VIII. DÂN CHÚA THAM DỰ VÀO

SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Lm. Phaolô Lê Đức Huân

 

Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, vẫn mãi mãi đồng hành với nhân loại và đi theo dòng lịch sử của loài người. Giáo Hội không đứng ở ngoài cũng không ở trên, nhưng ở trong xã hội loài người như men như muối nhằm đưa con người đến với Thiên Chúa qua việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, cả trong thế giới ngày nay với những tiến bộ và phát triển vừa nhanh lại vừa rộng khắp trên các lãnh vực khác nhau. Thời đại nào Giáo Hội cũng gặp những phức tạp, khó khăn, trở ngại cho việc loan báo Tin Mừng (ĐGH Phaolô VI, LBTM 80) Tuy nhiên, thật là vui biết bao khi trong Dân Chúa có một đội ngũ chủ chăn, tu sĩ và giáo dân, say mê sứ mệnh Tin Mừng Hoá của mình, đang tìm kiếm những cách thức thích ứng hơn mãi để loan báo Tin Mừng được hữu hiệu (LBTM 73,2). Dân Chúa được mời gọi  dấn thân vào việc  loan báo Tin Mừng vì tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo (TG 2).

 

I.  LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ HỒNG ÂN, LÀ ƠN GỌI, LÀ CĂN TÍNH CỦA DÂN CHÚA.

 

Chúa Giêsu là Sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất. Ngay từ đầu, Ngài đã xác định sứ mạng của Ngài là rao giảng Tin Mừng theo lệnh truyền của Đức Chúa Cha (TMV 2003, số 3).

 

Nhiều lần Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hiểu rằng sứ mạng loan báo Tin Mừng của họ đến từ Ngài (TMV 2003, số 2). Chính Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (Mc 16,15 ; Mt 28,19-20). Do đó Dân Chúa được tham dự vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng (TMV 2003, số 4)

Đứng truớc sứ vụ loan báo Tin Mừng, có những thành phần Dân Chúa đã có một sự hiểu biết rất tích cực, nhưng đồng thời cũng có những thành phần khác rất tiêu cực trong suy nghĩ :

 

- Họ có cái nhìn thành kiến về người đi truyền giáo hoặc các địa điểm truyền giáo : những nơi truyền giáo bị coi là nơi “đầy ải” dành cho những người “có tội”, không có khả năng, ít quan trọng. Ngay cả các linh mục, tu sĩ  cũng có khi có mặc cảm như thế. Trong thời điểm 1930, ở miền Nam, những linh mục phải đổi từ Saigon ra Phan Rang, Phan Rí đã bị coi là đi đầy ! Ngay cả miền Bắc cũng thế, những ai phải đi lên miền thượng du, Mường Mán thì cũng bị coi như bị đầy ải. Và ngay cả trước 1975, có tu sĩ, linh mục khi được sai đến truyền giáo cho người Thượng thì cũng có mặc cảm thua kém, ít quan trọng …

 

- Việc truyền giáo là việc của các linh mục, tu sĩ …, không phải là việc của mình hoặc là việc mình phải làm nhưng vui thì làm, có giờ thì quan tâm …

May mắn thay, Công Đồng Vatican II với sắc lệnh “Ad Gentes” năm 1965, đã sửa chữa kịp thời quan niệm sai lầm đó khi nhấn mạnh đến sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh và phải sai các linh mục được tuyển chọn trong số những nguời ưu tú, có khả năng, và được chuẩn bị kỹ lưỡng để thi hành công việc đặc biệt đang chờ đợi số 38) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” số 68, năm 1990 cũng đã trích lại tư tưởng đó của Sắc Lệnh này. Cũng theo sắc lệnh “Ad Gentes” thì phải đưa môn Truyền Giáo Học vào chương trình Giáo Hội Học, cũng như phải thiết lập những Học Viện Truyền Giáo.

 

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông Huấn “Loan Báo Tin Mừng”, đã coi việc tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng là một hồng ân khi Ngài khẳng định : “Loan báo Tin Mừng là hồng ân và là ơn gọi riêng của Hội Thánh, là căn tính sâu xa nhất của Hội Thánh” (LBTM số 14).

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Khởi đầu Thiên niên kỷ mới, năm 2001, đã nói : “loan báo là ân huệ làm chúng ta tràn ngập niềm vui” (số 55).

 

Cũng chính Ngài trong Thông Điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” số 65, năm 1990, đã nhấn mạnh : “Ơn gọi truyền giáo là ơn gọi đặc biệt trong Giáo Hội”. Và trong số 5, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định : “Giáo Hội là truyền giáo do tự bản tính của Giáo Hội”.

 

Lời xác quyết của hai vị giáo hoàng cũng đã được lập lại trong Thư Mục Vụ năm 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa qua : “Loan báo Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi đặc biệt của Hội Thánh, là chân tính sâu xa nhất của Hội Thánh” (TMV 2003 đoạn 1, số 2)

 

Những từ ngữ ân huệ, ơn gọi, diễn tả một sứ mạng cao cả Chúa đã trao cho dân Ngài, từ đó dân Chúa cảm thấy vinh dự, diễm phúc được tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng luôn là một trọng trách, đồng thời vẫn là  niềm vui, là lý tưởng, là lẽ sống để người tín hữu đáp lại hồng ân của Chúa, ơn gọi của Chúa đối với mình.

 

Đức Giám Mục Giáo Phận Đàlạt, trong cuộc nói chuyện với các linh mục, tu sĩ, giáo dân Giáo hạt Đức Trọng nhân ngày Truyền Giáo 19.10.2003 đã phát biểu như sau : “Nếu Hội Thánh là Hội Thánh của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì Hội Thánh phải lên đường truyền giáo. Hội Thánh không thể là gì khác ngoài loan báo Đức Kitô, loan báo Tình Yêu Thiên Chúa. Hội Thánh được thành lập là để sai đi, vì không ai trong chúng ta được rửa tội để lãnh phần rỗi riêng cho mình. Người Kitô hữu qua Bí tích Rửa Tội được gọi Thiên Chúa là Cha, được coi mọi người là anh em, tất cả là để lên đường, đi đến với những người chưa biết Chúa, hoặc những người đã biết Chúa nhưng đã bỏ Chúa. Hội Thánh mà không truyền giáo, không lên đường loan báo Tin Mừng, thì chỉ là một tổ hợp, một hội gì đó, chứ không còn là Hội Thánh của Chúa Kitô nữa”… “loan báo Tin Mừng là một diễm phúc, đừng đánh mất diễm phúc ấy”.

 

Cũng trong bài nói chuyện trên Đức Giám Mục Giáo Phận còn dùng một hình ảnh rất quen thuộc để nói một cách rất mới mẻ về căn tính của việc loan báo Tin Mừng. Ngài nói : “Chưa có một đề tài nào mà tôi cảm thấy thích thú khi trình bầy, lập đi lập lại cho người lớn, cho trẻ em … cho bằng đề tài Loan Báo Tin Mừng.Vì sao ? Bởi vì nó nằm trong máu của Kitô hữu.Cắt miếng thịt của Kitô hữu thì máu chảy ra là máu truyền giáo. Máu của Kitô hữu là Loan báo Tin Mừng”.

 

Từ đó, càng dễ hiểu hơn câu nói : “Máu của các Thánh Tử Đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”.

Như vậy, tham dự vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, là hồng ân, là  ơn gọi, là căn tính, là vinh dự, là diễm phúc của Dân Chúa.

 

II. DÂN CHÚA THAM DỰ VÀO SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG SUỐT 2000 NĂM QUA.

Vâng lệnh Chúa Giêsu Kitô, dưới tác động của Thánh Thần, hai ngàn năm qua, Hội Thánh không ngớt lên đường rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ Giáo Hội sơ khai đến Giáo Hội qua các thời đại. Giáo Hội hăng hái dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng, dù cho có gặp gian nan thử thách, bắt bớ, giam cầm hoặc cả ngay đến việc hi sinh mạng sống để loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. (x,TMV 2003,số 4).

A. GIÁO HỘI SƠ KHAI :

 

Giáo Hội sơ khai vẫn luôn là gương mẫu cho Giáo Hội mọi thời đại về việc loan báo Tin Mừng. Dân Chúa trong thời ấy sống đức tin mạnh mẽ, đức ái dạt dào, đức  cậy vững vàng, hiệp nhất cao độ, và nhất là nhiệt tình loan báo Tin mừng …

 

Nhưng nói tới Giáo Hội sơ khai là phải nói ngay tới các Tông Đồ. Các Ngài là những người đứng đầu và dẫn đầu Dân Chúa. Các Ngài sống can đảm : rao giảng không mỏi mệt, rao giảng bất cứ nơi nào, cả trong lao tù, cả khi bị phân tán, cả nơi bờ sông nơi người ta thường hợp nhau đọc kinh (Cv 16,11-15), trước mặt quan quyền, cho người giầu có, cho dân ngoại, cho người Hy Lạp, người Macedonia, Samaria, Antiokia, Cesarea, Âu Châu, Ai Cập …

 

Các Tông Đồ nêu gương đức tin : Phêrô chữa người què nơi Cửa Đẹp, (chỉ tin vào quyền năng Chúa, chứ không vào của cải đời này, x. Cv 3,1-10) không sợ cảnh xiềng xích tù đầy, hân hoan chịu xỉ nhục vì Danh Chúa, khẳng khái trình bày Giáo Lý đức tin, mạnh dạn loan báo Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, lúc thuận lúc nghịch, trông cậy vào Chúa chứ không phải vào người đời, sẵn sàng chịu chết vì Chúa.

 

Các Tông Đồ tìm ra những sáng kiến mới : việc cắt đặt các Phó Tế để các Ngài dành trọn thời gian cho việc loan báo Tin Mừng (Cv 6,1-7), Phaolô đến Corintô và ở nhà một người Do Thái tên là Aquila và cùng làm nghề dệt bố để làm nhà lều, nhưng khi Sila và Timothêô đến thì Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dậy (Cv 18,1-8 ; việc đặt các niên trưởng cho các giáo đoàn (Cv 14), việc góp gia tài làm quỹ chung để không ai còn phải chịu thiếu thốn, cử Saolô và Barnaba đặc trách Dân ngoại (Cv 12,24)

Các Tông Đồ lo bảo vệ sự hiệp nhất : cùng nhau giải quyết những khủng hoảng trong nội bộ (Cv 15,1-6), không đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác (Cv 15,22-29)

 

Các Tông Đồ làm cho dân Chúa trở thành Cộng Đồng làm chứng về lòng bác ái (Cv 2,42-47 ; 4,32-37) làm cho người ngoại giáo cảm kích, khen ngợi.

 

Các Tông Đồ quan tâm đến nhân sự : đón nhận Phaolô, rồi Phaolô đón nhận Timôthêô ở Lystra (Timôthêô có mẹ là người Do Thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại, Timôthêô được anh em ở Lystra chứng nhận là người tốt. Cv 16,1-10), đón nhận Titô và các cộng sự viên khác nữa. Các Ngài thân tình, yêu mến, biết ơn các cộng sự viên : gửi lời thăm, cám ơn, nài nẵng.

 

Các Tông Đồ đã tác động hiệu quả trên Dân Chúa trong việc loan báo Tin Mừng : Phaolô ở Macedonia : Sau khi nghe Phaolô giảng thì Bà Lydia, buôn vải gấm, đã xin chịu phép rửa tội cùng với gia đình và xin các Tông Đồ đến ở và giảng dậy tại nhà bà. (Cv 16,11-15) Các Ngài đã làm cho họ, đến lượt mình, lại biết mở cửa nhà, mở cửa lòng, mở miệng để loan báo Tin Mừng.

Như thế, sách Tông Đồ Công Vụ nhiều lần đã ghi : số tín đồ càng ngày càng gia tăng.

 

B. GIÁO HỘI TRONG CÁC THỜI ĐẠI :

Giáo Hội qua các thời đại vẫn không ngớt lên đường, noi gương Giáo Hội sơ khai. Có biết bao các vị Thừa Sai ngoại quốc ra đi truyền giáo ở những lục địa khác nhau và những nhà truyền giáo bản xứ gồm Linh Mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân đã phải gieo trong nước mắt và trong máu đào để loan báo Tin Mừng.

 

Và vì ý thức rằng : Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong việc truyền giáo ; Chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng (LBTM 75) nên Giáo Hội luôn tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền giáo, đồng thời phải thích ứng để có thể đem Tin Mừng cách hữu hiệu cho nhân loại. Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội và soi sáng những sáng kiến mới.

Từ đó chúng ta thấy xuất hiện các dòng tu nam nữ chiêm niệm hoặc hoạt động cũng như các tu hội đời (SVĐCT số 69) đã giúp rất nhiều trong việc truyền giáo.

 

Lại nữa, chúng ta thấy nảy sinh những phong trào Thanh Sinh Công, Thanh lao công, Sinh viên Công giáo, Pax Romana, Linh Mục thợ, những dòng Ba Đaminh, dòng ba Phan sinh, những Hiệp Hội Công giáo tiến hành, những Legio Mariae, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Thiếu nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Hướng Đạo ... Các Hiệp hội truyền giáo (SVĐCT số 60, TG số 27), các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản … Đó là sức mạnh cho việc loan báo Tin Mừng. (SVĐCT số 60). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông Thư Loan báo Tin Mừng và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế đã tỏ lòng biết ơn và cảm phục các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân vì lòng nhiệt thành của họ. (số 60)

 

Đồng thời qua các thời đại xuất hiện những vị Thánh đặc biệt làm gương về những cách loan báo Tin Mừng độc đáo và cần thiết để Giáo Hội có thể loan báo một cách uy tín về Đức Giêsu Kitô.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư Khởi đầu thiên niên kỷ mới đã nói : “Chúng ta tôn vinh Chúa vì những gì Người đã làm suốt các thế kỷ và cách riêng trong thế kỷ mà chúng ta vừa bỏ lại đàng sau, khi ban cho Giáo Hội một đám đông các thánh và tử đạo. Đối với vài vị trong họ, Năm Thánh đã là năm để tôn vinh các Ngài lên bậc Chân Phước hay Hiển Thánh. Sự thánh thiện, dù quy cho các Giáo Hoàng nổi tiếng trong lịch sử hoặc những khuôn mặt giáo dân và tu sĩ hèn mọn, từ lục địa này đến lục địa kia của trái đất, đã xuất hiện rõ ràng hơn như là chiều kích diễn tả tốt hơn hết mầu nhiệm Hội Thánh. Sự thánh thiện, một sứ điệp thuyết phục mà không cần đến lời nói, là phản ảnh sống động của dung nhan Đức Kitô … Nhân dịp năm Thánh, nhiều việc cũng đã được làm để thu thập những kỷ niệm quý báu của các Chứng Nhân Đức Tin trong thế kỷ 20” (số 7).

 

Chúng ta phải kể đến Ông Bà Chân Phước Luigi và Maria Beltrame Quattrochi (21.10.2001) về đời sống gia đình : khi Bà Maria Corsini mang thai người con thứ tư thì bác sĩ bảo là nếu bà muốn sống thì phải hủy bào thai này. Bà không phá thai nhưng cứ tiếp tục dưỡng thai và sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, Bà còn sống thêm được 51 năm nữa.

 

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã sáng lên như là vị giáo hoàng hoà bình trong một thế giới đầy xung đột, chiến tranh và chết chóc. Thế giới đã phải công nhận và kính tặng ngài giải thưởng Nobel Hoà Bình.

 

Chân Phước Teresa Calcutta (19.10.2003) đã được thế giới hôm nay coi như là Vị Thánh Sống khi Mẹ từ bỏ tất cả để đến làm một người nghèo, chia sẻ sự nghèo của họ và luôn bênh vực họ trong mọi nơi mọi lúc. Mẹ đã trở nên ánh sáng của tình yêu thương. Mẹ cũng được thế giới ban tặng giải Nobel Hoà Bình.

 

Nhưng cũng như  trong Giáo Hội sơ khai, các Tông Đồ là những người đi tiên phong, thì các Vị  Chủ Chăn trong Giáo Hội mọi thời vẫn là những người đi trước toàn Dân Chúa trong việc hướng dẫn và phát huy sức mạnh truyền giáo trong Giáo Hội, qua đời sống làm gương, qua huấn giáo hoặc các văn kiện hợp thời, đúng lúc.

Như thế, Giáo hội qua các thời đại đã tiếp nối bước chân loan báo Tin Mừng của Giáo Hội Sơ Khai. Giáo Hội không những tồn tại mà còn phát triển nhờ tất cả Dân Chúa loan báo Tin Mừng cho thế giới.

 

III. DÂN CHÚA THAM GIA TÍCH CỰC VÀO VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY.

Vì toàn thể Giáo Hội là truyền giáo và vì công việc rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ căn bản của Dân chúa, nên mọi người có nhiệm vụ góp phần vào (TG số 35).

 

Công việc loan báo Tin Mừng là hành động có tính Giáo Hội. Thực vậy, rao giảng Tin Mừng không phải là hành động cá nhân và riêng lẻ của ai hết, nhưng là một hành động có tính giáo hội sâu sắc, luôn luôn là công việc chung của cả Giáo Hội, phải được thi hành trong sự hiệp thông với toàn thể cộng đoàn đức tin (LBTM 60, GHAC 42) hay nói như Sắc lệnh Truyền giáo số 40 : “phải có tinh thần và việc làm thực sự công giáo”.

 

Trong các Tông Thư, Thông Điệp, Tông Huấn … của các vị giáo hoàng mới đây, các ngài đều kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào việc loan báo Tin Mừng :

 

- Đức Giáo Hoàng : Công Đồng Vaticanô II đã muốn xác định  đỉnh cao nhất của Đức Giáo Hoàng trong việc tông đồ : “Mệnh lệnh mà Chúa Kitô sai đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16,15) trước hết và trực tiếp nhắm tới các giám mục cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô” (LBTM 67, SVĐCT số 73, GHAC số 42). Khi ban bố Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói lên “nỗi ray rứt hàng ngày của Ngài” là khuyến khích anh em trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các Ngài  làm cho Giáo Hội trở nên giáo hội truyền giáo.

 

- Các Giám Mục : “Hiệp nhất với người kế vị Phêrô, các giám mục, những người kế vị các Tông Đồ, nhờ thụ phong chức Giám mục, đã nhận quyền dậy dỗ chân lý mạc khải trong Giáo Hội. Các ngài là nhưng thầy dậy đức tin”. (LBTM 68 ; GHAC 43 ; SVĐCT 73), Chính giám mục làm thể hiện tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo của Dân Chúa và có thể nói là thể hiện cách hữu hình để toàn thể giáo phận trở thành giáo phận truyền giáo. (TG 38)

 

- Các Linh Mục : liên kết với giám mục trong việc loan báo Tin Mừng, ngay lúc thụ phong, nhờ Bí Tích Truyền chức Thánh. Các linh mục cũng được hiệp thông với nhau bằng sự hiệp thông bí tích qua bí tích truyền chức và hiệp thông với nhau nhờ Bí Tích Thánh Thể mà các ngài cử hành hằng ngày. Các ngài phải biết đồng tâm nhất trí trong việc cùng nhau truyền giáo.

 

Các linh mục được mời gọi hãy trở thành người chăn dắt đàn chiên, người rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và người cử hành bí tích (GHAC 43). Làm như thế là các chủ chăn đang thực hiện một công cuộc Tin Mừng hoá (LBTM 68).

 

Tuy nhiên, các Linh Mục có một sứ mạng cứu thế rất rộng lớn và bao quát đến tận cùng trái đất (SVĐCT 67). Chúa không chỉ trao cho linh mục mối quan tâm mục vụ tại cộng đoàn Kitô giáo, nhưng còn và nhất là loan báo Tin Mừng cho những người đồng huơng chưa thuộc về đàn chiên (SVĐCT 67).

 

Các linh mục được mời gọi hãy trở thành người chăn dắt đàn chiên, người rao giảng Tin Mừng cứu độ và người cử hành bí tích (GHAC 43). Làm như thế là các chủ chăn đang thực hiện một công cuộc Tin Mừng hoá (LBTM 68).

 

Các Linh Mục được mời gọi ý thức về nhiệm vụ này hơn mọi thành phần khác trong Giáo Hội (LBTM 68) Mọi thời gian mọi việc làm hàng ngày của Linh Mục phải qui về việc này : “loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” cho dù chúng ta bị lôi cuốn suốt ngày và suốt đời bởi trăm nghìn công việc. (x. LBTM 68)

 

Chúng ta đừng bao giờ hoài nghi, đừng bao giờ thối chí nhưng luôn xác tín rằng : “với tư cách chủ chăn, chúng ta đã được Vị Mục Tử tối cao đoái thương chọn lựa, mặc dù chúng ta bất xứng, để công bố Lời Thiên Chúa, để tập họp dân Thiên Chúa bị tản mác, để nuôi dưỡng dân này bằng các dấu chỉ của tác động Đức Kitô tức là các Bí Tích, để đưa họ vào con đường cứu độ, để gìn giữ họ trong sự hiệp nhất mà chúng ta ,ở những mức độ khác nhau, vẫn là những dụng cụ tích cực, để không ngừng khích lệ cộng đồng đã họp lại chung quanh Đức Kitô đi theo ơn gọi thâm sâu nhất của mình” (LBTM 68)

 

Là mục tử, chúng ta luôn thao thức, tâm huyết, cổ võ  công việc truyền giáo khi thì với cá nhân này, lúc thì với  tập thể kia. Chúng ta không thể thiếu nhiệt tình, mệt mỏi, chán nản hoặc làm lấy lệ, hờ hững (LBTM 80). Sắc lệnh Ad Gentes số 13 khuyến khích chúng ta phải tin tưởng và bền chí loan báo Tin Mừng

 

Chúng ta biết  rằng thời đại nào cũng có những trở ngại (LBTM 80) nhưng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc loan báo Tin Mừng : “chính Ngài thúc đẩy mỗi người loan báo Tin Mừng và chính Ngài từ bề sâu ý thức làm cho người ta nhận và hiểu Lời cứu độ” (LBTM 75). Chúng ta đừng hành động riêng lẻ nhưng luôn thi hành trong tinh thần Giáo Hội (LBTM 60)

 

Trong Thông Điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan Phaolô II rất lạc quan và phấn khởi đức tin : dù có một số người có cái nhìn bi quan về thế giới trước ngưỡng cửa năm 2000, Đức Thánh Cha khẳng định : “chúng ta vẫn có thể nhận ra một mùa xuân vĩ đại … một mùa vọng truyền giáo” (số 86).

 

Chúng ta cần hiểu biết giáo dân hơn và tôn trọng khả năng của họ trong các lãnh vực trần thế : sinh học, y học, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị (KTHGD số 38, số 42) động viên họ sống đời sống chứng tá, âm thầm như muối, ánh sáng (KTHGD số 15, số 20) chúng ta hiểu hoàn cảnh sống của họ, thời giờ họ để có thể có những lời mời thích hợp tham gia vào việc loan báo Tin Mừng.

 

Nhờ Thánh Thần soi sáng, người mục tử sẽ có nhiều sáng kiến hay ít là biết vận dụng những cách thức hoặc những phương tiện mới mẻ cho việc loan báo Tin Mừng : tổ chức cầu nguyện cho việc truyền giáo, tổ chức những công tác từ thiện bác ái, thăm viếng nhiều loại người, hội nhập văn hoá, vận dụng sáng tạo những kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng (TMV 2003). Các linh mục làm cho giáo xứ mình coi sóc trở nên giáo xứ truyền giáo.

 

- Các tu sĩ nam nữ : là những người có tầm quan trọng đặc biệt về mặt làm chứng là mặt cần thiết trước tiên trong việc loan báo Tin Mừng bằng đời sống khó nghèo và nhẹ nhõm, thanh khiết và trong sáng, vâng phục và phó thác, cầu nguyện và hy sinh. Đa số các tu sĩ khác thì trực tiếp hiến thân vào việc loan báo Đức Kitô một cách rất độc đáo, sáng tạo, quảng đại trong các tiền trạm truyền giáo, chấp nhận những nguy hiểm lớn nhất cho sức khoẻ và cả sự sống của họ. (LBTM 69)

 

Trong sắc lệnh Truyền giáo, các Nghị Phụ Công Đồng nói về các dòng tu : “cứ hăng say theo đuổi công việc đã khởi sự … thiết lập các nhà trong xứ truyền giáo … mở rộng hoạt động nơi xứ truyền giáo …” (TG số 40).

ĐGH Gioan Phaolô II trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đã nói : “Trong một thế giới mà ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa thường bị suy giảm, những người sống đời thánh hiến cần phải làm chứng có tính cách ngôn sứ đủ sức thuyết phục về sự ưu việt của Thiên Chúa và đời sống vĩnh cửu … Thượng Hội Đồng thôi thúc họ đừng nao núng trong sứ vụ truyền giáo” (GHAC 44)

 

Cũng chính ngài trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế nói về tu sĩ : “hãy hăng say, hãy có óc sáng tạo, hãy trung thành với đoàn sủng nguyên thuỷ của mình trong việc truyền giáo” (số 66). Các tu sĩ hãy làm cho cộng đoàn của mình thành cộng đoàn truyền giáo.

- Giáo Dân : Trong thời họp Công Đồng Vatican II, có Nghị Phụ đã hóm hỉnh so sánh số ít ỏi linh mục, tu sĩ như là chú bé tí hon và số giáo dân đông đảo được ví như chàng khổng lồ vĩ đại, nhưng rất tiếc anh chàng khổng lồ đó vẫn ngủ li bì ! Chắc là sau Công Đồng Vatican II, anh chàng khổng lồ đó dã tỉnh dậy và chỗi dậy và ra đi.

 

Người giáo dân loan báo Tin Mừng ngay trong lòng thế giới với những phận vụ đa dạng nhất. Địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp (LBTM 70 ; GHAC 45). Họ cần được đào tạo để  thích hợp với việc loan báo Tin Mừng.

 

Trong Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan Phaolô II nói rằng tất cả mọi giáo dân phải dành một phần thời gian cho Giáo Hội, trong khi vẫn sống xứng hợp với đức tin của mình (số 74).

 

- Gia đình : “không gian cho Tin Mừng được truyền đạt và từ đó Tin Mừng được tỏa ra … mọi thành viên đều được Tin mừng hoá và đều Tin Mừng hoá … gia đình này sẽ Tin mừng hoá được nhiều gia đình khác và môi trường xung quanh” (LBTM 71, x. GHAC, THGĐ, TG 21,36).

 

Gia đình là một trong những tác nhân hiệu quả nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Để được thế, cần tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ, lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, yêu thương phục vụ (GHAC 46). Đúng như lời phát biểu của ĐGH Gioan Phaolô II năm 1980 “tương lai thế giới và Giáo Hội sẽ tuỳ thuộc vào gia đình.” Các gia đình phải nỗ lực trở nên gia đình truyền giáo.

 

- Giới trẻ : Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi họ là “những tuần canh của buổi hừng đông” (BVNNM số 9), hoặc Ngài gọi giới trẻ là “niềm hy vọng của Giáo Hội” (KTHGD chương 4).

 

Tại một số quốc gia, họ chiếm hơn nửa dân số … họ là tương lai của các lục địa (SVĐCT số 37).

 

Họ càng đông đảo và càng có mặt trong xã hội cùng với những vấn đề đang bao vây họ. Phải giúp họ hiểu và sống Tin Mừng để họ trở thành tông đồ cho giới trẻ (LBTM 72 ; GHAC 47)

 

Phải có những hiệp hội và những tổ chức các nhóm và các trung tâm giới trẻ, các sáng kiến văn hoá xã hội cho người trẻ (SVĐCT 37).

- Giáo lý viên : Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt đề cập đến vai trò Giáo lý viên (SVĐCT 73). Công Đồng Vatican II xác định : “họ luôn là cần thiết, là chứng nhân trực tiếp, không thể thay thế, là sức mạnh căn bản của các cộng đoàn” (TG 17).

- Các dự tòng : Phải tập cho các dự tòng cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và tuyên xưng đức tin (TG 14).

- Các người phụ nữ : (GHAC ; KTHGD c.4)

- Thiếu nhi, người cao niên, nam giới, bệnh nhân, người đau khổ (KTHGD c.4)

- Các hình thức khác trong việc phục vụ đời sống Giáo Hội và truyền giáo : các linh hoạt viên trong việc cầu nguyện, điều khiển thánh ca … các nhóm cộng đoàn giáo hội cơ bản, các nhóm Kinh Thánh, các người làm việc từ thiện. (SVĐCT 74 ; LBTM 73)

- Thế giới giải trí : Trong Tông Thư Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới, Đức Giáo Hoàng đã nói như sau : “Tôi đã có thể nhắc nhở tất cả những người liên quan về trách nhiệm lớn lao của họ trong việc xử dụng công việc giải trí để ban một sứ điệp tích cực, đó là lành mạnh về mặt luân lý và có khả năng thông truyền niềm tin tưởng và lòng yêu mến” (số 10).

- Các Tu Hội, Hiệp Hội Truyền Giáo (TG số 27)

- Các Hội Đoàn (TG số 32).

Riêng về các hội đoàn Công Giáo, đây chỉ là những đoàn thể mang tính cách tôn giáo, đạo đức chứ không phải là đoàn thể mang màu sắc chính trị. Ước mong sẽ có một ngày sự hiểu biết thông cảm sẽ khả thi và việc thông suốt sẽ đáng trân trọng để các hội đoàn Công Giáo được sinh hoạt lại, sẽ giúp vào việc loan báo Tin Mừng.

 

IV. KẾT :

Dân Chúa được mời gọi tham dự vào sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Tất cả mọi hoạt động loan báo Tin Mừng tại Giáo Hội địa phương đương nhiên phải tuỳ thuộc Đức Giám Mục Giáo phận và phải được phối hợp với đường lối mục vụ của ngài (LBTM 69 ; Giáo Luật điều 790).

 

Ước gì chúng ta cùng đồng hành với Giáo Hội hoàn vũ trong việc loan báo Tin Mừng, đặc biệt với Giáo Hội Việt Nam trong năm nay với một năm trruyền giáo khởi sắc. Chúng ta phải có trách niệm với 90% người Việt Nam chưa tin vào Chúa trên Quê Hương thân yêu của chúng ta. Chúng ta hãy loan báo Tin Mừng bằng những nỗ lực mới, với tinh thần mới, thái độ mới …


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà