Chương mỘt

ThẦy là cây nho, anh em là cành

Phẩm giá của giáo dân

trong Giáo Hội – Mầu Nhiệm

Mầu nhiệm cây nho

1.             Hình ảnh cây nho được Thánh Kinh sử dụng theo nhiều cách và với những ý nghĩa khác nhau : đặc biệt, nó được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Dân Thiên Chúa. Trong viễn tượng thâm sâu này, các giáo dân không chỉ là những người thợ làm việc trong vườn nho, nhưng còn là chính thành phần của cây nho : “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5).

        Từ thời Cựu Ước, khi muốn nói về dân tuyển chọn, các ngôn sứ đã nại đến hình ảnh vườn nho. Israel là vườn nho của Thiên Chúa, là công trình của Chúa, là niềm vui của tâm hồn Người : “Ta đã trồng ngươi như nho hảo hạng” (Gr 2,21) ; “Mẹ ngươi giống tợ cây nho trồng bên bờ nước. Nó đã sai quả, nhánh sum suê nhờ nước nhuận” (Ed 19,10) ; “Bạn tôi có một vườn nho, chênh chếch mỏm đồi màu mỡ. Người vỡ đất, người nhặt đá, người đã trồng nho quý” (Is 5,1-2).

        Đức Giêsu lấy lại dụ ngôn vườn nho, và Ngài sử dụng dụ ngôn này để mặc khải một số khía cạnh của Nước Thiên Chúa : "Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa" (Mc 12,1 ; x. Mt 21,28 tt.).

        Thánh sử Gioan mời chúng ta đi sâu hơn và ngài giúp chúng ta khám phá mầu nhiệm vườn nho : Vườn nho là biểu tượng và hình bóng không những của dân Thiên Chúa, nhưng còn của chính Đức Giêsu. Chính Ngài, Đức Giêsu, là thân nho, và chúng ta, các môn đệ, là cành ; Ngài là “cây nho thật”, các cành muốn sống, phải kết hiệp với cây (x. Ga 15,1 tt.).

        Khi lập lại những hình ảnh khác nhau trong Thánh Kinh để soi sáng mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Vatican II cũng đưa ra hình ảnh cây nho và cành nho : “Chúa Kitô là cây nho đích thực ; Người ban sự sống và hoa trái cho các nhánh là chúng ta : nhờ Giáo Hội, chúng ta ở trong Người, và không có Người, chúng ta không thể làm gì được (x. Ga 15,1-5)[1].  Như thế, chính Giáo Hội là vườn nho nói trong Tin Mừng.

        Giáo Hội là mầu nhiệm, bởi vì tình yêu và sự sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ân huệ hoàn toàn tặng-không cho tất cả những ai sinh bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5), được kêu gọi sống chính sự hiệp thông với Thiên Chúa, được kêu gọi tỏ bày và thông truyền sự hiệp thông đó trong lịch sử (sứ vụ) : "Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em" (Ga 14,20).  

        Từ đây, “căn tính” của người giáo dân, phẩm giá nguyên thủy của họ chỉ được bộc lộ trong thâm sâu của mầu nhiệm Giáo Hội như là mầu nhiệm hiệp thông. Và cũng chỉ trong thâm sâu của phẩm giá đó, người ta mới có thể định nghĩa ơn gọi và sứ vụ của họ trong Giáo Hội và trong thế giới.

Giáo dân là ai ?

2.             Các Nghị Phụ của Thượng-hội-đồng đã thật có lý khi ghi nhận rằng cần phải xác định và đưa ra một cách mô tả tích cực về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân, nhờ nghiên cứu sâu xa giáo huấn của Công Đồng Vatican II, dựa theo những tài liệu mới nhất của Huấn Quyền và kinh nghiệm của đời sống Giáo Hội, được Thánh Thần hướng dẫn.[2]

        Để trả lời cho câu hỏi “giáo dân là ai ?”, Công Đồng đã khước từ giải pháp dễ dãi của một định nghĩa tiêu cực, và đã hướng tới một quan điểm hoàn toàn tích cực. Công Đồng đã bày tỏ ý hướng nền tảng của mình khi khẳng định rằng giáo dân hoàn toàn thuộc về Giáo Hội cũng như thuộc về mầu nhiệm của Giáo Hội, và tính chất đặc biệt của ơn gọi của họ có nét riêng là đặc biệt “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa”[3]. Hiến chế Ánh Sáng muôn dân nói : “Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô-hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận. Nghĩa là những kitô-hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép thánh tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô-giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình”[4].

        Đức Giáo hoàng Piô XII đã khẳng định “Các tín hữu, và chính xác hơn, các giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiền phong trong đời sống Giáo Hội ; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt hơn rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là Giáo Hội, tức là cộng đồng tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung là Đức Giáo hoàng, và các vị Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Giáo Hội.[5]

        Phù hợp với hình ảnh cây nho trong Thánh Kinh, các giáo dân, cũng như tất cả mọi thành phần của Giáo Hội, đều là cành nho, được tháp nhập vào Đức Kitô là cây nho đích thực, và chính nhờ Ngài mà họ được trở thành người trao ban sự sống.

        Việc tháp nhập vào Đức Kitô nhờ đức tin và nhờ các bí tích khai tâm Kitô-giáo là gốc rễ đầu tiên tạo nên địa vị mới của người kitô-hữu trong mầu nhiệm Giáo Hội, làm thành “diện mạo” sâu sắc nhất của họ, làm nền tảng cho tất cả mọi ơn gọi và tính năng động của đời sống kitô-hữu giáo dân : trong Đức Giêsu-Kitô tử nạn và phục sinh, người được thánh tẩy trở nên một “thụ tạo mới” (Gl 6,15 ; 2 Cr 5,17), một thụ tạo được thanh tẩy khỏi tội lỗi và được sống nhờ ân sủng.

        Nhu vậy, chỉ nhờ việc khai thác kho tàng phong phú huyền nhiệm do Thiên Chúa ban cho người kitô-hữu trong bí tích thánh tẩy mà người ta có thể phác họa được “dung mạo” người giáo dân.

Bí tích Thánh Tẩt và sự mới mẻ Kitô-giáo

3.             Thật không quá đáng khi nói rằng tòan bộ đời sống của giáo dân có mục đích đưa họ tới chỗ nhận biết sự mới mẻ căn bản Kitô-giáo phát sinh từ bí tích Thánh Tẩy, bí tích của lòng tin, để họ có thể thực hiện những nghĩa vụ theo đúng ơn gọi đã được Thiên Chúa ấn định. Để phác họa “dung mạo” của người giáo dân, chúng ta hãy xem xét một cách trực tiếp và rõ ràng hơn những khía cạnh căn bản sau đây, trong số nhiều khía cạnh khác : Bí tích Thánh Tẩy tác sinh chúng ta vào cuộc sống con cái Thiên Chúa ; kết hiệp chúng ta với Đức Kitô và với Thân Thể của Ngài là Giáo Hội ; xức dầu cho chúng ta trong Thánh Thần qua việc biến chúng ta thành những đền thờ thiêng liêng.

Con cái Thiên Chúa trong người Con Duy Nhất

4.             Chúng ta hãy nhớ lại những lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô : "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3,5). Như thế, bí tích thánh tẩy là một cuộc sinh ra mới, đó là một cuộc tái sinh.

        Chính khi nghĩ đến khía cạnh này của ơn thánh tẩy mà tông đồ Phêrô xướng lên bài ca ngợi sau đây : "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai" (1 Pr 1,3-4). Và ngài áp dụng danh xưng kitô-hữu cho những người đã được Thiên Chúa "tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi" (1 Pr 1,23).

        Nhờ bí tích thánh tẩy, chúng ta trở thành con cái nam nữ của Thiên Chúa, trong người Con Duy Nhất là Đức Giêsu-Kitô. ra khỏi giếng rửa tội, mỗi người kitô-hữu đều nghe được tiếng nói xưa kia ở bờ sông Jorđanô : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22), và như vậy họ hiểu rằng mình đã được kết hợp với người Con Yêu Dấu, khi trở thành nghĩa tữ (x. Gl 4,4-7) và là anh em Đức Kitô. như thế, chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa được thể hiện nơi lịch sử mỗi người : "Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8,29).

        Chính Chúa Thánh Thần làm cho những người đã được thánh tẩy trở nên con cái nam nữ của Thiên Chúa, đồng thời trở thành chi thể của Thân Thể Đức Kitô. Thánh Phaolô nhắc lại điều ấy với tín hữu Côrintô : “Chúng ta đều đã được chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13), đến nỗi Thánh Tông Đồ có thể nói với giáo dân của ngài : “Vậy anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27) ; "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em" (Gl 4,6).

Một Thân thể duy nhất trong Đức Kitô

5.             Được tái sinh trở thành “những người con trong Người Con”, những người chịu thánh tẩy không thể tách khỏi những tư cách này là “chi thể của Đức Kitô và chi thể của thân thể Giáo Hội”, như Công Đồng Firenze đã dạy.[6]

        Bí tích Thánh Tẩy biểu thị và làm phát sinh một sự tháp nhập huyền nhiệm nhưng thực sự vào Thân Thể đã chịu đóng đinh và vinh quang của Đức Giêsu. Qua bí tích này, Đức Giêsu nối kết người chịu thánh tẩy vào cái chết của Ngài, để rồi nối kết họ vào sự phục sinh của Ngài (x. Rm 6,3-5), giải gỡ họ khỏi “con người cũ” và mặc cho họ “con người mới”, tức là chính Ngài : "Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô – thánh Phaolô tông đồ viết –, đều mặc lấy Đức Ki-tô" (Gl 3,27 ; x. Ep 4,22-24 ; Cl 3,9-10). Vì vậy, "chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô" (Rm 12,5).

        Qua những lời của thánh Phaolô, chúng ta nghe vọng lại một cách trung thực giáo huấn của chính Đức Giêsu. Thực vậy, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta sự hiệp nhất mầu nhiệm của các môn đệ với Ngài và giữa họ với nhau, khi trình bày sự hiệp nhất đây như hình ảnh và sự nối dài của mối hiệp thông bí ẩn liên kết Chúa Cha với Chúa Con, và Chúa Con với Chúa Cha trong dây tình yêu là Thánh Thần (x. Ga 17,21). Khi sử dụng hình ảnh cây nho và cành nho, Đức Giêsu muốn nói về chính sự hiệp nhất đó : “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5), hình ảnh này làm sáng tỏ không những sự thân mật sâu xa của các môn đệ với Đức Giêsu, mà cả sự hiệp thông đời sống giữa các môn đệ với nhau. : tất cả đều là cành của một Cây Nho duy nhất.

Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần

6.             Nhờ một hình ảnh khác, hình ảnh ngôi đền, thánh Phêrô định nghĩa những người đã chịu thánh tẩy như là những “viên đá sống động” đặt nền tảng trên Đức Kitô là “đá tảng góc tường” ; và họ được dành để “xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng” (1 Pr 2,5 tt.). hình ảnh này đưa chúng ta đến một khía cạnh khác của sự mới mẻ của bí tích thánh tẩy, được Công Đồng Vatican II trình bày với những lời như sau : “Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng”[7].

        Chúa Thánh Thần “xức dầu” cho người được thánh tẩy, Ngài đóng trên họ ấn tích không thể xóa nhòa (x. 2 Cr 1,21.22), và Ngài xây dựng họ thành đền thờ thiêng liêng, nghĩa là làm cho họ được đầy tràn sự hiện diện thánh của Thiên Chúa, nhờ sự kết hiệp và nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu-Kitô.

        Được vững mạnh nhờ việc “xức dầu” thiêng liêng này, người kitô-hữu, theo cách thế của mình, có thể lặp lại những lời của Đức Giêsu-Kitô : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4,18-19). Như thế, nhờ ân huệ của các bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, người đã chịu thánh tẩy tham dự vào chính sứ mạng của Đức Giêsu-Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế.

Những người tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, vương giả của Đức Giêsu-Kitô

7.             Ngỏ lời với những người đã được thánh tẩy, như là những “người con vừa được sinh ra”, thánh Phêrô viết : "Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô... Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền"(1 Pr 2,4-5.9).

        Chính đó là một khía cạnh mới của ân sủng và của phẩm giá bí tích thánh tẩy : về phần mình, người giáo dân tham dự vào ba chức vụ của Đức Giêsu-Kitô : tư tế, ngôn sứ và vương giả. Chắc chắn truyền thống sống động của Giáo Hội không bao giờ quên lãng khía cạnh đó, chẳng hạn như ta thấy trong phần giải thích Thánh vịnh 26 của thánh Augustinô : “Đavít đã được xức dầu để làm vua. Vào thời đó, chỉ có vua và tư tế mới được xức dầu. Hai nhân vật này là hình bóng cho vị vua – tư-tế duy nhất trong tương lai là Đức Kitô (từ ngữ “Kitô” xuất phát từ chữ “chrisma” có nghĩa là “xức dầu”). Không phải chỉ có vị thủ lãnh của chúng ta là người duy nhất được xức dầu, mà cả chúng ta nữa, là thành phần trong thân thể Ngài, chúng ta cũng được xức dầu với Ngài [...]. Như thế, mọi người kitô-hữu đều được xức dầu, trong khi thời Cựu Ước chỉ có hai người được xức dầu. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô, điều này rõ ràng phát xuất từ sự kiện là tất cả chúng ta đã được xức dầu và trong Ngài, chúng ta là những người được xức dầu (christi) và là Kitô, bởi vì, một cách nào đó, đầu và thân thể làm nên Đức Kitô toàn vẹn”[8].

        Theo đường hướng của Công Đồng Vatican II,[9] ngay từ lúc khởi đầu sứ mạng mục vụ của tôi, tôi đã ca ngợi phẩm chức tư tế, ngôn sứ và vương giả của toàn thể Dân Chúa : “Đấng được sinh ra do Đức Trinh Nữ Maria, con của bác thợ mộc, như người ta nghĩ, Con Thiên Chúa hằng sống, như Phêrô tuyên tín, Đấng ấy đã đến để tập hợp tất cả chúng ta thành “một vương quốc tư tế”. Công Đồng Vatican II đã nhắc lại mầu nhiệm của quyền năng này và cũng nhắc lại rằng sứ vụ của Đức Kitô, Linh-mục, Ngôn-sứ – Thầy, Vua, được tiếp tục trong Giáo Hội. Tất cả mọi người, toàn thể Dân Thiên Chúa, đều tham dự vào ba chức vụ này”[10].

        Qua Tông Huấn này, một lần nữa, chúng tôi muốn mời gọi giáo dân đọc lại, suy niệm và lãnh hội với lòng hiểu biết và yêu mến, giáo huấn rất phong phú và súc tích của Công Đồng về sự tham dự của họ vào ba chức vụ của Đức Kitô.[11] Sau đây là một tổng hợp ngắn gọn những yếu tố chính của giáo huấn đó.

        Các người giáo dân tham dự vào chức vụ tư tế, nhờ chức vụ này, Đức Giêsu đã hiến dâng chính mình trên Thập Giá, và còn tiếp tục dâng hiến mình trong cử hành Thánh Thể để tôn vinh Chúa Cha vì ơn cứu độ của nhân loại. Được tháp nhập vào Đức Giêsu-Kitô, những người đã chịu thánh tẩy được kết hiệp với Ngài và với hy tế của Ngài qua việc dâng hiến chính mình và mọi họat động của mình (x. Rm 12,1-2). Khi đề cập đến các giáo dân, Công Đồng tuyên bố : “Mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần của họ, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiếnlễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu-Kitô (x. 1 Pr 2,5) ; vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha, cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành phép Thánh Thể. Như thế, giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Người khắp nơi bằng đời sống thánh thiện”[12]. 

        Việc tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, “Đấng  đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói, để công bố Nước Thiên Chúa Cha”[13], làm cho người giáo dân có đủ tư cách và thúc đẩy họ lấy lòng tin đón nhận Tin Mừng, và dùng lời nói việc làm loan báo Tin Mừng đó, không ngần ngại can đảm tố giác sự dữ. Được kết hiệp với Đức Kitô, “vị ngôn sứ vĩ đại” (Lc 7,16), và, trong Thánh Thần, được đặt làm “chứng nhân” của Đức Kitô phục sinh, giáo dân trở thành những người tham dự vào cảm thức đức tin siêu nhiên của Giáo Hội, một Giáo Hội “không thể sai lầm trong đức tin”[14], cũng như vào ân sủng của Lời (x. Cv 2,17-18 ; Kh 19,10) ; ngoài ra, họ còn được kêu gọi làm sáng lên nét mới mẻ và sức mạnh của Tin Mừng trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội, cũng như diễn tả niềm hy vọng của họ vào vinh quang mai ngày, với lòng kiên trì và can đảm, trong những khó khăn của thời hiện tại, “qua cả những cơ cấi của cuộc sống trần gian”[15].

        Nhờ thuộc về Đức Kitô, là Chúa và Vua vũ trụ, giáo dân tham dự vào chức vụ vương giả của Ngài, và được Ngài kêu gọi phục vụ Nước Thiên Chúa và làm cho Nước ấy lan tỏa trong lịch sử. Họ sống tính cách vương giả Kitô-giáo, trước hết bằng cuộc chiến thiêng liêng để tiêu diệt quyền thống trị của tội lỗi nơi họ (x. Rm 6,12), và sau đó, bằng việc dâng hiến chính mình để, trong bác ái và công chính, phục vụ chính Đức Giêsu, hiện diện nơi mọi anh em của Ngài, đặc biệt nơi những người bé nhỏ nhất (x. Mt 25,40).

        Thế nhưng, giáo dân được đặc biệt mời gọi để trả lại công cuộc sáng tạo tất cả giá trị nguyên thủy của nó. Khi nối kết công cuộc sáng tạo với lợi ích đích thực của con người qua một họat động được ân sủng nâng đỡ, họ tham dự vào việc thực thi quyền bính mà nhờ đó Đức Giêsu Phục Sinh lôi kéo mọi sự về với Ngài, và đặt mọi sự cũng như chính Ngài dưới quyền Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả cho mọi người (x. Ga 12,32 ; 1 Cr 15,28).

        Việc tham dự của giáo dân vào ba chức vụ của Đức Giêsu Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả, trước hết bắt nguồn từ việc xức dầu trong bí tích Thánh Tẩy, rồi được phát triển trong bí tích Thêm Sức, được hoàn thành và nâng đỡ trong bí tích Thánh Thể. Đó là một sự tham dự được ban cho mỗi giáo dân, đúng vậy, nhưng với tư cách là họ làm nên Thân Thể duy nhất của Đức Kitô : thực vậy, Đức Giêsu dùng các ân huệ của Ngài làm cho chính Giáo Hội thêm phong phú, bởi vì Giáo Hội là Thân Thể và Hiền Thê của Ngài. Như thế, chính với tư cách là chi thể của Giáo Hội mà mỗi người tham dự vào ba chức vụ của Đức Kitô, như thánh tông đồ Phêrô đã nói rõ ràng ; quả thực, ngài gọi những người đã được thánh tẩy là "giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa" (1 Pr 2,9). Chính vì bắt nguồn từ sự hiệp thông Giáo Hội, mà việc tham dự của giáo dân vào ba chức vụ của Đức Kitô đòi phải được sống và thể hiện trong sự hiệp thông và sự tăng trưởng của chính sự hiệp thông này. Thánh Augustinô viết : “Cũng như hết thảy chúng ta nhận mình là kitô-hữu (christiani) vì được xức dầu (chrisma) cách mầu nhiệm. Thì hết thảy chúng ta cũng nhận mình là linh mục, bởi vì chúng ta là chi thể của một Linh Mục duy nhất”[16].

Giáo dân và tích cách trần thế

8.             Tính cách mới mẻ Kitô-giáo là nền tảng và là sự chứng thực cho sự bình đẳng của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy trong Đức Kitô, của tất cả mọi thành phần Dân Thiên Chúa : “Cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành ; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”[17]. Vì có phẩm giá chung của bí tích thánh tẩy, giáo dân là người đồng-trách-nhiệm trong sứ vụ của Giáo Hội, cùng với các thừa tác viên có chức thánh và với các tu sĩ nam nữ.

        Tuy thế, nơi người giáo dân, phẩm giá chung của bí tích thánh tẩy có một thể thức khác, phân biệt nhưng không tách biệt họ với linh mục, tu sĩ nam nữ. Công Đồng Vatican II đã chỉ rõ thể thức này ở trong tính cách trần thế : “Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân”[18].

        Để hiểu cách thấu đáo, thích hợp và chuyên biệt địa vị của người giáo dân trong Giáo Hội, cần phải đào sâu tầm quan trọng thần học của tính cách trần thế, dựa theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa tvà mầu nhiệm Giáo Hội.

        Như Đức Giáo hòang Phaolô VI đã nói, Giáo Hội “có một chiều kích trần thế đích thực, gắn liền với bản tính thâm sâu và sứ vụ của Giáo Hội ; chiều kích này bắt nguồn từ mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, và được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nơi các chi thể của mình”[19].

        Thực vậy, Giáo Hội sống giữa thế gian, dẫu rằng không thuộc về thế gian (x. Ga 17,16), và Giáo Hội được sai đến để tiếp tục công cuộc cứu độ của Đức Giêsu-Kitô ; công cuộc này “cốt yếu nhằm việc cứu độ nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế”[20].

        Chắc chắn rằng mọi chi thể của Giáo Hội đều tham dự vào chiều kích trần thế này, nhưng theo những cách thức khác nhau. Đặc biệt, sự tham dự của người giáo dân có một thể thức thực hiện và chức năng, một thể thức mà, theo Công Đồng, là “riêng biệt và đặc thù” của họ : thể thức này được gọi là “tính cách trần thế”[21].

        Một cách cụ thể, Công Đồng nói về cảnh sống trần thế của giáo dân bằng cách trình bày cảnh sống ấy, trước tiên, như là môi trường trong đó họ được Thiên Chúa mời gọi : “Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ[22]. Ở đây, “nơi” được trình bày bằng những hạn từ có tính cách năng động : giáo dân sống giữa trần gian, nghĩa là dấn thân vào tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngòai xã hội, tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ”[23]. Đó là những con người có một đời sống bình thường trong trần gian, học hỏi, làm việc, thiết lập những tương quan bạn bè, xã hội, nghề nghiệp, văn hóa. Công Đồng không chỉ coi hoàn cảnh của họ như một khung cảnh bên ngòai, một môi trường chung quanh, trái lại như một thực tại nhằm tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của mình nơi Đức Giêsu-Kitô.[24] Công Đồng cũng khẳng định : “Chính Ngôi Lời Nhập Thể đã muốn chia sẻ tình liên đới nhân loại... Ngài đã thánh hóa những mối liên hệ của con người, nhất là những liên hệ thuộc về gia đình, là nguồn gốc phát sinh những liên hệ xã hội. Ngài đã muốn tuân phục các luật lệ của quê hương và sống cuộc sống của thợ thuyền với người đương thời nơi quê hương Ngài”[25].

        Như vậy, “trần gian” trở thành môi trường và phương tiện cho ơn gọi Kitô-giáo của giáo dân, bởi vì chính nó được dành để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô. từ đó, Công Đồng có thể chỉ ra ý nghĩa riêng biệt và đặc thù của việc Thiên Chúa mời gọi giáo dân. Họ không được mời gọi rời bỏ vị thế họ đang sống nơi trần gian. Thực vậy, bí tích thánh tẩy không kéo họ ra khỏi trần gian, như thánh Phaolô đã nhấn mạnh : "Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa" (1 Cr 7,24) ; trái lại, Ngài trao cho họ một ơn gọi có liên hệ đích thực với tình huống của họ trong trần gian : thực vậy, giáo dân được “Thiên Chúa kêu gọi để, dưới sự hướng dẫn của tinh thần phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình ; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, nhất là với chứng tá đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác”[26]. Như vậy, đối với người giáo dân, hiện hữu và họat động trong trần gian là một thực tại không chỉ có tính cách nhân học và xã hội học, nhưng còn đặc biệt có ý nghĩa thần học và Giáo Hội nữa. Thật thế, trong tình huống của họ, giữa trần gian, Thiên Chúa tỏ bày chương trình của Ngài và thông đạt cho họ ơn gọi riêng là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa”[27].

        Chính theo nhãn quan này, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã tuyên bố : “Vậy, tính cách trần thế của giáo dân phải được định nghĩa không chỉ theo ý nghĩa xã hội học, nhưng nhất là theo ý nghĩa thần học. Tính cách trần thế ấy phải được hiểu dưới ánh sáng của hành vi sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó thế giới cho con người, nam cũng như nữ, để họ tham dự vào công cuộc sáng tạo, giải phóng tạo vật khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, và để họ thánh hóa bản thân trong đời sống hôn nhân hay độc thân, trong gia đình, nghề nghiệp và trong các họat động xã hội khác”[28].

        Vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội được xác định tự nền tảng của nó bắt đầu từ sự mới mẻ Kitô-giáo và có nét đặc trưng là tính cách trần thế của nó.[29]

        Các hình ảnh trong Tin Mừng về muối, ánh sáng và men, mặc dầu áp dụng cho mọi môn đệ của Đức Giêsu, không phân biệt ai, thế nhưng chúng được áp dụng một cách hoàn toàn đặc biệt cho giáo dân. Đó là những hình ảnh có ý nghĩa lạ lùng , bởi vì không những chúng diễn tả sự tháp nhập cách sâu xa và sự tham dự trọn vẹn của giáo dân trên trái đất vào trần gian, vào cộng đồng nhân loại, nhưng nhất là diễn tả sự mới mẻ và độc đáo của một sự hội nhập và một sự tham dự hướng đến việc phổ biến Tin Mừng cứu độ.

Những người được mời gọi nên thánh

9.             Chúng ta sẽ thấy trọn vẹn phẩm giá của giáo dân nếu xem xét ơn gọi đầu tiêncăn bản được Chúa Cha gửi đến mỗi người trong họ trong Đức Giêsu-Kitô, qua trung gian Thánh Thần : đó là ơn gọi nên thánh, tức là ơn gọi đạt đến đức ái trọn hảo. Thánh nhân là chứng từ sáng ngời nhất về phẩm giá đã được ban cho môn đệ Đức Kitô.

        Công Đồng Vatican II đã diễn tả rõ ràng về lời mời gọi mọi người nên thánh. Có thể khẳng định rằng đó là định hướng chính yếu đã được Công Đồng ấn định cho các con cái nam nữ của Giáo Hội, một Công Đồng được triệu tập để canh tân đời sống Kitô-giáo phù hợp với Tin Mừng.[30] Định hướng này không đơn thuần là một sự khuyên nhủ luân lý, nhưng là một đòi hỏi không thể tránh né trong mầu nhiệm Giáo Hội : Giáo Hội là Cây Nho được tuyển chọn, nhờ đó các cành được sống và tăng trưởng do chính nhựa sống thánh thiện và thánh hóa của Đức Kitô ; Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm trong đó các chi thể tham dự cùng một đời sống thánh thiện với thủ lãnh là Đức Kitô ; Giáo Hội là Hiền Thê yêu quý của Chúa Giêsu, Đấng đã tự phó mình để thánh hóa Giáo Hội (x. Ep 5,25 tt). Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa bản tính nhân loại của Đức Giêsu trong cung lòng trinh khiết của Đức Maria, cũng là Thánh Thần đang cư ngụ và hoạt độïng trong Giáo Hội để thông ban cho Giáo Hội sự thánh thiện của Con Thiên Chúa làm người.

        Ngày nay, hơn lúc nào hết, mọi kitô-hữu phải cấp bách trở về với con đường canh tân theo Tin Mừng, quảng đại đáp lại lời kêu gọi của thánh Tông Đồ là “sống thánh thiện trong cách ăn nết ở” (1 Pr 1,15). Năm 1985, tức hai mươi năm sau khi kết thúc Công Đồng, Thượng-hội-đồng khóa ngọai lệ đã nhấn mạnh thật đúng lúc về sự cấp bách này : “Vì Giáo Hội trong Đức Kitô là một mầu nhiệm, nên phải coi Giáo Hội như một dấu chỉ và một phương tiện nên thánh. Trong những giai đọan khó khăn nhất của lịch sử Giáo Hội, các thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và căn nguyên của việc canh tân. Ngày nay chúng ta rất cần có những vị thánh ; chúng ta phải tha thiết xin Chúa ban cho những vị thánh”[31].

        Trong Giáo Hội, tất cả mọi người, chính vì là phần tử của Giáo Hội, nên lãnh nhận và vì vậy tham dự vào ơn gọi chung là nên thánh. Không hề có sự khác biệt nào so với các thành phần khác của Giáo Hội, các giáo dân đương nhiên được mời gọi nên thánh : “Tất cả các kitô-hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô-giáo và tiến đến sự trọn lành đức Ái”[32] ; “Mọi kitô-hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình”[33].

        Ơn gọi nên thánh có gốc rễ trong bí tích Thánh Tẩy và được khơi lại nhờ các bí tích khác ; chủ yếu là bí tích Thánh Thể : được mặc lấy Đức Kitô và được tràn đầy Thánh Thần, các kitô-hữu là “những vị thánh”, nhờ đấy, họ có năng cách và nỗ lực bày tỏ sự thánh thiện của hữu thể trong sự thánh thiện của mọi hoạt động của họ. Thánh Phaolô không ngừng khuyên các kitô-hữu sống “xứng đáng là các thánh” (Ep 5,3).

        Đời sống theo Thần Khí, mà hoa trái là sự thánh hóa (Rm 6,22 ; x. Gl 5,22) khơi lên nơi tất cả và từng người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy khát vọng và đòi hỏi phải nối gót và noi gương Đức Giêsu-Kitô, qua việc đón nhận các Mối phúc thật của Ngài, lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, tham dự cách có ý thức và chủ động vào đời sống phụng vụ và bí tích của Giáo Hội, chuyên chăm việc cầu nguyện cá nhân, gia đình và cộng đồng, đói khát sự công chính, thực hành giới luật yêu thương trong mọi hoàn cảnh đời sống và trong việc phục vụ các anh em, đặc biệt những người hèn kém, nghèo khó và đau khổ,

Thánh hóa bản thân trong trần gian

10.         Lời mời gọi giáo dân nên thánh đòi hỏi đời sống theo Thần Khí phải được diễn tả đặc biệt qua việc họ hội nhập vào các thực tại trần thế và tham dự vào các họat động trần gian. Thánh Phaolô cũng khuyến khích chúng ta : "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu-Kitô, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha" (Cl 3,17). Áp dụng câu nói của thánh Phaolô cho giáo dân, Công Đồng quả quyết cách mạnh mẽ : “Những việc trong giaq đình cũng như những việc ngoài xã hội không được tách rời khỏi động lực siêu nhiên của cuộc sống”[34]. Sau Thánh Tông Đồ và Công Đồng, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã tuyên bố : “Sự thống nhất đời sống của giáo dân là cực kỳ quan trọng. Thực vậy, họ phải tự thánh hóa bản thân trong cuộc sống thường ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Để có thể đáp ứng ơn gọi của mình, giáo dân phải coi cuộc sống hằng ngày của mình như một cơ hội kết hiệp với Thiên Chúa và chu tòan thánh ý Người, đồng thời coi đó là cơ hội phục vụ người khác, bằng cách đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô”[35]

        Người giáo dân phải hiểu và sống ơn gọi nên thánh không hẳn như nghĩa vụ đòi buộc và không thể tránh né, cho bằng như một dấu chỉ sáng chói về tình yêu vô biên của Chúa Cha, Đấng đã tái sinh họ vào đời sống thánh thiện của Ngài. Một ơn gọi như thế, cùng với những điều kiện nói trên, phải được xác định như một yếu tố thiết yếu và không thể tách rời của đời sống mới trong bí tích thánh tẩy, và vì thế, như một yếu tố cấu tạo nên phẩm giá của họ. Đồng thời, ơn gọi nên thánh cũng liên hệ mật thiết tới sứ vụ và trách nhiệm đã được trao phó cho giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới. Thực thế, việc nên thánh, phát xuất từ việc tham dự vào đời sống thánh thiện của Giáo Hội, cũng góp phần hàng đầu và căn bản vào việc xây dựng Giáo Hội, xét như sự “Hiệp Thông Các Thánh”. Với cặp mắt đức tin, ta thấy mở ra một quang cảnh kỳ diệu : đó là vô số giáo dân, nam cũng như nữ, trong đời sống và trong hoạt động thường ngày, thường không được nhận ra hay đôi khi không được thông cảm, không được những người có uy thế ở trần gian đếm xỉa, nhưng lại được Chúa Cha nhìn đến với lòng yêu thương, những người ấy là những công nhân làm việc không mệt mỏi trong Vườn Nho của Chúa, những người thợ vừa khiêm tốn vừa cao cả – nhờ quyền lực ân sủng của Thiên Chúa – làm tăng trưởng Nước Thiên Chúa trong dòng lịch sử.

        Tiếp đến, phải nhìn nhận rằng, sự thánh thiện là một nền tảng thiết yếu và là điều kiện không thể thay thế để chu tòan sứ vụ cứu độ của Giáo Hội. Sự thánh thiện của Giáo Hội là nguồn mạch sâu kín và là mực thước vững chắc cho họat động tông đồ và hứng khởi truyền giáo của Giáo Hội. Chỉ khi nào Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô, để cho Ngài yêu mến và yêu mến Ngài, thì Giáo Hội mới trở nên người Mẹ sinh sản trong Thánh Thần.

        Chúng ta hãy trở lại với hình ảnh Thánh Kinh : cành nho phát sinh và tăng trưởng tùy thuộc vào việc chúng gắn liền với cây nho : "Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15,4-5).

        Ở đây tất nhiên phải nhắc lại việc long trọng tôn phong các giáo dân, nam cũng như nữ, vào hàng ngũ các chân phước và hiển thánh, diễn ra trong thời gian Thượng-hội-đồng. Toàn thể Dân Chúa, cách riêng các giáo dân, có thể tìm thấy nơi các ngài những gương mẫu mới về sự thánh thiện và những chứng nhân mới về các nhân đức anh hùng, được thực hành trong những hoàn cảnh bình thường như mọi người. Các Nghị Phụ đã khẳng định : “Ước mong các Giáo Hội địa phương, nhất là các Giáo Hội trẻ, hãy lưu tâm tìm ra, trong số các phần tử của mình, những người nam và nữ đã làm chứng về sự thánh thiện giữa những hoàn cảnh như thế (sống thường nhật giữa đời và trong bậc vợ chồng) và có thể nên gương cho người khác, để, khi có cơ hội, đề nghị tôn phong chân phước và hiển thánh cho những người ấy”[36].

        Trong phần cuối những suy tư này nhằm để xác định vị thế của người giáo dân trong ghhh, chúng ta nhớ lại lời chất vấn nổi tiếng của thánh Lêô Cả : “Hỡi người kitô-hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình”[37]. Ngỏ lời với những người đã nhận lãnh bí tích thánh tẩy, thánh Maximô, giám mục Torinô, cũng nói như thế : “Hãu trân trọng danh dự đã được ban cho anh trong mầu nhiệm này !”[38]. Tất cả mọi người đã lãnh bí tích thánh tẩy đều được mời gọi lắng nghe một lần nữa những lời của thánh Augustinô : “Hãy vui mừng và tạ ơn vì không những chúng ta đã trở thành kitô-hữu, mà trở thành Đức Kitô ... Hãy ngạc nhiên và vui mừng vì chúng ta trở thành Đức Kitô !”[39].

        Phẩm giá kitô-hữu, nguồn mạch của sự bình đẳng giữa mọi thành phần trong Giáo Hội, bảo đảm và thúc đẩy tinh thần hiệp thông và huynh đệ, đồng thời trở nên nguồn mạch âm thần mạnh mẽ của sự năng động tông đồ và truyền giáo của giáo dân. Đó là một phẩm giá có tính đòi buộc, phẩm giá của những người thợ được Chúa kêu gọi làm vườn nho. Công Đồng tuyên bố : “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi thời và mọi nơi”[40].



[1]      CĐ. Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 6

[2]      x. Đề nghị 3

[3]      CĐ. Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31

[4]      nt.

[5]      Đức Piô XII, Diễn từ đọc trước các Tân Hồng Y (20/02/1946)

[6]      CĐ Firenze, Sắc lệnh cho người Armênia : DS 1314

[7]      CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 10

[8]      Thánh Augustinô, Chú giải Tv XXVI, II, 2

[9]      x. CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 10

[10]    Đức GIOAN-PHAOLÔ II, Bài giảng khởi đầu thừa tác vụ Mục tử Tối Cao (22/10/1978)

[11]    x. nhắc lại giáo huấn này trong Tài liệu làm việc, “Ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới hai mươi năm sau Công Đồng Vatican II”, s. 25

[12]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 34

[13]    nt. s. 35

[14]    nt. s. 12

[15]    nt. s. 35

[16]    Thánh Augustinô, Thành Đô Thiên Chúa, XX, 10

[17]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 32

[18]    nt. s.31

[19]    Đức Phaolô VI, Diễn từ đọc trước các bề trên và thành viên các Tu Hội đời (02/02/1972)

[20]    CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 5

[21]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31

[22]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31

[23]    nt., s. 31

[24]    nt., s. 48

[25]    CĐ Vatican II, Hiến chế về Mục Vụ, s. 32

[26]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 31

[27]    nt., s. 31

[28]    Đề nghị 4

[29]    “Là những thành phần trọn vẹn của Dân Thiên Chúa và của Nhiệm Thể, được tham dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, người giáo dân diễn tả và làm nổi bật nét phong phú của phẩm giá đó trong cuộc sống giữa trần gian. Có những công việc đối với những phần tử trong hàng giáo sĩ được coi là có tính cách phụ thuộc hoặc ngoại thường, thì đối với người giáo dân, phải được coi như một sứ vụ tiêu biểu. Ơn gọi riêng của người giáo dân là “tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 31)” (Đức Gioan-Phaolô II, Suy niệm khi đọc kinh Truyền Tin, ngày 15/3/1987)

[30]    x. đặc biệt chương V Hiến chế tín lý về Giáo Hội, các số 39–42, bàn về “lời mời gọi mọi người nên thánh trong Giáo Hội”

[31]    THĐGM năm 1985, Khóa ngọai lệ lần II, Giáo Hội dưới quyền Ngôi Lời Thiên Chúa cử hành mầu nhiệm Đức Kitô để cứu độ thế giới, Bản phúc trình tổng kết, II, A, 4

[32]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 40

[33]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 42. Những xác quyết long trọng và hết sức sáng sủa này của Công Đồng nhắc lại cho chúng ta một chân lý nền tảng của đức tin Kitô-giáo. cũng thế, chẳng hạn như Đức PIÔ XII đã viết trong thông điệp Casti connubii, gửi các đôi vợ chồng kitô-hữu : “Dù trong hoàn cảnh hay tình trạng sống nào của mình, mọi người đều có thể và phải bắt chước mẫu gương hoàn hảo về sự thánh thiện do Thiên Chúa ban cho con người, đó là Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta ; và với sự trợ giúp của Thiên Chúa, mọi người đều có thể và phải đạt đến đỉnh trọn lành Kitô-giáo, như mẫu gương của bao vị thánh đã minh chứng”.

[34]    CĐ Vatican II, Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân, s. 4

[35]    Đề nghị 5

[36]    Đề nghị 8

[37]    Thánh Lêô Cả, Bài giảng XXI

[38]    Thánh Maximô, Khảo luận III về bí tích Thánh Tẩy

[39]    Thánh Augustinô, Khảo luận về Tin Mừng theo thánh Gioan, 21, 8

[40]    CĐ Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, s. 33


Mục Lục Tông Thư Người Tín Hữu Giáo Dân