“THIÊN CHÚA, CHƯA BAO GIỜ CÓ AI THẤY CẢ”

 

Thiên Chúa hằng sống là Ba Ngôi hằng sống, như chúng ta đã nói lần trước. Nhưng chúng ta đang ở trong thời gian, còn Thiên Chúa, Người ở trong vĩnh cửu. Làm thế nào để vượt qua "sự khác biệt vô hạn về phẩm tính" này? Làm thế nào để bắc cầu nối vực thẳm vô tận này? Câu trả lời là ở trong sự long trọng mà chúng ta sắp cử hành: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và Người đến cư ngụ giữa chúng ta".

Nicolas Cabasilas, nhà thần học vĩ đại người byzantin, đã viết: giữa Thiên Chúa và chúng ta có ba bức tường ngăn cách: bức tường bản tính vì Thiên Chúa là thần trí và chúng ta là xác thịt, bức tường tội lỗi, bức tường sự chết. Bức tường đầu tiên đã bị phá đổ do sự nhập thể, khi nhân tính và thiên tính kết hợp với nhau nơi con người Đức Kitô; bức tường tội lỗi đã bị phá đổ trên thập giá và bức tường sự chết bị phá đổ lúc Ngài sống lại. Đức Giêsu Kitô bây giờ là nơi vĩnh viễn Thiên Chúa hằng sống gặp gỡ con người sống. Nơi Ngài, Thiên Chúa ở xa đã đến gần, là Emmanuel, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta.

Con đường tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống mà chúng ta đã thực hiện trong Mùa Vọng này có một người nổi tiếng đi trước: thánh Bonaventura, với "Hành trình của tinh thần tới Thiên Chúa" (Itinerarium mentis in Deum). Là một triết gia và nhà thần học suy tư, ngài xác định bảy bước giúp linh hồn tiến tới chỗ hiếu biết Thiên Chúa, cụ thể là:

Chiêm ngắm Thiên Chúa qua dấu vết của Người trong vũ trụ.

Chiêm ngắm Thiên Chúa trong dấu tích của Người qua thế giới khả giác.

Chiêm ngắm Thiên Chúa qua hình ảnh của Người khắc sâu trong các quan năng tự nhiên của chúng ta.

Chiêm ngắm Thiên Chúa trong hình ảnh của Người được ân sủng đổi mới.

Chiêm ngắm sự duy nhất của Thiên Chúa bằng danh xưng đầu tiên của Người: Hữu Thể.

Chiêm ngắm Ba Ngôi hồng phúc trong danh xưng của Người: Sự Thiện.

Sự xuất thần thần bí, trong đó tâm trí chúng ta được nghỉ ngơi, và tình yêu hoàn toàn di chuyển tới Thiên Chúa.

Sau khi xem xét các phương tiện khác nhau mà chúng ta có, để nâng cao sự hiểu biết về Thiên Chúa hằng sống, và những "nguồn" giúp chúng ta có thể gặp Người, thánh Bonaventura cuối cùng kết luận rằng phương tiện dứt khoát, không thể sai lầm và đủ, là con người Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân kết thúc khảo luận của mình như sau:

Giờ đây, tâm trí, khi chiêm ngắm tất cả những điều đó, chỉ còn việc là vượt ra ngoài thế giới khả giác, và quả thực vượt ra ngoài chính nó. Trong cuộc vượt qua này, Đức Kitô là đường và là cửa; Ngài là thang, xe chở, nắp xá tội đặt trên Hòm Bia của Thiên Chúa, mầu nhiệm ẩn giấu qua các thế kỷ.

Triết gia Blaise Pascal, trong cuốn "Tưởng niệm" nổi tiếng của ông, đã đi đến cùng một kết luận: Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp "chỉ được tìm thấy trong những con đường mà Phúc Âm đã dạy". Lý do rất đơn giản: Đức Giêsu Kitô là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Chính ở đó mà thư Do thái đặt nền cho sự mới mẻ của Tân Ước: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2)

Thiên Chúa hằng sống không còn nói với chúng ta qua một người trung gian, nhưng là chính Người nói, vì Thánh Tử là "phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Điều này là xét theo quan điểm hữu thể học và khách quan; nhưng xét theo quan điểm hiện sinh hoặc chủ quan, tin quan trọng không phải là con người “dò dẫm” (Cv 17,27) đi tìm Thiên Chúa hằng sống, nhưng chính Thiên Chúa hằng sống xuống thế tìm con người, đến mức biến tâm hồn họ thành nơi cư ngụ cho mình. Từ đây trở đi, người ta có thể gặp Người và tôn thờ Người “trong Thần Khí và sự thật”: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

"Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy"

Người đã xác lập sự thật này tức Đức Giêsu Kitô là Đấng mạc khải tối cao về Thiên Chúa hằng sống và là "nguồn" giúp chúng ta tiếp xúc với Người là Gioan, tác giả sách Phúc Âm. Chúng ta dựa vào Gioan để ngài giúp cho việc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống không chỉ là việc thuần túy “tìm kiếm”, mà còn là một "kinh nghiệm" thực sự, để không chỉ có kiến thức, mà còn có "tình cảm”  sống động về Thiên Chúa.

Để không mất đi sức mạnh và tính trực tiếp của lời chứng được linh hứng của ngài, chúng ta hãy tránh áp đặt một khuôn khổ diễn giải trên các bản văn. Chúng ta chỉ đơn giản duyệt xét những từ ngữ rõ ràng nhất mà Đức Giêsu sử dụng, để thể hiện mình là người mạc khải vĩnh viễn của Thiên Chúa. Mỗi từ này có thể dẫn chúng ta đến bờ vực mầu nhiệm và đưa chúng ta vào một chân trời vô tận.

Ga 1,18: "Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Muốn hiểu rõ ý nghĩa của những từ này, phải nại tới tất cả truyền thồng Kinh Thánh về Thiên Chúa, Đấng người ta không thể thấy mà vẫn sống. Chỉ cần đọc Xh 33,18-20: “Môsê nói: Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài. Chúa phán: Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta sẽ thương ai thì thương, xót ai thì xót. Người phán: Ngươi sẽ không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống”.

Có một vực thẳm giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người bất xứng đến nỗi con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa hoặc nghe tiếng Ngài mà vẫn sống. Vì vậy Môsê (Xh 3,69) và các thiên thần Sêraphim (Is 6,2) che mặt trước Thiên Chúa. Khi đã nhìn thấy Thiên Chúa mà vẫn sống, người ta cảm thấy ngạc nhiên mà biết ơn (St 32,31). Đó là một ân huệ hiếm hoi mà Thiên Chúa dành cho Môsê (Xh 33,11) và Elia (1V 19,11), cả hai sẽ lại được Người cho phép chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Kitô trên núi Tabor.

Ga 10,30: "Tôi và Chúa Cha là một". Đây có lẽ là lời khẳng định mầu nhiệm nhất của Tân Ước. Đức Giêsu Kitô không chỉ là người mạc khải Thiên Chúa hằng sống: Ngài là chính Thiên Chúa hằng sống! Người mạc khải và người được mạc khải là một người duy nhất. Chính từ sự khẳng định này mà suy tư của Giáo hội sẽ đi đến một đức tin đầy đủ và rõ ràng về tín điều Ba Ngôi. Những gì chúng ta dịch bằng từ "một" là một từ trung tính (trong tiếng Hy lạp, unum trong tiếng Latinh). Nếu Đức Giêsu đã sử dụng từ eis giống đực (unus), thì phải nghĩ rằng Chúa Cha và Chúa Con là một ngôi duy nhất, và giáo lý về Ba Ngôi sẽ bị loại trừ tận gốc. Khi nói "unum" (giống trung), các Giáo Phụ sẽ từ đó suy ra chính xác Cha và Con (và sau này là Chúa Thánh Thần) là cùng một bản tính duy nhất, nhưng không phải cùng một ngôi vị duy nhất.

Ga 14,6: “Đức Giêsu đáp: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Chúng ta cần dừng lại ở đây lâu hơn một chút. “Không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy”. Đọc trong bối cảnh đối thoại liên tôn hiện nay, những từ này đưa ra một câu hỏi mà chúng ta không thể yên lặng bỏ qua. Chúng ta nghĩ gì về một phần nhân loại không biết Đức Kitô và Phúc Âm của Ngài? Không ai trong số họ đến với Chúa Cha sao? Có phải họ bị loại ra khỏi sự trung gian của Đức Kitô và do đó khỏi sự cứu độ của Ngài?

Một điều chắc chắn, và tất cả thần học Kitô giáo về các tôn giáo phải bắt đầu từ điểm này: Đức Kitô đã hiến mạng sống mình làm “giá chuộc” vì yêu thương mọi người, bởi tất cả đều là thụ tạo của Cha Ngài và anh em của Ngài. Không có sự phân biệt nào cả. Ít nhất hiến tế cứu độ của Ngài chắc chắn là phổ quát. "Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32); Phêrô tuyên bố trước Thượng Hội Đồng: "Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Một số người, ngay cả khi xưng mình là Kitô hữu, vẫn không thể thừa nhận rằng một sự kiện lịch sử riêng biệt, như cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, đã có thể thay đổi tình hình toàn thể nhân loại trước Thiên Chúa, do đó họ thay thế biến cố lịch sử bằng một nguyên lý phổ quát "vô ngôi", ý tưởng về “Sự Thiện” thay vì “Thiên Chúa”. Tôi nghĩ là họ nên đặt ra cho mình một câu hỏi khác, tức là, liệu họ có thực sự tin vào mầu nhiệm giúp cho tất cả Kitô giáo đứng vững hay sụp đổ: sự nhập thể của Ngôi Lời và thần tính của Đức Kitô. Một khi thừa nhận như thế, một hành động riêng biệt xem ra không còn vô lý nữa. Đúng hơn, nghĩ ngược lại mới là chuyện lạ.

Nếu loại bỏ một phần quá lớn nhân loại, sai lầm lớn nhất không phải là chống lại Đức Kitô hay Giáo Hội, mà là chống lại chính nhân loại này. Phải chăng có thể bắt đầu bằng lời khẳng định rằng “Đức Kitô là lời đề nghị cứu rỗi tối cao, dứt khoát và chuẩn mực của Thiên Chúa cho thế giới”, mà lại không công nhận quyền của mọi người được hưởng lợi từ sự cứu rỗi này?

Nhưng chúng ta có thể tự đặt câu hỏi: có thực tiễn không nếu như tiếp tục tin vào sự hiện diện mầu nhiệm và ảnh hưởng của Đức Kitô trong các tôn giáo có trước Ngài, và không thấy có nhu cầu đón nhận Phúc Âm của Ngài, sau hai mươi thế kỷ? Trong Kinh Thánh có một sự kiện có thể giúp chúng ta trả lời cho vấn nạn này: sự khiêm nhường của Thiên Chúa, sự kiện Thiên Chúa đang ẩn mình. "Lậy Thiên Chúa của Israel, lậy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình”: Vere tu es absconditus (Is 45,15, Bản Phổ Thông). Thiên Chúa khiêm nhường trong việc tạo dựng. Nguời không dán nhãn hiệu của mình lên mọi sự, như cách con người làm. Người ta không thấy viết trên thụ tạo là chúng được Thiên Chúa làm ra. Chính thụ tạo phải khám phá lấy.

Đã phải mất bao lâu để con người nhận ra mình mắc nợ ai để được sống, ai đã tạo ra trời và đất cho họ? Sẽ còn mất bao lâu trước khi mọi người có thể nhận ra điều ấy? Thiên Chúa có thôi là người tạo ra mọi sự chăng? Thiên Chúa có vì vậy mà ngừng tạo dựng muôn loài chăng? Ngài có ngừng dùng mặt trời soi sáng người biết Ngài và người không biết Ngài chăng? Cũng xẩy ra như vậy trong việc cứu chuộc. Thiên Chúa khiêm nhường khi tạo dựng và khiêm nhường khi cứu chuộc. Đức Kitô quan tâm đến chuyện mọi người được cứu hơn là chuyện họ biết ai là Đấng cứu họ.

Tôi nghĩ rằng, còn hơn ơn cứu rỗi của những người chưa biết Đức Kitô, chúng ta nên lo lắng về ơn cứu rỗi của những người đã biết Ngài, nếu họ sống như thể Ngài chưa bao giờ tồn tại, hoàn toàn quên đi phép rửa của họ, xa lạ với Giáo Hội và mọi thực hành tôn giáo. Liên quan đến ơn cứu rỗi của người trước, Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng "Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34-35). Còn thánh Phanxicô Assisi thì đưa ra một quả quyết gần như không thể tin được vào thời của ngài: "Tất cả những gì tốt đẹp trong các tác phẩm này (những tác phẩm ngoại giáo) không thuộc về người ngoại giáo hay bất kỳ ai, mà chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, từ nơi Người phát xuất mọi điều tốt đẹp."[1]

Đấng Bảo Trợ sẽ dẫn đến sự thật toàn vẹn

Nói về vai trò của Đức Kitô đối với những người sống bên ngoài Giáo hội, Công đồng Vaticanô II quả quyết: "Chúa Thánh Thần ban cho tất cả mọi người, theo cách mà Thiên Chúa biết, khả năng được liên kết với mầu nhiệm vượt qua", nghĩa là nhờ công trình cứu chuộc của Ngài (MV 22,5). Chính như thế mà chúng ta đi đến giai đoạn cuối cùng trong hành trình của mình, Chúa Thánh Thần.

Vào lúc cuối đời, Đức Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,12-15)

Trong Chúa Thánh Thần, chính Đức Giêsu còn tiếp tục mạc khải Chúa Cha cho chúng ta, vì Chúa Thánh Thần bây giờ là Thần Khí của Đấng Phục Sinh, Thần Khí theo đuổi và áp dụng công trình của Đức Giêsu ở trần gian. Ngay sau những lời chúng ta vừa nhắc lại, Đức Giêsu còn thêm: "Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở”. Khi nào Đức Giêsu sẽ có thể nói công khai với các môn đệ về Chúa Cha, nếu những lời này thuộc vào số những lời cuối cùng Ngài thốt ra lúc sinh tiền và ngay sau đó Ngài sẽ chết trên thập giá? Ngài sẽ làm điều đó chính xác nhờ Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ sai đến từ Chúa Cha.

Thánh Grêgôriô Nyssê viết: "Nếu chúng ta lấy Chúa Thánh Thần ra khỏi Thiên Chúa, những gì còn lại không còn là Thiên Chúa hằng sống, mà là xác chết của Người".[2] Chính Đức Giêsu giải thích lý do: "Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Áp dụng cho trường hợp của chúng ta, điều đó có nghĩa là: chính Thần Khí ban sự sống cho ý tưởng về Thiên Chúa và thúc đẩy tìm Người. Lý trí của con người không đủ, vì ghi dấu tội lỗi. Thực tế nó vô dụng bởi vì, ngay cả khi khám phá ra có Thiên Chúa, nó vẫn không thể hành xử theo đó, là tôn vinh và tạ ơn Người cho phải đạo, như thánh Phaolô nói (x Rm 1,18 tt). Con người sắp nói về Thiên Chúa, dù với bất cứ tư cách nào, nếu là một tín hữu, thì cần phải nhớ rằng "không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (1Cr 2,11).

Chúa Thánh Thần là "môi trường sống" (Sitz im Leben) đích thực, trong đó tất cả các thần học Kitô giáo đích thực được sinh ra và phát triển. Chúa Thánh Thần là không gian vô hình này, trong đó người ta có thể nhận thấy Thiên Chúa đi qua và trong đó chính Thiên Chúa xuất hiện như một thực tại sống động và tích cực. Thiên Chúa hằng sống, không giống như các ngẫu tượng, là một "Thiên Chúa thở" và Chúa Thánh Thần là hơi thở của Người. Điều này cũng đúng với Đức Kitô. "Trong Chúa Thánh Thần" chỉ ra lãnh vực mầu nhiệm này, trong đó, sau khi Đức Kitô phục sinh, người ta có thể tiếp xúc với Ngài và trải nghiệm hành động thánh hóa của Ngài. Bây giờ Ngài sống "trong Thần Khí" (Rm 1,4; 1Pr 3,18). Trong lịch sử, Chúa Thánh Thần là "hơi thở của Đấng Phục sinh".

Vòm lớn giữa Thiên Chúa và con người không đóng lại và những tia sáng đột ngột chỉ xảy ra trong "từ trường" đặc biệt này được Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống cấu tạo. Chính Người tạo ra nơi sâu thẳm của con người tình trạng ân sủng này mà một ngày nào đó chúng ta có được "sự soi sáng" lớn: chúng ta khám phá ra Thiên Chúa hiện hữu, Người có thật, cho đến khi “chết lặng” vì điều đó.

Đối với những người tìm kiếm Thiên Chúa ở nơi khác, trong các trang sách hoặc lý luận của con người, cần phải nhắc lại những gì thiên thần nói với các phụ nữ: "Sao các bà lại tìm Người Sống giữa kẻ chết?" (Lc 24,5). Thánh Basiliô viết: "sự thân tình với Thiên Chúa" tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần.[3] Điều đó tùy thuộc vào việc Thiên Chúa quen thuộc hay xa lạ với chúng ta, vào việc chúng ta nhạy cảm hay dị ứng với thực tại của Ngài.

Do đó, biện pháp khắc phục là tìm một liên hệ đầy đủ hơn bao giờ hết với thực tại, ngay cả với con người, của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng không hài lòng với một khoa Thánh thần học được đổi mới, nghĩa là một khoa thần học về Thánh Thần, nhưng khao khát biến nó thành một kinh nghiệm cá nhân. Hàng triệu người Kitô hữu trong thời đại chúng ta đã có kinh nghiệm cá nhân này, được gọi là “phép rửa trong Thần Khí”. Một trong những người lần đầu tiên có kinh nghiệm này trong Giáo Hội Công giáo mô tả những hiệu quả của nó như sau:

"Đức tin của chúng tôi đã trở nên sống động; niềm tin của chúng tôi đã trở thành một loại kiến thức. Đột nhiên, siêu nhiên đã trở nên thật hơn tự nhiên. Nói tóm lại, Đức Giêsu là một người sống cho chúng tôi. Hãy thử mở Tân Ước và đọc nó như thể mọi thứ đều đúng theo nghĩa đen, từng chữ, từng dòng. Kinh nguyện và các bí tích đã thực sự trở thành bánh hằng ngày của chúng tôi, và không còn những thực hành đạo đức chung chung nữa. Một tình yêu dành cho Kinh Thánh mà tôi không bao giờ nghĩ là có thể, một sự biến đổi mối quan hệ của chúng tôi với những người khác, một nhu cầu làm chứng và một sức mạnh để làm điều đó vượt ra ngoài mọi mong đợi: tất cả bây giờ là một phần của cuộc sống của chúng tôi. Kinh nghiệm ban đầu về phép rửa trong Thần Khí không mang lại cho chúng tôi cảm xúc bên ngoài đặc biệt, nhưng cuộc sống của chúng tôi hiện đang thấm nhuần sự yên tĩnh, tự tin, niềm vui và bình an. "[4]

"Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm"

Người ta chỉ có thể kết luận một bài suy niệm về vai trò của Đức Kitô, Đấng mạc khải Thiên Chúa hằng sống, cách xứng đáng hơn bằng lời mở đầu của Gioan. Không phải như một đoạn từ Phúc Âm để bình giải sẽ dành cho Giáng Sinh nhưng như một bài thánh thi ca ngợi giờ đây vọt lên từ trái tim của chúng ta đến vinh quang của Ba Ngôi chí thánh. Việc một bộ phận đại diện của Giáo hội, ở một nơi như thế này, tuyên bố niềm tin tuyệt đối vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa và ánh sáng thế gian, có một giá trị cứu rỗi. Đức Kitô đã thiết lập Giáo Hội của mình dựa trên một hành vi đức tin như thế này và Ngài hứa là "quyền lực tử thần sẽ không thằng nổi” (Mt 16,18). Chúng ta cùng đứng lên đọc lời tuyên tín này, với một trái tim kinh ngạc và đầy lòng biết ơn:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không cò người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là anh sáng cho nhân loại… Ngôi Lời lá ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật… Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,1-5; 9-18).

 

[1] Celano, Vita prima, XXIX, 82 (FF 463).

[2] Saint Grégoire de Nysse, De eo qui sit ad imaginem Dei (PG 44, 1340). 

[3] Saint Basile, De Spiritu Sancto, 19,49 (PG 32, 157).

[4] Témoignage rapporté par Patty Gallagher Mansfield dans Comme une nouvelle Pentecôte, EdB 2016.

[5] Jean 1, 1-5 ; 9-18.

 

(R. Cantalamessa, Bài giảng III Mùa Vọng, 21/12/2018, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều