Văn kiện đúc kết Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường lần thứ ba về Gia Đình (Phần I)

NHỮNG THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Lời nói đầu

1.Được quy tụ chung quanh Đức Thánh Cha, Thượng Hội Đồng Giám mục hướng sự suy tư của mình về tất cả các gia đình trên toàn thế giới với những vui mừng và lo âu cũng như với những niềm hy vọng của họ. Một cách đặc biệt, Thượng Hội Đồng Giám Mục cảm thấy có bổn phận phải tạ ơn Thiên Chúa về sự trung tín lớn lao mà với nó nhiều gia đình Ki-tô giáo đã đáp lại ơn gọi cũng như sứ mạng của mình. Họ thực hiện điều đó với niềm vui và trong Đức Tin, ngay cả khi họ bất ngờ phát hiện ra những giới hạn, những hiểu lầm và những đau khổ trên con đường với tư cách là các gia đình. Sự kính trọng, lòng biết ơn và sự khích lệ của toàn thể Giáo hội cũng như của Thượng Hội Đồng Giám Mục này được dành cho các gia đình. Trong buổi canh thức cầu nguyện tại quảng trường Thánh Phê-rô vào chiều tối thứ Bảy ngày mồng 04 tháng 10 năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã lưu ý tới tính trung tâm nơi kinh nghiệm của các gia đình trong đời sống của mỗi người, nhằm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục qua hình thức đơn giản và cụ thể, khi Ngài nói rằng: „Trong lúc này, màn chiều đang dần buông xuống trên cuộc đoàn tụ của chúng ta. Đây là thời gian mà nhiều người thích trở về nhà, muốn được đoàn tụ chung quanh chiếc bàn, trong tình thân thiện thẳm sâu, trong sức mạnh của những điều tốt lành đã hoàn thành và được đón nhận, của những cuộc gặp gỡ mà chúng sưởi ấm con tim và làm cho nó phát triển, - của rượu ngon mà nó tiên đoán ngày đại tiệc không hề bị lụi tàn trong con người. Đây cũng là giờ khắc khó khăn nhất đối với những con người đang phải đối phó với nỗi cô đơn riêng đang đập vào mắt mình, trong lúc hoàng hôn đầy cay đắng của những giấc mơ đã bị vỡ tung và của những kế hoạch đã bị đổ sập: có biết bao nhiêu con người đang kéo lê những ngày sống trong tình trạng bế tắc vì sự nản chí, vì sự thất vọng hay ít nhất là vì sự oán hận. Có biết bao nhiêu những căn nhà đang bị thiếu rượu niềm vui, và do đó thiếu đi hương vị của cuộc sống, thiếu đi chân lý của chính cuộc sống (…). Vậy trong buổi chiều hôm nay, chúng ta hãy đưa hết người này đến người khác vào trong lời cầu nguyện dành cho tất cả, qua giọng hát cùng với những lời nguyện cầu của chúng ta.“

2.Với tư cách là trung tâm của niềm vui cũng như của những thử thách, của mối thân thiện sâu xa cũng như của những mối quan hệ đôi khi bị gây tổn thương, trong thực tế, gia đình chình là „ngôi trường của sự nhân ái“ (xc. GS, 52), và chúng ta cảm thấy mình cần đến điều đó rất nhiều như thế nào. Bất chấp rất nhiều những dấu hiệu về một sự khủng hoảng nơi cấu trúc gia đình, trong những môi trường khác nhau của „ngôi làng toàn cầu“, niềm mong muốn cho gia đình được sinh động vẫn đang tồn tại, đặc biệt là trong số những người trẻ. Họ giúp Giáo hội có được kinh nghiệm trong sự nhân ái và trung thành với sứ vụ của mình, hầu loan báo „Tin Mừng Gia Đình“ một cách không ngừng cũng như trong sự xác tín thẳm sâu mà nó được ủy thác cho Giáo hội với sự mạc khải của Tình Yêu Thiên Chúa trong Chúa Giê-su Ki-tô, và được thúc đẩy bởi các Giáo Phụ, các vị Thầy của đời sống tâm linh, và bởi quyền giáo huấn của Giáo hội, không hề bị đứt quãng. Đối với Giáo hội, gia đình có một tầm quan trọng hoàn toàn đặc biệt, và trong phút giây mà trong đó tất cả các tín hữu đều được mời gọi hãy đi ra khỏi chính mình, nó sẽ trở nên cần thiết rằng, gia đình tái khám phá ra mình như là chủ thể không thể thiếu được của việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy nghĩ tới chứng tá truyền giáo của nhiều gia đình.

3.Đức Giám Mục thành Rô-ma đã thúc đẩy Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong phiên họp khoáng đại bất thường của mình vào tháng 10 vừa qua, hãy suy tư về thực tại chính yếu và đầy giá trị của gia đình, hầu đào sâu những suy tư ấy trong phiên họp khoáng đại thường kỳ của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2015, cũng như trong suốt mười hai tháng giữa hai biến cố của Thượng Hội Đồng Giám Mục. „Sự kiện ´convenire in unum - hiệp nhất trong một` chung quanh Đức Giám Mục thành Rô-ma đã là một biến cố thuộc về ân sủng, mà trong đó tinh thần tập thể của Giám Mục đoàn thể hiện trên con đường phân định thiêng liêng và mục vụ“ (ĐTC Phan-xi-cô, Diễn Văn ngày mồng 04.10.2014). Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã mô tả về kinh nghiệm của Thượng Hội Đồng Giám Mục như thế, và đã chỉ ra bổn phận phải lắng nghe kép: Lắng nghe trước những dấu chỉ của Thiên Chúa và lắng nghe trước những câu chuyện của con người, cũng như sứ mạng phải trung tín kép và duy nhất mà nó đi theo sau việc lắng nghe kép ấy.

Trong ánh sáng của bài diễn văn này, chúng tôi đã tập hợp những kết quả từ những suy tư và những cuộc đối thoại của chúng tôi trong ba phần sau đây: Lắng nghe để có thể nhận ra thực tế của gia đình ngày nay trong nhiều tầng lớp của nó, cả với ánh sáng lẫn bóng tối; Cái nhìn hướng về Chúa Ki-tô để suy tư với sự tươi sáng cũng như với sự hăng hái mới về điều mà nó nói cho chúng ta biết về sự mạc khải được lưu truyền trong Đức Tin của Giáo hội, về vẻ đẹp, về vai trò và về phẩm giá của gia đình; phân định với sự đối chiếu trong ánh sáng của Chúa Giê-su để nhận ra xem Giáo hội và cộng đoàn chúng ta có thể trao đi những xung lượng mới như thế nào trong việc lưu tâm của mình tới gia đình mà nó được đặt nền tảng trên đời sống hôn nhân giữa người nam và người nữ.

 

PHẦN I

LẮNG NGHE: BỐI CẢNH VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA CÁC GIA ĐÌNH

Bối cảnh văn hóa xã hội

5.Trong sự trung tín đối với Giáo huấn của Chúa Ki-tô, chúng tôi quan sát thực tế của gia đình hôm nay trong toàn bộ tính phức tạp của nó, với mặt sáng cũng như mặt tối của nó. Chúng tôi nghĩ tới những người cha, người mẹ, những cụ ông, cụ bà, nghĩ tới những người anh em và chị em, nghĩ tới những người họ hàng gần xa, và nghĩ tới mối liên kết giữa hai gia đình mà nó được gắn kết với nhau thông qua cuộc hôn nhân ấy. Sự thay đổi văn hóa thuộc về nhân loại học tác động tới mọi khía cạnh của cuộc sống ngày nay, và đòi hỏi một sự thích nghi vừa có tính phân tích lại vừa có tính biện phân. Trước tiên, nó có giá trị trong việc biện phân những khía cạnh tích cực: sự tự do biểu lộ lớn hơn, và sự nhận thức tốt hơn về quyền của phụ nữ và trẻ em, ít nhất là trong một số lãnh vực nào đó. Nhưng mặt khác, những mối nguy hiểm đang phát triển cũng phải được chú trọng y như vậy; những mối nguy hiểm này được thể hiện trong chủ nghĩa cá nhân đang phát triển theo xu hướng xấu, tức xu hướng đang làm cho những mối tương quan của gia đình bị biến dạng, và đạt tới cực điểm của nó trong việc nhìn xem các thành viên của gia đình như những ốc đảo. Như vậy, trong một số trường hợp, sự trình diễn của một chủ thể sẽ có ảnh hưởng lớn hơn, tức chủ thể chỉ được hình thành theo những mong muốn riêng, khi mà nó bị tách ly khỏi tất cả. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng Đức Tin mà nó có liên hệ đến nhiều người Công Giáo, cũng như thường được nhìn thấy nơi gốc rễ của nó từ sự khủng hoảng của đời sống hôn nhân và gia đình.

6.Một hiện tượng nghèo nàn lớn nhất của nền văn hóa ngày nay chính là sự cô đơn như là kết quả của việc thiếu vắng Thiên Chúa trong đời sống nhân loại và sự đổ vỡ của các mối tương quan. Ngoài ra còn có một cảm nhận chung về sự bất lực khi chứng kiến thực tại kinh tế xã hội mà nó thường dẫn tới chỗ các gia đình sẽ bị nghiền nát. Điều đó có lẽ cũng có giá trị với cái nhìn về sự nghèo túng đang lớn dần, và các mối quan hệ khó khăn trong công việc mà đôi khi chúng bị kinh qua như là một cơn ác mộng thực sự, hay như một gánh rất nặng về thuế má đang đè nén, mà chắc chắn chúng đang khuyến khích người trẻ không lập gia đình nữa. Thường thì nhiều gia đình cảm thấy bị bỏ rơi bởi sự thờ ơ lãnh đạm, và bởi mối quan tâm ít ỏi từ phía các cơ quan. Những hậu quả tiêu cực đối với sự thống nhất của cộng đồng đang được nhìn thấy ở khắp nơi: từ cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học tới những khó khăn nơi sự giáo dục, từ sự do dự trong việc đón nhận sự sống chưa được sinh ra tới việc coi người già như là gánh nặng, tới sự lan rộng của một chứng lãnh cảm mà đôi khi chúng đạt tới đỉnh điểm trong bạo lực. Nhà nước có trách nhiệm phải tạo ra những điều kiện hợp pháp và kinh tế mà chúng bảo đảm cho những người trẻ một tương lai, cũng như trợ giúp họ trong kế hoạch lập gia đình.

7.Một số những bối cảnh thuộc về văn hóa và tôn giáo đang thể hiện những thách đố đặc biệt. Trong một số cộng đồng cũng vẫn còn đang tồn tại chế độ đa hôn, và trong một số bối cảnh thuộc về truyền thống cũng vẫn còn đang tồn tại những phong tục „hôn nhân trong từng thời kỳ“. Trong những bối cảnh khác, thực tế hôn nhân bị sắp xếp cũng vẫn đang còn được duy trì. Tại nhiều quốc gia mà trong đó sự hiện diện của Giáo hội Công Giáo rất ít ỏi, vẫn có nhiều những cuộc hôi nhân tôn giáo hỗn hợp, với những nền văn hóa khác biệt, và với tất cả những khó khăn quen thuộc liên quan đến hình thức pháp lý của chúng, của việc cử hành Bí Tích Thanh Tẩy và của việc giáo dục con cái, cũng như với cái nhìn trên sự tôn trọng lẫn nhau đối với tín ngưỡng khác. Trong những cuộc hôn nhân như thế, mối nguy hiểm của chủ thuyết tương đối hay của sự thờ ơ là có thể có, nhưng chúng cũng có thể thúc đẩy tinh thần đại kết và công cuộc đối thoại liên tôn của các cộng đồng đang chung sống một cách hài hòa. Trong nhiều khu vực, không chỉ riêng tại Tây Phương, cuộc sống chung của các cặp trai gái trước hôn nhân đang tiếp tục bị khuếch tán, kể cả những cuộc chung sống hoàn toàn không hề có mục đích trao cho người bạn đời một sự gắn bó được thể chế hóa. Điều đó thường dẫn tới một sự ban hành luật dân sự mà bộ luật ấy lại gây tổn thương cho đời sống hôn nhân và gia đình. Do sự thế tục hóa, mối gắn bó với Thiên Chúa đã bị giảm xuống một cách mạnh mẽ tại nhiều nơi trên trái đất, và Đức Tin không còn là di sản chung mang tính cộng đồng nữa.

8.Nhiều em bé sẽ bị sinh ra ngoài hôn nhân, đặc biệt là trong một số quốc gia, và nhiều em bé trong những quốc gia ấy sẽ lớn lên với chỉ một bên hoặc bố hoặc mẹ, hay trong một hoàn cảnh gia đình đã được phát triển hoặc được tái cấu tạo. Con số những vụ ly dị đang lớn lên, và không hiếm khi những quyết định  chỉ được xác định bởi những yếu tố kinh tế. Các em bé thường xuyên trở thành đối tượng tranh cãi của cha mẹ chúng, và rồi những đứa con ấy lại trở thành nạn nhân thực sự của những vụ bất hòa trong gia đình. Những người cha thường vắng mặt, không chỉ vì những lý do kinh tế, mà còn thiếu vắng ngay tại nơi mà ở đó, những người cha cần phải đảm nhận một cách rõ ràng trách nhiệm đối với con cái và gia đình. Sự nhìn nhận về phẩm giá của người phụ nữ vẫn còn phải được phổ biến và thúc đẩy. Trong thực tế, người phụ nữ thời nay vẫn nhiều khi bị đặt trong tình trạng phân biệt đối xử, và ân ban về tình mẫu tử lại cũng thường xuyên dẫn tới những bất lợi hơn là được coi trọng. Chúng ta không được phép quên những bạo lực nhắm vào giới phụ nữ đang ngày một tăng, tiếc rằng đôi khi nó lại xảy ra ngay trong gia đình, và thật tồi tệ với việc cắt xén bộ phận sinh dục vẫn còn đang được phổ biến trong một số nền văn hóa. Sau cùng, sự bóc lột tình dục trẻ em đang là một thực tế xấu xa và đồi bại nhất của xã hội ngày nay. Ngay cả những cộng đồng bị gây thiệt hại bởi bạo lực do chiến tranh, bởi chủ nghĩa khủng bố, hay bởi các tổ chức tội phạm, cũng đều nhận thấy rằng, tình trạng của các gia đình đang ngày một xấu đi. Trước hết là trong những đô thị lớn và những vùng ngoại ô của các đô thị này, hiện tượng của cái được gọi là trẻ em đường phố đang phát triển. Di dân là một đặc điểm tiếp theo của thời đại, và phải được hiểu cũng như phải được giải quyết đối với gia đình trước tất cả những gánh nặng của họ.

Tầm quan trọng của đời sống tình cảm

9.Trong bối cảnh xã hội đã được vạch ra, tại nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, nhu cầu nơi cá nhân đang chứng tỏ việc phải quan tâm nhiều hơn nữa đến nhân vị của mình, hầu khám phá ra điều nội tại, để sống trong sự hòa điệu tốt hơn với những cảm nhận và với những cảm xúc riêng, hầu tìm kiếm những người bạn đời có đầy đủ các phẩm chất tốt; sự cố gắng đi tới một cách hợp pháp này có thể dẫn tới niềm mong ước muốn kiến tạo nên các mối quan hệ mà chúng đặt nền móng trên sự trao hiến cũng như trên sự phát triển lẫn nhau một cách đầy trách nhiệm, liên đới, giống như bất cứ một gia đình nào. Nhưng mối nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân và cơn cám dỗ muốn sống theo lối ích kỷ lại rất lớn. Giáo hội được đòi hỏi phải giúp đỡ các đôi vợ chồng trong sự chín muồi về xúc cảm cũng như trong sự phát triển mối tương quan gắn bó thuộc về tình cảm của họ, bằng cách thúc đẩy việc đối thoại, thúc đẩy các phẩm hạnh cũng như thúc đẩy niềm tín thác vào Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Sự tham gia trọn vẹn mà một cuộc hôn nhân Ki-tô giáo được mời gọi, có thể trở nên một phương tiện mạnh mẽ nhằm chống lại những cơn cám dỗ của một chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

10.Trong thế giới ngày nay không thiếu những khuynh hướng văn hóa mà chúng đang tuyên truyền cho một đời sống tình cảm không giới hạn, trong đó tất cả mọi khía cạnh đều nên được xem xét kỹ càng. Và như thế, đó là vấn nạn về sự đổ vỡ của giác cảm mà nó đang xô đẩy bất cứ con người nào. Đang có một đời sống tình cảm tự kỷ, không bền vững và dễ thay đổi mà nó không luôn giúp con người đạt tới sự chín muồi. Sự sợ hãi đang kích thích một sự phát tán nào đó của sự khiêu dâm và của việc thương mại hóa cơ thể, được tạo điều kiện thông qua việc lạm dụng Internet. Điều này dẫn tới tình trạng đáng phàn nàn của những người bị cưỡng ép phải hoạt động mại dâm. Trong bối cảnh chung này, đôi khi các cặp vợ chồng lại thiếu kiên quyết, do dự, ngập ngừng và không cố gắng tìm ra những cách thế mà qua đó họ có thể phát triển. Nhiều cặp vợ chồng nghiêng theo chiều hướng đó, để ở lì mãi trong những giai đoạn trước kia, trong cuộc sống tình cảm và tình dục của mình. Cuộc khủng hoảng của các mối quan hệ vợ chồng sẽ làm mất ổn định trong gia đình, và có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với những người đã trưởng thành, đối với trẻ em và đối với toàn thể xã hội, thông qua những rạn nứt và những ly tán, bằng cách làm cho các cá nhân cũng như các mối quan hệ xã hội trở nên yếu nhược. Ngay cả sự suy giảm về nhân khẩu học, bị gây ra bởi một tâm tính thù địch với sự sinh sản, và một chính sách đẩy mạnh sự ngừa thai trên toàn thế giới, cũng không chỉ dẫn tới một tình trạng mà trong đó việc thay đổi các thế hệ không còn được đảm bảo nữa, nhưng với thời gian, còn dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc bần cùng hóa về mặt kinh tế, cũng như dẫn tới việc đánh mất đi niềm tin tưởng vào tương lai. Sự phát triển của công nghệ sinh học cũng đã gây ra một tác động mạnh mẽ đến tỉ lệ sinh sản.

Những thách đố trong việc mục vụ

11.Trong mối liên hệ này, Giáo hội cảm thấy cần thiết phải nói lên một lời của chân lý và của niềm hy vọng. Chúng ta nên khởi đi từ niềm xác tín rằng, con người đến từ Thiên Chúa, và do đó dẫn tới một suy tư, mà nó tái đặt ra những vấn nạn lớn liên quan đến tầm quan trọng của kiếp nhân sinh, có thể rơi xuống trên một mảnh đất màu mỡ, khi chứng kiến những khát vọng sâu xa nhất của nhân loại. Giá trị to lớn của đời sống hôn nhân và gia đình Ki-tô giáo tương ứng với bất cứ sự tìm kiếm nào mà nó chạy băng qua bất kỳ cuộc hiện sinh nhân loại nào, ngay cả trong một thời đại bị đánh dấu bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa khoái lạc. Người ta phải đón nhận con người trong cuộc hiện sinh cụ thể của họ, phải giúp đỡ họ trong sự tìm kiếm của họ, phải khích lệ họ trong sự khát khao của họ đối với Thiên Chúa, và trong niềm mong mỏi của họ muốn được tham dự một cách trọn vẹn vào trong Giáo hội, cũng như những ai đã trải qua một kinh nghiệm về sự tan vỡ, hay đã lâm vào những tình huống tuyệt vọng. Sứ điệp Ki-tô giáo vẫn luôn chứa đựng thực tại và sự năng động của lòng khoan hậu cũng như của chân lý, mà trong Chúa Ki-tô, chúng là một và là chính Ngài.

(còn tiếp)

(Mời theo dõi PHẦN II – HƯỚNG CÁI NHÌN LÊN CHÚA KI-TÔ: TIN MỪNG GIA ĐÌNH)

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ 

 


Văn Kiện Giáo Hội