“NGƯỜI ĐÃ CHẾT VÌ TỘI LỖI CHÚNG TA”

Mầu nhiệm Vượt qua trong lịch sử (I)

 

Trong bài suy niệm trước, chúng ta đã tìm cách phác họa một viễn tượng toàn bộ về sự tiến triển của ý tưởng Vượt Qua, từ Cựu Ước đến các Giáo Phụ. Bài trình bầy vắn tắt sau đây cho thấy rõ biến cố cuối cùng lại là một biến cố Vượt Qua tuyệt vời : điều mà thánh Gioan đã định nghĩa như “sự vượt qua của Đức Giêsu khỏi thế gian này về với Chúa Cha”. Biến cố này là trọng tâm của cuộc Vượt Qua, là điểm chấm dứt lễ Vượt Qua cũ và  phát sinh lễ Vượt Qua mới, chấm dứt hình bóng và phát sinh thực tại. Chính biến cố này, mà chúng ta gọi chính xác là “cuộc Vượt Qua của Đức Kitô”. Ở đây, “Đức Kitô” không có phấm giá của đối tượng, nhưng của chủ thể, cho thấy một cuộc Vượt Qua được sống trong lịch sử và do người đầu tiên là chính Đức Giêsu, trong cuộc sống trần gian của Ngài.

Như tôi đã nói, Gioan nhắc lại trọng tâm vượt qua này trong cuộc đời Đức Giêsu, và định nghĩa nó như sự vượt qua của Đức Giêsu khỏi thế gian này về với Chúa Cha. Đây không phải là quả quyết lẻ loi trong Tân Ước, nhưng chính là một trong nhiều công thức tổng hợp của “mầu nhiệm Vượt Qua” mà chúng ta sắp bàn lúc này.

1. Mầu nhiệm Vượt Qua

Công thức được nhiều người biết đến nhất là công thức chúng ta đọc thấy trong 1Cr 15,3-4. Nó xuất hiện khoảng 5, 6 năm sau cái chết của Đức Kitô, vì Phaolô “chuyển đạt” nó dưới hình thức mà chính ngài đã học biết nhờ truyền khẩu ít lâu sau khi ngài hoán cải. Nếu kết hợp với Rm 4,25, công thức ấy sẽ như thế này: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được nên công chính”.

Cấu trúc của kinh credo (kinh tin kính) Vượt Qua sơ khởi này cực kỳ thú vị. Người ta phân biệt rõ hai bình diện : a) bình diện lịch sử, hoặc thuần túy sự kiện: “Ngài đã chết”, “Ngài đã sống lại” ; b) bình diện đức tin, hoặc ý nghĩa sự kiện : “vì tội lỗi chúng ta”, “để chúng ta được nên công chính”. Chúng ta cũng có thể nói : bình diện “tự thân” (l’en soi) và bình diện “vì chúng ta”. Đối với thánh Tông Đồ, cả hai bình diện đều cần thiết cho ơn cứu độ, không những bình diện đức tin (“vì tôi”), mà cả bình diện lịch sử. Quả thực ngài nói rằng nếu Đức Kitô không thật sự sống lại, đức tin của chúng ta ra vô ích, tức là trống rỗng (x.1Cr 15,14), vì đức tin ấy là tin vào một biến cố lịch sử, vào sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử, và như vậy biến cố lịch sử là nội dung của đức tin ấy.

Vả lại, ngay bình diện mầu nhiệm hoặc “vì chúng ta” cũng đã bám rễ trong lịch sử, và không chỉ là kết quả của việc đọc trong đức tin của cộng đồng sau-Phục sinh. Quả thực, trong cuộc đời trần gian, đặc biệt khi lập phép Thánh Thể, Đức Kitô đã cho thấy Ngài biết mình sẽ chết “vì tội lỗi của nhiều người”. Ý thức này được đặt cách này cách khác trong lịch sử như ý thức là Con Thiên Chúa, cho dù người ta có thể coi cách mà ý thức ấy được diễn tả bắt nguồn từ đức tin của cộng đồng sau-Phục sinh. Ý kiến ngược lại, tức ý kiến cho rằng Đức Giêsu không hề biết ý nghĩa cứu độ và đền bồi của cái chết của Ngài, là một ý kiến lệch lạc của trường phái phê bình (Reimarus), mà chỉ có đọc Kinh Thánh một cách triệt để tục hóa mới có thể khiến người ta chấp nhận, Một cách đọc như vậy phá hủy chính cốt lõi của mầu nhiệm Vượt Qua : tình yêu của Đức Giêsu đối với những kẻ thuộc về mình, một tình yêu thúc đẩy Ngài hiến mạng sống mình vì họ. Phúc Âm không còn thực sự là Phúc Âm, nghĩa là một Phúc Âm diễn tả tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô, nếu người ta biến Đức Giêsu thành một sự khách quan hóa thuần túy, một cách diễn tả có thể nói được là vô tri và vô ý thức về tình yêu của Thiên Chúa, thay vì là một sự chủ quan hóa, một sự nhân cách hóa tình yêu của Chúa Cha. Quả là đúng khi trình bầy mầu nhiệm Vượt Qua, thay vì nói Đức Giêsu đã chết “vì tội lỗi chúng ta”, Gioan nói rằng Ngài đã chết “vì yêu” : “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến.. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), hoặc : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Vả lại, cả hai việc hy sinh mạng sống vì tội lỗi và hy sinh mạng sống vì yêu cũng chỉ là một : “Ngài đã yêu thương ta và (vì thế) Ngài đã nộp mình cho ta” (x.Gl 2,20 ; Ep 5,2), tức là vì tội lỗi chúng ta.

Như tôi đã nói, ý kiến ngược lại là do đọc Kinh Thánh một cách triệt để tục hóa. Quả thực, cách đọc ấy khởi đi từ giả định là người ta chỉ có thể biết điều thực sự xẩy ra trong lịch sử qua một cuộc điều tra có phê phán, chứ không qua mạc khải. Những gì không được truyền đạt bằng một chuỗi liên tục các chứng từ thành văn, hoặc những gì vượt qua những ý kiến thông thường ở thời Đức Giêsu về Đấng Mêsia, đều được coi là chuyện không có thực. Như vậy, người ta đi tới chỗ vô lý khi phủ nhận nơi con người Đức Giêsu những gì thường quan sát thấy trong cuộc đời các thánh, tức phủ nhận việc Thiên Chúa có quyền năng mạc khải ý nghĩa đời sống của mình và những chọn lựa của mình bằng những sự soi sáng trực tiếp. Như thể Chúa Thánh Thần không được tính đến đối với chân lý của Kinh Thánh, kể cả đối với chân lý lịch sử của Kinh Thánh, như thể Phaolô nói một điều vô lý khi ngài mạnh mẽ quả quyết là ngài biết “tư tưởng của Đức Kitô” (1Cr 2,16), hoặc như thể Thần Khí mạc khải cho thánh Tông Đồ tư tưởng của Đức Kitô phục sinh đã không thể cũng mạc khải cho ngài tư tưởng của Đức Giêsu trước khi phục sinh! Nếu đúng là “không ai biết được những bí ẩn của con người, nếu không phải là thần trí của con người nơi con người”, thì cũng đúng là không ai biết được những bí ẩn của Đức Kitô, nếu không phải là Thần Khí của Đức Kitô nơi Ngài và sau đó linh hứng Kinh Thánh. Phaolô hẳn có thể lặp lại cho các nhà chú giải muốn áp đặt cho chúng ta hôm nay “một Phúc Âm khác”, không còn tình yêu của Đức Kitô và lòng trắc ẩn của Ngài đối với tội lỗi của chúng ta, điều mà ngài đã nói trong thư Galát : Nếu có ai loan báo cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng anh em đã lãnh nhận, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 1,9).

Vậy niềm tin phục sinh của các Kitô hữu đòi người ta cùng một lúc phải tin vào ba điều : thứ nhất, Đức Giêsu đã thực sự chết và sống lại ; thứ hai, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính ; thứ ba, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta mà biết rằng mình chết vì tội ta, chết vì yêu ta, không phải vì bị bó buộc hay tình cờ.

Trong chương này, tôi muốn đào sâu khía cạnh thứ nhất của mầu nhiệm Vượt Qua sự chết và sự sống lại của Ngài, thức là khía cạnh chết vì tội ta, dành bài nói về sự Phục Sinh cho chương sau.

Thánh Augustinô viết: “Tin Đức Kitô đã chết không quan trọng lắm. Ngay cả người ngoại giáo, người Do Thái và người chịu phạt đời đời cũng tin như thế. Mọi người đều biết rằng Ngài đã chết. Đức tin của người Kitô hữu chính là sự Phục Sinh của Đức Kitô. Phài, đây mới là điều quan trọng : tin rằng Ngài đã sống lại” (1). Nói thế không có nghĩa là Augustinô coi sự Phục Sinh quan trọng cho chúng ta hơn sự chết ; ngài chỉ muốn nói rằng tin vào sự sống lại của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta hơn, mở rộng hơn (ai tin Ngài đã sống lại thì cũng tin Ngài đã chết), và như vậy phân biệt rõ hơn người tín hữu đích thực. Hơn nữa, cũng thánh tiến sĩ nói rằng, trong ba biến cố được tượng trưng hóa bởi Tam nhật Vượt Qua – đóng đinh, mai táng, sống lại – thì biến cố quan trọng nhất cho chúng ta, vì liên hệ trực tiếp nhất với chúng ta, chính là biến cố được tượng trưng hóa bởi ngày thứ sáu thánh, tức là sự chết: “Chúng ta thực hiện trong đời sống hiện tại điều mà thập giá là biểu tượng, trong khi chiếm giữ bằng đức tin và đức cậy điều mà sự Phục Sinh là biểu tượng” (2).

Tôi không muốn xem xét khía cạnh thể lý về cái chết của Đức Giêsu cho bằng khía cạnh nội tâm và thiêng liêng của nó : cái chết trong tâm hồn đi trước cái chết thân xác và làm cho cái chết này có ý nghĩa. Cái chết tâm hồn này đạt tới đỉnh điểm trong cơn hấp hối của Đức Giêsu ở vườn Ghêtsêmani, khi Ngài nói: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14.34). Tầm quan trọng của giai đoạn cứu chuộc này lớn đến nỗi nó đã được bảo tồn, dưới những hình thức khác nhau, trong ít nhất ba ngành truyền thống Tân Ước : trong Phúc Âm nhất lãm, nơi Gioan (Ga 12,27 : Bây giờ, tâm hồn Thấy xao xuyến…) và trong thư Do thái (x.Dt 5,7-8). Ghếtsêmani đánh dấu sự trầm uất tối đa trong cuộc vượt qua của Đức Giêsu “từ thế gian này về với Chúa Cha” ; đó là vực sâu thăm thẳm mà một Thánh Vịnh nói tới (Tv 36,7). Khi suy niệm về vực sâu này, người ta rời xa một ý nghĩa hơi vật chất của cuộc khổ nạn của Chúa được coi như một toàn bộ các sự đau đớn kinh khủng, hoặc như một kịch bản đã được viết ra và được biết trước nhờ Kinh Thánh, mà Đức Kitô thi hành hầu như không phải bối rối. Phải thực sự rón rén tiếp cận mầu nhiệm này, vì là mầu nhiệm thánh ; phải có lòng khiêm nhường và thống hối. Vô phúc cho ta nếu chúng ta tiếp cận vì tò mò hoặc chỉ để học hỏi. Chúng ta chắc chắn sẽ lìa xa mầu nhiệm ấy. Chúng ta tin mình hiểu tất cả, mà thực ra chẳng hiểu gì.

Tôi muốn phác họa một cách giải thích biến cố Ghếtsêmani bằng cách sử dụng hai khí cụ : một khí cụ do thần học tín lý cung cấp, một khí cụ do thần học thần bí đề nghị.

2. Ghếtsêmani,  một cách cắt nghĩa thần học

Kinh nghiệm ở Ghếtsêmani đạt tới tột đỉnh và được quyết định trong lời của Đức Giêsu: “Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Vấn đề thần học hoàn toàn ở chỗ biết ai là “con” và ai là “Cha”, ai nói lời fiat (xin vâng) và lời đó nói với ai.

Người ta biết rằng thời xa xưa có hai câu trả lời hơi khác nhau cho câu hỏi này, tùy theo kiểu mẫu Kitô học hiểu ngầm. Theo trường phái Alexanđria, người xưng “con” đang nói là Ngôi Lời, với tư cách là Lời nhập thể, nói lời xin vâng theo ý muốn của Thiên Chúa (“Cha”), mà Ngài có chung với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người nói “xin vâng” với người nghe “xin vâng” là cùng một ý muốn được xét trong hai thì hay hai tình trạng khác nhau : trong tình trạng Ngôi Lời nhập thể và trong tình trạng Ngôi Lời vĩnh cửu (quả thực, ý muốn của Thiên Chúa là duy nhất và chung cho cả Ba Ngôi). Kịch tính (nếu người ta có thể nói được như thế) xẩy ra giữa lòng Thiên Chúa hơn là giữa Thiên Chúa và con người, và như vậy là vì người ta chưa thấy rõ cũng có một ý muốn nhân loại và tự do nơi Đức Kitô. Điều này cho thấy các nhà thần học của trường phái này luôn luôn hơi bối rối khi quan tâm đến khía cạnh này trong kinh nghiệm của Đức Giêsu, như những khía cạnh tương tự khác (không biết ngày quang lâm, những cám dỗ, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, v.v.). Đôi khi (chẳng hạn nơi Athanasiô và Hilariô Poitiers), chính kinh nghiệm trở nên vô ích vì phải nại tới cách cắt nghĩa “sư phạm”, theo đó Đức Giêsu đã thật sự không sợ, không khóc, không phải là không biết ngày quang lâm, nhưng muốn nên giống ta mọi đàng, để dậy dỗ ta và nêu gương đạo đức cho ta.

Về điểm này, cách giải thích của trường phái Antiokia dễ chấp nhận hơn. Các tác giả của trường phái này cho điều đã xẩy ra trong vườn Ghếtsêmani tương ứng với điều đã xẩy ra trong vườn Địa Đàng. Nếu tội lỗi đã có ngay từ khởi thủy, và vẫn còn có chủ yếu trong một hành vi tự do qua đó con người không muốn vâng lời Thiên Chúa, thì việc cứu độ chỉ có thể mang dáng dấp con người trở về vâng lời và tùng phục Thiên Chúa cách hoàn hảo. Vả lại, Phaolô nói rõ: “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).

Nhưng để có sự vâng lời hoàn hảo này, phải có một chủ thể vâng lời và một chủ thể được vâng lời : không ai vâng lời mình cả. Vậy đây là “con” và “Cha” mà lời của Đức Giêsu nói tới : chính con người Giêsu vâng lời Thiên Chúa. Chính Ađam mới nói nhân danh mọi người và sau cùng thưa với Thiên Chúa lời “xin vâng” tự do và hiếu thảo, mà vì đó Thiên Chúa ngay từ đầu đã tạo dựng trời đất và con người. Nếu ơn cứu độ ở trong sự vâng phục Thiên Chúa, người ta hiểu chỗ đứng quan trọng của nhân tính Đức Kitô trong việc cứu chuộc. Nhân tính này không chỉ là một “bản tính” bất động, cũng không phải là một chủ thể thuần túy thụ động được gán cho mọi sự “bất xứng với Thiên Chúa” trong cuộc đời Đức Kitô ; ngược lại, là một nguyên lý năng động và tự do, một tác nhân đồng chủ chốt trong công trình cứu độ chúng ta ; đó là một “người vâng lời”.

Tuy nhiên ngay cách giải thích rất gợi ý này cũng thiếu sót trầm trọng. Nếu lời thưa fiat của Đức Giêsu ở vườn Ghếtsêmani chủ yếu là lời “xin vâng” của một con người (homo assumptus), mặc dù liên kết bền chặt với Con Thiên Chúa, làm thế nào có thể có một giá trị phổ quát đến nỗi nó có thể làm cho mọi người nên công chính? Đức Giêsu giống như một kiểu mẫu vâng lời cao cả hơn là một nguyên nhân nội tại của ơn cứu độ cho tất cả những ai vâng phục Ngài (x.Dt 5,9). Chính đó là giới hạn của trường phái Kitô học Antiokia, mà cả mọi Kitô học hiện nay, theo đó những hành vi cứu độ thuộc về “ngôi vị nhân loại” của Đức Giêsu, và trong đó chính Đức Giêsu rõ ràng không được công nhận là Thiên Chúa.

Sự phát triển Kitô học bù đắp cho khiếm khuyết này, nhất là nhờ vào công trình của thánh Maximô Người Tuyên Tín và của Công đồng Constantinopoli III. Thánh Maximô đặt lại cho mình câu hỏi : ai là “con” và ai là “cha” trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu ở vườn Ghếtsêmani? Và ngài trả lời rõ ràng : không phải nhân tính nói với thần tính (Antiokia) ; cũng không phải Thiên Chúa, với tư cách nhập thể, nói với mình với tư cách vĩnh cửu (Alexanđria). Danh xưng “con” là Ngôi Lời nói nhân danh ý muốn tự do của con người mà Ngài đã đảm nhận ; trái lại, danh xưng “cha” là ý muốn Ba ngôi mà Ngôi Lời có chung với Chúa Cha. Nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời (Thiên Chúa) vâng lời Chúa Cha theo cách con người. Tuy vậy, khái niệm vâng lời không bị phá hủy. Thiên Chúa cũng không vâng lời chính mình, vì giữa chủ thể và đối tượng của vâng lời, có tất cả sự dầy đặc cùa một nhân tính thực sự và một ý muốn tự do của con người. Người vâng lời và người mà người đó vâng lời không phải cùng một ý muốn, cũng không cùng một ngôi vị, vì người vâng lời là ý muốn nhân loại của Ngôi Lời (hoặc Ngôi Lời trong ý muốn nhân loại cả Ngài), và người mà Ngài vâng lời là ý muốn thần linh chung cho cả Ba Ngôi. “Trở nên như chúng ta vì chúng ta, Ngài nói với Thiên Chúa là Cha theo cách thức nhân loại : xin đừng theo ý con, nhưng là ý Cha ; vì Ngài, là Thiên Chúa theo bản tính, với tư cách con người đã muốn chu toàn ý muốn của Chúa Cha.

Do đó, theo hai bản tính, mà vì đó, do đó và trong đó ngôi vị của Ngài được cấu thành, Ngài cho thấy mình là người tự nhiên muốn và tiến hành việc cứu độ : một đàng, ưng thuận việc đó cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đàng khác, biến mình thành vâng lời Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá, và chính mình,  nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, thực hiện chương trình cứu độ chúng ta” (3).

“Xét theo con người, Đức Kitô đã không muốn Nhập Thể, nhưng chỉ xét theo Thiên Chúa, Ngài đã muốn cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Về mặt thuận tình của con người, thì trong việc Nhập Thể chỉ có sự thuận tình của Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng ở Ghếtsêmani, khi Đức Giêsu nói: “Lạy Cha, xin vâng ý Cha” (Mt 26,42), Ngài nói lên lời fiat của sự cứu chuộc ; khi ấy xuất hiện sự thuận tình tự do của ý muốn nhân loại nơi một ngôi Thiên Chúa” (M. J. Le Guillou).

Chính ở đây mà ân sủng và tự do – như nói trên – gắn bó với nhau, và Vượt Qua của con người chắp nối với Vượt Qua của Thiên Chúa. Người phải chiến đấu, là con người, gặp Đấng có thể chiến thắng là Thiên Chúa, và cuộc chiến thắng phát xuất từ đó. Sau tội lỗi thì đây quả thực là tình trạng của con người: “Theo sự công bình, con người lẽ ra phải đảm nhận món nợ và mang lại chiến thắng, nhưng nó lại làm nô lệ cho những kẻ mà nó chống lại. Ngược lại, Thiên Chúa, Đấng có thể thắng, lại không mắc nợ gì con người. Vì vậy, không ai trong hai khởi sự cuộc chiến, và tội lỗi tồn tại. Hơn nữa, chúng ta không thể đạt tới sự sống thật, vì một bên phải mang lại chiến thắng, nhưng chỉ mình bên kia có thể chiến thắng. Do đó, cả hai cần liên kết với nhau, và cả hai bản tính liên kết với nhau nơi chỉ một người : bản tính của người phải chiến đấu, và bản tính của Đấng có thể chiến thắng. Đó là điều đã xẩy ra. Nhân danh mọi người, Thiên Chúa biến cuộc đấu tranh thành của mình : là con người, chính với tư cách con người mà Ngài chiến thắng tội lỗi, trong khi Ngài không có tội lỗi nào, vì là Thiên Chúa” (4).

Thiên Chúa đã vâng lời với tư cách con người. Khi ấy người ta hiểu quyền năng phổ quát của việc cứu độ như thế nào trong lời thưa fiat của Đức Giêsu : chính là hành vi nhân linh của một Thiên Chúa ; chính là một hành vi nhân thần (théandrique). Như lời một Thánh vịnh nói (Tv 95,1), lời fiat này thực sự là “đá tảng ơn cứu độ chúng ta”. Sự cứu độ tất cả chúng ta dựa trên lời thưa này. Không ai có thể đặt một nền móng khác với nền móng này (x.1Cr 3,11). Đụng chạm vào nền tảng này là phá hủy chính những nền tảng của đức tin Kitô giáo, vì lấy mất đặc tính tuyệt đối và phổ quát của chúng.

Nhưng chúng ta hãy trở lại một chút với lời của Đức Giêsu: “Không phải điều con muốn, nhưng là điều Cha muốn”. Cuộc xuất hành vượt qua của nhân loại, vĩnh viễn và phổ quát, xẩy ra trong cuộc vượt qua mầu nhiệm của lời “con” và “Cha” này. Đó là cuộc vượt qua Biển Đỏ đích thực ; một cuộc vượt qua giữa hai bờ cực kỳ gần nhau, nhưng giữa hai bờ lại là một vực thẳm. Quả thực, đây là vượt qua từ ý muốn của con người tới ý muốn của Thiên Chúa. Theo bước Đức Giêsu trong cuộc xuất hành này, chính là vượt qua từ “cái tôi” cũ tới “cái tôi” mới, từ tôi tới các người khác, từ thế gian này tới Chúa Cha.

3. Ghếtsêmani, một cách cắt nghĩa thần bí

Tôi đã nói có một vực thẳm trong cuộc vượt qua từ “con” tới “Cha” trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Để nhìn tới đáy vực thẳm này, dụng cụ phân tích thần học không đủ. Phải có dụng cụ của kinh nghiệm thần bí. Chỉ có kinh nghiệm thần bí có thể giúp ta đoán được lời fiat là cho Đấng Cứu Thế và lời ấy muốn nói gì.

Cách cắt nghĩa thần học hiểu được khía cạnh khách quan hay hữu thể học của kinh nghiệm của Đức Giêsu, nhưng không hiểu được khía cạnh chủ quan hay hiện sinh. Nếu kinh nghiệm của Đức Giêsu tiên vàn là một kinh nghiệm (chứ không phải một sự việc hay một suy luận), người ta hiểu rằng phải trải qua cách này hay cách khác bằng một kinh nghiệm tương tự để có thể hiểu nó. Một vài trang trong Kinh Thánh, như trang nói về Ghếtsêmani hay về việc Đức Giêsu bị cám dỗ, vẫn còn niêm ấn, cho tới khi người ta có thể thấy chúng hiện hình trong cuộc đời các thánh, và như vậy là trong Giáo Hội. Một số học giả tự hỏi : một trình thuật như trình thuật Ghếtsêmani, với nhiều chi tiết tâm lý học, có thể đến từ nguồn nào ; họ còn nghi ngờ ngay cả lịch sử tính của nó. Họ không biết rằng điều được mô tả hầu như không là gì cả ; đó chỉ là những tín hiệu, như những chiếc cọc cắm khoanh một nơi để cảnh báo có hố sâu ở dưới. Người ta chỉ có thể nhìn xuống hố này, xuống vực thẳm này là sự đau khổ tinh thần của Đức Giêsu ở Ghếtsêmani, bằng cách làm nó sống lại trong thân xác mình, hoặc bằng cách lắng nghe điều các nhà thần bí nói, những người Chúa cho phép được sống những đau khổ đó, ít nhất một phần.

Ý tưởng hữu ích nhất để tiếp cận kinh nghiệm Ghếtsêmani có lẽ là ý tưởng về “đêm tối của tâm trí” mà thánh Gioan Thánh Giá nói đến. “Vì Đức Giêsu có một bản tính và một ý chí nhân loại, Ngài cũng có một trung tâm thuộc con người làm chủ hoạt động, chính xác là trung tâm của thụ tạo tự do đứng trước Thiên Chúa, Đấng không thể hiểu nổi. Điều đó cho phép Đức Giêsu cũng có những kinh nghiệm y như chúng ta có về Thiên Chúa, và theo cách còn triệt để hơn, có thể nói là dữ dội hơn. Được như vậy không phải là cho dù, nhưng chính xác là căn cứ vào điều mà người ta gọi là ngôi hiệp” (K. Rahner).

Những cử chỉ của Đức Giêsu ở vườn Dầu là những cử chỉ của một người đang phải lo âu đến chết được : Ngài “quỳ gối”, “sấp mặt xuống đất”, “tới chỗ các môn đệ”, “lại đi cầu nguyện”, “lại đứng lên”, “đi cầu nguyện nữa”. Nhưng có điều chắc chắn : nỗi lo âu này không chỉ do thuần túy thấy trước những đau khổ gần kề gây ra. Chén làm Ngài sợ hãi là chén thịnh nộ của Thiên Chúa, mà có lời chép là nó “phải được các tội nhân uống hết, không chừa cặn” (x.Tv 75,9), hoặc, trong trường hợp này, người uống là người đại diện cho họ. Từ Giêrusalem, bị phạt vì những tội lỗi của nó, các tiên tri nói rằng: “Từ tay Đức Chúa, nó đã uống chén lôi đình, đã cạn chén rượu nồng choáng váng” (Is 51,17). Vậy chén này là cuộc Khổ Nạn, đúng vậy ; nhưng không phải nơi chính nó, nhưng nó là hình phạt vì tội lỗi, hậu quả của tội lỗi.

Nhìn dước góc độ này, sự đau khổ của Đức Giêsu có vẻ do hai sự kiện tùy thuộc nhau gây ra : sự gần gũi tội lỗi, sự xa lìa Thiên Chúa. Trong một cuộc thanh tẩy thụ động, khi Thiên Chúa cho phép một linh hồn được thấy trước mặt tội lỗi riêng của mình, tâm hồn này kinh sợ về tội đó đến chết được. Một tình cảm ghê rợn, đan xen với sợ hãi và thất vọng chiếm lĩnh nó, đến nỗi nó muốn biến đi, tiêu tan đi để khỏi nhìn thấy tội đó trước mắt. Vào lúc này, Đức Giêsu cảm thấy gần gũi, thậm chí “mặc lấy” tội ; và không phải một hay nhiều tội, nhưng là mọi tội lỗi thế gian. Vào lúc này, cho dù Ngài không phạm tội thì vấn đề cũng không có gì khác : tội ấy là của Ngài, vì Ngài đã tự do mang lấy nó: “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể” (1Pr 2,24), “Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5,21). Ngài đã trở nên “đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13).

Hậu quả là sự gần gũi tội lỗi gây ra sự lìa xa Thiên Chúa, việc Thiên Chúa bỏ đi, biến mất, không đáp lời Ngài nữa. Câu: “Lậy Thiên Chúa, Lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46), Đức Giêsu đã kêu lên tận đáy lòng từ lúc ở Ghếtsêmani. Thay thế cho sự hấp dẫn của tình yêu vô biên vốn có giữa Chúa Cha và Chúa Con, giờ đây là sự ghê tởm còn vô biên hơn, vì Thiên Chúa ghét tội vô cùng.

Không có so sánh nào để mô tả kinh nghiệm này. Nếu trong khí quyển, một luồng không khí lạnh và luồng không khí nóng thuần túy chạm nhau, có thể làm thay đổi bầu trời và sinh ra sấm sét, bão tố kinh hoàng, thì điều gì phải xẩy ra nơi linh hồn Đức Giêsu, nơi mà sự thánh thiện của Thiên Chúa bắt gặp sự độc dữ của tội lỗi ? Nơi Ngài, lời Thánh Vịnh sau đây được thực hiện cách mầu nhiệm: “Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang. Sóng cồn theo nước cuốn, Ngài để cho tràn ngập thân này” (Tv 42,8) ; “Bao cơn thịnh nộ Ngài đổ ngập thân con, bấy nỗi kinh hoàng khiến con rời rã” (Tv 88,17).

Chúng ta có còn ngạc nhiên không, khi mà sau đó Chúa đã thốt lên: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được”, hoặc chúng ta có tìm những cách cắt nghĩa dễ dàng tiếng kêu này không, như một số người đã từng làm trong quá khứ ? Sự thánh thiện của Thiên Chúa làm ta thấy rõ tội là gì : một nguy hiểm chết người, một tiếng kêu nổi loạn chống lại Đấng Toàn Năng, Đấng Thánh, Tình Yêu. Thiên Chúa phải lìa xa để người ta hiểu tội là gì, và bản tính thâm sâu của Người được mạc khải, xuyên qua những hậu quả của nó. Khi Thiên Chúa biến đi hoàn toàn, trong đêm tối hoàn toàn của tâm trí, khi ấy thụ tạo hiểu mình đã làm gì khi phạm tội. Linh hồn ra khỏi đó như bị thiêu đốt, hành hạ. Khi mô tả loại kinh nghiệm này, các thánh làm cho người ta phải run sợ. Tuy vậy, thử thách của các ngài không là gì so với thử thách của Đức Giêsu, khi Ngài gánh lấy tội lỗi mọi người. Về thử thách này, người ta đọc được nơi một nhà thần bí: “Để có một ý tưởng về những tra tấn tôi phải chịu và về ước muốn cho tôi được giải thoát, tôi nói rằng tôi thích thay vào đó là cảm được sự dữ, bệnh tật và đau đớn nơi thân xác của mọi người, tôi thích chịu đựng mọi loại tử đạo hơn” (Angêla Folignô).

Thư Do thái nói về Đức Giêsu: “Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Một lời sâu sắc biết bao! Nó có nghĩa là Đức Giêsu, trong kinh nghiệm của mình ở Ghếtsêmani (vì chính nơi đây mà tác giả muốn quy chiếu trong ngữ cảnh này) đã có kinh nghiệm nơi mình về điều mà vâng phục hay bất tuân muốn nói. Ngài đã uống cạn chén đắng tội lỗi. Do đó mà lúc đầu tôi đã nói rằng người ta làm cho mầu nhiệm Vượt Qua hoàn toàn mất ý nghĩa, biến nó thành một vỏ sò trống rỗng, nếu người ta phủ nhận việc Đức Giêsu biết Ngài chết vì tội lỗi thế gian.

Chúng ta nên dừng lại ở đây, không cố đưa tầm mắt đi xa hơn, nhưng là đưa tấm lòng. Giờ đây chúng ta hiểu Đức Giêsu đã trả giá đắt như thế nào khi nói lời fiat, và nói lời đó để được gì. Ngài đã chấp nhận uống chén công bình và thánh thiện của Thiên Chúa vì chúng ta hết thảy. Chắc chắn lời fiat của Ngài cũng quy chiếu về cuộc Khổ Nạn thực sự của Ngài, miễn là người ta hiểu cuộc Khổ Nạn ấy không phải là hậu quả của những lý do tình cờ hay chính trị, nhưng là hậu quả của tội lỗi. Tóm lại, Ngài đã chấp nhận thực hiện số phận Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an” (Is 53,4tt).

Lời “xin vâng” này của con người được một Thiên Chúa thưa lên trong đêm tối tâm trí của nhân tính của Ngài là cần thiết, để chuộc cho tội phản nghịch của bao người kể từ Ađam. Nhưng Ngài đã thực sự chuộc cho tội ấy: “người đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính” (Is 53,5.11).

Ghếtsêmani không kết thúc trong thất bại, nhưng trong chiến thắng. Đức Giêsu xuống ngục tổ tông gặp mọi người, nhưng không mất đi sự phó thác con thảo của Ngài nơi Thiên Chúa, trái lại, Ngài tiếp tục gọi Abba, Cha ơi! Như vậy sự vâng lời của Ngài đã phá hủy hỏa ngục và sự chết, và canh tân sự sống. Ngài đã thực sự “được nhậm lời vì có lòng tôn kính” (Dt 5,7). Tức là vì sự vâng phục của Ngài, và được nhậm lời vượt quá mọi hy vọng. Thiên Chúa đã ban ân huệ cho Ngài nhiều đến độ kể từ Ngài, ân huệ đó tỏa ra trên mọi người ; nơi Ngài, mọi dân tộc được chúc phúc ; nhờ sự vâng phục của Ngài, muôn người đã “thành người công chính” (Rm 5,19).

4. Điều còn thiếu cho sự vâng phục của Đức Kitô

Pascal viết: “Đức Giêsu sẽ còn hấp hối cho đến tận thế” (5). Ông quả quyết như vậy là đúng, nếu người ta nghĩ đến giáo lý về nhiệm thể. Đầu đã sống lại và hiển vinh, nhưng thân còn ở trần gian, đang phải chịu thử thách và lo âu, như vậy là đang hấp hối. Nhưng nếu thân mình đang hấp hối, thì đầu cũng hấp hối, cách bí nhiệm, vì “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1Cr 12,20).

Tuy nhiên, lúc này, điều đó không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là biết Đức Giêsu, đang hấp hối cho đến tận thế, chờ đợi gì nơi ta. Trong cùng một bản văn, Pascal đã trả lời : khóc lóc thương cảm! “Con muốn Ta luôn trả giá bằng máu của ta mà con không khóc sao?”. Dầu vậy, chắc chắn đây không phải là điều Đức Giêsu chờ đợi và mong muốn trước hết. Ngài muốn chúng ta kết hợp với Ngài trong sự vâng phục Chúa Cha ; Ngài muốn chúng ta mang lấy vào thân những gì còn thiếu cho sự vâng phục của Ngài, vì lợi ích của thân thể Ngài là Hội Thánh (x.Cl 1,24). “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35) : người đó thật sự ở bên tôi khi tôi hấp hối và an ủi tôi. Mỗi lần cảm thấy khó khăn khi phải vâng lời, trong thần trí, chúng ta phải chạy tới quỳ bên Đức Giêsu trong vườn Ghếtsêmani, và Ngài sẽ dạy cho ta biết phải làm gì. Hơn nữa, Ngài sẽ vâng lời trong ta và cùng với ta.

Vâng lời không chỉ là nhân đức của người được điều hành, người điều hành cũng phải vâng lời không kém. Quả thực, nơi những người này cũng như nơi Đức Giêsu, “sự vâng lời chủ yếu”, tức vâng lời Thiên Chúa, tỏa sáng. Trước công nghị Do thái, Phêrô tuyên bố phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta (x.Cv 4,19). Chính khi vâng lời Thiên Chúa mà người ta có quyền được người khác vâng lời. Phải như vậy, vì trong vũ trụ cũng như trong Giáo Hội, chỉ có một Ý muốn cai trị mọi loài, và được mọi loài thể hiện trực tiếp hay gián tiếp : ý muốn của Cha trên trời.

Vâng phục Thiên Chúa không phải là một chương trình trừu tượng, hoặc chỉ vâng phục trong một vài trường hợp hiếm hoi ; ngược lại, nó là tổ chức hàng ngày của đời sống Kitô giáo. Mỗi khi đón nhận một thiện ý là chúng ta vâng lời Thiên Chúa. Mỗi khi không chiều theo một “ý muốn xác thịt” là chúng ta vâng lời Thiên Chúa. Không một lúc nào hay hành động nào trong đời sống một người tín hữu mà không thể được biến đổi thành một hành vi vâng phục yêu thương đối với Chúa Cha. Chỉ cần chúng ta tự hỏi với một chút suy nghĩ và nhấn mạnh : Chúa muốn tôi làm gì lúc này và trong hoàn cảnh này ? Chúng ta biết đó là điều Đức Giêsu đã làm, đến nỗi Ngài có thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 4,34).

Niềm vui lớn nhất mà một con người có thể dâng lên Thiên Chúa là chia sẻ vận mệnh của Đức Giêsu, người Tôi Trung của Thiên Chúa”, bằng cách mang lấy “ý muốn vâng phục” của Ngài, đến cực độ, đến độ vâng phục trong sự mờ tối hoàn toàn, như Đức Giêsu đã làm ở Ghếtsêmani. Người tôi tớ Đức Giêsu – tức là người hoàn toàn để Thiên Chúa trong Đức Giêsu xếp đặt cuộc đời mình – nhờ đó mà trở nên giống Đức Giêsu, làm Chúa Cha hài lòng. Lời Chúa Cha có lần phán trên Đức Giêsu trở thành lời phán trên người đó. Đặc biệt lời Chúa Cha nói với Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).

Chúng ta kết luận bài suy niệm này bằng những lời rất quen thuộc trong thư Philip (2,8-11), tóm tắt toàn bộ mầu nhiệm mà chúng ta muốn chiêm niệm. Chúng ta hãy nghe những lời ấy, không phải như những lời do Phaolô nói ra, nhưng như thể chính Thiên Chúa Cha công bố:

“Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu :

Đức Giêsu Kitô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.

Chính vì thề, Thiên Chúa đã siêu tôn Người

và tặng ban danh hiệu

trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,

cả trên trời dưới đất

và trong nơi âm phủ,

muôn vật phải bái quỳ ;

và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,

mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :

“Đức Giêsu Kitô là Chúa”.

----------

(1) St Augustin, Enarr. Ps 120, 6 ; CCL 40, p. 1791

(2) St Augustin, Ep. 55, 14, 24 ; CSEL 34, 2, p. 195

(3) St Maxime le Confesseur, In Matth. 26, 39 ; PG 91, 68

(4)N. Cabasilas, Vie en Christ I, 5 : PG 150, 313

(5) B. Pascal, Pensées, 806

(Raniero Cantalamessa, Le Mystère Pascal, éd. Salvator, Paris, 2000, ch. 2, pp. 29-47)

Lm Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều