hơn là một “cảm giác về lòng thương cảm mơ hồ hay sự đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của quá nhiều người, cả ở gần lẫn ở xa”.[22] Tình liên đới là một “sự quyết tâm vững vàng và bền bỉ để dấn thân bản thân cho thiện ích chung; điều đó có thể nói là cho thiện ích chung của tất cả mọi người và từng cá nhân, vì chúng ta tất cả đều thực sự có trách nhiệm với tất cả mọi người”,[23] vì lòng thương cảm thì chảy tràn từ tình huynh đệ.

Hiểu theo cách này, tình liên đới là biểu trưng cho một thái độ đạo đức và xã hội đáp trả tốt nhất cho những tai hoạ của thời đại chúng ta, và cho sự lệ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hoá, giữa đời sống của các cá nhân và cộng đồng và của những người nam nữ khác trên toàn thế giới.[24]

Xây dựng một nền văn hoá liên đới và thương xót để vượt thắng sự thờ ơ

6. Tình liên đới, như một nhân đức và một thái độ xã hội được sinh ra từ sự hoán cải cá nhân, kêu gọi sự dấn thân về phía những người chịu trách nhiệm giáo dục và đào tạo.

Trước hết tôi nghĩ đến các gia đình, vốn được mời gọi cho sứ mạng giáo dục chính yếu và thiết yếu. Các gia đình là nơi đầu tiên mà các giá trị tình yêu và huynh đệ, sự cùng nhau và chia sẻ, sự quan tâm và chăm sóc dành cho người khác được sống và chuyển giao. Các gia đình xã hội thu nhỏ đặc biệt cho việc thông truyền niềm tin, bắt đầu bằng những cử chỉ đơn giản ban đầu của sự thờ phượng mà những người mẹ dạy cho con mình.[25]

Các giáo viên, những người có một nhiệm vụ đầy thách đố của việc đào tạo trẻ em và tuổi trẻ ở các trường học hoặc các hoàn cảnh khác, phải ý thức rằng trách nhiệm của họ cũng mở ra trước những khía cạnh đạo đức, thiêng liêng và xã hội của cuộc sống. Các giá trị tự do, tôn trọng lẫn nhau và tình liên đới có thể được chuyển giao từ một thế hệ dịu dàng. Khi nói với các nhà đào tạo, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhấn mạnh rằng: “Mọi hoàn cảnh đào tạo có thể là một nơi của sự mở ra cho sự ưu việt và cho những người khác; một nơi của đối thoại, sự gắn kết và sự chú ý lắng nghe, nơi mà người trẻ cảm thấy được tôn trọng về các khả năng và sự phong phú nội tâm của họ, và có thể học cách tôn trọng anh chị em của mình. Nhiều người trẻ được dạy để nếm trải niềm vui đến từ việc thực thi bác ái hằng ngày và lòng thương cảm dành cho người khác và từ việc thực hiện một hành vi chủ động trong việc xây dựng một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn”.[26]

Các nhà truyền thông cũng có một trách nhiệm giáo dục và đào tạo, đặc biệt ngày nay, khi các phương tiện thông tin và truyền thông quá rộng rãi. Nhiệm vụ của họ trước hết và trên hết là phục vụ cho sự thật, chứ không cho một lợi ích đặc biệt nào. Vì truyền thông “không chỉ là thông tin mà còn hình thành nên tư tưởng của những người khán thính giả của họ, và vì thế họ có thể đóng góp một phần quan trọng cho việc giáo dục người trẻ. Thật là quan trọng để đừng bao giờ quên rằng sự kết nối giữa việc giáo dục và truyền thông là cực kỳ gần gũi: giáo dục diễn ra ngang qua truyền thông, vốn ảnh hưởng, tốt hơn hay tồi tệ hơn, đến việc đào luyện một người”.[27]

Các nhà truyền thông cũng cần phải bình an với cách thế mà trong đó thông tin có được và đưa ra công chúng phải luôn luôn là chấp nhận được cách hợp pháp và hợp đạo đức.

Hoà bình: hoa trái của nền văn hoá liên đới, lòng thương xót và thương cảm

7. Trong khi ý thức về mối nguy do bởi tình trạng toàn cầu hoá sự thờ ơ mang lại, chúng ta phải luôn nhận biết rằng, trong toàn cảnh tôi mới nói đến, cũng có nhiều sáng kiến tích cực vốn làm chứng cho lòng thương cảm, lòng thương xót và tình liên đới mà chúng ta có thể thực thi.

Ở đây tôi muốn đưa ra một vài điển hình về sự dấn thân đáng khen ngợi, điều cho thất cách tất cả chúng ta có thể vượt thắng sự thờ ơ bằng việc chọn không nhắm mắt chúng ta lại trước người thân cận của chúng ta. Những điều này là biểu trưng của những việc thực hành tốt trên con đường tiến tới một xã hội nhân bản hơn.

Có nhiều tổ chức phi chính phủ và từ thiện, cả bên trong và bên ngoài Giáo Hội, mà các thành viên của chúng, giữa những tai ương, thảm hoạ và mâu thuẫn vũ trang, vẫn có những khó khăn và nguy hiểm khủng khiếp trong việc chăm sóc người bị thương và bệnh tật, trong việc chôn cất người chết. Tôi cũng muốn đề cập đến những cá nhân và tổ chức đã trợ giúp những người di dân vượt qua sa mạc và biển cả để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những nỗ lực này là công việc mang tính thiêng liêng và thể lý về lòng thương xót mà qua đó chúng ta sẽ bị phán xét vào cuối đời của chúng ta.

Tôi cũng nghĩ về các ký giả và những nhiếp ảnh gia là những người hình thành nên ý kiến về những hoàn cảnh khó khăn vốn khuấy động lương tâm của chúng ta, và tất cả những người đã tận hiến để bảo vệ các quyền con người, đặc biệt là quyền của các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo bé nhỏ, những dân tộc bản địa, phụ nữ và trẻ em, và những người bị tổn thương nhất trong số những anh chị em của chúng ta. Trong số họ cũng có nhiều linh mục và các nhà truyền giáo là những người, trong tư cách là những mục tử tốt lành, vẫn ở bên cạnh đoàn chiên của họ và hỗ trợ họ, bất chấp hiểm nguy và gian khó, đặc biệt trong những mâu thuẫn vũ trang.

Biết bao gia đình, giữa những khó khăn về việc làm và xã hội, thực hiện những hy sinh lớn lao để mang lại cho con cái của họ một nền giáo dục của “nền văn hoá gặp gỡ” về các giá trị liên đới, thương cảm và huynh đệ! Biết bao nhiêu gia đình mở tâm hồn họ và gia đình họ ra cho những người đang cần giúp đỡ, như là những người tị nạn và di dân! Tôi muốn cám ơn một cách đặc biệt tất cả mọi cá nhân, gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu trì, tu viện và đền thờ là những người đã sẵn lòng đáp trả lại lời mời gọi của tôi để đón tiếp một gia đình tỵ nạn.[28]

Sau cùng, tôi muốn đề cập đến những người trẻ đang tham gia cùng chúng ta trong việc thực hiện các công việc của tình liên đới, và tất cả những người đã đại lượng trợ giúp người thân cận đang cần sự trợ giúp ở các thành phố và quốc gia của họ cũng như ở nơi khác trên thế giới. Tôi cám ơn và khích lệ mọi người tham gia vào những nỗ lực này, vốn thường không được chú ý đến. Cơn đói và khát chân lý của họ sẽ được thoả mãn, lòng thương xót của họ sẽ dẫn họ đến việc tìm kiếm lòng thương xót và, như những người kiến tạo hoà bình, họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa (x. Mt 5:6-9).

Hoà bình theo dấu chỉ của Năm Thánh Thương Xót

8. Trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, tất cả chúng ta đều được mời gọi để nhận ra sự thờ ơ có thể tự thể hiện chính nó thế nào trong đời sống của chúng ta và hành động cách cụ thể để cải thiện thế giới quanh chúng ta, bắt đầu từ gia đình của chúng ta, nơi sinh sống và nơi làm việc của chúng ta.

Xã hội dân sự cũng được mời gọi để thực hiện những cử chỉ cụ thể và can đảm của sự quan tâm đến những thành viên đang chịu tổn thương nhiều nhất của họ, như các tù nhân, những người di dân, người thất nghiệp và những người khuyết tật.

Với việc đề cập đến các tù nhân, dường như là trong nhiều trường hợp các biện pháp thực tế đang thực sự khẩn thiết cần để cải tiến tình trạng sống của họ, với sự quan tâm cụ thể đến những người đang bị tạm giam trong khi đợi chờ xét xử.[29] Cần phải nhớ rằng những chế tài hình sự có mục đích tái hợp cộng đồng, trong khi luật của nhà nước cần phải suy xét đến tính khả thi của việc tạo ra những hình thức phạt khác thay vì bỏ tù. Trong ngữ cảnh này, tôi muốn một lần nữa kêu gọi các nhà cầm quyền chính phủ bãi bỏ án tử hình nơi mà nó vẫn có sức mạnh áp dụng, và xem xét đến khả năng ân xá.

Với sự đề cập đến người di dân, tôi muốn kêu gọi pháp lý về di dân cần phải được coi lại, vì thế, trong khi tôn trọng các quyền và trách nhiệm hỗ tương, thì luật này cần phản chiếu một sự sẵn sàng để đón tiếp những người di dân và tạo điều kiện cho sự hoà nhập. Một mối quan tâm đặc biệt cần phải thực hiện trước các điều kiện cho sự định cư hợp pháp, bởi vì việc phải sống chui nhủi có thể dẫn đến hành vi phạm pháp.

Trong Năm Thánh này, tôi cũng muốn kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia có những nghĩa cử cụ thể trong việc nhìn đến anh chị em của chúng ta là những người đang đau khổ vì thiếu việc làm, đất đai và nhà ở. Tôi nghĩ đến việc tạo nên những công việc có phẩm giá để chống lại thảm hoạ xã hội về sự thất nghiệp, vốn đang ảnh hưởng đến nhiều gia đình và người trẻ, với những tác động nghiêm trọng đến toàn thể xã hội. Nạn thất nghiệp tạo nên tác động nặng nề đến cảm thức về phẩm giá và hy vọng của người dân, và chỉ có thể được đền bù cách nửa vời bởi các phúc lợi xã hội, tuy nhiên những điều này là cần thiết, để mang lại cho người thất nghiệp và gia đình của họ. Cần có một sự chú tâm đặc biệt đến người phụ nữ - những người một cách bất hạnh vẫn đang đối diện với nạn phân biệt đối xử trong nơi làm việc – và đối với một số nhóm người làm việc mà điều điện của họ là cần sự cẩn trọng hoặc nguy hiểm, và đồng lương của họ thì không tương xứng với tầm quan trọng về sứ mạng xã hội của họ.

Sau cùng, tôi thể hiện niềm hy vọng rằng những bước hiệu quả cụ thể sẽ được thực hiện để cải thiện điều kiện sống của các bệnh nhân bằng việc đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được điều trị y khoa và dược phẩm cần thiết cho sự sống, cũng như là khả năng được chăm sóc tại gia.

Nhìn ra khỏi các biên giới của riêng chúng ta, các nhà lãnh đạo quốc gia cũng được mời gọi để canh tân lại các mối quan hệ của họ với những dân tộc khác và làm cho sự dự phần thực sự của họ và sự bao gồm trong đời sống cộng đồng quốc tế nên có thể, để cũng đảm bảo tình huynh đệ trong gia đình của các quốc gia nữa.

Với điều này trong tư tưởng, tôi muốn đưa ra một lời kêu gọi chấp ba trước các nhà lãnh đạo các quốc gia: rút khỏi việc cuốn hút các dân tộc vào trong các cuộc mâu thuẫn hay chiến tranh đang huỷ diệt không chỉ di sản vật chất, văn hoá và xã hội của họ, mà còn – trong dài hạn – sự nhất quán về đạo đức và thiêng liêng của họ; bỏ qua hay quản lý cách bền vững khoản nợ vay quốc tế của các quốc gia nghèo hơn; và áp dụng các chính sách hợp tác mà, thay vì cúi xuống trước sự thống trị của các ý thức hệ nhất định, thì sẽ tôn trọng các giá trị của cư dân bản địa và, trong bất kì trường hợp nào, không làm hại đến quyền căn bản và bất khả xâm phạm sự sống của thai nhi.

Tôi tín thác những suy tư này, cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho Năm Mới, cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, Mẹ chúng ta, Đấng quan tâm đến các nhu cầu của gia đình nhân loại chúng ta, để Mẹ sẽ giành được từ Con Mẹ là Chúa Giêsu, Thái Tử Hoà Bình, sự ban ơn cho những lời cầu nguyện của chúng ta và phúc lành cho những nỗ lực sống hằng ngày của chúng ta cho một thế giới huynh đệ và hiệp nhất.

Làm từ Vatican, 08/12/2015 

Lễ Trọng Thể Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm

Khai Mạc Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ)


[1] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1.

[2] x. nt., 3.

[3] Tông Sắc Misericordiae Vultus ấn định Năm Thánh Lòng Thương Xót, 14-15.

[4] x. BENEDICT XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, 43.

[5] x. nt., 16.

[6] Thông điệp Populorum Progressio, 42.

[7] “Xã hội càng ngày càng đi đến toàn cầu hóa giúp chúng ta gần gũi nhau, nhưng chưa làm cho chúng ta thành anh em với nhau. Lý trí ở tự nó có thể hiểu sự bình đẳng giữa con người và thiết lập một đời sống dân sự ổn định, nhưng không thể tạo được tình huynh đệ” (BENEDICT XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, 19).

[8] Tông huấn Evangelii Gaudium, 60.

[9] x. nt., 54.

[10] Sứ điệp mùa Chay 2015.

[11] x. Thông điệp Laudato Si’, 92.

[12] x. nt., 51.

[13] Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, 7 January 2013.

[14] nt.

[15] x. BENEDICT XVI, Intervention during the Day of Reflection, Dialogue and Prayer for Peace and Justice in the World, Assisi, 27 October 2011.

[16] x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 217-237.

[17] “Bao lâu tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội còn chưa được đảo ngược, thì không thể nào xoá bỏ bạo lực. Người nghèo và các dân tộc nghèo bị tố cáo sử dụng bạo lực, nhưng nếu không có các cơ hội bình đẳng thì các hình thức gây hấn và xung đột khác nhau sẽ tìm được mảnh đất mầu mỡ để phát triển và bùng nổ. Khi một xã hội địa phương, quốc gia, hay thế giớimuốn gạt ra bên lề một thành phần của mình, thì không một chương trình hay nguồn lực chính trị nào dành cho việc thực thi pháp luật hay các hệ thống giám sát có thể bảo đảm vĩnh viễn sự an bình. Không chỉ đơn giản vì sự bất bình đẳng khơi dậy một phản ứng bạo lực từ những người bị loại trừ khỏi hệ thống, nhưng là vì hệ thống kinh tế - xã hội là bất công tận gốc. Cũng như sự tốt lành có xu hướng lan toả, việc dung túng sự ác, nghĩa là bất công, có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng độc hại của nó và âm thầm huỷ hoại mọi hệ thống chính trị và xã hội, bất kể hệ thống ấy có vẻ vững chắc đến đâu” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 59),

[18] x. Thông điệp Laudato Si’, 31 và 48.

[19] Sứ điệp Ngày Quốc tế Hòa bình 2015, 2.

[20] Tông sắc Misericordiae Vultus ấn định Năm Thánh Lòng Thương Xót, 12.

[21] x. nt., 13.

[22] JOHN PAUL II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38.

[23] nt.

[24] x. nt.

[25] x. Triều yết chung 7 January 2015.

[26] Sứ điệp Ngày Quốc tế Hòa bình 2012, 2.

[27] nt.

[28] x. Kinh Truyền tin 6 September 2015.

[29] x. Address to Delegates of the International Association of Penal Law, 23 October 2014.

 

 


Văn Kiện Giáo Hội