Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2016

 

Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương“ (Mt 5,7).

 

Các bạn trẻ thân mến,

chúng ta đã đạt tới được chặng cuối cùng trên con đường lữ hành của chúng ta tới Cracow, nơi vào tháng 07 sang năm, chúng ta sẽ cùng cử hành chung Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXXI. Trên con đường dài và đầy yêu sách ấy, chúng ta luôn được dẫn dắt bởi những Lời của Chúa Giê-su trong „Bài Giảng Trên Núi“. Chúng ta đã bắt đầu quãng đường này từ năm 2014, bằng cách là chúng ta đã cùng nhau suy tư về mối phúc thứ nhất: „Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ“ (Mt 5,3). Vào năm 2015, đề tài suy tư của chúng ta là: „Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa“ (Mt 5,8). Và trong năm tới, chúng ta muốn để cho mình được gây cảm hứng bởi những lời sau đây: „Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương“ (Mt 5,7).

Năm Thánh về Lòng Thương Xót

Với đề tài này, Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Cracow năm 2016 sẽ thích ứng với Năm Thánh về Lòng Thương Xót, đến độ nó trở thành một Năm Thánh thực thụ của giới trẻ trên bình diện toàn cầu. Đây không phải là lần đầu tiên một Ngày Đại Hội Giới Trẻ Quốc Tế  diễn ra đồng thời với một Năm Thánh. Thực tế thì, vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá trong Năm Thánh Cứu Độ (1983/1984), Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã lần đầu tiên triệu tập giới trẻ trên toàn thế giới. Sau đó, trong Đại Năm Thánh 2000, trên hai triệu bạn trẻ  từ khoảng 165 quốc gia đã quy tụ về Rô-ma nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XV. Vì như đã diễn ra trong cả hai trường hợp nêu trên, nên Cha rất chắc chắn rằng, Năm Hồng Ân dành cho giới Trẻ tại Cracow sẽ trở thành một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của Năm Thánh!

Có lẽ một số người trong các con sẽ tự hỏi: Sẽ có trạng thái thế nào với Năm Thánh được cử hành trong Giáo hội? Bản văn Kinh Thánh trong chương thứ 25 của sách Lê-vi sẽ giúp chúng ta hiểu được „Năm Hồng Ân“ có nghĩa là gì đối với dân Israel. Cứ năm mươi năm, người Do-thái lại được nghe thấy tiếng Tù Và cất lên (Jobel). Tiếng Tù Và ấy sẽ triệu tập (Jobil) người Do-thái lại để cử hành một Năm Thánh như là một thời gian hòa giải (Jobal) đối với tất cả. Trong thời gian ấy, người ta nên tái tìm kiếm một mối tương quan tốt đẹp đối với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên, dựa trên nền tảng căn bản là sự miễn phí và nhưng không. Vì thế, trong số những điều khác, sự tha thứ các lỗi lầm, một sự giúp đỡ đặc biệt đối với những người đang rơi vào cảnh cùng quẫn, cải thiện những mối tương quan giữa con người với nhau, và việc giải phóng nô lệ, sẽ được khuyến khích.

Chúa Giê-su đã đến để công bố và hiện thực hóa một thời gian ân sủng vĩnh viễn của Thiên Chúa, bằng cách là Ngài công bố Tin Mừng cho người nghèo, mang đến ơn giải thoát cho các tù nhân, mang lại thị giác cho những người mù, và mang sự tự do đến cho những người mệt mỏi rã rời (xc. Lc 4,18-19). Trong Ngài, và đặc biệt là trong mầu nhiệm phục sinh của Ngài, ý nghĩa thẳm sâu nhất của Năm Thánh sẽ thấy được sự viên mãn hoàn toàn của nó. Khi Giáo hội triệu tập một Năm Hồng Ân nhân danh Chúa Ki-tô, thì rồi tất cả chúng ta cũng sẽ đều được mời gọi sống một thời gian ân sủng đặc biệt. Bản thân Giáo hội được kêu gọi hãy giới thiệu những dấu chỉ về sự hiện diện cũng như về sự gần gũi của Thiên Chúa trong sự dồi dào phong phú, khơi lên trong những con tim khả năng nhìn vào những gì chính yếu. Một cách đặc biệt, Năm Thánh về Lòng Thương Xót này chính là „thời gian đối với Giáo hội để tái khám phá ra ý nghĩa của sứ mạng mà Chúa Ki-tô đã ủy thác cho Giáo hội trong Ngày Phục Sinh: trở nên dấu chỉ và khí cụ cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha“ (Bài giảng trong Buổi Phụng Vụ Kinh Chiều I của Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, 11.04.2015).

Thương Xót như Thiên Chúa Cha

Khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường này có nội dung như sau: „Thương Xót Như Thiên Chúa Cha“ (xc. Misericordiae Vultus, 13), mà đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới đây sẽ hòa giọng với nó. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng để hiểu tốt hơn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có nghĩa là gì.

Cựu Ước đã sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Hai thuật ngữ có nhiều ý nghía nhất chính là hesed và rahamim. Thuật ngữ thứ nhất, liên hệ đến Thiên Chúa, nó diễn tả niềm trung tín không hề mỏi mệt của Thiên Chúa trong giao ước với dân Ngài, tức dân mà Ngài rất thương yêu và luôn tái tha thứ. Thuật ngữ thứ hai, rahamim, có thể được dịch là „cung lòng“, và đặc biệt ám chỉ tới lòng mẹ; nó làm cho chúng ta hiểu được Tình Yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài, Tình Yêu ấy giống như Tình Yêu của một người Mẹ đối với con mình. Ngôn Sứ Isaia đã diễn tả nó như sau: „Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ“ (Is 49,15). Một Tình Yêu như thế sẽ thúc đẩy người ta tạo ra một không gian cho người khác ngay trong chính bản thân mình, sẽ thúc đẩy người ta cảm thấy cùng vui và cùng buồn với tha nhân.

Trong khái niệm của Kinh Thánh về Lòng Thương Xót, sự cụ thể của một Tình Yêu cũng được bao hàm, đó là Tình Yêu trung tín, nhưng không, và có thể tha thứ. Trong đoạn văn sau đây của sách Ngôn Sứ Hô-sê, chúng ta có được một ví dụ tuyệt vời về Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu ấy được so sánh với Tình Yêu của một người cha với con của mình: „Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Nhưng Ta càng gọi chúng, chúng càng bỏ đi; chúng dâng hy lễ cho các Ba-an, đốt hương kính ngẫu tượng. Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn“ (Hs 11,1-4). Bất chấp thái độ lếu láo của đứa con, mà thái độ ấy đáng bị trừng phạt, Tình Yêu của Thiên Chúa Cha vẫn trung tín, và luôn luôn tha thứ cho đứa con khi nó tỏ ra hối hận. Như chúng ta thấy, sự tha thứ luôn luôn được bao hàm trong Lòng Thương Xót; „Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái của họ nằm sâu trong con tim của họ. Đó thực sự là một Tình Yêu mãnh liệt. Tình Yêu ấy đến từ tận nơi sâu kín nhất và thẳm sâu nhất, nhưng tất nhiên, được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi sự cảm thông, bởi lòng khoan nhân và bởi sự tha thứ“ (Misericordiae Vultus, 6).

Trong Tân Ước, chúng ta nghe về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (eleos) như là sự thống nhất của công việc, mà để hiện thực hóa công việc ấy, Chúa Ki-tô đã đến với thế giới nhân danh Chúa Cha (xc. Mt 9,13). Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chúng ta tự biểu lộ trước hết, khi Ngài quan tâm tới nỗi khốn cùng của nhân loại, và thể hiện sự cảm thông của Ngài đối với những ai cần tới sự cảm thông, cần tới ơn cứu độ và cần tới ơn tha thứ. Trong Chúa Giê-su, tất cả đều nói về Lòng Thương Xót. Mà quả thực là vậy, chính Ngài là Lòng Thương Xót.

Trong chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta thấy có ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót: Dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng xu bị mất, và dụ ngôn mà người ta vẫn quen gọi là dụ ngôn về „đứa con hoang đàng“. Trong ba dụ ngôn này, niềm vui của Thiên Chúa gây ấn tượng mạnh mẽ trên chúng ta. Đó là niềm vui mà Ngài sẽ cảm thấy mỗi khi Ngài tái tìm thấy một tội nhân và tha thứ cho tội nhân đó. Đúng vậy, niềm vui của Thiên Chúa chính là sự tha thứ! Ở đây chúng ta thấy một bản tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. „Mỗi người trong chúng ta đều là một con chiên lạc, và là một đồng xu bị mất; mỗi người trong chúng ta đều là đứa con đã phung phí sự tự do của mình, đã đuổi theo những ngẫu tượng sai lạc, đã bước theo những trò gạt gẫm trong việc kiếm tìm hạnh phúc, và đã đánh mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không lãng quên chúng ta, Thiên Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là một người Cha đầy nhẫn nại, Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta! Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta, nhưng Ngài luôn luôn tín trung. Và khi chúng ta trở về cùng Ngài, Ngài sẽ đón chúng ta vào trong nhà của Ngài như đón những đứa con, vì Ngài không bao giờ ngừng chờ đợi chúng ta với trọn Tình Yêu, ngay cả chỉ trong một khoảnh khắc cũng không. Và con tim của Ngài sẽ mở tiệc vì đứa con đã trở về. Ngài mở tiệc mừng vì Ngài quá vui mừng. Thiên Chúa có niềm vui ấy khi mỗi người trong số những tội nhân chúng ta đi tới với Ngài và xin Ngài tha thứ“ (Kinh Truyền Tin ngày 15.09.2013).

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa rất cụ thể, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy biến kinh nghiệm này trở thành kinh nghiệm của riêng cá nhân mình. Lúc Cha mới 17 tuổi, và vào một lần kia khi Cha cần phải đi ra ngoài với một người bạn của mình, Cha đã quyết định, trước tiên là đi vào trong một nhà thờ. Ở đó, Cha đã gặp một Linh mục, Ngài đã tạo cho Cha một sự tin tưởng đặc biệt, đến độ Cha đã cảm thấy có sự ước ao muốn mở con tim mình ra trong tòa Giải tội. Cuộc gặp gỡ đó đã biến đổi cuộc sống của Cha! Cha đã khám phá ra rằng, khi chúng ta mở con tim mình ra trong sự khiêm tốn và chân thành, chúng ta sẽ có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách rất cụ thể. Cha đã xác tín rằng, Thiên Chúa đã chờ đợi Cha trong con người của vị Linh mục ấy, ngay cả trước khi Cha thực hiện bước đi đầu tiên để đến nhà thờ. Chúng ta kiếm tìm Ngài, nhưng thực ra Ngài luôn luôn là Đấng đến với chúng ta trước; Ngài kiếm tìm chúng ta luôn luôn, và Ngài tìm thấy chúng ta trước. Có thể một người nào đó trong các con đang mang một gánh nặng trong tâm hồn và nghĩ: Tôi đã làm cái này, tôi đã làm cái kia… Các con đừng sợ! Ngài sẽ đợi chờ các con! Ngài là Cha: Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta! Thật tuyệt vời biết chừng nào khi gặp được vòng tay nhân hậu của Thiên Chúa Cha trong Bí Tích Giao Hòa, khi khám phá ra Tòa Giải Tội như là nơi của Lòng Thương Xót, khi để cho mình được đụng chạm tới bởi Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta!

Còn bạn, hỡi những người bạn trai và những người bạn nữ trẻ thân mến, bạn có cảm thấy bình anh mỗi khi cái nhìn của Tình Yêu khôn cùng này hướng tới bạn không? Tình Yêu ấy vẫn tiếp tục tin tưởng bạn, bất chấp tất cả mọi lỗi lầm, mọi giới hạn và mọi hỏng hóc của bạn, và vẫn tiếp tục nhìn ngắm cuộc hiện sinh của bạn với trọn niềm hy vọng. Bạn có ý thức được rằng, bạn rất giá trị trước mặt Thiên Chúa không? Vì Tình Yêu, Ngài đã ban cho bạn tất cả. Như Thánh Phao-lô đã dậy chúng ta: „Thiên Chúa đã chứng tỏ Tình Yêu của Ngài đối với chúng ta qua việc Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn là những tội nhân“ (Rm 5,8).

Cha biết rằng, tất cả các con đều yêu mến Thánh Giá của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ như thế nào – đó là quà tặng của Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng -, Thánh Giá ấy đã luôn đồng hành với tất cả mọi cuộc Đại Hội Quốc Tế của các con kể từ năm 1984 tới nay. Biết bao nhiêu là những thay đổi, biết bao nhiêu là những cuộc hoán cải thực sự và đích thực đã diễn ra trong cuộc sống của rất nhiều bạn trẻ nhờ vào sự gặp gỡ với Cây Thánh Giá trần trụi ấy! Có lẽ các con đã tự đặt ra cho mình câu hỏi: Sức mạnh đặc biệt của Cây Thánh Giá này đến từ đâu? Câu trả lời là: Thánh Giá chính là dấu chỉ hùng hồn nhất về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa! Nó chứng minh cho chúng ta thấy rằng, mức độ của Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại là một Tình Yêu không mức độ! Qua Thập Giá, chúng ta có thể đụng chạm tới được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và có thể để cho mình được đụng chạm tới bởi chính Lòng Thương Xót của Ngài! Ở điểm này, Cha muốn nhắc tới sự kiện hai tên tội phạm đã bị đóng đinh vào thập giá bên cạnh Chúa Ki-tô. Một người trong họ đã ngạo mạn, đã không nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, và đã nhạo báng Chúa Giê-su. Trong khi đó thì người kia đã nhìn nhận rằng mình đã phạm tội, anh ta hướng về Chúa Giê-su và nói với Ngài: „Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!“. Chúa Giê-su đã quay sang nhìn anh ta với Lòng Thương Xót vô bờ và trả lời anh ta: „Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.“ (xc. Lc 23,32.39-43). Chúng ta tự coi mình giống người nào trong hai người ấy? Phải chăng là với kẻ ngạo mạn và không nhìn nhận tội lỗi của mình? Hay với người còn lại, tức người đã thú nhận mình cần tới Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và khẩn xin Lòng Thương Xót ấy với trọn tấm lòng? Trong Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã trao hiến mạng sống của Ngài trên Thập Giá cho chúng ta, chúng ta sẽ luôn tìm thấy một Tình Yêu vô điều kiện, Tình Yêu ấy ngắm nhìn cuộc sống của chúng ta như một gia tài, và vẫn luôn trao lại cho chúng ta khả năng tái bắt đầu.

Niềm vui đặc biệt trong việc trở nên khí cụ cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Lời Chúa dậy chúng ta rằng: „Cho thì có phúc hơn nhận“ (Cv 20,35). Chính vì thế, mối phúc thứ năm đã ca ngợi những ai có Lòng Thương Xót là có phúc. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nhưng chúng ta sẽ chỉ nên thánh và chỉ có được hạnh phúc thực sự nếu chúng ta bước vào trong luận lý của sự trao ban, của Tình Yêu nhưng không, khi chúng ta khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta một cách vô bến bờ để làm cho chúng ta có khả năng yêu thương một cách không mức độ giống như Ngài. Thánh Gio-an đã nói: „Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau“ (1Ga 4,7-11).

Sau khi Cha đã giải thích một cách hoàn hoàn vắn gọn cho các con hiểu được Thiên Chúa đã biểu lộ Lòng Thương Xót của Ngài đối với chúng ta như thế nào, giờ đây Cha muốn trình bày cho các con biết, chúng ta có thể trở nên những khí cụ cụ thể của Lòng Thương Xót này đối với tha nhân ra sao.

Nói tới đây, Cha chợt nhớ tới gương lành của Chân Phúc Pier Giorgio Frassati. Ngài đã nói thế này: „Chúa Ki-tô đến thăm tôi mỗi buổi sáng trong Bí Tích Thánh Thể, và tôi đáp lại Ngài trong một cách thế nghèo nàn mà tôi có thể, bằng cách là tôi đến thăm những người nghèo“. Chân Phúc Pier Giorgio là một nam thanh niên, anh đã hiểu được việc có Lòng Thương Xót có nghĩa là gì, đó là sự nhậy cảm đối với những người túng thiếu nghèo nàn nhất. Anh đã trao cho những người ấy nhiều thứ đáng quý hơn những thứ mà chúng chỉ là những đồ vật; anh đã trao hiến chính bản thân mình, đã dành thời gian để lắng nghe những lời và những khả năng. Anh đã phục vụ người nghèo với sự tinh tế lớn lao, mà không hề có chuyện phô trương bản thân mình. Anh đã thực sự sống theo lời sau đây của Tin Mừng: „Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh“ (Mt 6,3-4). Các con nên nhớ rằng, khi anh lâm trọng bệnh, và trước khi qua đời một ngày, anh đã đưa ra những chỉ dẫn để những người bạn nghèo túng của anh cần phải được giúp đỡ thế nào. Trong ngày mai táng của anh, các thân nhân và bạn bè của anh đã vô cùng sửng sốt vì sự hiện diện của rất nhiều người nghèo mà họ chẳng hề quen biết, nhưng đó là những người mà anh Pier Giorgio đã chăm sóc họ cũng như đã giúp đỡ họ.

Cha vẫn luôn thích gắn kết các Mối Phúc với chương 25 của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, mà trong chương đó Chúa Giê-su đã giới thiệu cho chúng ta biết về những công việc của Lòng Thương Xót, và Ngài nói rằng, vào một ngày kia, chúng ta sẽ được xét xử theo những công việc đó. Vì thế, Cha mời gọi các con, hãy tái khám phá ra những công việc của Đức Thương Xót đối với thân xác: Mang thức ăn cho người đói, mang nước đến cho người khát, mặc quần áo cho những ai rách rưới trần truồng, đón tiếp khách lạ, chăm sóc bệnh nhân, viếng thăm tù nhân, an táng người chết. Và chúng ta cũng đừng quên những công việc tinh thần của Lòng Thương Xót: Lấy lời lành mà khuyên người; mở dậy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răn bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta; cầu cho người sống và kẻ chết. Như các con thấy, Lòng Thương Xót không phải là sự „tán thành mọi chuyện“, cũng không phải là chuyện tình cảm thuần túy. Ở đây, tính xác thực nơi căn tính làm môn đệ Chúa Ki-tô của chúng ta được minh chứng bởi tính đáng tin cậy của chúng ta với tư cách là các Ki-tô hữu trong thế giới ngày nay.

Những bạn trẻ các con hãy trở nên cụ thể. Vì thế, Cha đề nghị các con thế này: đối với bảy tháng đầu tiên của năm 2016, từng tháng một, mỗi người trong các con hãy chọn một công việc của Lòng Thương Xót đối với thân xác và một công việc của Lòng Thương Xót đối với tinh thần, để biến nó thành hành động. Các con hãy để cho mình được gợi hứng bởi lời cầu nguyện của Thánh Faustyna, Ngài chính là một nữ tông đồ đầy khiêm nhượng của Lòng Thương Xót Chúa trong thời đại chúng ta: „Xin giúp con, lạy Chúa, để cặp mắt con nhìn ngắm mọi người với lòng nhân hậu, để con không bao giờ nhìn xem và kết án theo vẻ bên ngoài, nhưng nhận ra những gì tốt đẹp trong tâm hồn tha nhân, và đến để giúp đỡ họ […] Xin cho đôi tai con trở nên nhân hậu, để con có được sự thính nhậy đối với những nhu cầu của tha nhân; xin cho đôi tai con đừng bao giờ thờ ơ trước nỗi khổ đau và tiếng khóc than của tha nhân […] Xin cho đôi tay con trở nên nhân hậu và biết thực thi những việc hoàn toàn tốt lành […] Xin cho đôi chân con trở nên nhân hậu đến độ chúng luôn luôn mau mắn chạy đến để giúp đỡ tha nhân, và luôn biết chế ngự sự mệt mỏi và sự uể oải của riêng con […] Xin cho lưỡi con trở nên nhân hậu, để con không bao giờ nói xấu về tha nhân, nhưng luôn có những lời an ủi và lời tha thứ đối với họ […] Xin cho con tim của con trở nên nhân hậu, nhờ đó con có thể cảm nhận được tất cả mọi nỗi khổ đau của tha nhân“ (Kinh Nhật Tụng, số 163).

Sứ điệp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa diễn tả một chương trình sống hết sức cụ thể và đầy thách đố, vì nó bao hàm những công việc. Một trong những việc rõ ràng nhất của Lòng Thương Xót, nhưng có lẽ cũng là một trong những công việc khó thực hiện nhất, chính là việc tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến tôi, cho những ai đã gây điều ác cho tôi, cũng như cho những người mà chúng ta coi họ như là những kẻ thù của mình. „Việc càng ngày càng phải tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một nhạc cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta, để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán hận, cơn tức giận và sự báo thù chính là một điều kiện cần thiết đối với một cuộc sống hạnh phúc“ (Misericordiae Vultus, 9).

Bản thân Cha đã gặp rất nhiều những bạn trẻ, họ nói rằng, họ đang rất đau khổ vì thế giới phân rã này, mà trong đó, các thành viên của các đảng phái khác nhau  đang đụng độ nhau, trong đó đang có rất nhiều những cuộc chiến tranh, và thậm chí còn có cả những người sử dụng tôn giáo của mình như là sự biện minh cho bạo lực. Chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài ban cho chúng ta ơn trở nên nhân hậu với những người mà họ đã làm điều ác cho chúng ta. Giống như Chúa Giê-su trên Thập Giá, Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ đã đóng đinh Ngài: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm“ (Lc 23,34). Con đường duy nhất để chiến thắng sự ác chính là Lòng Thương Xót. Đức công chính là điều cần thiết, và còn rất cần thiết nữa là đàng khác, nhưng chỉ mình nó thôi thì chưa đủ. Đức công chính và Lòng Thương Xót phải cùng đồng hành với nhau. Cha mong muốn biết chừng nào, ước gì chúng ta có thể cùng hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện chung mà nó đế từ nơi thẳm sâu nhất của con tim chúng ta, để xin thiên Chúa thể hiện Lòng Thương Xót đối với chúng ta và đối với toàn thế giới!

Cracow đang chờ đợi chúng ta!

Chỉ còn mấy tháng nữa thôi thì cuộc đại hội của chúng ta sẽ diễn ra tại Ba-lan. Cracow, thành phố quê hương của Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng và của Thánh Faustyna Kowalska đang mong chờ chúng ta với đôi tay và con tim rộng mở. Cha tin rằng, sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn dắt chúng ta để cử hành Năm Hồng Ân của Giới Trẻ ngay tại đó, tức nơi mà cả hai vị đại Tông Đồ của Lòng Thương Xót trong thời đại chúng ta đã sống. Thánh Gio-an Phao-lô II đã nhận thức được rằng, thời đại này chính là thời đại của Lòng Thương Xót. Ngay từ khi mới bắt đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, Ngài đã viết Thông Điệp Dives in Misericordia (Ngụp lặn trong Lòng Thương Xót). Trong Năm Thánh 2000, Ngài đã phong Chân Phúc cho Nữ Tu Faustyna, và Ngài cũng đã thiết lập Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Thiên Chúa; ngày Đại Lễ này được cử hành vào Chúa Nhật thứ hai sau Đại Lễ Phục Sinh. Và trong năm 2002, Ngài đã đích thân cung hiến Thánh Địa Cracow để tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su, và trong lúc đó, Ngài đã trao phó thế giới cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa với niềm mong muốn rằng, sứ điệp này sẽ đạt tới được tất cả mọi cư dân trên khắp địa cầu, và lấp đầy mọi con tim với niềm hy vọng: „Chúng ta phải đốt lên ngọn lửa ân sủng này của Thiên Chúa, và phải phát tán ngọn lửa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trên toàn thế giới. Trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thế giới sẽ tìm thấy được bình an, và con người sẽ tìm thấy được hạnh phúc!“ (Bài giảng trong Thánh Lễ Cung Hiến Thánh Địa Kính Lòng Thương Xót Chúa tại Cracow ngày 17.08.2002).

Các bạn trẻ thân mến, Chúa Giê-su nhân hậu, Đấng được miêu tả trên bức ảnh được tôn kính bởi Dân Chúa trong Thánh Địa được cung hiến cho Ngài tại Cracow, đang chờ đợi các con. Ngài tin tưởng các con cũng như đang mong chờ các con! Ngài đã, đang và sẽ còn nói với từng người và mỗi người trong các con về rất nhiều điều quan trọng… Các con đừng sợ hãi trong việc nhìn vào đôi mắt được lấp đầy bởi Tình Yêu vô bến bờ của Ngài đối với các con, và đừng sợ hãi trong việc để cho mình được gặp gỡ bởi cái nhìn đầy nhân hậu của Ngài, cái nhìn ấy đang sẵn sàng tha thứ cho bất cứ tội lỗi nào của các con; đó là cái nhìn có khả năng biến đổi cuộc sống các con, cũng như có khả năng chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn các con; đó là cái nhìn có khả năng thỏa mãn những cơn khát sâu xa, mà cơn khát ấy đang có trong con tim trẻ trung của các con: Cơn khát Tình Yêu, khát bình an, khát niềm vui và khát hạnh phúc đích thực. Các con hãy đến với Ngài và đừng sợ hãi chi! Hãy đến và hãy nói cùng Ngài với tất cả tấm lòng: „Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa!“ Các con hãy để cho mình được đụng chạm tới bởi Lòng Thương Xót vô bến bờ của Ngài, để nhờ vào những công việc, những lời nói và sự cầu nguyện, các con sẽ trở nên những Tông Đồ của Lòng Thương Xót trong thế giới đang bị gây tổn thương bởi sự ích kỷ, bởi thói hận thù và bởi sự tuyệt vọng to lớn của chúng ta.

Các con hãy mang ngọn lửa Tình Yêu nhân hậu của Chúa Ki-tô – mà Thánh Gio-an Phao-lô II đã nói về - vào trong môi trường sống hằng ngày của các con, và cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Cha sẽ đồng hành với các con qua những lời cầu chúc và những lời cầu nguyện của Cha trong lúc các con thực thi sứ mạng đó. Trên những quãng đường cuối cùng của việc chuẩn bị tinh thần cho Ngày Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới tại Cracow, Cha xin trao phó tất cả các con cho Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của Lòng Thương Xót. Và với trọn tấm lòng, Cha ban phép lành cho tất cả các con.

 

Vatican ngày 15 tháng 08 năm 2015

Nhân dịp Đại Lễ Mừng Kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội