Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ 50, mồng 01 tháng 01 năm 2017

Phi bạo lực: Phong cách của một nền chính trị vì hòa bình

1.Nhân dịp đầu năm mới này, tôi xin gửi đến tất cả mọi dân tộc và mọi quốc gia trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo các quốc gia và những vị đứng đầu các chính phủ, cũng như những vị mang trách nhiệm của các cộng đồng tôn giáo và các nhóm xã hội dân sự khác nhau, lời cầu chúc được cảm nhận một cách sâu xa của tôi cho hòa bình. Tôi xin cầu chúc niềm bình an cho bất cứ người nam hay người nữ nào, kể cả các em nhỏ, và tôi cầu xin để hình ảnh và sự giống Thiên Chúa trong mỗi con người cho phép chúng ta nhìn nhận nhau như là những hồng ân thánh thiêng, mà những hồng ân ấy được bài trí với một phẩm giá vô hạn định. Chúng ta hãy kính trọng „phẩm giá có nền tảng thẳm sâu nhất[1] ấy, đặc biệt là trong những hoàn cảnh xung đột, và chúng ta hãy biến sự phi bạo lực có tính chủ động thành phong cách sống của chúng ta.

Đó là Sứ Điệp nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ 50. Trong Sứ Điệp đầu tiên của những Sứ Điệp này, Chân Phúc Giáo Hoàng Phao-lô VI đã hướng về tất cả mọi dân tộc – không chỉ riêng người Công giáo – với những lời hết sức rõ ràng sau đây: „Cuối cùng thì vấn đề cũng được nhấn mạnh một cách hoàn toàn rõ ràng rằng, hòa bình chính là con đường thực thụ duy nhất của sự tiến bộ nhân loại (chứ không phải là những tập chú vào chủ nghĩa quốc gia đầy tham vọng, cũng không phải là những cuộc xâm lược đầy bạo lực, và càng không phải là những áp bức mà chúng đưa đến một trật tự dân sự sai quấy)“. Ngài đã cảnh báo trước „nguy cơ tin rằng, những cuộc tranh tụng quốc tế không thể được giải quyết dựa vào những cuộc đàm phán mà chúng được đặt nền tảng trên con đường lương tri, lẽ phải, công lý và sự bình đẳng, nhưng chỉ dựa trên con đường đe dọa và bạo lực chết chóc“. Trái lại, với một trích dẫn từ Thông Điệp Pacem in terris của Đức Gio-an XXIII, vị tiền nhiệm của mình, Đức Phao-lô VI đã ca ngợi „ý nghĩa và sự hăng hái đối với nền hòa bình được đặt nền móng trên sự thật, công lý, tự do và Đức Ái[2]. Tính thời sự của những lời vừa nêu mà trong thời đại hôm nay chúng vẫn không ít quan trọng và cấp bách hơn 50 năm về trước, thật ấn tượng.

Từ lý do đó, tôi muốn để cập một cách chi tiết hơn tới sự phi bạo lực như là một phong cách của một nền chính trị vì hòa bình, và cầu xin Thiên Chúa giúp tất cả chúng ta quay lại với sự phi bạo lực trong chiều sâu của cảm nghĩ chúng ta, cũng như trong những giá trị nhân bản. Ước gì cách thức chúng ta đối xử với nhau trong các mối tương quan giữa con người với con người, trong các mối tương quan xã hội và quốc tế, sẽ được dẫn dắt bởi Đức Ái và sự phi bạo lực. Nếu các nạn nhân của bạo lực biết cách chống lại cơn cám dỗ muốn báo thù, thì họ sẽ có thể trở thành những người lãnh đạo đáng tin cậy nhất trong tiến trình kiến tạo hòa bình một cách phi bạo lực. Ước chi sự phi bạo lực trên cả bình diện cuộc sống hằng ngày lẫn trên bình diện trật tự quốc tế, sẽ trở thành phong cách đặc thù của những quyết định, của những mối tương quan và của những hành động nơi chúng ta, cũng như của một nền chính trị trong tất cả mọi hình thức của nó.

Một thế giới vỡ vụn

2.Thế kỷ vừa qua đã bị tàn phá bởi hai trận thế chiến khủng khiếp, và đã phải trải qua mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân cũng như một con số lớn những cuộc xung độ khắp nơi, và tiếc rằng, lúc này đây chúng ta đang có việc phải làm với một cuộc thế chiến kinh khủng „theo từng phần“. Không hề dễ dàng nhận ra chuyện, liệu thế giời ngày nay đang có nhiều bạo lực hơn hay ít bạo lực hơn thế giới hôm qua, và liệu những phương tiện truyền thông hiện đại hay mạng di động như là điểm đặc trưng của thời đại chúng ta, có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực hay không, hay liệu có phải là chúng làm cho chúng ta trở nên ngày càng quen dần với bạo lực không.

Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì bạo lực mà nó được thực hiện „theo từng phần“, trong những cách thức khác nhau và ở nhiều bình diện khác nhau, chính là nguyên cớ dẫn tới không biết bao nhiêu là những nỗi khổ đau mà chúng ta biết rất rõ về chúng: chiến tranh tại những quốc gia và những châu lục khác nhau; chủ nghĩa khủng bố, sự kỳ thị và những cuộc xâm lược vũ trang không được thấy trước; những hình thức lạm dụng mà những người di cư và những nạn nhân của nạn buôn người bị liên lụy tới; sự hủy hoại môi trường. Và vì đâu mà tất cả những điều đó xảy ra? Phải chăng bạo lực cho phép đạt tới được những mục tiêu của những giá trị lâu bền? Phải chăng không phải tất cả những gì bạo lực giành được đều có thể được chuộc lại, hay rốt cuộc chỉ gây ra những hành động trả thù và những vòng xoắn xung đột mà chúng đem lại lợi thế cho một số ít những „tay chủ chiến“?

Bạo lực không phải là pháp đồ điều trị có khả năng chữa lành đối với thế giới bị vỡ vụn của chúng ta. Việc phản ứng lại bạo lực bằng bạo lực sẽ là cách thức tốt nhất để dẫn tới những cuộc di cư cưỡng bức và những nỗi khổ đau khủng khiếp, vì những khối lượng tài nguyên to lớn sẽ bị xác định cho mục tiêu quân sự, và những nhu cầu hằng ngày của giới trẻ, của các gia đình trong cơn cùng quẫn, của những cụ già, của các bệnh nhân, và của đa số cư dân trên mặt đất sẽ bị cướp mất. Trong trường hợp xấu nhất, bạo lực sẽ có thể dẫn tới cái chết cả về thể lý lẫn tâm lý của nhiều người, nếu không muốn nói là của tất cả.

Tin Mừng

3.Ngay cả Chúa Giê-su cũng đã từng sống trong thời đại đầy bạo lực. Ngài dậy rằng, chiến trường thực thụ mà tại đó bạo lực và hòa bình gặp gỡ nhau, chính là con tim nhân loại. „Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu“ (Mc 7,21). Nhưng khi tận mắt chứng kiến thực tế này, Tin Mừng của Chúa Ki-tô đã giới thiệu một câu trả lời hoàn toàn tích cực: Ngài công bố Tình Yêu không biết mệt mỏi và vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón nhận và tha thứ. Và Chúa Giê-su đã dậy cho các môn đệ của Ngài yêu thương cả kẻ thù (xc. Mt 5,44), và „nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa“ (Mt 5,39). Khi Ngài ngăn cản những công tố viên muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình (xc. Ga 8,1-11), và khi trong đêm trước cuộc khổ hình của mình, Ngài đã yêu cầu Phê-rô phải xỏ gươm vào vỏ (xc. Mt 26,52), Chúa Giê-su đã vạch ra con đường phi bạo lực mà Ngài đã đi cho đến cùng – cho tới Thập Giá, mà nhờ đó, Ngài đã hiện thực hóa hòa bình cũng như đã giết chết thái độ thù địch (xc. Eph 2,14-16). Ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giê-su, thì người ấy sẽ biết cách để nhận ra bạo lực mà người ấy đang mang trong mình, và để cho mình được chữa lành bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Và như thế, bản thân người ấy sẽ trở thành một khí cụ của sự hòa giải, tương ứng với lời hiệu triệu của Thánh Phan-xi-cô Assisi: „Khi anh em công bố hòa bình bằng môi miệng, thì anh em phải bảo đảm làm sao để anh em có được niềm bình an trong tâm hồn mình nhiều hơn nữa![3]

Đối với thời đại hôm nay, trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giê-su cũng có nghĩa là nghe theo lời đề nghị phi bạo lực của Ngài. Chúa Giê-su chính là Đấng, như Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, vị tiền nhiệm của tôi, nói: „vô cùng thực tế, vì trong thực tế, Ngài luôn quan tâm tới chuyện là, trong thế giới đang có rất nhiều bạo lực, đang có rất nhiều bất công; người ta chỉ có thể vượt thắng một tình trạng như thế nếu như nó bị chống lại với một số đông nơi Đức Ái, với một số đông nơi sự thiện. Số ´Đông` này đến từ Thiên Chúa[4]. Và với một giọng mạnh mẽ, Ngài đã bổ sung thêm rằng: „Việc phi bạo lực đối với các Ki-tô hữu không thể hiện một thái độ thuần mưu lược, nhưng là thể hiện nét đặc trưng của con người, cũng như thể hiện thái độ của người rất được thuyết phục bởi Tình Yêu Thiên Chúa và bởi quyền năng phát xuất từ Tình Yêu ấy, đến độ người ấy không sợ hãi trước việc chống lại sự ác chỉ bằng vũ khí Tình Yêu và chân lý. Việc yêu thương kẻ thù hình thành nên cốt lõi của ´cuộc cách mạng Ki-tô giáo`[5]. Thật là hữu lý khi Tin Mừng về việc yêu thương kẻ thù (xc. Lc 6,27) „được quan sát như là đại hiến chương về phi bạo lực Ki-tô giáo; nó không hệ tại ở chỗ hàng phục trước sự dữ […] nhưng hệ tại ở chỗ trao cho sự ác câu trả lời bằng sự thiện (xc. Rom 12,17-21), để phá hủy những sợi xích bất công[6].

Mạnh hơn bạo lực

4.Đôi khi việc phi bạo lực được hiểu trong ý nghĩa của sự thua cuộc, phi dấn thân và thụ động, nhưng trong thực tế lại không phải là vậy. Vào năm 1979 khi Mẹ Tê-rê-sa lãnh nhận giải Nobel Hòa Bình, Mẹ đã giải thích một cách hoàn toàn rõ ràng sứ điệp của Mẹ về một sự phi bạo lực có tính chủ động như sau: „Trong gia đình mình, chúng ta không cần phải có bom đạn hay vũ khí, và chúng ta chẳng cần hủy hoại để mang tới hòa bình, nhưng chúng ta chỉ cần ở cùng nhau và yêu thương nhau […] Và như thế chúng ta sẽ có thể thắng vượt tất cả mọi sự ác mà chúng đang có trên thế giới.[7] Vì sức mạnh của vũ khí là sự dối trá. „Trong khi những kẻ buôn bán vũ khí thực hiện công việc của mình, thì cũng đang có rất nhiều những người kiến tạo hòa bình, họ trao hiến cuộc sống của họ chỉ để giúp đỡ hết người này đến người kia.“ Đối với những người kiến tạo hòa bình ấy, Mẹ Tê-rê-sa chính là „một biểu tượng, một mẫu gương của thời đại chúng ta[8]. Trong tháng 09 vừa qua, tôi đã rất vui mừng trước việc tôn phong Hiển Thánh cho Mẹ. Tôi đã ca ngợi sự sẵn sàng trao hiến của Mẹ, vì „thông qua việc đón nhận và bảo vệ mạng sống con người – mạng sống của cả những thai nhi chưa được sinh ra, của những người bị bỏ rơi, lẫn của những người bị đẩy ra bên lề xã hội –„ Mẹ đã hiện diện ở đó cho tất cả. „Mẹ cúi xuống trước những người kiệt sức, mà người ta để họ hấp hối bên những vệ đường, vì Mẹ nhận ra phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ cất cao giọng nói của họ trước những kẻ nắm giữ quyền lực trên thế giới, để những kẻ ấy nên nhận ra lầm lỗi và khiếm khuyết của mình khi tận mắt chứng kiến những tội ác – khi tận mắt chứng kiến những tội ác! – và sự ngèo túng mà chính họ đã gây nên.“[9] Phản ứng của Mẹ - và vì thế Mẹ bênh vực hàng ngàn, hàng triệu người – chính là sự dấn thân để đi đến với các nạn nhân một cách quảng đại và đầy hy sinh, để đụng chạm tới và băng bó cho bất cứ thân thể nào đang bị gây tổn thương, và chữa lành bất cứ cuộc sống nào bị dập vỡ.

Sự phi bạo lực được thực hành một cách cương quyết và nhất quán đã đem đến những kết quả đầy ấn tượng. Những thành công đã đạt được bởi Mahatma Gandhi và Khan Abdul trong công cuộc giải phóng Ấn-độ cũng như những kết quả của Martin Luther King trong công cuộc chống lại sự phân biệt chủng tộc, vẫn không bị lãng quên. Đặc biệt nhất là những phụ nữ, họ thường là những nữ tiên phong của sự phi bạo lực, chẳng hạn như bà Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Liberia đã tổ chức những buổi gặp gỡ cầu nguyện và những cuộc tuần hành bất bạo động (pray-ins), và đã đạt được rất nhiều những cuộc đàm phán trên bình diện cao nhằm kết thúc cuộc nội chiến thứ hai tại Liberia.

Chúng ta cũng không được phép quên thập niên có ý nghĩa lịch sử mà nó đã kết thúc với sự sụp đổ của chính thể cộng sản tại Âu Châu. Các cộng đoàn Ki-tô giáo đã dấn thân cho việc đó thông qua việc cầu nguyện liên lỷ và những hành động can đảm của mình. Sứ vụ và huấn quyền của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã có một tầm ảnh hưởng đặc biệt. Qua những suy tư của Ngài về những biến cố năm 1989 trong Thông Điệp Centesimus annus (1991), vị Tiền Nhiệm của tôi đã nhấn mạnh rằng, một sự thay đổi căn bản mang tính lịch sử trong đời sống các dân tộc, các quốc gia và các chính phủ „đã được đạt tới nhờ vào chiến dịch bất bạo động, mà chiến dịch ấy chỉ được vận dụng bởi những vũ khí của sự tự do và công lý[10]. Con đường của một giai đoạn chuyển tiếp về chính trị để đi tới hòa bình ấy cũng được tạo điều kiện bởi „sự tham gia bất bạo động của những con người […], mà họ đã không ngừng cự tuyệt nhằm tránh xa sức mạnh của bạo lực, và từng bước biết cách tìm ra những phương tiện hữu hiệu để làm chứng cho chân lý.“ Và rồi Đức Gio-an Phao-lô II đi tới kết luận rằng: „Ước chi nhân loại sẽ học để chiến đấu một cách bất bạo động cho công lý, khước từ cuộc đấu tranh giai cấp trong những cuộc nội chiến, cũng như khước từ chiến tranh trong những cuộc xung đột quốc tế.[11]

Giáo hội đã dấn thân cho sự hiện thực hóa những chiến dịch phi bạo lực nhằm thúc đẩy hòa bình tại nhiều quốc gia, và thậm chí đã đòi hỏi những đấu thủ bạo lực nhất phải có những nỗ lực trong việc kiến tạo một nền hòa bình đích thực và lâu bền.

Sự dấn thân ấy cho những nạn nhân của sự bất công và bạo lực chắc chắn không phải là một giá trị duy nhất của Giáo hội Công giáo, nhưng nó còn là tài sản chung của rất nhiều truyền thống tôn giáo khác, mà đối với những truyền thống ấy, „sự cảm thông và bất bạo động chính là những điều có tính căn bản và chỉ ra con đường sự sống[12]. Với giọng cương quyết, tôi xin nhấn mạnh rằng: „Không có bất cứ tôn giáo nào là khủng bố.[13] Bạo lực chính là một sự xúc phạm Thánh Danh Thiên Chúa[14]. Chúng ta đừng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc lập đi lập lại rằng, „Thánh Danh Thiên Chúa không bao giờ biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình mới là điều thiêng thánh. Chỉ có hòa bình mới thánh thiêng chứ không phải chiến tranh![15]

Bầu khí gia đình như là gốc rễ đối với một nền chính trị phi bạo lực

5.Nếu gốc rễ mà bạo lực phát sinh từ đó lại là cõi lòng con người, thì chắc chắn, nội hạt gia đình chính là nơi đầu tiên và có tính căn bản để đi trên còn đường phi bạo lực. Đó là một thành tố của Niềm Vui Tình Yêu mà vào hồi tháng 03 vừa qua tôi đã trình bày trong Tông Huấn Amoris laetitia để đúc kết những suy tư kéo dài trong hai năm của Giáo hội về đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình chính là lò đúc không thể thiếu mà nhờ đó, đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái và những người anh chị em sẽ học để thống nhất với nhau cũng như để quan tâm chăm sóc cho nhau một cách vô vị lợi; ở đây, những chia rẽ, hay thậm chí là những xung đột, phải được thắng vượt một cách đầy cương nghị, nhưng nhờ vào sự đối thoại, niềm kính trọng, sự mưu cầu hạnh phúc cho người khác, Lòng Thương Xót và sự tha thứ[16]. Từ nội hạt gia đình, Niềm Vui Tình Yêu sẽ lan tỏa trên toàn thế giới, cũng như sẽ bao phủ trên toàn xã hội[17]. Thêm vào đó, một nền luân lý về tình huynh đệ và về sự chung sống hòa bình giữa những con người và các dân tộc, sẽ không thể được đặt nền tảng trên lô-gích của sự sợ hãi, của bạo lực và của sự khép kín, nhưng phải căn cứ trên trách nhiệm, trên sự kính trọng và trên sự đối thoại chân thành. Trong ý nghĩa này, tôi kêu gọi mọi người hãy giải trừ quân bị cũng như hãy cấm chỉ và bãi bỏ vũ khí hạt nhân: Việc răn đe sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa hủy hoại những hệ thống phòng bị chống lại nhau không thể là nền tảng cho thể thức luân lý này[18]. Với sự khẩn khoản như thế, tôi nài xin hãy chấm dứt những bạo lực trong gia đình cũng như hãy chấm dứt việc lạm dụng phụ nữ và trẻ em.

Năm Thánh Lòng Thương Xót mà nó đã được bế mạc vào hồi tháng 11 vừa qua, chính là một lời mời gọi hãy nhìn vào nơi thẳm sâu nhất của con tim chúng ta, và hãy để cho Lòng Nhân Hậu của Thiên Chúa được bước vào đó. Năm Thánh đã đưa chúng ta tới với niềm ý thức rằng, có biết bao nhiêu là những con người và những nhóm xã hội khác nhau đang bị đối xử với sự thờ ơ lãnh đạm như thế nào, và đang trở thành nạn nhân của sự bất công cũng như đang phải gánh chịu những bạo lực như thế nào. Họ thuộc về „gia đình“ chúng ta, là những người anh chị em của chúng ta. Vì thế, những hình thức của một nền chính trị phi bạo lực phải được bắt đầu trong nội hạt gia đình, để sau đó phát tán trên toàn bộ gia đình nhân loại. „Mẫu gương của Thánh Tê-rê-sa Lisieux mời gọi chúng ta hãy bước đi trên ´con đường nhỏ` của Tình Yêu, hầu không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để đưa ra một lời nói thân thiện, một nụ cười hay một cử chỉ nho nhỏ nào đó mà nó có khả năng khuếch trương sự bình an và tình bạn. Một hệ sinh thái toàn diện cũng được thực hiện từ những cử chỉ đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, mà những cử chỉ ấy có sức bẻ gẫy bất cứ lô-gích nào của bạo lực, của nạn bóc lột và của sự ích kỷ.[19]

Lời mời gọi của tôi

6.Sự kiến tạo hòa bình thông qua sự phi bạo lực có tính chủ động chính là một yếu tố cần thiết cũng như tương ứng với những nỗ lực thường xuyên của Giáo hội nhằm hạn chết việc sử dụng bạo lực thông qua những tiêu chuẩn luân lý, thông qua việc dấn thân vào những công việc của các tổ chức quốc tế cũng như nhờ vào sự dấn thân một cách đầy hiểu biết của nhiều Ki-tô hữu trong việc soạn thảo những bộ luật trên tất cả mọi bình diện. Chính Chúa Giê-su đã giới thiệu cho chúng ta một „cuốn cẩm nang hướng dẫn“ về chiến lược kiến tạo hòa bình, trong bài giảng được gọi là Bài Giảng Trên Núi. Tám Mối Phúc (xc. Mt 5,3-10) đã phác họa ra nét đặc trưng của một con người mà chúng ta có thể mô tả con người ấy là người hạnh phúc, tốt lành và đáng tin. Phúc cho những ai không sử dụng bạo lực – Chúa Giê-su nói -, phúc cho những ai có Lòng Thương Xót, phúc cho những ai xây dựng hòa bình, phúc thay ai có con tim trong sạch, phúc thay người đói khát sự công chính.

Đó cũng là một chương trình và là một thách đố đối với các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, đối với những người mang trách nhiệm của các cơ quan quốc tế, cũng như đối với các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: Sử dụng các Mối Phúc trong cách thức thực thi trách nhiệm của họ. Đó là một thách đố trong việc kiến tạo xã hội, cộng đồng hay doanh nghiệm mà họ có trách nhiệm đối với nó, trong phong cách của người xây dựng hòa bình; biểu thị Lòng Thương Xót bằng cách khước từ việc loại trừ con người, hủy hoại môi trường, hay việc muốn chiến thắng bằng mọi giá. Điều đó đòi hỏi sự sẵn sàng trong việc „chịu đựng sự xung đột, giải quyết nó, và làm cho nó trở thành điểm xuất phát cho một tiến trình mới[20]. Hoạt động theo cách đó có nghĩa là chọn tình liên đới làm lối sống, kiến tạo lịch sử và xây dựng tình bằng hữu xã hội. Phi bạo lực có tính chủ động chính là một cách thức để chỉ ra rằng, sự hiệp nhất thực sự mạnh mẽ và phong nhiêu hơn sự xung đột. Tất cả mọi sự trên thế giới đều gắn bó mật thiết với nhau[21]. Tất nhiên sẽ có thể xảy ra chuyện những khác biệt sẽ sản sinh ra những bất đồng: Chúng ta hãy giải quyết những bất đồng ấy một cách xây dựng và phi bạo lực, để „những bất hòa và những mâu thuẫn có thể dẫn tới một sự hiệp nhất trong sự đa dạng, mà sự hiệp nhất ấy sản sinh ra một cuộc sống mới“ và „duy trì những phương án đầy giá trị của những quan điểm mâu thuẫn và đối kháng nhau[22].

Tôi xin cam đoan rằng, Giáo hội Công giáo sẽ đồng hành với bất cứ nỗ lực nào nhằm kiến tạo nền hòa bình thông qua sự phi bạo lực có tính chủ động và sáng tạo. Vào ngày mồng 01 tháng Giêng năm 2017, „Cơ quan phụ trách việc phát triển toàn diện con người“ sẽ đi vào hoạt động. Cơ quan này sẽ giúp Giáo hội càng ngày càng trở nên hiệu quả hơn nữa trong việc thúc đẩy „những sự thiện vô hạn của nền công lý, hòa bình và bảo vệ thiên nhiên“, cũng như sẽ hỗ trợ Giáo hội để ngày càng kiên quyết hơn nữa trong sự chăm lo cho các di dân, „cho những người túng thiếu, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, cho những người bị đẩy ra bên lề xã hội cũng như cho các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang và của các thảm họa thiên nhiên, cho các tù nhân, những người thất nghiệp, cũng như cho các nạn nhân của bất cứ hình thức nô lệ và tra tấn nào[23]. Bất cứ hành động nào trong chiều hướng này, dẫu nhỏ bé và ít ỏi đến mấy đi nữa, cũng đều góp phần trong việc kiến tạo nên một thế giới phi bạo lực, và đó là bước đầu tiên để tiến tới công lý và hòa bình.

Kết luận

7.Theo truyền thống, tôi sẽ ký bức Sứ Điệp này vào ngày mồng 08 tháng 12, tức Đại Lễ Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình. Trong cuộc sinh hạ Con của Mẹ, các Thiên Thần đã tôn vinh Thiên Chúa và cầu chúc bình an cho những người thành tâm thiện chí trên dương thế (xc. Lc 2,14). Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria dẫn chúng ta tiến về phía trước. „Tất cả chúng ta đều khát khao hòa bình; nhiều người đang kiến tạo hòa bình với những cử chỉ nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày; nhiều người đang chấp nhận những nỗi khổ đau cũng như đang rước lấy những nỗi vất vả khổ cực một cách đầy kiên nhẫn để không ngừng cố gắng trong việc kiến tạo hòa bình.“[24] Vì thế, trong năm 2017 này, bằng lời cầu nguyện và việc làm, chúng ta hãy cố gắng trở thành những người đã trục xuất bạo lực ra khỏi con tim, ra khỏi những lời nói và ra khỏi những cử chỉ của họ để kiến tạo nên những xã hội phi bạo lực, tức những xã hội chăm lo cho ngôi nhà chung. „Sẽ không có gì là không thể nếu chúng ta hướng lòng về Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Tất cả đều có thể trở thành những ´người thợ thủ công` của hòa bình[25].

Vatican ngày mồng 08 tháng 12 năm 2016

Nhân Ngày Đại Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

ĐTC Phan-xi-cô

[1] Thông Điệp Evangelii gaudium, 228.

[2] Sứ Điệp Nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình lần thứ nhất, 01.01.1968.

[3] „Leggenda dei tre compagni“: Fonti Francescane, Nr. 1469 (dt. Ausg.: „Dreigefährtenlegende“, Franziskus-Quellen, Kevelaer 2009, S. 644).

[4] Kinh Truyền Tin, 18.02.2007.

[5] Như trên.

[6] Như trên.

[7] Mẹ Tê-rê-sa, Diễn Văn trong buổi nhận Giải Nobel Hòa Bình, 11.12.1979.

[8] Bài Suy Niệm „Con Đường Hòa Bình“, nguyện đường Thánh Mác-ta, 19.11.2015.

[9] Bài giảng trong Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho Mẹ Tê-rê-sa Calcutta, 04.09.2016.

[10] Số. 23.

[11] Như trên.

[12] Diễn Văn trong cuộc gặp gỡ liên tôn, 03.11.2016.

[13] Diễn Văn trong cuộc hội nghị quốc tế lần thứ 3 của các phong trào quần chúng, 05.11.2016.

[14] Diễn Văn trong cuộc gặp gỡ liên tôn, Baku, 02.10.2016.

[15] Diễn Văn trong Ngày Quốc Tế cầu Nguyện Cho Hòa Bình, Assisi, 20.09.2016.

[16] xc. Tông Huấn Amoris laetitia, 90-130.

[17] Như trên., 133.194.234.

[18] xc. Sứ Điệp gửi hội nghị tại Viên về những thảm họa nhân đạo của vũ khí hạt nhân, 07.12.2014.

[19] Thông Điệp Laudato si’, 230.

[20] Tông Huấn Evangelii gaudium, 227.

[21] Thông điệp Laudato si’, 16.117.138.

[22] Tông Huấn Evangelii gaudium, 228.

[23] Tông Sắc trong thể thức một „Motu proprio“, nhằm thiết lập Thánh Bộ phụ trách việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người, 17.08.2016.

[24] Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Betlehem (25.05.2014).

[25] Lời kêu gọi tại Assisi, 20.09.2016.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội