Văn kiện đúc kết Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường lần thứ ba về Gia Đình (Phần II)

NHỮNG THÁCH ĐỐ MỤC VỤ TRONG MỐI LIÊN HỆ VỚI VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

PHẦN II

NHÌN LÊN CHÚA KI-TÔ: TIN MỪNG GIA ĐÌNH

 

Nhìn lên Chúa Giê-su và khoa sư phạm của Thiên Chúa trong thánh sử

12.“Vì khi chúng ta thực sự muốn đối chiếu những bước đi của chúng ta trên địa bàn của những thách đố hiện tại, cần phải có một điều kiện mang tính quyết định rằng, dán chặt ánh nhìn vào Chúa Giê-su Ki-tô, dừng lại trong sự chiêm nghiệm và tôn thờ thánh nhan Ngài (…). Vì mỗi lần, khi chúng ta trở lại với nguồn cội của sự kinh nghiệm về Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ mở con tim mình ra cho những con đường mới và những khả năng mới không được đoán trước“ (ĐTC Phan-xi-cô, Diễn Văn ngày 04.10.2014). Chúa Giê-su đã hướng cái nhìn với tình yêu và sự trìu mến của Ngài trên những người nam và những người nữ mà họ gặp gỡ Ngài, và Ngài đã đồng hành với những bước đi của họ bằng chân lý, bằng lòng khoan dung và bằng tình thương xót, khi Ngài công bố những đòi hỏi mà Triều Đại Thiên Chúa đặt ra cho chúng ta.

13.Vì trật tự của các thụ tạo được xác định bởi sự quy hướng về Chúa Ki-tô, nên chúng ta phải – không được phân tách chúng khỏi nhau – biện phân những cấp độ khác biệt mà nhờ đó, Thiên Chúa giới thiệu cho nhân loại biết về ân sủng của sự hiệp thông với Ngài. Theo kế hoạch giáo dục của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trật tự của các thụ tạo ấy phát triển theo từng bước một để đạt tới ơn cứu độ. Khoa sư phạm của Thiên Chúa đối với nhân loại hàm chứa trong việc này: trật tự của các thụ tạo phát triển từng bước trong trật tự của ơn cứu độ. Và như thế, điều mới mẻ nơi Bí Tích Hôn Phối Ki-tô giáo cũng phải được hiểu trong sự liên tục của hôn nhân tự nhiên kể từ lúc bắt đầu lịch sử nhân loại. Và vì vậy, ở đây người ta nhận ra nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa kể cả trong thế giới thụ tạo lẫn trong lối sống Ki-tô giáo. Trong thế giới thụ tạo: Vì tất cả đều được tác thành thông qua Chúa Ki-tô cũng như trong Chúa Ki-tô (xc. Col. 1, 16), do đó các Ki-tô hữu nên „khám phá ra những hạt giống của Lời, với niềm vui và sự tôn kính (…), mà những hạt giống ấy được cất giấu trong thế giới thụ tạo. Nhưng họ cũng nên nhận ra quá trình biến đổi sâu xa mà nó đang diễn ra trong các dân tộc ấy“ (AG. 11). Trong lối sống Ki-tô giáo: trong mối quan hệ này, người Ki-tô hữu được đặt vào trong Giáo hội nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, được thúc đẩy bởi Giáo hội tại gia, tức gia đình của mình, người Ki-tô hữu bước vào trong một „tiến trình năng động qua từng cấp độ tương ứng với sự thu nạp đang triển nở của ân sủng Thiên Chúa“ (Familiaris Consortio, 9), thông qua việc thường xuyên quay về lại với Đức Ái, mà Đức Ái ấy giải thoát khỏi tội lỗi cũng như ban tặng sự sống dồi dào.

14.Chính Chúa Giê-su đã xác định mối liên kết gắn bó không thể chia tách giữa người chồng và người vợ, khi Ngài nói về kế hoạch sáng tạo dành cho đời sống hôn nhân, và do đó Ngài lập luận rằng: „Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu“ (Mt. 19, 8). Sự bất khả phân ly của hôn nhân [„Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly“ (Mt. 19, 6)] không được hiểu như là một chiếc „ách“ được đặt lên con người, nhưng như một ân sủng đối với những người được liên kết trong hôn nhân. Bằng phương cách ấy, Chúa Giê-su đã chỉ cho thấy sự tốt lành của Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với con đường của nhân loại, chữa lành những con tim chai cứng, biến đổi chúng nhờ vào ân sủng của Ngài, cũng như định hướng cho chúng trên con đường thập giá, và trên căn nguyên của chúng như thế nào. Có thể thấy tấm gương của Chúa Giê-su một cách rõ ràng từ trong các sách Tin Mừng, Ngài là mẫu gương của Giáo hội. Chính Chúa Giê-su đã chấp nhận một gia đình, Ngài đã thực hiện dấu chỉ đầu tiên của mình tại tiệc cưới Cana, Ngài đã công bố sứ điệp về tầm quan trọng của hôn nhân như là sự nên trọn của công cuộc mạc khải, mà nó phục hồi nguyên trạng kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (Mt. 19, 3). Nhưng đồng thời, Chúa Giê-su đã thực hành giáo huấn được công bố, và do đó đã mạc khải ý nghĩa đích thực của lòng khoan hậu. Điều đó có thể thấy một cách rõ ràng từ những cuộc gặp gỡ của Ngài với những người Samaria (Ga. 4, 1-30) và với người phụ nữ ngoại tình (Ga. 8, 1-11), qua đó, bằng một tình yêu đầy tràn đối với con người tội lỗi, Chúa Giê-su đã dẫn họ tới với sự hoán cải và sự ăn năn như là điều kiện đối với ơn tha thứ [„Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa!“].

Gia đình trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa

15.Những lời về đời sống vĩnh cửu mà Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ của Ngài, khép lại giáo huấn về đời sống hôn nhân và gia đình. Giáo huấn ấy của Chúa Giê-su làm cho chúng ta nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa trong ba giai đoạn có tính nền tảng. Ngay từ sự khởi đầu của kế hoạch này, gia đình nguyên thủy đã xuất hiện, và với gia đình ấy, Thiên Chúa – Đầng Sáng Tạo - đã an bài để cuộc hôn nhân nguyên thủy giữa A-đam và E-và trở nên nền tảng vững chắc cho gia đình. Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người không chỉ với tính cách là nam hay là nữ (St. 1, 27), nhưng Ngài cũng đã chúc phúc cho cả hai, để họ trở nên phong nhiêu và tăng trưởng (St. 1, 28). Vì thế, „người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt“ (St. 2, 24). Sự hiệp nhất này đã bị gây thương tổn bợi tội lỗi, và dẫn tới hình thức mang tính lịch sử của hôn nhân trong Dân Chúa mà ông Mô-sê đã trao cho họ khả năng được phép ly dị (xc. Đnl. 24, 1tt.). Điều này vẫn còn là cách thức thực hành phổ biến trong thời Chúa Giê-su. Nhưng với cuộc giáng thế của Chúa Ki-tô, cũng như cuộc giao hòa với thế gian tội lỗi mà Ngài đã thực hiện thông qua cái chết cứu độ của Ngài, triều đại của Mô-sê đã chấm dứt.

16.Chúa, Đấng đã giao hòa tất cả trong chính Ngài, đã làm cho hôn nhân và gia đình trở về lại với thể thức nguyên thủy của chúng (xc. Mc. 10, 1-12). Chúa Giê-su đã giải thoát hôn nhân và gia đình (xc. Eph. 5, 21-32) và tái phục hồi chúng theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, theo mầu nhiệm mà bất cứ Tình Yêu nào cũng bắt nguồn từ đó. Khế ước hôn nhân mà nó được an bài trong công cuộc sáng tạo cũng như được mạc khải trong thánh sử, tiếp nhận sự mạc khải trọn vẹn về ý nghĩa của nó trong Chúa Ki-tô và Giáo hội của Người. Nhờ Chúa Ki-tô, hôn nhân và gia đình tiếp nhận ân sủng không thể cải biến để làm chứng cho Tình Yêu của Thiên Chúa, cũng như để sống với tư cách là sự hiệp nhất. Tin Mừng Gia Đình là một thành tố trong lịch sử thế giới, kể từ lúc con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa (xc. St. 1, 26-27) tới sự thành toàn của mầu nhiệm hiệp thông trong Chúa Ki-tô vào lúc cùng tận của thời gian với tiệc cưới của Chiên Con (xc. Kh. 19, 9; ĐTC Gio-an Phao-lô II, Bài Giáo Lý về Tình Yêu nhân loại).

Gia đình trong các văn bản của Giáo Hội

17.“Trong suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội đã không bao giờ để cho Giáo huấn thường xuyên về hôn nhân và gia đình bị khuyết thiếu. Một trong những hình thức diễn tả cao nhất của giáo huấn này đã được trình bày trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng) của Công Đồng Vatican II. Hiến Chế này đã dành hẳn một chương để khích lệ phẩm giá của hôn nhân và gia đình (xc. GS, 47-52). Ở đây, hôn nhân được định nghĩa như là mối hiệp thông của cuộc sống và Tình Yêu (xc GS, 48), cùng lúc đó, Tình Yêu được đặt trong trung tâm của gia đình, và đồng thời chân lý của Tình Yêu này đã được biểu lộ khi chứng kiến những hình thức khác nhau của khuynh hướng đơn giản hóa sự vật bằng quan điểm cho rằng, tổng thể là phép cộng đơn thuần của từng thành phần, như chúng đang tồn tại trong nền văn hóa ngày nay. „Tình Yêu đích thực giữa người vợ và người chồng“ (GS, 49) bao gồm sự trao hiến chính bản thân mình cho nhau, và theo kế hoạch của Thiên Chúa, cũng bao hàm chiều kích và sự hưng phấn thuộc về tính dục, cũng như thống nhất chúng (xc. GS, 48-49). Vượt xa vấn đề đó, Hiến Chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng) ở số 48 đã nhấn mạnh tới sự bén rễ sâu của đời sống hôn nhân trong Chúa Ki-tô: Chúa Ki-tô „gặp gỡ đôi vợ chồng Ki-tô giáo trong Bí Tích Hôn Phối“, và lưu lại bên họ. Trong mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người, Ngài đã tiếp nhận tình yêu nhân loại, thanh tẩy tình yêu ấy và đưa nó đến với sự viên mãn, và với Thần Khí của Ngài, ban cho cặp vợ chồng khả năng để sống trong tình yêu đã được Ngài làm cho nên viên mãn, bằng cách Ngài băng qua toàn bộ cuộc sống với Đức Tin, niềm Hy Vọng và Tình Yêu của họ. Với phương cách ấy, đôi vợ chồng có thể được coi là đã được thánh hiến và sẽ kiến tạo nên thân mình Chúa Ki-tô nhờ vào một đặc sủng riêng, bằng cách họ hình thành nên một Giáo hội tại gia (xc. LG, 11). Dó đó, Giáo hội nhìn vào gia đình Ki-tô giáo, tức gia đình đang biểu lộ chính mình trong một cách thế hoàn toàn đặc biệt, để hiểu về mầu nhiệm riêng của mình trong sự viên mãn“ (Instrumentum Laboris, 4).

18.“Cùng với cách nhìn của Công Đồng Vatican II, quyền giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng đã đào sâu hơn nữa giáo huấn về đời sống hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là Đức Phao-lô VI, với Thông Điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người), đã đề cao mối liên kết nội tại giữa tình yêu hôn nhân và việc tiếp tục trao đi sự sống trong ánh sáng. Đức Tân Hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng, qua các bài Giáo Lý của Ngài về Tình Yêu Nhân Loại, qua bức thư gửi tới các gia đình (Gratissimam Sane), và trước hết, qua Tông Huấn Familiaris Consortio (Mối quan hệ hỗ tương trong gia đình), đã gửi đến gia đình một mối quan tâm đặc biệt. Trong các văn kiện ấy, Đức Gio-an Phao-lô II đã mô tả gia đình như là „con đường của Giáo hội“, và đã trình bày một cái nhìn tổng quan về ơn gọi của người chồng và người vợ trước tình yêu. Đồng thời Ngài cũng đã đưa ra những đường lối có tính nền tảng đối với công tác mục vụ gia đình cũng như đối với sự hiện diện của gia đình trong cộng đồng xã hội. Trước hết, trong mối liên hệ với tình yêu hôn nhân (xc. FC, 13), Ngài đã phác họa ra những cách thế mà trong đó đôi vợ chồng đón nhận ân sủng của Thần Khí Chúa Ki-tô trong tình yêu hỗ tương của mình, cũng như sống ơn gọi nên thánh của mình“ (Instrumentum Laboris, 5).

19. „Trong Thông Điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa Là Tình yêu), Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã tái sáng tỏ hóa để tài về chân lý của tình yêu giữa người chồng và người vợ, mà đề tài đó chỉ hoàn toàn trở nên rõ ràng trong ánh sáng của tình yêu Chúa Ki-tô chịu đóng đinh (Deus Caritas est, 2). Đức nguyên Giáo Hoàng đã nhấn mạnh rằng: „Cuộc hôn nhân được đặt căn cứ trên một tình yêu duy nhất và triệt để, sẽ trở nên sự diễn tả về mối tương quan của Thiên Chúa đối với dân Người và ngược lại: cách thức, như Thiên Chúa yêu thương, sẽ trở thành thước đó cho tình yêu nhân loại“ (Deus Caritas est, 11). Liên quan tới điều đó, Thông Điệp Caritas in Veritate (Đức Ái trong Chân Lý) đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tình yêu như là nguyên lý của cuộc sống trong cộng đồng xã hội (xcCaritas in Veritate, 44), nơi mà người ta học biết kinh nghiệm về phúc lợi cộng đồng“ (Instrumentum Laboris, 6).

20.“Trong Thông Điệp Lumen fidei (Ánh Sáng Đức Tin), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã làm sáng tỏ mối tương quan của gia đình với Đức Tin, và Ngài viết: „Gặp gỡ Chúa Ki-tô và để cho mình được khích lệ bởi tình yêu của Ngài, cũng như để cho mình tiếp tục được dẫn đưa tới đường chân trời của cuộc sống, và trao cho nó một niềm hy vọng vững chắc mà niềm hy vọng đó không hề gây ra sự lụi tàn. Đức Tin không phải là nơi trú ẩn dành cho những người thiếu sự can đảm, hơn nữa, Đức Tin làm cho cuộc sống được mở rộng. Đức Tin cho phép khám phá ra một ơn gọi lớn lao, tức ơn gọi để yêu thương, và Đức Tin bảo đảm rằng, tình yêu ấy đáng tin cậy và xứng đáng để tự hiến bản thân mình cho nó, vì nền tảng của nó được đặt trên sự trung tín với Thiên Chúa, nó mạnh mẽ hơn tất cả mọi yếu hèn của chúng ta“ (Lumen Fidei, 53) (Instrumentum Laboris, 7).

Sự bất khả phân ly của hôn nhân và niềm vui của cuộc sống chung

21.Ân sủng hỗ tương được thể hiện trong Bí Tích Hôn Phối, có nguồn cội của nó trong ân sủng của Bí Tích Thanh Tẩy, mà Bí Tích này đặt nền tảng cho giao ước giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội của Người. Trong việc đón nhận nhau và với ân sủng của Chúa Ki-tô, đôi vợ chồng đoan hứa sẽ trao hiến trọn vẹn cho nhau, chung thủy và mở ra cho cuộc sống. Họ thừa nhận những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ như là những thành tố cấu thành nên đời sống hôn nhân, và nhân danh Giáo hội, nhận lấy trách nhiệm của mình đối với nhau một cách nghiêm túc. Trong Đức Tin, việc đón nhận những điều tốt lành của hôn nhân như là những trách vụ, sẽ trở nên có thể. Những trách vụ ấy có thể được thực hiện tốt hơn nhờ vào ân sủng của các Bí Tích. Thiên Chúa thánh hóa tình yêu của đôi vợ chồng và chứng thực về sự bất khả phân ly của họ, bằng cách giúp họ sống chung thủy với nhau cũng như trao hiến bản thân cho nhau, và mở ra với cuộc sống. Vì thế, Giáo hội nhìn đôi vợ chồng như là con tim của toàn gia đình, và về phía mình, gia đình ấy hướng cái nhìn lên Chúa Giê-su.

22.Trong viễn tượng ấy, Công Đồng Vatican II đã thực hiện cho mình một học thuyết riêng mang tính Tông truyền, theo đó, toàn thể thế giới thụ tạo đều được hình dung trong Chúa Ki-tô và quy hướng về Người; bằng tất cả sự kính trọng của mình, Công Đồng đã nói về hôn nhân tự nhiên cũng như về những yếu tố đầy giá trị mà chúng có sẵn trong các tôn giáo khác, bất chấp những ranh giới cũng như những hạn chế của các tôn giáo ấy (xc. Nostra Aetate, 2). Sự hiện hữu của „semina Verbi“ (Hạt Giống Lời) trong các nền văn hóa (xc Ad Gentes, 11) cũng có thể được ứng dụng từng phần đối với đời sống hôn nhân và gia đình trong nhiều nền văn hóa không phải là Ki-tô giáo. Như thế, cũng có những yếu tố hợp pháp nơi hôn nhân ngoài Ki-tô giáo – cho tới bao lâu chúng vẫn còn đặt nền tảng trên mối tương quan lâu bền và chân thực giữa người chồng và người vợ -, tức những yếu tố mà trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta đều coi như là được định hướng nhắm vào hôn nhân. Với cái nhìn của mình về sự khôn ngoan nhân loại của các dân tộc cũng như của các nền văn hóa, Giáo hội cũng nhìn nhận những gia đình ấy như là đơn vị nền tảng vừa cần thiết và cũng vừa phong phú trong cuộc sống chung của con người.

Chân lý và vẻ đẹp của gia đình cũng như lòng khoan hậu đối với những gia đình bị tổn thương và yếu nhược

23. Giáo hội nhìn về các gia đình đang sống trong sự trung tín với giáo huấn của Tin Mừng, bằng một niềm vui lớn lao và một niềm an ủi sâu xa. Giáo hội cám ơn những gia đình ấy về chứng tá của họ, cũng như khuyến khích họ tiếp tục trong việc đó. Nhờ vào những gia đình ấy, vẻ đẹp của hôn nhân bất khả xâm phạm cũng như sự chung thủy luôn bền vững của họ đã trở nên đáng tin cậy. Trong gia đình mà người ta có thể gọi là „Giáo hội tại gia“ (LG, 11), kinh nghiệm đầu tiên mang tính Ki-tô giáo của sự hiệp thông giữa những con người sẽ dần lớn lên, mà trong kinh nghiệm đó, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sẽ bừng sáng thông qua những ân sủng. „Ở đây người ta học biết sự kiên định và niềm vui bên công việc, học biết về tình yêu huynh đệ, học biết sự bao dung của những lần tha thứ không ngừng lập đi lập lại, và tiên vàn, học biết sự phụng thờ Thiên Chúa trong cầu nguyện và trong sự hiến trao cuộc sống „ (Sách GLHTCG, số 1657). Thánh Gia Na-za-reth là một mẫu gương tuyệt vời của các gia đình, nhờ vào ngôi trường gia đình Thánh Gia, chúng ta „hiểu được lý do tại sao chúng ta phải giữ một sự kỷ luật về tinh thần khi chúng ta đi theo giáo huấn của Tin Mừng Chúa Giê-su, cũng như muốn trở nên những người môn đệ của Chúa Ki-tô“ (ĐTC Phao-lô VI, Diễn Văn tại Na-za-reth ngày 05.01.1964). Tin Mừng về gia đình cũng chăm sóc từng hạt giống mà chúng chưa đạt tới được sự sinh trưởng, và phải chăm sóc từng ngọn cây đã bị héo khô, cũng như không được phép xao nhãng hay bỏ mặc chúng.

24.Mặc dù Giáo hội nhận thức rằng, không có một khế ước hôn nhân nào khác đối với những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, ngoài khế ước mang tính Bí Tích, và bất cứ sự nứt rạn nào của Bí Tích này cũng đều trái ngược với chính Thánh Ý của Thiên Chúa, nhưng với tư cách là nữ giáo viên đáng tin cậy và cũng là một người Mẹ đầy chu đáo, Giáo hội cũng biết về những điều yếu đuối nơi nhiều con cái của mình, mà những người con ấy đang thực hiện cuộc hành trình Đức Tin một cách nặng nề. „Vì thế, để không giảm nhẹ giá trị của Tin Mừng vào trong một ý tưởng được vạch sẵn, người ta phải đồng hành với những mức độ yếu đuối có thể của những con người đang được tái thiết mỗi ngày, với lòng khoan hậu và sự kiên nhẫn (…). Một bước đi nhỏ trong giữa những giới hạn lớn lao của con người lại có thể làm cho Thiên Chúa hài lòng hơn là một cuộc sống cụ thể theo dáng bên ngoài của một con người mà họ trải qua ngày sống của mình nhưng không hề đụng chạm tới những khó khăn đáng kể. Tất cả mọi người đều phải được động chạm tới bởi niềm an ủi cũng như bởi sự khích lệ từ Tình Yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng tác động một cách đầy nhiệm màu trong mỗi con người, vượt quá những khiếm khuyết hay những thiếu sót của họ“ (Evangelii Gaudium, 44).

25.Theo cách tiếp cận mục vụ của mình, Giáo hội có sứ mạng phải chỉ ra cho những người mà họ đã chỉ được lập gia đình theo tính cách dân sự, hay đã ly dị và đã tái hôn, hoặc chỉ sống chung với nhau một cách đơn thuần, về khoa sư phạm của ân sủng Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, cũng như giúp họ đạt tới được sự thành toàn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đi theo ánh sáng của Chúa Ki-tô, mà ánh sáng của Người đang chiếu giãi trên bất cứ con người nào (xc. Ga. 1, 9; Gaudium et Spes, 22), với trọn tình yêu, Giáo hội hướng vết bất cứ ai đang tham dự vào đời sống của Giáo hội bằng một cách thế vẫn còn dang dở. Giáo hội nhìn nhận rằng, ân sủng của Thiên Chúa cũng vẫn đang hoạt động trong cuộc sống của họ, và khuyến khích họ hãy thực hiện những điều tốt lành hầu quan tâm chăm sóc cho nhau với trọn tình yêu, cũng như thi hành nhiệm vụ của họ đối với cộng đồng xã hội mà họ đang sống và làm việc trong đó.

26.Với sự lo âu, Giáo hội hướng cái nhìn về sự bất trung của nhiều người trẻ đối với lời thề ước hôn phối của họ. Giáo hội đau khổ biết chừng nào trước việc nhiều tín hữu nhanh chóng hủy bỏ khế ước đã được ký kết và chuyển sang thực hiện một khế ước mới. Các tín hữu vẫn thuộc về Giáo hội ấy, cần tới một sự chăm sóc mục vụ đầy khoan hậu và khích lệ, hầu giúp họ có được sự cân bằng để biện phân những tình huống đó. Những tín hữu còn trẻ nên được khích lệ để không  ngập ngừng trước sự phong phú mà Bí Tích Hôn Phối mang đến cho sự nhận thức của họ về Tình Yêu, được tăng cường bởi ơn trợ giúp của ân sủng Chúa Ki-tô cũng như khả năng có thể tham dự một cách hoàn toàn vào với đời sống Giáo hội.

27.Trong ý nghĩa ấy, công cuộc mục vụ dành cho các gia đình chứa đựng một chiều kích mới, bằng cách dấn thân cho thực tại của hôn nhân dân sự giữa người chồng và người vợ, dấn thân cho đời sống hôn nhân theo những phong tục tập quán xưa cũ, và trước hết là với sự biện phân thỏa đáng – cũng dấn thân cho các cặp vợ chồng sống chung nhưng không thành hôn. Nếu một sự kết hợp thông qua một khế ước công khai và rõ ràng đòi hỏi tính bền vững một cách hiển nhiên, nếu sự kết hợp ấy được in dấu bởi mối thiện cảm sâu xa, bởi trách nhiệm đối với con cái, bởi khả năng tồn tại trước những thử thách, thì điều đó có thể trở thành lý do để đồng hành với họ trên con đường dẫn tới Bí Tích Hôn Phối. Nhưng rất thường khi sự quyết định cho cuộc sống chung sẽ bị thất bại nếu như không có bất cứ một kế hoạch nào cho một cuộc lập gia đình trong tương lại, hay không có bất cứ một dự tính nào cho một cuộc kết hợp có tính định chế.

28.Trong sự hòa hợp với lòng thương xót của Chúa Ki-tô, Giáo hội phải đồng hành một cách ân cần và đầy chu đáo đối với những người con yếu đuối nhất của mình, tức những người đang phải đau khổ vì tình yêu bị gây tổn thương và bị lạc mất, và phải trao cho họ sự vững tin cũng như niềm hy vọng, giống như ánh sáng của một ngọn hải đăng trong một hải cảng, hay của một bó đuốc được mang đến cho con người để soi sáng cho những ai đã bị lạc hướng hay đang quay quắt trong một trận cuồng phong. Trong việc ý thức rằng, lòng khoan hậu to lớn nhất hàm chứa trong việc nói về sự thật với tình yêu thương, điều đó cần thiết đối với chúng ta hơn là sự thương hại. Tình yêu khoan hậu cuốn hút và làm cho nên hiệp nhất thế nào thì nó cũng biến đổi và nâng cao như thế. Tình yêu ấy mời gọi hoán cải. Và như thế chúng ta cũng hiểu được thái độ của Chúa Giê-su, Đấng đã không kết án người phụ nữ ngoại tình, nhưng đã khích lệ bà để bà đừng phạm tội nữa (xc. Ga. 8, 1-11).

(Còn tiếp)

(Mời theo dõi: PHẦN III - SỰ QUAN TÂM: NHỮNG VIỄN TƯỢNG MỤC VỤ)

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội