SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2014

(xuanbichvietnam.net)

Anh chị em thân mến,

Ngày nay, vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa Giêsu-Kitô. Vì thế, sứ mạng “ad gentes” (đến với muôn dân) vẫn là một đòi hỏi cấp bách, mà tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được mời gọi tham gia, bởi vì Giáo Hội, tự bản chất, là truyền giáo: Giáo Hội được nảy sinh “khi đi ra”. Ngày thế giới truyền giáo là một thời gian đặc biệt trong đó các tín hữu thuộc các châu lục khác nhau dấn thân bằng lời cầu nguyện và bằng những hành vi liên đới cụ thể nâng đỡ các Giáo Hội non trẻ nơi các xứ truyền giáo. Đó là một ngày cử hành ân sủng và niềm vui. Ân sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần, được Chúa Cha sai đến, ban ơn khôn ngoan và sức mạnh cho những ai ngoan ngoãn vâng theo tác động của Ngài. Niềm vui, bởi vì Chúa Giêsu Kitô, Con của Chúa Cha, được sai đến rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nâng đỡ và đồng hành công cuộc truyền giáo của chúng ta. Chính nơi niềm vui của Chúa Giêsu và các môn đệ truyền giáo mà tôi muốn đưa ra một hình ảnh Thánh Kinh, mà chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. 10,21-23).

1. Thánh sử kể rằng Chúa sai bảy mươi hai môn đệ từng hai người một, đến các thành thị và làng mạc để loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần và chuẩn bị cho người ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Sau khi đã thực thi sứ mạng loan báo này, các môn đệ lòng tràn ngập niềm vui: niềm vui là một chủ đề nổi bật của kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên và không thể quên này. Chúa nói với họ: “Các con chớ vui mừng vì quỷ thần phục tùng các con, nhưng hãy vui mừng vì tên của các con được ghi khắc ở trên trời. Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha, con chúc tụng Cha” (…) Rồi, quay lại với các môn đệ, Ngài bảo riêng họ: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!” (Lc 10,20-21.23).

Đó là ba khung cảnh được Luca trình bày. Trước tiên, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ, rồi Ngài thân thưa với Chúa Cha trước khi lại bắt đầu nói với các môn đệ. Chúa Giêsu muốn làm cho các môn đệ tham dự vào niềm vui của ngài, niềm vui khác biệt và cao hơn niềm vui mà họ trải nghiệm.

2. Các môn đệ tràn ngập niềm vui, lòng phấn khởi vì có thể giải phóng người ta khỏi ma quỷ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cảnh giác họ chớ vui mừng vì quyền năng nhận được hơn là vì tình yêu nhận được : « bởi vì tên của các con được ghi khắc trên trời » (Lc 10,20). Quả thế, kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa đã được ban cho họ cũng như khả năng chia sẻ tình yêu đó. Và kinh nghiệm này của các môn đệ là một lý do biết ơn vui mừng đối với tấm lòng của Chúa Giêsu. Luca đã hiểu niềm vui sướng này trong viễn ảnh hiệp thông Ba Ngôi : « Chúa Giêsu hớn hở vui mừng dưới tác động của Chúa Thánh Thần », thân thưa với Chúa Cha và chúc tụng Ngài. Giây phút vui mừng sâu kín này phát sinh từ tình yêu sâu xa của Chúa Giêsu như người Con đối với Cha, là Chúa trời đất, Đấng đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (x. Lc 10,21). Thiên Chúa đã che giấu và mạc khải và, trong lời nguyện chúc tụng này, sư kiện mạc khải đặc biệt nổi bật. Thiên Chúa đã mạc khải và che giấu điều gì ? Các mầu nhiệm của Vương Quốc của Ngài, việc khẳng định thần quyền nơi Chúa Giêsu và chiến thắng trên Satan.

Thiên Chúa đã che giấu tất cả điều đó đối với những ai quá tự mãn và cho rằng mình biết mọi sự. Họ giống như những người mù vì tính tự phụ của họ và không để chỗ cho Thiên Chúa. Thật dễ dàng nghĩ đến một số người đương  thời với Chúa Giêsu mà Ngài đã cảnh giác nhiều lần nhưng đó là một mối nguy luôn tồn tại và cũng liên quan đến chúng ta. Trái lại, « những người bé mọn » là những người khiêm nhường, đơn sơ, nghèo khó, bên lề xã hội, những người không tiếng nói, mệt mỏi và bị áp bức, mà Chúa Giêsu đã tuyên bố là « diễm phúc ». Thật dễ dàng nghĩ đến Đức Maria, thánh Giuse, những người đánh cá ở biển hồ Galilê và các môn đệ được kêu gọi dọc đường, trong suốt cuộc rao giảng của Ngài.

3. « Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha » (Lc 10,21). Lối diễn tả của Chúa Giêsu phải được hiểu liên quan đến sự hớn hở hân hoan nội tâm của Ngài, trong đó điều đẹp ý Cha chỉ kế hoạch cứu độ và nhân từ của Chúa Cha đối với con người. Trong khung cảnh của lòng nhân từ của Thiên Chúa này, Chúa Giêsu đã hớn hở vui mừng bởi vì Chúa Cha đã quyết định yêu thương con người bằng chính tình yêu mà Ngài dành cho Con. Vả lại, Luca hướng chúng ta đến sự hớn hở vui mừng tương tự nơi Đức Maria : « Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần  trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi » (Lc 1,47). Đó là Tin Mừng dẫn đến ơn cứu độ. Đức Maria, cưu mang Chúa Giêsu, Người loan báo Tin Mừng tuyệt hảo, đã gặp gỡ bà Êlisabeth và đã hớn hở vui mừng trong Chúa Thánh Thần, ca lên lời kinh Magnificat. Chúa Giêsu, khi thấy sự thành công của sứ mạng của các môn đệ của Ngài và, tiếp đến, niềm vui của họ, đã hớn hở vui mừng trong Thánh Thần và cầu nguyện thân thưa với Cha. Trong hai trường hợp, đó là một niềm vui vì ơn cứu độ đang hoạt động, bởi vì tình yêu mà Cha yêu Con đạt tới chúng ta và, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, bao phủ chúng ta, làm cho chúng ta bước vào đời sống Ba Ngôi.

Chúa Cha là nguồn mạch của niềm vui. Chúa Con là sự biểu lộ tình yêu ấy và Chúa Thánh Thần là Đấng linh hoạt tình yêu này. Ngay sau khi ngợi kehn Cha, như Thánh sử Matthêu nói, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta : « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng» (11,28-30). « Niềm vui Tin Mừng đổ tràn tâm hồn và tất cả cuộc sống của những ai gặp được Chúa Giêsu. Những ai để cho Ngài cứu độ đều được giải thoát khỏi tội lỗi, sự buồn chán, sự trống rỗng nội tâm, sự cô đơn. Cùng với Chúa Giêsu Kitô niềm vui được nảy sinh và tái sinh luôn mãi » (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 1).

Từ cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria đã có một kinh nghiệm đặc biệt và Mẹ đã trở thành « causa nostrae laetitiae » (căn nguyên của niềm vui của chúng con). Trái lại, các môn đệ đã lãnh nhận được lời mời gọi ở lại với Chúa Giêsu và được Ngài sai đi loan báo Tin Mừng (x. Mc 3,14) và như thế họ được tràn ngập niềm vui. Chúng ta cũng thế, tại sao chúng ta không bước vào dòng chảy của niềm vui này ?

4. « Mối nguy cơ lớn lao của thế giới hôm nay, với lời đề nghị tiêu thụ nhân tăng và áp đảo của nó, là một nỗi buồn chủ nghĩa cá nhân vốn đến từ con tim yên thân và hà tiện, từ việc tìm kiếm cách bệnh hoạn những  thú vui giả tạo, từ lương tâm cô độc » (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 2). Chính vì thế, nhân loại có một nhu cầu to lớn kín múc nơi nguồn ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang lại. Các môn đệ là những người luôn để cho tình yêu của Chúa Giêsu nắm lấy mình hơn nữa và để cho mình được ghi dấu bởi ngọn lửa say mê vì Nước Thiên Chúa, để trở nên những người mang niềm vui Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu đều được mời gọi nuôi dưỡng niềm vui Phúc Âm hóa. Các Giám mục, với tư cách là những vị hữu trách đầu tiên của việc loan báo, đều có bổn phận cổ võ sự hiệp nhất của Giáo Hội địa phương trong việc dấn thân truyền giáo, bằng cách lưu tâm đến sự kiện rằng niềm vui thông truyền Chúa Giêsu Kitô được diễn tả trong mối bận tâm loan báo Ngài ở những nơi xa nhất cũng như trong sự liên tục đi ra hướng đến những vùng ngoại vi của lãnh thổ của mình,  nơi có nhiều người nghèo khổ nhất đang chờ đợi.

Nơi nhiều vùng, các ơn gọi linh mục và đời sống dâng hiến bắt đầu thiếu đi. Thông thường, điều đó là do sự vắng mặt lòng nhiệt huyết tong đồ lan truyền giữa các cộng đoàn, sự vắng mặt vốn làm cho các cộng đoàn nghèo nàn lòng nhiệt thành và làm cho chúng không còn lôi cuốn. Niềm vui Tin Mừng đến từ việc gặp gỡ với Chúa Kitô và việc chia sẻ với người nghèo. Vì thế, tôi khuyến khích các cộng đoàn giáo xứ, các hiệp hội và các nhóm sống một đời sống huynh đệ mãnh liệt, đặt nền tảng trên tình yêu Chúa Giêsu và quan tâm đến những nhu cầu của những người thiệt thòi nhất. Ở đâu có niềm vui, lòng nhiệt huyết, ước mong mang Chúa Kitô đến cho người khác, thì ở đó có những ơn gọi đích thực nảy sinh. Trong số các ơn gọi này, ơn gọi truyền giáo của giáo dân không được bị quên lãng. Từ nay, ý thức về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội đã được tăng lên, cũng như ý thức rằng họ được kêu gọi đóng một vai trò luôn quan trọng hơn nữa trong việc truyền bá Tin Mừng. Chính vì thế, điều quan trọng là họ được huấn luyện cách thích đáng, nhằm đến một hoạt động tông đồ hữu hiệu.

5. “Thiên Chúa yêu thương người biết cho đi cách vui tươi” (2Cr 9,7). Ngày thế giới truyền giáo cũng là một thời điểm để làm sống lại ước muốn và bổn phận luân lý tham gia cách vui tươi vào sứ mạng “ad gentes”. Sự đóng góp cá nhân về mặt kinh tế là một dấu dâng hiến chính mình, trước tiên cho Chúa rồi cho anh chị em của chúng ta, để việc dâng cúng vật chất trở thành một dụng cụ Phúc Âm hóa một nhân loại được xây dựng trên tình yêu.

Anh chị em thân mến, vào Ngày thế giới truyền giáo này, tư tưởng của tôi hướng đến tất cả các Giáo Hội địa phương. Chúng ta đừng để cho niềm vui Phúc Âm hóa bị lấy mất! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình trong niềm vui Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có khả năng chiếu sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em. Như trong một cuộc hành hương nội tâm, tôi khuyến khích anh chị em tưởng nhớ đến “tình yêu thuở ban đầu” mà với nó Chúa Giêsu Kitô sưởi ấm con tim mỗi người, không phải để cưu mang một tình cảm nhớ nhung nhưng để kiên trì trong niềm vui. Người môn đệ của Chúa Giêsu kiên trì trong niềm vui khi ở lại với Ngài, khi thực thi ý Ngài, khi chia sẻ đức tin, đức cậy và đức mến Tin Mừng.

Chúng ta hãy cầu xin với Đức Maria, khuôn mẫu khiêm tốn và vui tươi của việc Phúc Âm hóa, để Giáo Hội trở nên một ngôi nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc và để Giáo Hội làm cho khả thể việc sinh ra một thế giới mới.

Vatican, ngày 8 tháng 6 năm 2014, Kính trọng thể Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

PHANXICÔ

Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

 


Văn Kiện Giáo Hội