Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân dịp Mùa Chay 2015: „Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí“ (Ga 5,8)

Anh chị em thân mến!

Mùa Chay chính là thời gian canh tân đối với Giáo hội, đối với các Cộng Đoàn cũng như đối với từng cá nhân tín hữu. Nhưng trước hết, Mùa Chay chính là „thời ân sủng“ (2 Cor 6,2). Thiên Chúa sẽ không đòi hỏi chúng ta những gì mà trước đó Ngài đã không trao ban sẵn cho chúng ta: „Chúng ta hãy yêu thương vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước“ (1 Ga 4,19). Thiên Chúa không thờ ơ đối với chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều nằm trong con tim của Ngài, Ngài biết tên từng người một trong chúng ta, quan tâm lo lắng cho chúng ta, và kiếm tìm chúng ta khi chúng ta rời xa Ngài. Mối quan tâm của Ngài đặt trên từng cá nhân một trong chúng ta; Tình Yêu của Ngài không cho phép Ngài hờ hững với những gì mà chúng xảy ra với chúng ta. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta sẽ quên bẵng đi một chút ít gì đó đối với những người khác khi việc lãng quên này tốt với chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm); có vẻ như chúng ta không bận tâm tới những vấn đề của họ, tới những nỗi khổ đau của họ và tới những điều bất công mà họ đang phải gánh chịu… Và rồi sau đó con tim của chúng ta sẽ sa vào trong thái độ thờ ơ: trong khí nó tương đối tốt đối với tôi và tôi cảm thấy thoải mái với việc tôi quên đi những người mà nếu tôi nhớ tới họ thì điều ấy sẽ không mang đến cho tôi cảm giác thoải mái. Thái độ ích kỷ của sự dửng dưng này đã sở hữu một quy mô mang tính toàn cầu, đến độ chúng ta có thể nói về một sự toàn cầu háo của sự thờ ơ.

Đó là một sự rối loạn mà chúng ta, với tư cách là những Ki-tô hữu, phải đối diện với. Nếu Dân Thiên Chúa quay trở về lại với Tình Yêu của Ngài, thì dân ấy sẽ tìm thấy được những câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử thường xuyên đặt ra cho họ. Một trong những thách đố có tính thôi thúc nhất mà Cha muốn đề cập tới trong Sứ Điệp này, chính là thách đố của „sự toàn cầu hóa tính thờ ơ“. Sự thờ ơ lãnh đạm đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa chính là một cơn cám dỗ thực tế ngay cả đối với các Ki-tô hữu. Vì thế, trong bất cứ Mùa Chay nào, chúng ta cũng cần phải lắng nghe tiếng gọi của các Ngôn Sứ, khi các Ngài cất cao giọng nói của mình và lay gọi chúng ta. Thiên Chúa không dửng dưng với thế giới, Ngài quá thương yêu thế giới, đến độ đã trao hiến Con Một của Ngài để làm giá cứu chuộc cho bất cứ một con người nào. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, trong cuộc sống trần gian, trong sự chết và trong sự phục sinh của Con Thiên Chúa, cánh cửa đã mở ra một lần cho muôn lần giữa Thiên Chúa và con người, giữa Thiên Đàng và trần gian. Và Giáo hội, có thể được gọi như là cánh tay giữ cho cánh cửa này được mở ra mãi, bằng cách là Giáo hội công bố Lời Chúa, cử hành các Bí Tích và làm chứng cho Đức Tin, mà Đức Tin ấy sẽ trở nên công hiệu trong Tình Yêu (xc. Gal 5,6). Tuy nhiên, thế giới lại có xu hướng muốn nhốt mình lại trong chính bản thân mình, và làm cho cánh cửa này bị đóng sập lại, mà thông qua cánh cửa ấy, Thiên Chúa đi vào trong thế giới và thế giới đến với Thiên Chúa.

Do đó, cánh tay mà Giáo hội là, không bao giờ được phép lấy làm lạ khi nó bị khước từ, bị bẻ quặp lại, và bị đả thương. Vì thế, Dân Thiên Chúa cần tới một cuộc canh tân để không trở nên thờ ơ, và để không tự nhốt mình lại trong chính bản thân mình. Cha muốn giới thiệu với anh chị em ba bước dành cho cuộc canh tân này mà anh chị em nên suy tư về chúng.

1.„Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau“ (1 Cor 12,26) – Giáo hội

Tình Yêu của Thiên Chúa, tức Tình Yêu loại trừ sự tự nhốt mình một cách chết chóc của tính thờ ơ, sẽ được thể hiện đối với chúng ta bởi Giáo hội, thông qua Giáo huấn, và trước tiên là thông qua chứng tá của mình. Nhưng người ta chỉ có thể làm chứng cho điều mà trước đó người ta đã kinh qua. Người Ki-tô hữu chính là người để cho mình được mặc lấy chính Chúa Ki-tô, bởi Thiên Chúa và với sự tốt lành cũng như lòng khoan hậu của Ngài, để rồi giống như Chúa Giê-su, trở nên người phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người. Phụng vụ của ngày thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức thức rửa chân, sẽ nhắc nhớ chúng ta một cách rõ ràng về sự phục vụ đó. Thánh Phê-rô đã không muốn Chúa Giê-su rửa chân cho ông, nhưng sau đó Thánh Nhân hiểu ra rằng, Chúa Giê-su không chỉ muốn làm gương đối với việc chúng ta nên rửa chân cho nhau như thế nào. Chỉ những ai trước đó đã để cho mình được rửa chân bởi Chúa Giê-su, người ấy mới có thể thực hiện được hành vi phục vụ này. Chỉ người ấy mới có thể „dự phần“ với Ngài (Ga 13,8), và có thể phục vụ con người như thế. Mùa Chay là thời gian thích hợp để làm cho mình được phục vụ bởi Chúa Ki-tô và rồi trở nên giống như Ngài. Điều đó xảy ra khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Thông qua Bí Tích ấy, chúng ta sẽ trở thành cái mà chúng ta đón nhận: thân thể Chúa Ki-tô. Trong thân thể này, bất cứ sự thờ ơ lãnh đạm nào mà chúng có vẻ như đang rất thường xuyên chế ngự con tim chúng ta, sẽ không thể tìm thấy không gian cho mình. Vì ai thuộc về Chúa Ki-tô, người ấy thuộc về một thân thể duy nhất, và trong thân thể ấy, người ta gặp gỡ nhau mà không hề có sự thờ ơ. „Vì thế, nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung“ (1 Cor 12,26).

Giáo hội chính là communio sanctorum (Hiệp thông trong các Thánh), vì các Thánh dự phần trong Giáo hội, nhưng cũng vì Giáo hội là sự hiệp thông với những điều thánh thiêng: với Tình Yêu Thiên Chúa, mà Tình Yêu ấy đã được mạc khải trong Chúa Ki-tô, và hiệp thông với tất cả mọi ân sủng của Ngài. Câu trả lời của những ai để cho mình đạt tới được Tình Yêu này, cũng thuộc về những ân sủng đó. Trong sự hiệp thông của các Thánh cũng như việc dự phần với các Thánh, không ai sở hữu một cái gì đó chỉ để cho mình, nhưng điều mà người ta có là để cho tất cả. Và vì chúng ta được hiệp thông trong Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể thực hiện một điều gì đó cho những người ở xa, và cho những người mà chúng ta không bao giờ đạt tới được với sức riêng, vì chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa với họ và cho họ, để chúng ta có thể mở bản thân mình ra cho tác động thánh hóa của Ngài.

2.“Em ngươi đâu?“ (St 4,9) – Các Cộng Đoàn và những cộng đồng xã hội

Điều được nói trong mối liên hệ đến Giáo hội hoàn vũ nhất thiết phải được biến thành cuộc sống của các Cộng Đoàn Giáo xứ và của các cộng đồng. Liệu điều ấy có đạt được trong những lãnh vực thuộc chính Giáo hội, để tự nhận ra mình như là thành phần của một thân thể duy nhất hay không? Liệu có phải đó là một thân thể, vừa đón nhận nhưng cũng vừa sẻ chia, những gì mà Thiên Chúa ban tặng hay không? Liệu có phải là thân thể mà nó nhận ra những thành viên yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất và nhỏ bé nhất của nó, và có quan tâm lo lắng cho những thành viên đó không? Hay chúng ta lại trốn chạy vào trong một Tình Yêu chung chung, mà Tình Yêu ấy tham gia vào một thế giới rộng lớn, nhưng lại quên La-da-rô, người đang ngồi trước cửa nhà bị đóng của chúng ta? (xc. Lc 16,19-31) Để có thể đón nhận những gì Thiên Chúa ban tặng chúng ta và làm cho nó sinh hoa kết trái tràn trề, chúng ta phải vượt qua những ranh giới của Giáo hội hữu hình trong hai hướng. Thứ nhất, bằng cách là chúng ta hiệp thông với Giáo hội trên trời qua lời cầu nguyện. Khi Giáo hội trần thế cầu nguyện, một sự hiệp thông của sự phục vụ lẫn nhau và của những điều tốt lành sẽ phát sinh, mà sự hiệp thông ấy trải dài cho tới tận dung nhan Thiên Chúa. Với các Thánh, tức những người đã nhìn thấy sự viên mãn của mình trong Thiên Chúa, chúng ta hình thành nên một phần của cuộc sống chung mà trong đó tính thờ ơ lãnh đạm sẽ bị vượt qua nhờ vào Tình Yêu. Giáo hội trên Thiên Đàng là Giáo hội khải hoàn, không phải vì Giáo hội ấy đã tự tránh được những nỗi khổ đau của thế gian và thản nhiên đắm mình trong niềm vui. Hơn nữa, các Thánh đã có thể nhìn thấy và vui mừng về việc các Ngài đã vượt qua được sự thờ ơ lãnh đạm, sự nhẫn tâm và lòng thù hận một lần cho tất cả mọi lần, với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Cho tới bao giờ cuộc chiến thắng của Tình Yêu ấy chưa choán đầy toàn thể thế giới, thì cho tới lúc đó các Thánh cũng vẫn còn lên đường với chúng ta với tư cách là những người lữ hành. Trong sự xác tín rằng, niềm vui trên Thiên Đàng về sự chiến thắng của Tình Yêu bị đóng đinh vào Thập Giá vẫn chưa trọn vẹn cho tới bao lâu, dù chỉ là một người trên mặt đất vẫn đang còn bị đau khổ và thở than, như Thánh Tê-rê-sa thành Lisieux, Nữ Tiến Sĩ Hội Thánh, đã viết: „Tôi tin chắc chắn về điều này rằng, trên Thiên Đàng sẽ không có chuyện ăn không ngồi rồi. Niềm mong muốn của tôi là, sẽ tiếp tục làm việc cho Giáo hội và cho các linh hồn“ (Lá thư số 254, ngày 14.07.1897).

Chúng ta cũng đã dự phần vào với những công lao cũng như vào với niềm vui của các Thánh, và các Thánh cũng đang hiệp thông với những cuộc chiến đấu của chúng ta, cũng như hiệp thông trong nỗi khát khao hòa bình và hòa giải của chúng ta. Niềm vui của các Ngài về cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô phục sinh trao ban cho chúng ta sức mạnh hầu có thể thắng vượt bất cứ mọi hình thức nào của sự thờ ơ và của thói nhẫn tâm. Bất cứ Cộng Đoàn Ki-tô hữu nào cũng được kêu gọi đi đến với người khác, vượt qua những chỗ gồ ghề mà Cộng Đoàn ấy đặt vào trong mối tương quan với xã hội đang vây quanh mình, cũng như đối với những người nghèo và những người ở xa. Tự bản chất của mình, Giáo hội phải ra đi truyền giáo, không bị co lại trong chính mình, nhưng được gửi đến với tất cả mọi người. Sứ mạng sai đi này chính là chứng tá đầy kiên nhẫn đối với Đấng muốn dẫn đưa toàn thể thực tại cũng như từng người một về với Chúa Cha. Sứ vụ truyền giáo chính là điều mà Tình Yêu không được phép im lặng về nó. Giáo hội đi theo Chúa Giê-su trên con đường mà nó dẫn đưa Giáo hội đến với từng người, cho tới tận cùng bờ cõi trái đất (xc. Cv 1,8). Như thế, chúng ta có thể nhìn thấy từ nơi tha nhân những người anh em và chị em mà Chúa Giê-su đã chết và đã phục sinh cho họ. Chúng ta đã đón nhận điều gì thì chúng ta cũng đón nhận điều ấy cho họ. Cũng vậy, những gì mà những người anh chị em ấy sở hữu, thì cũng chính là quà tặng đối với Giáo hội và đối với toàn thể nhân loại. Anh chị em thân mến, Cha ước ao biết bao, phải chi những nơi mà Giáo hội đang thể hiện mình tại đó – các cộng đồng của chúng ta, và đặc biệt là những Cộng Đoàn của chúng ta -, sẽ trở thành những quần đảo của lòng khoan hậu giữa đại dương bao la của thói thờ ơ!

3. „Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí“ (Ga 5,8) – Cá nhân tín hữu

Ngay cả chúng ta, với tư cách là những cá nhân, cũng đều bị liên lụy đến cơn cám dỗ của sự thờ ơ chểnh mảng. Chúng ta bị bão hòa bởi những tường thuật và những hình ảnh đầy xúc động mà chúng thuật lại cho chúng ta biết về những nỗi khổ đau của con người, và đồng thời cảm thấy sự hoàn toàn bất khả của chúng ta trong việc can thiệp vào. Chúng ta có thể làm gì hầu không để mình bị lôi cuốn vào trong vòng xoắy của những nỗi kinh hoàng và của tình trạng bất lực ấy? Trước hết chúng ta có thể cầu nguyện trong sự hiệp thông của Giáo hội trần thế với Giáo hội trên Trời. Chúng ta đừng coi thường sức mạnh từ lời cầu nguyện của rất nhiều người! Sáng kiến 24 giờ dành cho Chúa mà Cha hy vọng rằng, sáng kiến này sẽ được cử hành vào ngày 13 và 14 tháng Ba trên toàn bộ Giáo hội cũng như trên bình diện các Giáo phận, sáng kiến này muốn diễn tả về sự cần thiết của việc cầu nguyện.

Thứ hai là, với những cử chỉ bác ái dành cho tha nhân, chúng ta có thể giúp đỡ, và nhờ vào vô số những công trình cứu trợ của Giáo hội, chúng ta có thể chạm tới được cả những người ở gần cũng như những người ở xa. Mùa Chay chính là thời điểm thích hợp để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác qua một chỉ dấu có lẽ nhỏ bé nhưng cụ thể trong việc hiệp thông của chúng ta vào với toàn thể nhân loại.

Cuối cùng, tức điểm thứ ba, sự đau khổ của người khác chính là một lời kêu gọi trở về, vì nhu cầu của người anh em sẽ nhắc nhớ tôi về tính mỏng giòn nơi cuộc sống riêng của tôi, về sự lệ thuộc của tôi vào Thiên Chúa và vào những người đồng loại. Nếu chúng ta khiêm tốn nài xin ân sủng của Thiên Chúa  và chấp nhận những giới hạn trong khả năng của chúng ta thì rồi chúng ta cũng sẽ tín thác vào những khả năng vô hạn mà Tình Yêu Thiên Chúa đang che giấu trong chính mình. Và chúng ta sẽ kháng cự lại trước cơn cám dỗ của ma quỷ mà nó làm cho chúng ta tin rằng, chúng ta có thể tự cứu độ chính mình cũng như có thể một mình cứu cả thế giới.

Để vượt thắng tính thờ ơ và tính cuồng vọng của chúng ta, Cha xin tất cả mọi người hãy bước vào trong Mùa Chay này như bước vào một con đường „nhậy cảm“ mà Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã diễn tả (Thông Điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim nhân hậu có nghĩa là đừng thủ đắc một con tim vô hiệu. Ai muốn trở nên nhân hậu, người ấy cần tới một con tim vững mạnh và chắc chắn mà nó đóng lại trước kẻ cám dỗ nhưng mở ra đối với Thiên Chúa. Người ta cần tới một con tim mà nó để cho mình được choán đầy bởi Chúa Thánh Thần và được dẫn đi trên con đường của Tình Yêu, mà những con đường ấy dẫn tới với những người anh em và chị em. Về căn bản, một con tim nghèo khó là một con tim nhận thức về sự nghèo hèn của riêng mình và trao hiến chính mình cho người khác. Vì thế, anh chị em thân mến, trong Mùa Chay này, Cha muốn cùng với anh chị em cầu xin với Chúa Ki-tô: »Fac cor nostrum secundum cor tuum – xin làm cho trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa“ (Kinh cầu Trái Tim Chúa Giê-su). Nhờ thế chúng ta sẽ có được một con tim vững mạnh, nhân hậu, tỉnh thức và đại lượng, mà nó không tự nhốt mình vào trong chính bản thân mình, và không sa vào cơn choáng váng của sự toàn cầu hóa về tính thờ ơ.

Với niềm mong muốn này, Cha xin đoan hứa về lời cầu nguyện của Cha hầu cho bất cứ mọi tín hữu cũng như bất cứ mọi Cộng Đoàn Giáo hội nào cũng đều bước đi trên con đường Mùa Chay với nhiều lợi ích. Và Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho Cha. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, và xin Mẹ Thiên Chúa bảo vệ chở che anh chị em!

Vatican ngày 04 tháng 10 năm 2014

Nhân dịp Lễ Kính Thánh Phan-xi-cô Assisi

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội